Tomorrow Marketers – TikTok – điểm đến hàng đầu cho các video dạng ngắn trên thiết bị di động, đang dần trở thành nền tảng digital được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, vì TikTok for Business là một tính năng khá mới tại Việt Nam, không ít thương hiệu chưa thật sự hiểu rõ về các chiến lược Marketing hay các loại quảng cáo trên nền tảng này. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu kỹ hơn về mô hình kinh doanh của TikTok và cách các thương hiệu có thể tận dụng ứng dụng này.
Tổng quan về TikTok
Thị trường quốc tế
Hiện TikTok đã có mặt trên 150 quốc gia, với 75 ngôn ngữ khác nhau được người dùng trên thế giới sử dụng. Số người dùng TikTok hàng tháng đã lên tới khoảng 805 triệu người, với lượt xem là 6,700,000 lượt mỗi phút.
Ngoài ra, trong tháng 2/2020, TikTok đã trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên mọi cửa hàng ứng dụng, bao gồm App Store và Google Play, vượt mặt những nền tảng nổi tiếng khác như Facebook, Instagram, WhatsApp.
Theo SensorTower, số lượt tải TikTok lên đến 113 triệu lần trên toàn cầu vào tháng 2/2020 – thể hiện mức tăng trưởng 96% và thành lập một kỉ lục lượt download hàng tháng mới.
Thị trường Châu Á
Trong tháng 4/2020, tại các thị trường Đông Nam Á, TikTok đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể về lượt người dùng hàng tháng (MAU – Monthly Active User) và tính tích cực tương tác của người dùng với sản phẩm. Vào tháng 1, số lượng MAU tại thị trường này lên đến 105,7 triệu người, với trung bình 57 phút sử dụng ứng dụng mỗi ngày.
Đọc thêm: Growth Study – Tik Tok trở thành cơn bão càn quét toàn Châu Á bằng cách nào?
Thị trường Việt Nam
TikTok đã và đang phát triển vô cùng lớn mạnh tại Việt Nam. Trong quý 1/ 2019, TikTok đã đạt con số 12 triệu người dùng tích cực mỗi tháng. Ngoài ra, theo WeareSocial & Hootsuite, TikTok xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng các kênh mạng xã hội được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Tính đến tuần thứ 11 năm 2020, một vài thể loại video TikTok phổ biến tại Việt Nam theo thứ tự từ trên xuống dưới là:
- Giải trí
- Lối sống (Lifestyle)
- Thể thao và hoạt động ngoài trời
- Biểu diễn nghệ thuật
- Du lịch và khám phá
- Học tập
- Thời trang và sắc đẹp
- Sáng tạo
Hình thức ứng dụng TikTok
Giao diện ứng dụng
TikTok gồm 4 giao diện chính, bao gồm:
- For You Feed: Phần nội dung ‘Dành riêng cho bạn’ – nơi các video phù hợp với nhu cầu của từng người dùng sẽ được đề xuất hiện lên.
- Discovery Page: Nơi người dùng có thể khám phá các video đang được nhiều người xem nhất, hoặc những video được TikTok đánh giá là hữu ích với người dùng.
- Creative Shooting: màn hình quay của người dùng, với cái filter – hiệu ứng đặc biệt và âm nhạc.
- Profile Page: Trang cá nhân của những người dùng khác nhau, nơi tổng hợp những video họ đã đăng/ thích.
Công nghệ
TikTok sử dụng nhiều loại công nghệ khác nhau như: Nhận dạng khuôn mặt, Theo dõi cử động cơ thể, Phân tích trạng thái của khuôn mặt, Chức năng đa màn hình, công nghệ AR nhằm thay đổi lớp trang điểm, màu tóc, và các Trò chơi tương tác.
Làm thế nào để quảng bá thương hiệu trên TikTok?
Tận dụng chức năng Creator Marketplace (thị trường người sáng tạo)
Creator Marketplace là nền tảng chính thức và duy nhất của TikTok, được tạo ra nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa thương hiệu với những người tạo nội dung (content creator, hay những người quay video và đăng tải trên mạng xã hội này). Creator Marketplace sẽ giúp thương hiệu tiếp cận hàng ngàn người sáng tạo nội dung chất lượng cao trên nhiều quốc gia và khu vực khác nhau, giúp doanh nghiệp tăng cường độ nhận diện thương hiệu.
Khi sử dụng Creator Marketplace, thương hiệu sẽ nhận được những lợi ích sau:
- Ra các quyết định tiếp thị chính xác hơn nhờ dữ liệu đáng tin cậy.
- Phân tích hiệu suất của các creators (đối tác trên TikTok) với bảng phân tích số liệu và các metrics toàn diện.
- Tất cả những người sáng tạo trên Creator Marketplace đều đã được TikTok kiểm duyệt về độ tin cậy.
- Giúp doanh nghiệp xác định đúng creator phù hợp nhất dựa trên mục tiêu chiến dịch.
Xác định mục đích chiến dịch Marketing
Trước khi quyết định hợp tác với TikTok , doanh nghiệp cần xác định rõ mục đích của chiến dịch mình định ra mắt, xem nền tảng này sẽ phù hợp với giai đoạn nào trong chiến dịch của mình.
Tại Việt Nam, TikTok thường được sử dụng trong giai đoạn Awareness – giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, khiến người dùng biết và bắt đầu tìm hiểu về thương hiệu thông qua các viral clip. Còn trên thị trường thế giới, TikTok còn được sử dụng trong cả giai đoạn Conversion – giúp biến đối tượng tiềm năng thành khách hàng thực sự, chuyển đổi khách hàng thông qua các video quảng cáo, thường liên quan đến tính năng của sản phẩm.
Phân biệt rõ định nghĩa và giá trị của TikTok Ads
Các dạng quảng cáo kỹ thuật số trên TikTok vô cùng đa dạng, với mỗi dạng lại đem đến một công dụng và lợi ích khác nhau. Sau khi đã xác định rõ mục tiêu của chiến dịch quảng cáo đang nằm ở giai đoạn nào trên hành trình khách hàng, doanh nghiệp cần lựa chọn loại hình quảng cáo phù hợp nhất với mục tiêu đó, hoặc kết hợp các loại quảng cáo phù hợp thông qua một chiến dịch Marketing tích hợp. Hiện tại TikTok đang sở hữu 2 loại hình quảng cáo chính: Standard Ads và Content Ads.
Standard Ads (quảng cáo tiêu chuẩn)
3 loại quảng cáo cơ bản nhất của TikTok là Brand Takeover, Top View và In-feed Ads. Theo sơ đồ dưới đây, luồng sử dụng của người dùng sẽ như sau:
Mở ứng dụng → Tiếp cận quảng cáo Brand Takeover hoặc Topview → Ấn vào/ Bỏ qua quảng cáo → Hiển thị phần nội dung “Dành riêng cho bạn” (For you Feed) → In-feed Ads sẽ hiện lên ở giữa các video.
Cụ thể hơn, đặc điểm của từng loại quảng cáo là:
- Top View (Chế độ xem đầu tiên): Đây sẽ là định dạng video quảng cáo giới thiệu thương hiệu xuất hiện đầu tiên ngay khi người dùng mở TikTok. Loại quảng cáo này thường rất đầu tư vào hình ảnh nhằm tiếp cận và thu hút khán giả bằng tác động trực quan.
- Brand Takeover (Thương hiệu tiếp quản): Cũng như Top View, loại quảng cáo Brand Takeover là video quảng cáo đầu tiên xuất hiện khi mở ứng dụng. Sự khác biệt nằm ở thời lượng video: Brand Takeover sẽ là các video ngắn hơn, tập trung quảng cáo trực tiếp cho thương hiệu.
- In-feed Ads (quảng cáo giữa Feed): Loại quảng cáo này sẽ xuất hiện ở giữa các video trong mục “For You” – Dành riêng cho bạn. Khi người dùng chuyển từ video này sang video khác, quảng cáo In-feed sẽ hiện lên dưới dạng: Tài khoản TikTok của thương hiệu; Chuyển đổi – chứa nhiều yếu tố có thể tương tác nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi); Thẻ lựa chọn hay Voting Card – một dạng câu hỏi với nhiều lựa chọn để thu thập các phản hồi tức thì từ người dùng, hoạt động như một khảo sát mini.
Case study: Chiến dịch Stronger As One của eBay – sử dụng Top View Ads.
Mục tiêu: Quảng bá chiến dịch mới nhất của eBay – #StrongerAsOne – tới những người trẻ đang sinh sống tại Anh. Chiến dịch này kể nhiều câu chuyện về các doanh nghiệp nhỏ tại Anh đang hoạt động thông qua eBay – nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Thực thi: eBay đã mời Vidsy, một trong những đối tác sáng tạo của TikTok, sản xuất một video mang tính cảm xúc cao với định dạng Top View, được hiển thị cho tất cả người dùng Anh khi mở ứng dụng. Chiếm toàn bộ màn hình dọc của điện thoại, quảng cáo Top View tự động phát một video 10 giây quảng cáo chiến dịch, tiếp cận hơn 16 triệu người trong khoảng thời gian 24 giờ. Video giới thiệu nhiều đoạn clip ngắn về các doanh nghiệp nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của họ: cách họ đóng gói đơn hàng, sản xuất hàng hóa và vận hành doanh nghiệp. Ở cuối, quảng cáo hiển thị nút ‘Tìm hiểu thêm’ để đưa người xem đến trang đích cung cấp thêm thông tin về chiến dịch, cũng như một loạt trích dẫn từ các cá nhân khác nhau hoạt động qua eBay.
Kết quả: Hơn 17.880.000 lần hiển thị đã được ghi lại trong chiến dịch, với tỷ lệ tương tác là 17,72%. Quảng cáo cũng đạt được tổng số lượt tiếp cận là 6.364.040. Tổng số lượt thích vượt quá 70.000 lượt, cùng hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Kết quả này đã khẳng định sự quan tâm của cộng đồng TikTok ở Anh đối với quảng cáo và nội dung của nó.
Content Ads (quảng cáo nội dung)
2 loại quảng cáo nội dung chính của TikTok là Branded Effect và Hashtag Challenge.
Branded Effect (hiệu ứng thương hiệu): Tận dụng sự tương tác của người dùng với các hiệu ứng có sẵn trên TikTok nhằm thúc đẩy thương hiệu. Các doanh nghiệp có thể tự điều chỉnh các hiệu ứng riêng có chứa logo hoặc tên của thương hiệu bằng công nghệ nhận diện video thông minh. Branded Effect khuyến khích mức độ tương tác của người dùng với thương hiệu sâu hơn, cũng như các UGC (user-generated content – nội dung do người dùng tạo ra) chất lượng cao hơn.
Hashtag Challenge: Người dùng sẽ được yêu cầu tham gia vào một chiến dịch thử thách kéo dài trong một số ngày nhất định, bằng cách đăng video của riêng mình dựa trên chủ đề được đề xuất, với một hashtag riêng của doanh nghiệp. Thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ bằng cách biến người dùng thành người đồng sáng tạo nội dung cho mình.
Case Study: Chiến dịch ‘Nhà là nơi’ của Fami
Mục đích: Theo đúng tinh thần của Ngày Gia đình Việt Nam, Fami khuyến khích tình yêu thương, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, bằng chiến dịch ‘Nhà là nơi’. Mục tiêu chính của chiến dịch là tối đa hóa nhận thức về thương hiệu thông qua hình thức Hashtag Challenge trên TikTok.
Thực thi: Vì gia đình là đối tượng mục tiêu chính của Fami, thử thách Hashtag của thương hiệu phải dễ dàng cho cả gia đình tham gia, dù dưới hình thức solo hay tập thể. Chiến dịch này sử dụng một động tác nhảy đơn giản kết hợp với đồ dùng nhà bếp hoặc đồ gia dụng thông thường trên nền nhạc vui nhộn và hấp dẫn, để thu hút tối đa sự tham gia và lượt xem video. Hashtag #NhaLaNoi cũng chính là khái niệm thương hiệu cốt lõi của Fami. Hashtag Challenge của Fami được hiển thị trên trang Khám phá của TikTok với một vị trí nổi bật trong Danh sách Hashtag thịnh hành.
Kết quả: Với 38,9 nghìn lượt gửi video, một con số khổng lồ 173 triệu lượt xem video và một mức tăng đáng kể về tương tác, hiệu suất của chiến dịch vượt quá mong đợi. Fami vừa gia tăng mức độ nhận biết cao về sản phẩm sữa đậu nành Fami trong giới trẻ và các gia đình tại Việt Nam, các bậc cha mẹ và trẻ em vừa có cơ hội tham gia một hoạt động ý nghĩa cùng nhau và giành chiến thắng.
Đọc thêm: Sự trỗi dậy của TikTok – Chiến lược từ công ty mẹ Bytedance
Tạm kết
Với làn sóng về video ngắn, TikTok đã thu hút tới hơn 1 tỷ người dùng mỗi ngày (Daily Active Users). Có thể thấy, TikTok for Business là lựa chọn đúng đắn cho các doanh nghiệp muốn nâng cao độ nhận diện thương hiệu cũng như tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn, đặc biệt là tệp khách hàng trẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xác định rõ nên dùng TikTok vào giai đoạn nào trong hành trình khách hàng, và nên bỏ ra bao nhiêu phần trăm ngân sách vào quảng cáo TikTok nếu muốn sử dụng nền tảng này hiệu quả.
Đến với khoá học Digital Foundation của Tomorrow Marketers, bạn sẽ được học về tư duy chiến lược, cách lập kế hoạch Digital tích hợp đa kênh dựa trên mục đích chiến dịch – làm thế nào để tối ưu hoá các nền tảng kỹ thuật số, và nên phân bổ ngân sách như thế nào cho hiệu quả, với giảng viên đến từ Tiktok và nhiều nền tảng, agency quảng cáo và client danh tiếng khác.