Dịch Covid-19 và hiệu ứng Domino sụp đổ của các ngành công nghiệp

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, nhiều nước đã đặt ra lệnh hạn chế nhập cảnh, hủy rất nhiều chuyến bay quốc tế và dừng mọi hoạt động du lịch, làm việc tại nước ngoài. Và chỉ hơn nửa năm sau, chúng ta đã chứng kiến sự “thoi thóp” của hàng trăm công ty thuộc một loạt các ngành công nghiệp như hàng không, khách sạn, nhà hàng, và lan rộng tới cả các công ty kinh doanh dịch vụ, sản xuất, xa xỉ phẩm. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu hiệu ứng Domino do dịch Covid-19 gây nên cho các ngành công nghiệp lớn qua bài viết sau đây.

Dịch Covid-19 giáng một đòn trực tiếp lên ngành du lịch

Theo dự báo của nhiều nhà kinh tế, du lịch tuy là một trong những ngành công nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng ổn định nhất, song đây có thể sẽ là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên bởi các cuộc khủng hoảng về kinh tế. Lý do là bởi ai ai cũng có nhu cầu đi du lịch, song nghỉ dưỡng là một khoản chi có thể bị cắt giảm rất nhanh chóng. Nếu tất cả mọi người cùng ngừng đi du lịch vì một cú sốc kinh tế không lường trước được, thì ảnh hưởng sẽ lan rộng tới hầu hết mọi ngành và lĩnh vực kinh doanh, từ sản xuất đến bất động sản, nhà hàng, hàng hóa xa xỉ, dịch vụ tài chính, khiến cho một loạt công ty đứng trên bờ vực phá sản và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Đọc thêm: Khủng hoảng kinh tế hậu Covid-19 và sự ảnh hưởng tới thị trường tuyển dụng 2020 

Điều này đã được chứng minh khi dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành trong những tháng đầu năm 2020. Sự tê liệt của ngành du lịch trên toàn thế giới đã làm ảnh hưởng tới 10% sản lượng kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất vào tháng 7/2020 của Tổ chức Du lịch Thế giới Liên hợp quốc (UNWTO World Tourism), việc đóng cửa biên giới để ứng phó với đại dịch đã khiến lượng khách du lịch quốc tế trong tháng 5 giảm 98% so với năm 2019, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của ngành du lịch thế giới đã giảm tới 320 tỷ USD, gấp ba lần mức thiệt hại do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 gây ra. Theo dự đoán, các quốc gia có tỷ trọng ngành du lịch lớn như Ý, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp sẽ là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. 

Dựa trên ước tính của Tổng cục Du lịch Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Việt thiệt hại tới 7 tỷ USD. Có tới 80-90% số doanh nghiệp du lịch – lữ hành vừa và nhỏ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng. Lượng khách quốc tế giảm tới gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, doanh thu ngành du lịch lữ hành nước ta đã giảm 27,8%, bởi cả khách nước ngoài và khách nội địa đều ngần ngại đi du lịch trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sự bùng phát mạnh của dịch tại trung tâm du lịch Đà Nẵng cuối tháng 7, đầu tháng 8 cũng làm cho tình hình du lịch trong nước trở nên xấu đi rất nhiều, khi Đà Nẵng là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp hè về.

Ngành khách sạn, dịch vụ là nạn nhân tiếp theo

Khi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của mọi người giảm hẳn so với mùa hè năm ngoái, ngành khách sạn và dịch vụ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo thống kê của Hiệp hội Khách sạn và Nhà nghỉ Hoa Kỳ, có tới 45% nhân công làm trong ngành khách sạn tại nước này đã mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thậm chí, đến cả những khách sạn và khu resort cao cấp nhất thế giới như khách sạn Hilton, InterContinental Hotels Group, Marriott, MGM, Universal, Walt Disney cũng đã phải “kêu cứu” trợ cấp từ chính phủ, tạm thời đóng cửa các khách sạn, cắt giảm nhân viên, cắt giảm lương và các chi phí khác để có thể đủ tiền trang trải tài chính. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử của ngành khách sạn, các ông lớn trong ngành phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến các hoạt động kinh doanh rơi vào bế tắc đến như vậy.

Tại Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt tại các tỉnh thành, song ngành khách sạn vẫn đang phải tìm cách hâm nóng lại thị trường sau hơn nửa năm ảm đạm. Công suất hoạt động của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng giai đoạn này ở nước ta chỉ đạt 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính điều này khiến nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm, các công ty, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm nhân viên đến 60%. Không ít nhân sự giỏi chuyên môn trong ngành đã quyết định nhảy việc, thậm chí chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác để trang trải cuộc sống trong thời điểm khó khăn. Do tỉ lệ cạnh tranh cao, nhu cầu tuyển người của doanh nghiệp thấp hơn, lương và đãi ngộ hạn chế, Bộ Công thương đã ước tính sẽ có hơn 80% nhân sự ngành khách sạn mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh

Khi lệnh giãn cách xã hội có hiệu lực, ngành giao thông vận tải, đặc biệt là đường hàng không đã ngay lập tức chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Các công ty đứng đầu trong ngành hàng không như Boeing, Airbus đã phải cắt giảm tới gần 60% nhân sự trên toàn cầu, công suất hoạt động chỉ đạt khoảng 70% so với các năm trước và đang phải đối mặt với hàng loạt đơn hàng bị hủy bỏ khi căng thẳng thương mại giữa châu Âu và Mỹ đang bùng phát. Theo dự báo của IATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế), nếu tình hình dịch bệnh khả quan hơn, thì cũng ít nhất phải tới năm 2024, ngành hàng không thế giới mới có thể hồi phục lại mức của năm 2019.

Tại Việt Nam, cho tới thời điểm này, các hãng hàng không vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ và tăng doanh thu. Đợt sóng Covid-19 thứ hai đúng vào giai đoạn cao điểm của du lịch mùa hè đã dập tắt hy vọng phục hồi của ngành hàng không. Vietnam Airlines thông báo lỗ hơn 15.000 tỷ đồng do dịch Covid-19, VietJet cũng thông báo lỗ kinh doanh lên đến 1.100 tỷ đồng. Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 19/7 đến 18/8, 5 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airways và VASCO chỉ khai thác 16.400 chuyến bay, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính các hãng hàng không Việt Nam sẽ bị thiệt hại hơn 4 tỷ USD trong năm nay.

Ngành bất động sản cũng không nằm ngoài hiệu ứng Domino của dịch Covid-19

Khi hầu hết các công ty chuyển sang làm việc online, địa điểm du lịch, vui chơi giải trí đều ngừng hoạt động, ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Green Street Advisors, giá trị trung bình của bất động sản thương mại ở Mỹ đã giảm 11% kể từ khi đại dịch bùng phát. Khối lượng giao dịch cũng ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ghi nhận thực tế thị trường bất động sản Việt Nam trong dịch Covid-19 cho thấy, nhiều chủ bất động sản phải chấp nhận bán lỗ để trả nợ ngân hàng, thu hồi vốn hoặc lo lắng về việc giá nhà, đất có xu hướng giảm mạnh trong dịp Covid-19. Đặc biệt, với những người đầu tư bất động sản theo kiểu “lướt sóng”, có ít vốn, bắt buộc phải đua nhau hạ giá bán, mong nhanh chóng cắt lỗ. Thống kê quý I-2020 đã chỉ ra lượng tiêu thụ bất động sản đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. 80% sàn giao dịch đóng cửa, hàng loạt nhà môi giới mất việc, chuyển nghề. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà nhà đầu tư và người mua nhà để ở đều gặp khó khăn. Tỉ lệ người mua bị ảnh hưởng do không bán được, giảm thu nhập, không có tiền trả lãi vay ngân hàng,… đang chiếm hơn 30%.

Dịch Covid đòi hỏi các ngành công nghiệp phải thay đổi để thích nghi

Qua hai đợt sóng Covid-19, có thể nói các doanh nghiệp cần làm mới cách làm việc, tái cấu trúc để tồn tại, hướng đến nền công nghiệp bền vững hơn, hiện đại hóa, số hóa để có thể đứng vững trên thị trường. Dù dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được khống chế, sản xuất trở lại ổn định, song nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn bởi có nhiều lỗ hổng trong hệ thống quản trị, khó có thể thích ứng với những tác động tiêu cực bên ngoài. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, nếu các doanh nghiệp không áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình làm việc, chắc chắn sẽ ngày càng thụt lùi và khó trụ vững trên thị trường.

Một số công ty mà chúng ta đã từng biết có thể sẽ không tồn tại nữa. Ngành công nghiệp liên quan đến cho thuê văn phòng, tổ chức sự kiện truyền thống, du lịch theo đoàn, cửa hàng bán lẻ, tiếp thị tại chỗ… sẽ hướng đến một cuộc cải tổ phương diện lớn khi người tiêu dùng vẫn còn khá e dè khi tập trung đông người trong giai đoạn hậu Covid-19. Đồng thời, hành vi của người tiêu dùng trong giai đoạn bình thường mới cũng có nhiều thay đổi: xu hướng học tập, làm việc trực tuyến, mua sắm thương mại điện tử, sử dụng fintech… 

Kỹ năng mới, nghề nghiệp mới, tư duy mới sẽ dần được định hình. Khi kỹ thuật số hoá cao hơn, tự khắc những ngành nghề có thể thay thế bằng tự động hóa và máy móc sẽ không còn nữa, đòi hỏi tất cả mọi người thuộc mọi ngành nghề cần không ngừng học hỏi để thích nghi với yêu cầu mới của thị trường.

Tạm kết:

Thấu hiểu biến động thị trường luôn là bước đầu tiên để các công ty phát triển các chiến lược dài hạn. Đây cũng là nội dung đầu tiên trong khoá học Marketing Foundation trong hành trình trang bị một tư duy nhạy bén của một marketer. Tham khảo khoá học Marketing Foundation để trang bị tư duy Marketing bài bản giúp bạn phân tích thị trường và nắm lấy thời cơ để phát triển sự nghiệp. 

Tagged: