Tomorrow Marketers – Viết bài chuẩn SEO là việc tối ưu nội dung để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng một cách hiệu quả nhất và áp dụng các kỹ thuật SEO để cải thiện thứ hạng của bài viết trên trang kết quả tìm kiếm (SERP). Bài viết chuẩn SEO có thể kéo được lượng lớn Organic Traffic (lượng truy cập tự nhiên) từ các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google.
Nói một cách dễ hiểu, bài viết chuẩn SEO phải tối ưu hoá nội dung sao cho vừa chiều lòng được cả người dùng và Google. Vậy tiêu chuẩn của một bài viết chuẩn SEO là gì? Làm cách nào để viết và tối ưu hoá một bài viết chuẩn SEO một cách toàn diện nhất? Ngay bây giờ, hãy cùng Tomorrow Marketers bóc tách toàn bộ vấn đề trong bài viết này nhé.
Tóm tắt nội dung chính:
I. Tiêu chuẩn của một bài viết chuẩn SEO
1.Phù hợp
1.1. Content type (Loại nội dung)
1.2. Content format (Định dạng nội dung)
1.3. Content angle (Các cách tiếp cận nội dung)
Cách 1: Tìm kiếm các tiêu đề phụ phổ biến
Cách 2: Tìm kiếm các chủ đề phụ
Cách 3: Nghiên cứu thủ công các trang top đầu
Cách 4: Nhìn vào các tính năng SERP
II. Kỹ thuật tối ưu hoá nội dung SEO
- Thêm từ khoá vào tiêu đề
- Sử dụng những URL ngắn, tính mô tả cao
- Tối ưu hoá thẻ tiêu đề (title tag)
- Viết một thẻ mô tả meta (meta description) hấp dẫn
- Tối ưu hoá hình ảnh
Hãy cùng đi sâu tìm hiểu chi tiết từng phần nhé!
I. Tiêu chuẩn của một bài viết chuẩn SEO
Trước khi bạn nghĩ đến việc tối ưu hóa ‘kỹ thuật’ như đặt từ khóa ở đâu, bạn cần biết cách để viết bài chuẩn SEO mà Google muốn xếp hạng cao đã. Để làm điều này, bạn cần xác định một từ khóa mục tiêu chính (target keyword).
Dưới đây là bốn yếu tố chính bạn cần tập trung để có được một bài viết chuẩn SEO
1. Phù hợp
Sự phù hợp và mức độ liên quan được coi là yếu tố quan trọng nhất trong SEO. Điều đó có nghĩa là bạn phải định hướng nội dung sao cho ăn nhập với ý định tìm kiếm của người dùng. Nếu bạn thất bại trong việc cung cấp cho người dùng cái họ tìm kiếm, cơ hội được xếp hạng (rank) của bạn là rất thấp.
Không ai hiểu ý định tìm kiếm (search intent) hơn Google, khi có hàng tỷ người cùng sử dụng công cụ này để tìm thông tin mà họ muốn. Vì vậy, điểm khởi đầu tốt nhất chính là phân tích các kết quả những nội dung xếp hạng hàng đầu hiện tại dựa trên “ba chữ C” của ý định tìm kiếm:
1.1. Content type (Loại nội dung)
1.2. Content format (Định dạng nội dung)
1.3. Content angle (Các cách tiếp cận nội dung)
1.1. Content type (Loại nội dung)
Content type thường rơi vào 5 mục sau: bài đăng blog, sản phẩm, danh mục (category), landing page, video. Ví dụ, tất cả các trang xếp hạng top đầu cho từ khoá “váy maxi” đều là các trang danh mục sản phẩm từ các cửa hàng nổi tiếng/trang thương mại điện tử.
Nếu bạn muốn được xếp hạng cho từ khóa này, điều đó khó có thể thực hiện được với một bài đăng trên blog. Người tìm kiếm đang ở chế độ mua hàng (buying mode), không phải chế độ tìm hiểu, học hỏi (learning mode).
Tuy nhiên, đối với một số từ khóa, mọi thứ không phân định rõ ràng như vậy.
Ví dụ, nếu chúng ta xem xét các kết quả xếp hạng hàng đầu cho từ khoá là sách, bạn sẽ thấy kết quả là sự kết hợp giữa các trang thương mại điện tử và các bài đăng trên blog.
Nếu điều này xảy ra, hãy sử dụng khả năng phán đoán, phân tích của bạn. Trong trường hợp này, mặc dù có sự phân chia khoảng 50/50 giữa các bài đăng trên blog và các trang thương mại điện tử trong kết quả, ba trang top đầu là các trang thương mại điện tử. Điều đó cho chúng ta biết rằng hầu hết những người tìm kiếm đang có mục đích mua sắm chứ không phải tìm hiểu thêm về cây. Do đó, cơ hội cao nhất để bạn được xếp hạng với từ khóa này là thông qua một trang thương mại điện tử.
1.2. Content format (Định dạng nội dung)
Định dạng nội dung chủ yếu áp dụng cho các bài đăng trên blog, vì chúng thường là các bài hướng dẫn (how-to), bài báo (article), bài viết thể hiện quan điểm hay bài đánh giá (review),..
Ví dụ: mọi kết quả cho từ khoá “khởi động lại iPad” là các bài hướng dẫn cách thực hiện, bên cạnh những kết quả từ apple.com.
Còn ví dụ với từ khóa “ý tưởng marketing”, hầu hết các kết quả xuất hiện trong top đầu đều được trình bày dưới dạng liệt kê.
Để có cơ hội tốt nhất xếp hạng cho một trong những từ khóa này, bạn nên vận dụng cách triển khai nội dung như những bài viết chuẩn SEO có xếp hạng cao trong trang kết quả tìm kiếm. Hiểu đơn giản, bạn đang cố gắng xếp hạng với nội dung kiểu liệt kê/danh sách như trên nhưng người dùng chỉ muốn tìm cách hướng dẫn cụ thể. Điều này sẽ chỉ là như một cuộc chiến không cân tài cân sức. Vì cho dù nội dung của bạn có tốt đến đâu đi nữa, nó cũng sẽ bị “chìm nghỉm” vì không ai có nhu cầu tìm đọc, hoặc nếu có thì cũng đếm trên đầu ngón tay. Càng làm theo những chỉ dẫn này, khả năng được xếp hạng của bạn càng cao, và việc đi ngược lại sẽ chỉ khiến bạn tự làm khó bản thân mình.
Tuy nhiên, SERP (trang kết quả tìm kiếm) không phải lúc nào cũng rõ ràng và nhất quán như trong các ví dụ ở trên. Ví dụ, bạn lên Google và gõ cụm từ khóa “làm thế nào để tăng lượt xem trên youtube”. Bạn sẽ nhận ra có một sự kết hợp khá đồng đều giữa các bài đăng trên blog ở các định dạng hướng dẫn (how-to) và danh sách (listicle). Tóm lại, tuỳ vào nội dung bạn muốn chia sẻ bên trong, bạn có thể điều chỉnh format triển khai nội dung, miễn sao nó đáp ứng được tiêu chí về từ khoá và khớp với ý định tìm kiếm của người dùng.
1.3. Content angle (các cách tiếp cận nội dung)
Content angle là cách bạn tiếp cận nội dung để thể hiện trực tiếp “selling point” (yếu tố giúp bạn bán hàng). Ví dụ, với từ khoá “macbook tốt nhất”, mọi người rõ ràng đang tìm kiếm các kết quả mới nhất. Vậy nên, các trang web top đầu sẽ ưu tiên hiển thị những nội dung mới nhất có kèm theo năm gần nhất, là 2021.
Bạn cần hiểu rằng content angle không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nếu bạn nhìn vào các kết quả tìm kiếm hàng đầu cho “công thức nấu cơm rang”, bạn sẽ thấy rất nhiều khía cạnh nội dung được khai thác: ngon nhất, dễ làm, phong cách nhà hàng,… Trong trường hợp này, không ai có thể xác định đâu là khía cạnh hoàn hảo nhất. Hãy đi theo angle mà bạn nghĩ là hấp dẫn và có ích nhất cho một người đang muốn tìm cách làm cơm rang.
Lưu ý: Dù việc điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng là rất quan trọng, bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải đi theo số đông. Nếu bạn tự tin rằng mình có thể thu hút được sự chú ý của người dùng với một thể loại, định dạng nội dung hay một cách khai thác khác biệt, hãy cho phép mình được thử nghiệm.
2. Toàn diện
Thực tế, nội dung của bạn đã phù với ý định tìm kiếm là một khởi đầu tốt, nhưng chưa đủ. Để xứng đáng với một vị trí trên trang kết quả tìm kiếm đầu tiên của Google, nội dung của bạn cần thực hiện đúng lời hứa của nó. Và điều đó có nghĩa là nội dung của bạn cần phải bao quát tất cả những thứ người dùng mong đợi được đọc, được xem. Hãy cùng TM tìm hiểu về cách thức làm Content Marketing “chuẩn” qua video ngắn sau đây:
Sau khi xác định được 3 chữ C (content type, content format & content angle), bây giờ bạn đã có được ý tưởng ban đầu về những gì người dùng muốn xem. Ví dụ, nếu bạn đang viết về cách mua Bitcoin và những trang tìm kiếm top đầu đều dành cho người mới bắt đầu (beginner), có lẽ bài viết của bạn không nên đi sâu vào giải thích hệ thống blockchain với hàng tá chi tiết phức tạp.
Tuy nhiên, phân tích ba chữ C chỉ có thể cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quát. Để hiểu rõ hơn nội dung của bạn cần bao quát những gì, bạn phải đào sâu hơn bằng cách phân tích những trang tìm kiếm top đầu có liên quan đến chủ đề của bạn.
Từ khoá ở đây chính là “có liên quan” (relevant). Nếu bạn đang nhắm vào từ khoá “bộ dụng cụ golf tốt nhất” và muốn viết một bài blog về chủ đề đề đó, sẽ rất vô nghĩa nếu bạn mất thời gian phân tích và tham khảo từ các trang thương mại điện tử hay các bài viết về dụng cụ golf riêng lẻ. Bạn cần phải phân tích những trang, những bài viết tương tự và có liên quan đến nội dung của bạn.
Dưới đây là cách bạn có thể thực hiện điều đó:
Cách 1: Tìm kiếm các tiêu đề phụ phổ biến
Hầu hết các trang đều chia một chủ đề thành các chủ đề phụ với các tiêu đề phụ. Những tiêu đề phụ này sẽ cung cấp thông tin chi tiết nhanh chóng về những gì người dùng đang tìm kiếm, đặc biệt nếu bạn nhận thấy các tiêu đề phụ giống nhau hoặc tương tự trên nhiều trang.
Ví dụ: nếu kiểm tra các tiêu đề phụ cho chủ đề chính “on-page SEO là gì” , chúng ta thấy rằng mỗi trang đều có một phần nêu lên định nghĩa trước.
Do tất cả các trang xếp hạng hàng đầu liên quan đều bao gồm yếu tố này (định nghĩa về on-page SEO), bạn có thể đưa ra kết luận rằng đó là điều mà người dùng muốn biết khi họ tìm kiếm thông tin với từ khóa này. Google có lẽ quan sát được những bài viết bao quát được yếu tố này dẫn tới mức hài lòng cao hơn của người dùng, và do đó lựa chọn để xếp hạng những bài viết này cao hơn.
Nếu bạn đang viết một bài báo, bạn cũng có thể xem các tiêu đề phụ để biết thông tin chi tiết về các sản phẩm, dịch vụ hoặc mẹo cụ thể mà bạn có thể muốn đưa vào.
Cách 2: Tìm kiếm các chủ đề phụ
Theo nghiên cứu của Ahrefs với ba triệu truy vấn tìm kiếm, một trang top-ranking còn được xếp hạng bởi rất nhiều từ khóa khác liên quan, thay vì chỉ hiện kết quả lên công cụ tìm kiếm với một từ khoá chính.
Nhiều từ khoá trong này chính là biến thể/ đồng nghĩa của một cụm từ khoá chính. Ví dụ: nếu chúng ta kiểm tra trang xếp hạng hàng đầu với “best golf club sets”, sử dụng Ahrefs Site Explorer và xem báo cáo Organic Keywords, chúng ta sẽ thấy trang này cũng được xếp hạng với các cụm từ như:
- Best set of golf clubs (Bộ gậy đánh gôn tốt nhất)
- Good set of golf clubs (Bộ gậy đánh gôn tốt)
- Best complete golf sets (Những bộ chơi gôn hoàn chỉnh tốt nhất)
Bên cạnh các cụm đồng nghĩa, một số từ khoá sẽ thể hiện các chủ đề phụ (chủ đề con nằm trong những chủ đề rộng lớn hơn). Ví dụ, trang kết quả này cũng xếp hạng những từ khóa khác trong top 10:
- mens golf club sets (bộ đánh gôn cho đàn ông)
- best budget golf clubs (bộ đánh gôn giá hợp lý)
- best amateur golf clubs (bộ đánh gôn nghiệp dư)
Tìm kiếm chủ đề phụ trong số các từ khóa của các trang xếp hạng hàng đầu là một cách tuyệt vời để tìm những thứ bạn muốn đưa vào nội dung của mình.
Cách 3: Nghiên cứu thủ công các trang top đầu
Tìm các tiêu đề phụ và từ khóa phổ biến là cách nhanh nhất để có được một số thông tin chi tiết về nội dung cần đề cập. Nhưng bạn không thể học mọi thứ theo cách đó. Để thực sự hiểu rõ về một chủ đề, không có gì có thể thay thế bằng việc phân tích các trang một cách thủ công.
Nếu mở 3 trang top đầu về các bộ dụng cụ chơi golf tốt nhất, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hầu hết các bộ nổi bật là bộ dành cho người mới bắt đầu với giá dưới 300 đô la. Không có bộ nào trong số này thực sự là “tốt nhất” cả, bởi vì những bộ thực sự tốt nhất sẽ có giá ít nhất là hàng nghìn đô la. Điều này cho chúng ta biết rằng những người tìm kiếm từ khóa này chủ yếu là người mới bắt đầu chơi golf, vì vậy không có ích gì khi cung cấp thông thông tin về những bộ dung cụ cao cấp – thông tin này không hữu ích cho đối tượng bạn đang muốn hướng tới.
Ví dụ, chúng ta thấy rằng hầu hết các trang hàng đầu đều liệt kê các ưu điểm và hạn chế cho từng bộ dụng cụ.
Điều này gợi ý cho chúng ta về bố cục bài viết cũng như những đặc tính về sản phẩm mà người dùng quan tâm tới nhiều nhất. Ví dụ, sau khi tham khảo các trang bên trên, bạn có thể thấy độ bền của túi đựng (bag’s durability) là một “selling point” đáng lưu ý trong thị trường cung cấp dụng cụ chơi gôn.
Đọc thêm: Tận dụng long-tail keyword để tối ưu SEO như thế nào?
Cách 4: Nhìn vào các tính năng SERP
SERP là thuật ngữ viết tắt của cụm từ “Search Engine Results Page” dùng để chỉ những trang kết quả được các công cụ tìm kiếm trả về khi một ai đó thực hiện một truy vấn tìm kiếm (search query).
Bên cạnh việc phân tích các trang cạnh tranh, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm nhiều thông hữu ích thông qua những tính năng SERP như đoạn mô tả nổi bật (meta description) và mục “People also ask” (những chủ đề mọi người cũng hay tìm hiểu).Đây đều là những chủ đề liên quan tới từ khoá mà bạn tìm kiếm ban đầu.
Một ví dụ khác, nếu chúng ta xem kết quả cho từ khoá “cách vung gậy đánh gôn”, chúng ta thấy rằng đoạn trích nội dung nổi bật (featured snippets)* là một video từ YouTube.
Chú thích: Đoạn trích nội dung nổi bật (featured snippet) là các đoạn trích ngắn từ một trang web xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google để trả lời nhanh câu hỏi của người dùng. Nội dung đoạn trích nổi bật được lấy tự động từ các trang đã được Google lập chỉ mục. Các dạng phổ biến nhất của đoạn trích nổi bật là định nghĩa, danh sách, bước và bảng.
Việc Google đẩy xếp hạng hàng đầu cho một video cho thấy rằng, người tìm kiếm muốn tiếp cận các hình ảnh trực quan. Do đó, nếu muốn nhắm đến từ khóa này bằng một bài đăng trên blog, bạn nên thêm các video hoặc hình ảnh vào bài blog của mình.
3. Độc đáo
Cung cấp cho người tìm kiếm cái họ cần là quan trọng, nhưng bạn cũng cần cung cấp những nội dung độc nhất và mới mẻ. Không làm được điều này, nội dung của bạn cũng sẽ chỉ như những trang web khác, không thu hút được người xem nhấp chuột vào.
Các nội dung bên trên đã cho bạn một khuôn mẫu vững chắc cho việc định hướng, nhưng bạn vẫn cần chú ý tới yếu tố sáng tạo nữa. Thực tế, không gian cho sự sáng tạo là điều không thể thiếu trong việc xây dựng nội dung.
Ví dụ: nếu chúng ta xem xét trang kết quả tìm kiếm (SERP) cho từ khoá “các tips phỏng vấn”, mục đích tìm kiếm ở đây rõ ràng là mọi người muốn có một danh sách các mẹo để phỏng vấn thành công.
Hãy cùng xét đến kết quả tìm kiếm ở vị trí thứ hai của Ahrefs.
Trong khi nhiều mẹo trong danh sách được nêu lên trong bài viết này không có gì quá mới nhưng có một mẹo bạn sẽ không thể tìm thấy được những nơi khác, đó là điểm đặc biệt của bài viết.
- Một là nhúng video vào các bài viết có liên quan để lấy lượng truy cập từ Google. Nếu ai đó xem trang của Ahrefs, thấy mẹo nào đó hữu ích và muốn chia sẻ nó với những người khác, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chia sẻ hoặc liên kết đến trang của Ahrefs.
- Sẽ khó hơn để thực hiện điều này với các loại nội dung khác, nhưng nó vẫn khả thi. Ví dụ, ngay cả với những trang danh mục hay sản phẩm, bạn vẫn có thể cải thiện và tối ưu các yếu tố như: Bộ lọc (filter) tốt hơn; Chụp ảnh sản phẩm thu hút hơn; Mô tả sản phẩm độc đáo; Hay đưa thêm reviews từ khách hàng.
4. Rõ ràng
Dù nội dung của bạn có ăn khớp với ý định tìm kiếm hay toàn diện thế nào đi chăng nữa, sẽ chẳng ai đọc nó nếu nó không rõ ràng và dễ đọc. Ví dụ như trang bên dưới: với một “bức tường” đầy chữ và ký tự nhỏ xíu như vậy, liệu ai sẽ muốn đọc chúng chứ?
Dưới đây là một vài gợi ý đơn giản bạn có thể tham khảo để tạo ra những nội dung độc giả muốn đọc:
- Sử dụng tiêu đề phụ mô tả (H2-H6) để phân cấp.
- Sử dụng các gạch đầu dòng
- Sử dụng hình ảnh để tăng tính trực quan
- Sử dụng những từ đơn giản mà mọi người (kể cả người không chuyên về lĩnh vực đó) cũng có thể hiểu được.
- Sử dụng các câu và đoạn văn ngắn để tránh khối lượng văn bản quá dài
- Sử dụng phông chữ lớn để giúp người đọc không bị mỏi mắt.
- Viết theo phong cách nói để khiến nội dung thêm giải trí và kịch tính
Đọc thêm: Copywriting – Làm sao giữ chân độc giả tới cuối bài viết?
Bên cạnh những lời khuyên ở trên, bạn cũng nên đặt những điều ‘cần phải biết’ (need to know) lên trước những điều “biết thì cũng tốt, không biết cũng không sao” (nice to know). Đây được gọi là phương pháp kim tự tháp ngược.
Ví dụ: Ahrefs có một bài viết hướng dẫn về chuyển hướng 301 so với 302 (redirect 301 & redirect 302), có rất nhiều nội dung cần đề cập. Nhưng từ việc phân tích SERP (trang kết quả tìm kiếm), Ahrefs thấy insight rằng: hầu hết những người tìm kiếm chỉ muốn biết sự khác biệt giữa hai loại chuyển hướng này. Vì vậy, mặc dù Ahrefs đã viết một hướng dẫn kỹ lưỡng giải thích nội dung và chi tiết của cả hai loại, họ vẫn đảm bảo tóm tắt sự khác biệt chính trong một câu ở đầu bài đăng.
Nếu bạn không chắc đâu là điều “need to know” và “nice to know” cho chủ đề của mình, hãy tham khảo một lần nữa các kết quả tìm kiếm ở top đầu.
Nếu bạn làm điều này cho từ khoá “bộ dụng cụ chơi gôn” bên trên, bạn có thể thấy rằng hầu hết các bài viết đều liệt kê danh sách tổng quan trước khi đi vào các thông tin cụ thể, ưu điểm & hạn chế của từng lựa chọn. Vậy nên, bạn tốt hơn hết nên đặt phần nội dung này ở trên đầu, để người xem thấy được giá trị bài viết bạn cung cấp phù hợp với mục đích tìm kiếm ban đầu của họ trước đã.
Nếu bạn quan tâm và mong muốn đi sâu hơn về chiến lược SEO và cách viết bài chuẩn SEO, bắt đầu với quy trình nghiên cứu, ideation – chọn ra topic SEO hiệu quả, creation – cách thực hành viết bài chuẩn SEO và distribution – cách phân phối nội dung, hãy tham khảo khoá học Content Marketing của Tomorrow Marketers!
II. Kỹ thuật tối ưu hoá bài viết chuẩn SEO
Tạo ra những nội dung mà Google muốn xếp hạng và người dùng muốn thấy là phần khó nhằn nhất. Bây giờ, bạn chỉ cần tối ưu hoá những yếu tố mang tính kỹ thuật như thẻ meta (meta tag) và đường dẫn URL.
Dưới đây là 6 yếu tố bạn cần lưu ý.
1. Thêm từ khóa vào tiêu đề
Tiêu đề trang thường nằm trong H1 tag. Có lẽ đó là lý do vì sao việc đặt từ khóa của bạn ở trong tiêu đề từ lâu đã trở thành một lời khuyên phổ biến. Vào năm 2020, chuyên gia phân tích John Mueller của Google thậm chí còn khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của việc này.
Tuy nhiên, không phải lúc nào sử dụng từ khóa chính xác trong tiêu đề của bạn cũng là điều hợp lý, đôi khi bạn cần sự điều chỉnh nhất định. Ví dụ, từ khóa chính có thể là “SEO outsourcing”, nhưng tiêu đề của bạn lại là “How to outsource SEO”. Một điều quan trọng nữa là giữ cho tiêu đề của bạn nghe tự nhiên bằng cách sử dụng các liên từ và ngắt từ khi cần thiết.
2. Tối ưu hóa thẻ tiêu đề (title tag)
Có một thẻ tiêu đề hấp dẫn là điều cần thiết vì nó được thể hiện một cách trực tiếp trong các trang kết quả tìm kiếm, một trong những thứ đầu tiên người xem để ý tới nhiều nhất khi họ lướt qua để quyết định đâu là trang web với nội dung phù hợp với ý định tìm kiếm ban đầu của họ.
Đọc thêm: SEO Onpage (Phần 1): Title tags là gì? Tối ưu tiêu đề SEO thế nào cho chuẩn?
3. Sử dụng những URL ngắn, tính mô tả cao
Các đường dẫn URL ngắn và có tính mô tả cao giúp người dùng dễ dàng hiểu được trang của bạn dốt cuộc nói về chủ đề gì trước khi nhấp chuột vào xem tiếp. Việc giữ đường dẫn URL ngắn cũng rất quan trọng bởi Google sẽ ngắt bớt những URL dài khi hiển thị các kết quả tìm kiếm.
Đọc thêm: SEO Onpage (Phần 2): Các bước tối ưu SEO URL
4. Viết một thẻ mô tả meta (meta description) hấp dẫn
Google thường hiển thị mô tả meta của trang dưới dạng đoạn mã mô tả trong các kết quả tìm kiếm. Nói một cách dễ hiểu, đây là đoạn mô tả ngắn gọn và đầy đủ nhất về nội dung chính mà trang web/bài viết muốn truyền tải bên trong.
Thẻ mô tả meta không phải một phải tiêu chí đánh giá xếp hạng (ranking), nhưng nó vẫn quan trọng bởi một mô tả thu hút có thể mang đến nhiều lượt nhấp chuột và từ đó cải thiện phần nào lưu lượng truy cập.
Đọc thêm: SEO Onpage (Phần 3): Meta Description là gì? Tạo meta description chất lượng chỉ với 5 bước đơn giản
5. Tối ưu hoá hình ảnh
Hình ảnh có thể được xếp hạng cao trong mục tìm kiếm bằng hình ảnh (image search) của Google và giúp bạn tăng lượng truy cập. Ví dụ, Ahrefs đã có hơn 4000 lượt truy cập blog thông quan tìm kiếm hình ảnh.
Dưới đây là 2 bước đơn giản để tối ưu hoá hình ảnh của bạn:
Bước 1: Đặt tên hình ảnh phù hợp
Google cho rằng tên tệp (filename) giúp cung cấp thông tin về chủ thể của bức ảnh, do đó đặt tên là “dog.jpg” thì tốt hơn so với “IMG_859045”.
Thông thường, phần lớn máy ảnh và điện thoại thông minh sử dụng những cái tên chung chung cho hình ảnh, và máy tính cũng vậy. Nếu bạn chụp màn hình, bạn sẽ thường được một tệp tên kiểu như Screenshot 2021-01-12.png.
Do đó, bạn cần đặt tên lại cho các hình ảnh dựa trên nhưng tiêu chí dưới đây:
- Ngắn gọn: “black-puppy.jpg” thay vì “my-super-cute-black-puppy-named-jeff.jpg”
- Đừng nhồi nhét các từ khoá: “black-puppy.jpg” thay vì “black-puppy-dog-pup-pooch.jpg”
- Sử dụng dấu gạch ngang giữa các từ: “black-puppy.jpg” thay vì “black_puppy.jpg”
- Tính mô tả cao: “black-puppy.jpg” thay vì “puppy.jpg”
Bước 2: Sử dụng văn bản thay thế (alt text) có tính mô tả cao
Văn bản thay thế (alt text) là một thuộc tính HTML được sử dụng trên thẻ <img> để mô tả hình ảnh. Nó không hiển thị trên trang và trông giống như thế này:
<img src=”https://yourdomain.com/puppy.jpg” alt=”puppy”>
Mục đích chính của văn bản thay thế là cải thiện khả năng tiếp cận cho những người sử dụng trình đọc màn hình (screen reader). Chúng chuyển đổi nội dung trang, bao gồm cả hình ảnh, thành âm thanh. Trình duyệt cũng hiển thị văn bản thay thế thay cho hình ảnh nếu hình ảnh không tải được. Và một điều quan trọng khác, là giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng đọc hiểu nội dung.
Đọc thêm: SEO Onpage (Phần 4) – Thẻ alt là gì? Nâng cấp hình ảnh như thế nào cho chuẩn SEO
6. Thêm liên kết nội bộ (internal link) & liên kết bên ngoài (external link)
Việc liên kết với các nội dung bên trong và bên ngoài website của bạn sẽ giúp người dùng định vị website của bạn dễ dàng hơn và tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích hơn. Chuyên gia phân tích của Google, John Mueller từng chia sẻ: “Liên kết với các website khác là một cách tuyệt vời để đem lại giá trị cho người dùng. Thông thường, các đường link liên kết giúp mọi người tìm được nhiều thông tin hơn và hiểu nội dung của bạn tốt hơn.”
Đọc thêm: Liên kết nội bộ (internal link) là gì? Tại sao nó quan trọng?
Tạm kết
Hiểu thuật toán và biết cách tận dụng các công cụ digital, biết cách lập chiến lược kênh và tối ưu hóa mọi hoạt động là yếu tố quan trọng mà bất kỳ Digital Marketers nào cũng cần nắm chắc.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về các công cụ nghiên cứu khách hàng và phân tích hoạt động trên nền tảng số, các công cụ hỗ trợ lập kế hoạch, cũng như muốn nắm chắc thuật toán của các nền tảng phổ biến như Search Engine, Email hay Social Media, hãy tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers!
Bài viết bởi Ahrefs và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.