[Góc nhìn] – Dự đoán cuộc chiến giữa hai ứng dụng Grab và Gojek

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Ngày 05/08/2020, Gojek đã chính thức ra mắt và thương trường hứa hẹn chứng kiến cuộc chiến “nảy lửa” giữa hai màu xanh lá Grab và Gojek. Cùng TM phân tích qua “thế sự” của ván bài này theo các phương diện: Cấu trúc sản phẩm (Product Structure), Nhà đầu tư (Investor) và Con người (CEO) nhé!

Sản phẩm đều là siêu ứng dụng

Có một điểm chung giữa Grab và Gojek đó là cả 2 ứng dụng này không chỉ đơn thuần là gọi xe. Họ là siêu ứng dụng.

Có mặt trên 8 thị trường là Singapore,  Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia, Grab vẫn triển khai những dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn, xe ôm, taxi, ô tô và chưa có sự thay đổi nào gần đây. 

Trong khi đó, ngoài những chức năng tương tự Grab đã có mặt tại Việt Nam, Gojek trên thế giới có khai thác dịch vụ đặc biệt như Go-shop, Go-mart, Go-massage, Go-medicine,…Dù hoạt động trên ít thị trường hơn (chỉ có 4 quốc gia là Indonesia, Việt Nam, Singapore, Thái Lan – đang chuẩn bị vào thị trường Phillipines) nhưng số lượng người dùng cũng không phải là khoảng cách quá khác biệt. Chắc chắn trong thời gian tới Gojek sẽ tập trung mở rộng user base ở Việt Nam. 

Một điểm cộng lớn cho Gojek khi bỏ GoViet, sử dụng một app mang tính toàn cầu để có thể triển khai được những dịch vụ mới, mở rộng ra các thành phố mới hoặc tùy chỉnh các tính năng trên các sản phẩm hiện hữu của mình một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều, không mất thời gian chuyển giao giữa App mẹ (Gojek) và App con ở VN (GoViet).

Đều có nhà đầu tư “máu mặt chống lưng”?

Một startup công nghệ hiển nhiên cần có các nhà đầu tư để vừa có được nguồn vốn lớn cho “scale up” lại vừa được tư vấn về kinh nghiệm chiến trường. 

Vào tháng 2/2019, Grab cho biết trong vòng gọi vốn, startup này đã kêu gọi được 4,5 tỷ USD đầu tư từ nhà sản xuất ô tô Toyota và Hyundai, gã khổng lồ phần mềm Microsoft, quỹ đầu tư Ping An Capital của Trung Quốc và Oppenheimer Funds của Mỹ. Tuy nhiên nhà đầu tư lớn nhất vẫn là 1,46 tỷ USD từ Softbank  – Tập đoàn Nhật Bản do tỷ phú Masayoshi Son làm Giám đốc điều hành với quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới mang tên Vision Fund (100 tỉ đô).

Theo Financial Times, vào tháng sáu năm nay, Facebook, PayPal, Google, Tencent và nhiều công ty khác đã trở thành những nhà đầu tư mới nhất của Gojek. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Facebook vào một doanh nghiệp có trụ sở tại Indonesia. Mục tiêu là tạo cơ hội kinh doanh mới cho Facebook, đồng thời hỗ trợ Whatsapp – dịch vụ phổ biến của Facebook tại quốc gia này. Cũng nằm trong một phần của thỏa thuận thương mại, các tính năng thanh toán của PayPal sẽ được tích hợp vào các dịch vụ của Gojek, và hai công ty cũng sẽ hợp tác để cho phép khách hàng của GoPay – ví điện tử của Gojek – có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 25 triệu đối tác nhà hàng của PayPal trên toàn thế giới. 

Khi được “chống lưng” bởi những nền tảng media “siêu to khổng lồ” như Facebook, Google, chưa kể tới tập đoàn công nghệ số 1 châu Á và Trung Quốc là Tencent, không sai khi nói Gojek có thể là mối đe dọa đối với Grab vì tập đoàn này có cơ hội “thừa hưởng” kho dữ liệu người dùng lớn và thế mạnh truyền thông tiềm năng – thứ góp phần giúp tăng độ phủ sóng của Gojek ngày một lớn.

Dẫn dắt bởi hai CEO với hai màu sắc khác nhau

CEO hiện tại của Grab là Bà Nguyễn Thái Hải Vân với 18 năm phát triển sự nghiệp tiếp thị tại tập đoàn FMCG Unilever danh tiếng ở vị trí Vice President of Marketing & Media. Bà đã dẫn dắt nhiều thương hiệu trở thành biểu tượng như Sunlight, Dove, Clear, OMO…ở cả thị trường Việt Nam và Châu Á Thái Bình Dương. Bà là số ít các Marketer lão làng hiện nay trên thị trường có dày dặn kinh nghiệm ở cả mảng Marketing & Brand Management và Digital Performance. Có thể nói, việc Grab chọn một Marketer với nhiều kinh nghiệm về Portfolio Management để quản lý hệ sinh thái dày đặc sản phẩm của mình, và chọn một người Việt Nam am hiểu thị trường nội địa để kế nhiệm các vị CEO nước ngoài trước đây thể hiện tham vọng cực lớn cho thị trường 100 triệu dân.  

Còn với Gojek, ông Phùng Tuấn Đức – tu nghiệp tại Trường Wesleyan tại Mỹ với suất học bổng Freeman trị giá 200.000 USD. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về đầu quân cho Adayroi, website thương mại điện tử của VinCommerce. Ông từng là giám đốc mảng Online Groceries, mũi nhọn tạo nên sự khác biệt tiên phong và cạnh tranh của Adayroi.com. Tại đây, ông là người đã xây dựng hệ thống, quy trình và ứng dụng công nghệ mobile vào việc xử lý đơn hàng, giúp Adayroi.com trở thành một trong số ít những trang thương mại điện tử trên thế giới kinh doanh thành công thực phẩm tươi sống ở quy mô lớn. Chính những kinh nghiệm về công nghệ và vận hành của CEO Gojek là lý do Grab cũng phải e dè khi tập đoàn này quay trở lại chơi lớn. Theo Nikkei, ông Phùng Tuấn Đức cũng chính là Co-founder và former COO của GoViet có lẽ cũng là người hoàn hảo nhất để dẫn dắt Gojek Việt Nam ở thời điểm hiện tại. 

Dự đoán về cuộc chiến trong thời gian tới (giới hạn trong góc nhìn của Tomorrow Marketers)

Grab sẽ tập trung tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng để tạo sự khác biệt (vì đã có user base đủ lớn) và tăng Media Spend để Gojek không chiếm lấy được Share of voice. Grab sẽ tăng trở lại các mức Promotion (nhưng chỉ ở mức medium level) để hạn chế sự mở rộng của Gojek. Grab sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào Grab Food (trong cả bối cảnh GoFood sẽ có thể là product chiến lược của Gojek, chưa kể tới NOW và Baemin cũng đang làm cho cuộc chơi thêm khốc liệt). Bạn có thể dễ quan sát thấy đầu năm 2020 Grab dường như không có bất kỳ khuyến mãi nào nhưng từ khi “đánh hơi” được đối thủ đang bắt đầu tuyên chiến, Grab đã mang các mã khuyến mãi trở lại dày đặc hơn.

Hiển nhiên, khi mới tái tung, Gojek sẽ đẩy mạnh mặt truyền thông và khuyến mãi để từ đó mở rộng được thị phần của mình, đặc biệt sẽ tập trung vào Gobike và Gofood. Mức media spend chắc chắn ở mức cao, một vài ngày gần đây bạn cũng có thể thấy điều này trên cả Facebook và Google. Và cũng sẽ không có gì là ngạc nhiên khi Gojek sẽ liên tiếp tung ra các ưu đãi hời vì Grab đang có nền tảng người dùng trung thành lớn và thứ dễ nhất khiến khách hàng chuyển từ Grab qua Gojek chính là khuyến mãi (nhưng cũng là tốn kém nhất nên sẽ không kéo dài quá lâu tới khi user base đủ lớn). Ngoài ra, theo nghiên cứu của Nielsen, trong thời điểm dịch bùng phát, 25% người dùng tăng hoạt động mua bán online và 25% giảm hoạt động ăn uống bên ngoài, từ đó có thể thấy nhu cầu về mặt shipping (đồ ăn, hàng hoá…) bắt đầu tăng cao nên chắc hẳn dù là Grab hay Gojek đều không thể bỏ qua giai đoạn vàng này.

Đọc thêm: Amazon đã phát triển hệ sinh thái của mình như thế nào?

Tạm kết

Tổng kết lại, trận chiến giữa Grab và Gojek rất đáng để cho các Marketer quan sát và học hỏi. Không những thế, sự tham gia của Gojek có thể coi là tin tốt vì nếu Grab độc quyền trên thị trường, người bị ảnh hưởng nhất không ai khác là người dùng vì thậm chí khi họ ngừng cung cấp khuyến mãi hay tăng giá, ta cũng không hề có lựa chọn thứ 2 ngoài Grab. Hy vọng trong thời gian tới Be, Fast Go và các doanh nghiệp nội địa cũng sẽ có sự “bùng lên” mạnh mẽ hơn, không để thị trường nội địa bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Tìm hiểu khoá học Marketing Foundation để khám phá các cuộc chiến của các thương hiệu xuất phát từ tư duy Marketing nền tảng.