Tomorrow Marketers – Đã bao giờ bạn có một ý tưởng Content rất hay, bạn hào hứng lan tỏa điều đó tới mọi người nhưng lại không nhận được sự hưởng ứng? Điều đó đôi khi khiến bạn hụt hẫng, thậm chí nghi ngờ khả năng của mình: Có phải mình viết content “nhạt”? Thực tế, đây là tình huống Content Writers rất dễ gặp phải bởi ý tưởng bạn cho là hay chưa chắc là vấn đề khách hàng quan tâm. Vì vậy, trước khi tìm hiểu “Viết cái gì”, hãy trả lời câu hỏi “Viết để làm gì” và “Tại sao lại viết”!
Cùng lắng nghe chia sẻ của một marketer với 10 năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý về tầm quan trọng của những câu hỏi “tại sao” trong quá trình sáng tạo nội dung nhé!
1. Những câu hỏi “tại sao” là chìa khóa vạn năng của mọi content creator
Từ 10 năm trước, khi bắt đầu làm giám đốc marketing cho một doanh nghiệp thương mại điện tử địa phương, tôi mới lần đầu tiên biết được sức mạnh ghê gớm của hai từ “tại sao”. Khi đó, content marketing mới được biết đến là một công cụ hữu hiệu trong marketing nên chúng tôi bắt đầu xây dựng một trang blog đăng một vài bài viết và những câu chuyện về khách hàng.
Sếp của tôi – tức CEO của công ty – thỉnh thoảng sẽ ghé qua bàn làm việc của tôi với một nụ cười tươi rói và háo hức khoe về một ý tưởng mà ông ý cho là “vô cùng sáng tạo” cho một bài đăng trên blog về một sản phẩm nào đó. Và mỗi lần như vậy, tôi lại nhìn vào sếp và nói: “Nghe cũng được đấy, nhưng mà… tại sao?”
Và câu trả lời mà tôi thường nhận được là “Sản phẩm này đang bán rất chạy mà” hay “Chúng ta chưa có bài viết nào về nó trước đây” hoặc đơn giản là “Tại sao không?”. Đó rõ ràng không phải là những lí do hợp lí để dành hẳn một bài viết về sản phẩm, nên tôi thường không “thấm” nổi những ý tưởng của sếp. Bởi lẽ, điều mà tôi muốn là mọi content mình làm ra đều phải có MỤC ĐÍCH.
2. Sức mạnh của “10 vạn câu hỏi vì sao”
Mười năm sau, khi đã quá hiểu tại sao “tại sao” lại quan trọng đến vậy, tôi luôn định hướng mạch tư duy cho các bài viết trên blog với đích đến là một loạt các câu hỏi “vì sao”.
Trước khi bắt tay vào viết bất cứ một cái gì, nhân viên của tôi thường lần lượt tự đặt cho mình những câu hỏi sau:
- Công chúng mục tiêu của bài viết này là ai?
- Tại sao người đọc muốn share bài này trên trang cá nhân của họ?
- Tại sao lại có bài viết này? Mục đích tồn tại của nó là gì? Bạn viết bài này để làm gì?
- Bạn có thể giúp gì cho người đọc với bài viết này?
Những câu hỏi này giúp các content creator suy nghĩ tỉnh táo trước khi đặt bút viết. Họ sẽ có xu hướng nghiên cứu nhiều hơn, hỏi xin gợi ý từ khách hàng và “bắt trend” kịp thời dù nhiều lúc hơi “tổ lái”. Tất cả những điều này đều đem đến những bài viết thực sự có ích cho mục tiêu của doanh nghiệp.
Đọc thêm: 7 câu hỏi để nghiên cứu người tiêu dùng dành cho content marketer
3. Hãy tự hỏi “tại sao” ít nhất bốn lần
Tôi rất thích dùng các câu hỏi vì sao để thử thách nhân viên mỗi khi họ đề ra một ý tưởng nào đó. Một ý tưởng nghe rất hấp dẫn, nhưng nếu đào sâu thêm có thể thấy đây không phải là thời điểm thích hợp cho những nội dung kiểu này. Hoặc đã có quá nhiều bài viết về nội dung này rồi, nên người đọc sẽ không thấy hữu ích nữa. Cũng có thể là ý tưởng đó đúng chủ đề nhưng khía cạnh khai thác thì chưa thuyết phục.
Nhưng một khi tôi đã “phải lòng” một ý tưởng nào đó, tôi thường đặt ra bốn câu hỏi và bắt mình tự trả lời.
Đầu tiên, tại sao cần có bài viết này?
- Mục đích của bài này là gì? Cung cấp kiến thức, bán sản phẩm, kể một câu chuyện hay… thay đổi cuộc đời người đọc?
- Bạn có biết ai sẽ là người đọc bài của bạn không?
- Bạn muốn người đọc làm gì sau khi xem bài viết của bạn? CTA của bạn là gì?
Tiếp theo, tại sao họ sẽ đọc bài này?
- Điều khiến bài viết của bạn hấp dẫn là gì? Là nhan đề, nội dung hay website mà nó xuất hiện?
- Người đọc liệu có hứng thú với chủ đề này không? Họ đã bao giờ bày tỏ nhu cầu muốn tìm hiểu về nó chưa?
Thứ ba, tại sao lại là chủ đề này?
- Chủ đề đã đủ sâu chưa, hay còn đang quá lan man? Các bài viết khái quát về chủ đề này đã nhiều chưa? Nếu đúng, liệu bạn có nên tập trung vào một khía cạnh cụ thể hoặc một vấn đề gây nhức nhối của chủ đề hay không?
- Hoặc chủ đề này có đang “uyên thâm” quá mức cần thiết hay không? Liệu điều này có làm giới hạn khả năng thu hút người đọc?
- Chủ đề này có liên quan với nhãn hàng của bạn không?
Và cuối cùng, tại sao lại viết về nó vào thời điểm này?
- Chủ đề này có mang tính “mùa vụ” hay không? Có ngày lễ hoặc sự kiện nào sắp diễn ra khiến nó trở nên “đúng bài đúng thời điểm” không?
- Đây có phải vấn đề đang “hót hòn họt” hay không?
- Bài viết này có liên quan mật thiết với một bài nào đó bạn mới đăng hoặc sắp đăng hay không?
- Bài viết này có gắn với một sản phẩm hay tính năng mới sắp trình làng không, hay bạn chỉ muốn nhấn mạnh điểm tốt sẵn có của các sản phẩm?
Đọc thêm: Hãy lên content strategy như một marketing manager, thay vì như một content creator
4. Hỏi tại sao không phải để thách đố bản thân mà là một cách để tiến bộ
Điều quan trọng bạn cần hiểu rõ rằng, việc liên tục đặt ra “10 vạn câu hỏi vì sao” cho bản thân không phải để khiến bạn buồn bực, chán nản vì nhận ra mình không nghĩ ra được những ý tưởng có giá trị cho “bằng bạn bằng bè”. Đừng tức giận ném ý tưởng đó vào sọt rác nếu ý tưởng đó vẫn có tiềm năng trở thành một bài viết tốt dù cho vấp phải một vài vấn đề.
Tiếp theo, hãy bình tĩnh ngồi xuống và tự nhủ: “Được rồi, chắc hẳn vẫn còn cách để tiếp cận với chủ đề này”. Sau đó, hãy định hình lại rõ hơn công chúng mục tiêu bằng câu hỏi: “Ai sẽ muốn tìm hiểu về chủ đề này nhỉ? Họ đang muốn tìm hiểu về khía cạnh nào?”
Nếu bạn thấy những ý tưởng của mình vẫn đang mù mờ, tự hỏi bản thân những câu hỏi cho đến khi bạn có thể giải thích tất cả những khía cạnh của ý tưởng đó, cũng như xác định công chúng mục tiêu và lời kêu gọi hành động (CTA – Call To Action).
Quá trình này ban đầu có thể khiến bạn đau lòng, nhưng một khi bạn tìm ra một ý tưởng đắt giá nhờ quá trình này, bạn sẽ hiểu tại sao tôi lại khuyên bạn phải luôn hỏi “tại sao”!
Đọc thêm: Đo lường hiệu quả của Content Marketing như thế nào?
Tạm kết
Trả lời 4 câu hỏi này là một trong những bước nghiên cứu khách hàng và sản phẩm vô cùng quan trọng trước khi bắt tay sáng tạo nội dung. Điều đáng buồn là hầu hết các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ đang sử dụng đội ngũ Content Marketing như “thợ viết” thay vì sáng tạo nội dung phục vụ mục tiêu Marketing. Vậy đâu là những kỹ năng và kiến thức mà “người thợ viết” này cần trang bị để trở thành một content marketer thực thụ?
Nếu bạn mong muốn trau dồi thêm tư duy làm content bài bản theo quy trình 6 bước (Research – Ideation – Creation – Promotion – Convert to Lead – Measurement), hãy đến ngay với khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!