Xu hướng làm quảng cáo Drama của các thương hiệu Việt – đâu là công thức đu trend?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Đối với góc nhìn Marketing, quảng cáo là hình thức truyền tải thông điệp sản phẩm đến người dùng. Còn đối với góc độ người dùng, quảng cáo đơn thuần chỉ là phương tiện giải trí, hoặc “bị bắt phải xem”, việc tiếp nhận thông tin sản phẩm hay không là hệ quả của chất lượng quảng cáo giữa một “núi” thông tin xuất hiện mỗi ngày, chứ không phải là chủ đích của người nghe. Do vậy, một quảng cáo hay và hiệu quả phải thể hiện được thông điệp sản phẩm một cách thu hút, kết nối cảm xúc với người xem.

Một số quảng cáo nhãn hàng băng vệ sinh ở Việt Nam gần đây là những ví dụ điển hình của trào lưu “Drama” giống với nước bạn Thái Lan. Thương hiệu được nhắc đến và đón nhận nhiều tương tác từ người xem là những thành công của trào lưu này mang lại. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến trái chiều về hình ảnh, tính cách thương hiệu ở đâu trong một bể “drama” đó. Vậy đâu là những yếu tố tạo nên hiệu quả cho quảng cáo “Drama”? Hãy cùng Tomorrow Marketers thảo luận nhé.

Thấu hiểu thật rõ tính năng sản phẩm

Là bước khởi đầu buộc-phải-có. Bản thân Marketer phải hiểu thuộc lòng đặc tính và tính năng của sản phẩm. Một quảng cáo hay là lời khen từ phía audience nhưng cái Marketer muốn là thông điệp được hiểu và nhớ, phải được bắt nguồn từ những tính năng cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ.

 “Drama” hóa tính năng

Điểm khác biệt và lôi cuốn của một clip quảng cáo 2 phút kiểu này chính là mạch kịch tích của câu chuyện. Để sáng tạo ra một quảng cáo “Drama”, hãy đặt vai mình là một đạo diễn và việc bạn đang làm là thoả sức sáng tạo, đầu tư thiết kế một thước phim có chiều sâu hơn là thực thi một quảng cáo.

Laurier đã rất thành công khi biết cách dẫn dắt người xem theo mạch cảm xúc của một thước phim hành động. Khán giả hầu như không đoán ngay được clip sẽ quảng cáo cho sản phẩm nào mà dường như đã bị hấp dẫn bởi những phân cảnh hành động không khác gì một bộ phim trinh thám hình sự Mỹ. Điểm đáng chú ý là vũ khí cô nàng sử dụng, là chiếc băng vệ sinh được cường hóa những chức năng siêu mỏng, siêu thấm (tính năng sản phẩm) để hỗ trợ chiến đấu.

Một ví dụ khác, Doctor Care cũng đã rất thông minh khi cường điệu được những tính năng sản phẩm như những giải pháp tối ưu cho từng tình huống nguy kịch. Điển hình chức năng “siêu thấm” được Doctor Care thể hiện “thấm” đến mức hút cạn cả nước sông. Ai cũng biết là hoang đường và “lố bịch” nhưng vẫn tiếp tục xem vì độ “lố” và “liên quan” của nó.

Liên kết với tính cách thương hiệu và đối tượng mục tiêu

“Drama” có thể không có giới hạn, bạn tha hồ thoả sức sáng tạo. Tuy nhiên nếu “drama” theo hướng bất chấp, bỏ qua cả hình ảnh, tính cách thương hiệu, hay thị hiếu của đối tượng mục tiêu thì quả là một sự nguy hiểm lớn. Lúc đó marketer chỉ chạy đi thoả mãn chính “cái tôi” của mình mà quên mất rằng nhiệm vụ của mình là truyền tải thông điệp và xây dựng hình ảnh thương hiệu, góp phần vào thúc đẩy doanh số. Chớ làm “liều”, làm “bậy” bất chấp nhé các marketer.

Tất nhiên với những thương hiệu nhỏ, độ nhận diện thấp, thì chưa có hình ảnh, tính cách nào của thương hiệu được định hình trong mắt người dùng, bạn có thể sử dụng chiêu drama hoá “tới bến” để trước gây được sự chú ý và làm người tiêu dùng “tạm nhớ” tới mình, và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí media từ tương tác tự nhiên.

Lựa chọn thông điệp “đắt giá”

Một khi audience đã chấp nhận xem quảng cáo, hãy tranh thủ ghim lại trong họ thông điệp bạn muốn truyền tải. Text không cần dài lê thê hay đọc liên tục như những TVC trên truyền hình, Marketer cần thể hiện ngắn gọn và rõ ràng thông điệp truyền tải. Chẳng hạn “Siêu mỏng 1mm” hay “Đã thấm phải thấm như Doctor Care”. Hãy để audience dễ nhớ, dễ thuộc tính năng đó bằng cảm xúc hơn là những dòng mô tả vô cảm.

Hơn nữa, một tiêu đề “kích thích” như “Mission Impossible” của Laurier cũng là công cụ giúp quảng cáo được xem, chia sẻ nhiều hơn. Và từ đó thông điệp sản phẩm cũng sẽ được audience chú ý hơn.

Đầu tư vào media

Quảng cáo “shock” cần có không gian thảo luận để lan tỏa. Các Marketer hãy đầu tư thông minh vào các kênh social media để tối ưu độ tiếp cận của quảng cáo mình.
Với số lượng “hóng hớt” và độ ảnh hưởng từ 500 fanpage giải trí, đây chắc chắn là phương án đầu tư không thể bỏ qua đối với hình thức quảng cáo “Drama” này.

“High risk, high return”. Việc cho ra một quảng cáo theo phong cách “Drama” là chuyện không hề đơn giản khi nó đòi hỏi độ sáng tạo cực cao, đặc biệt quan trọng trong khâu thực thi (quay, dựng, hậu kì) nếu không tới sẽ là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, đối với các thương hiệu có túi tiền không quá nhiều và ở giai đoạn cần nhận biết, đây được xem là vũ khí không thể bỏ qua để thu hút được sự chú ý của audience. Chúc các Marketer xây dựng được cho mình những quảng cáo ấn tượng và nhớ đừng quên yếu tố hình ảnh thương hiệu nhé!