Tomorrow Marketers – Nhắc tới SEO, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến những công cụ như Ahrefs hay SEMrush. Tuy nhiên, theo WordStream các công cụ này chỉ có thể thống kê được khoảng 30 – 40% trong tổng số thứ hạng từ khóa được xếp hạng của website. Chỉ sử dụng các công cụ này, bạn sẽ dễ bỏ lỡ những từ khóa tiềm năng, có thể mang lại lượt traffic lớn.
Trong bài viết này, hãy cùng TM khám phá thêm công cụ Google Search Console của Google, và cách bạn có thể tận dụng công cụ này để tối ưu traffic cho website nhé!
Google Search Console là gì?
Google Search Console là một công cụ miễn phí của Google giúp bạn đo lường và phân tích hiệu suất SEO của website.
Dưới đây là 3 tính năng chính mà bạn có thể làm với Google Search Console:
- Sửa các lỗi Google tìm được khi thu thập dữ liệu từ các trang
- Gửi những nội dung mới để Google lập chỉ mục nhanh hơn
- Theo dõi hiệu suất tìm kiếm của website theo truy vấn, trang, quốc gia, thiết bị,…
Bạn có thể xem chi tiết về các tính năng cơ bản của Google Search Console video dưới đây:
Bạn không cần phải cài Google Search Console để có thể SEO website trên Google, nhưng việc sử dụng công cụ đúng cách sẽ giúp bạn biết được cần phải làm gì để tăng sự hiện diện của website trên trang kết quả tìm kiếm, từ đó thu hút thêm traffic vào website.
Hướng dẫn thiết lập công cụ Google Search Console
Thiết lập tài khoản & Xác minh quyền sở hữu trang web
Để bắt đầu cài đặt và sử dụng Google Search Console, bạn truy cập vào đường link của Google để đăng ký tài khoản Search Console.
Tại đây bạn sẽ thêm trang web của mình vào Google Search Console. Có 2 cách để thêm:
- Domain (tên miền): Tùy chọn này sẽ cho phép thêm tất cả các đường dẫn trên tất cả các tên miền phụ của bạn (m., www., https://, https://, …)
- URL prefix (Tiền tố URL): Cho phép bạn thêm URL chính xác của trang web
Bạn có thể sử dụng một trong hai cách tùy ý, nhưng trong bài viết này TM sẽ hướng dẫn bạn cách xác minh toàn bộ tên miền (Domain) thông qua DNS.
Bước 1: Nhập tên miền, sau đó nhấn Continue, Google Search Console sẽ hiển thị hướng dẫn chi tiết về cách xác minh tên miền. Ở các bước sau, chúng ta sẽ lần lượt làm theo các bước được hướng dẫn tại đây.
Bước 2: Đăng nhập vào công cụ quản trị website hosting cPanel, sau đó tìm kiếm công cụ Zone Editor.
Bước 3: Nếu bạn có nhiều tên miền, hãy nhấn chọn tên miền mà bạn muốn thêm vào Google Search Console, sau đó chọn Manage > Add Record
Bước 4: Copy dòng TXT record mà Google Search Console cung cấp vào mục Record, ở mục Type chọn TXT, sau đó nhấn Save Record.
Bước 5: Quay lại Google Search Console và ấn Verify. Bạn sẽ thấy có một thông báo tài khoản đã được xác minh thành công như dưới đây.
Vậy là bạn đã thành công đăng ký tài khoản và xác minh quyền sở hữu trang web rồi. Sau khi xác minh toàn bộ tên miền, nếu muốn xác minh URL chính xác (URL prefix), bạn có thể xác minh một cách nhanh chóng mà không cần phải trải qua các bước xác minh.
Đọc thêm: Làm thế nào để thiết lập một trang blog?
Thêm sơ đồ trang web (sitemap) trên Google Search Console
Thêm sơ đồ trang web hay sitemap vào Google Search Console là cách nhanh chóng nhất để giúp Google xác định được đâu là những nội dung quan trọng trên trang web của bạn, từ đó ưu tiên thu thập thông tin và index những trang đó.
Để thêm sitemap vào trang, truy cập vào phần Sitemaps trong Google Search Console, sau đó paste đường dẫn của sitemap vào và ấn Submit.
Một số nền tảng xây dựng website sẽ tạo sẵn sitemap cho trang web của bạn. Nếu bạn sử dụng WordPress, bạn có thể cài plugin Yoast SEO, bật tính năng XML sitemaps để phần mềm giúp bạn tạo sitemap.
Thông thường sitemap URL sẽ có dạng:
- yourdomain.com/sitemap.xml hoặc
- yourdomain.com/sitemap_index.xml
Đọc thêm: Wix và WordPress – Bạn nên lựa chọn nền tảng nào để xây dựng website
Thêm người dùng vào Google Search Console
Ngoài ra bạn cũng có thể thêm người dùng và phân quyền cho họ quyền truy cập một phần hoặc toàn bộ dữ liệu trong Google Search Console.
Có 3 loại phân quyền:
- Owner: Có toàn quyền kiểm soát trong Search Console, bao gồm cả quyền thêm và xóa người dùng khác, chỉnh sửa cài đặt, xem toàn bộ dữ liệu và sử dụng các công cụ.
- Full user: Có quyền xem tất cả dữ liệu và thực hiện một số thao tác.
- Restricted user: Không xem được tất cả dữ liệu, mà chỉ có thể xem được những dữ liệu cơ bản được cho phép
Bạn có thể xem hướng dẫn Quản lý người dùng và quyền của Google để tìm hiểu thêm.
Để thêm người dùng vào Google Search Console, truy cập vào Setting > Users and permissions > Add user
Sau đó điền địa chỉ email, lựa chọn cách phân quyền, sau đó nhấn Add để thêm người dùng.
Bạn cũng có thể thu hồi quyền hoặc thay đổi quyền truy cập của những người dùng này bất cứ lúc nào bạn muốn.
Tận dụng công cụ Google Search Console để tối ưu traffic cho website như thế nào?
Tìm ra các từ khóa có lượng traffic tiềm năng
Có một thực tế là bài viết càng ở những thứ hạng thấp thì càng nhận được ít lượt nhấp chuột và traffic từ trang kết quả tìm kiếm. Theo thống kê mới nhất từ Advanced Web Ranking, một website đứng thứ 2 có thể nhận được khoảng 14.5% tổng lượt click vào website, trong khi chỉ có khoảng 4% người tìm kiếm nhấp vào website ở vị trí thứ 5.
Giả sử một từ khóa có 1000 lượt tìm kiếm mỗi tháng, nếu bài viết của bạn đứng ở vị trí thứ 5 với từ khóa này, bạn sẽ chỉ nhận được 40 traffic mỗi tháng, nhưng nếu cải thiện thứ hạng từ 5 lên 2, bạn sẽ có thể tăng gấp 3 lượt traffic vào trang mỗi tháng (~145 traffic).
Để tìm ra những từ khóa này, bạn truy cập vào phần Performance trong Google Search Console, chọn Queries, bảng thống kê của Google Search Console sẽ cho bạn một danh sách các từ khóa đang xếp hạng trên website.
Từ danh sách này, bạn sẽ chọn ra các từ khóa đang đứng ở những vị trí từ 3 – 8 và đã có một lượng traffic tương đối để tối ưu.
Ví dụ: Keyword “local seo” có vị trí trung bình là 7.6 nhưng lại mang đến hơn 1193 lượt clicks trong 3 tháng, tương đương với gần 400 lượt clicks mỗi tháng.
Bạn tiếp tục nhấn vào keyword đó, để xem từ khóa đang được xếp hạng nhờ bài viết nào. Nếu từ khóa được xếp hạng bởi bài viết có cùng chủ đề hoặc những chủ đề liên quan, bạn có thể tối ưu thêm để tăng thứ hạng của bài viết nhờ vào việc thêm nội dung, tối ưu onpage, thêm internal link, backlinks, cải thiện tốc độ tải trang,….
Đọc thêm: Làm thế nào để tối ưu hóa content trên website của bạn?
Dự đoán những topics trending
Việc tìm ra những chủ đề có xu hướng trở thành trend và đẩy các bài viết để ôm từ khóa, là một cách hiệu quả được đơn vị làm SEO sử dụng để “đi tắt đón đầu”, nhằm thu về một lượng traffic lớn khi từ khóa đó thật sự được nhiều người dùng tìm kiếm.
Ví dụ: Ngay khi iPhone 14 ra mắt, các website bán điện thoại như thegioididong, topzone, xtmobile đã lập tức lên các bài viết để chiếm những thứ hạng cao với keyword “iphone 15”. Khi iPhone 15 thật sự ra mắt, và có một lượng tìm kiếm lớn từ người dùng, các trang web này sẽ chiếm được lợi thế lớn, và thu được nhiều lượt traffic so với những trang web đến thời điểm đó mới bắt đầu lên bài.
Ngoài cách sử dụng kinh nghiệm cá nhân để dự đoán những từ khóa có khả năng trở thành xu hướng, bạn cũng có thể tận dụng Google Search Console xác định xu hướng tìm kiếm của từ khóa.
Để tìm các từ khóa có xu hướng trending, bạn truy cập vào Performance > Pages. Sau đó lọc theo chỉ số Impression từ cao nhất đến thấp để xem trang nào đang được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm nhiều nhất.
Lựa chọn trang có kết quả tìm kiếm nhiều nhất và nhấn vào xem chi tiết các từ khóa của trang đó. Chỉnh sửa phần filter theo thời gian thành “Compare last 3 months to previous period”.
Bạn sẽ xem được xu hướng thay đổi trong lượt hiển thị (Impression) của từng từ khóa. Nếu từ khóa có impression thấp trong 3 tháng trước đó (previous 3 months) nhưng lại có impression cao hơn hẳn trong 3 tháng gần đây (last 3 months), đây là dấu hiệu cho thấy website của bạn đang được xếp hạng cho các từ khóa mới, hoặc từ khóa này đang có nhiều lượt tìm kiếm mới hơn so với quá khứ, đây có thể là một từ khóa tiềm năng mà bạn có thể khai thác.
Đọc thêm: Keyword Research: Nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho SEO và PPC với Google Keyword Planner
Phát hiện lỗi & cải thiện tình trạng index
Việc Google không thể index, dẫn đến website không hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm của Google cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến traffic của website.
Việc này có thể đến từ một số nguyên nhân như: người dùng quên xóa tag no-index, sử dụng plugin chặn bot của Google, link bị lỗi 404,…
Bạn có thể tìm thấy những lỗi này bằng cách nhấp vào Indexing > Pages, Google Search Console sẽ hiển thị chi tiết lý do tại sao một số trang chưa được lập chỉ mục. Dựa vào đây, bạn có thể sửa dần từng lỗi để cải thiện tình trạng index của trang.
Đọc thêm: SEO audit: “Khám tổng thể” website chỉ trong 1 giờ đồng hồ
Phát hiện các trang không mang lại traffic và loại bỏ
Do nguồn lực có hạn, Googlebot sẽ không thu thập dữ liệu trên toàn bộ website của bạn, mà chỉ ưu tiên cho một số lượng trang nhất định. Vì vậy, nếu Google dành hết crawl budget để thu thập dữ liệu từ những bài viết không có nhiều traffic, những bài viết mới có thể bị Googlebot vô tình bỏ qua. Việc không được thu thập dữ liệu và lập chỉ mục sẽ khiến các bài viết mới không thể hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm, làm mất đi nguồn traffic mới vào website.
Google Search Console có thể được sử dụng để giúp bạn tìm ra những bài viết không có, hoặc có rất ít lượt xem trên website của bạn.
Truy cập vào Performance > Pages. Sau đó lọc chỉ số Impression và click từ thấp đến cao để tìm ra các trang ít được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm và ít lượt click vào.
Bài có thể điều hướng người dùng sang một bài viết khác có nội dung liên quan, hoặc xóa các bài viết này. Tuy nhiên, trước khi xóa hoặc điều hướng bạn cần lưu ý loại bỏ hết internal link trỏ về bài viết để đảm bảo không còn traffic vào bài viết.
Đọc thêm: Làm gì khi blog bỗng nhiên sụt giảm traffic? 6 bước chỉ dẫn chi tiết giúp bạn khắc phục vấn đề này
Tạm kết
Vậy là TM đã vừa hướng dẫn bạn cách thiết lập, liên kết tài khoản Google Search Console với website, cũng như cách bạn có thể tận dụng công cụ này để tối ưu traffic. Hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong quá trình làm SEO.
SEO không phải trò chơi dành cho một người. Ngoài nắm rõ tình trạng hiện tại của bản thân, bạn sẽ cần hiểu đối thủ đang làm những gì, có đang hiệu quả hay không, từ đó tính toán được mình cần làm những gì để vượt mặt đối thủ, cải thiện thứ hạng cho website.
Nếu bạn mong muốn trang bị tư duy nghiên cứu đối thủ trên môi trường digital, cũng như hệ thống hóa kiến thức về các nền tảng digital marketing nhằm kết hợp và hỗ trợ cho SEO hãy tham khảo ngay khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé!