Hướng dẫn feedback content ít mà hiệu quả cao dành cho Content Manager

marketing foundation

Content Manager rất dễ rơi vào cảnh “trầm cảm” vì phải sửa bài quá nhiều cho nhân viên. Dù đã comment nhiều lần và rất chi tiết nhưng bài được sửa mãi vẫn không đúng ý, khiến tốc độ sản xuất bài viết của team chậm chạp. Nhiều khi không muốn feedback nữa, chỉ muốn bắt xóa đi làm lại từ đầu cho xong. Điều đó dẫn đến số lượng bài viết không đủ, không thu được lead về, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung. 

TM hiểu những nỗi bức xúc và khó khăn của các Content Managers khi đảm nhận vị trí định hướng và feedback nội dung cho team Content, vì thế trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng feedback thiếu hiệu quả này nhé!

1. Một số lý do khiến việc feedback content của team không hiệu quả: 

Feedback không cụ thể, không chỉ rõ lý do 

Một trong những lỗi feedback phổ biến nhất chính là đưa ra feedback không cụ thể. Ví dụ như: “Bài này viết chán quá, không mang lại giá trị gì cho người đọc cả”; “Bài này đọc chả hiểu gì, câu từ lủng củng làm sao ấy em”,…

Các feedback này chính là kiểu đâm thẳng vào tim của content writer. Lúc này trong đầu writer chỉ còn những suy nghĩ như: Vậy bài viết cần đào sâu đến mức nào? Từ ngữ ở đâu đang bị dùng chưa đúng? Làm sao để sửa lại?… rất khó để hiểu ý người feedback.

Đây là các feedback mang tính chung chung, chỉ nêu ra cảm nhận của người đọc mà không mang tính xây dựng để cải thiện vấn đề. Thay vì feedback mơ hồ, những gì content writer muốn là hiểu rõ lý do đằng sau những vấn đề mà sếp chỉ ra, những điều họ cần chỉnh sửa, hướng chỉnh sửa để giúp bài viết đạt yêu cầu hoặc mong muốn của sếp.

Đọc thêm: Nguyên tắc để có một bài blog tốt: Càng chi tiết càng chất lượng

Feedback một chiều 

Trong nhiều tổ chức, feedback thường có nghĩa là những nhận xét từ cấp trên truyền đạt xuống cấp dưới. Vậy nên nhiều Managers thường có feedback mang tính áp đặt, yêu cầu nhân viên phải sửa theo ý mình mà thiếu sự lắng nghe ý kiến từ người thực thi. 

Khi writer viết ra bất cứ nội dung gì, họ đều có ý tưởng, nguyên nhân đằng sau. Các Managers hãy tìm hiểu thêm lý do vì sao nhân viên đó lại viết như vậy. Đôi khi chỉ vì  nhân viên đang không tư duy như manager, chưa đủ kiến thức để hiểu sâu được như manager, hoặc không được brief chi tiết nên chưa viết đủ như kỳ vọng,… 

Kiểu feedback một chiều thứ hai là feedback toàn tích cực hoặc toàn tiêu cực, cả hai dạng feedback này đều có thể gây hại như nhau. Để cải thiện kiến thức và kỹ năng, các content writers cần được biết cả điều họ đang làm tốt và đang làm không tốt. Nếu được nhận xét quá tốt, người viết dễ chủ quan, khó duy trì phong độ trong các bài viết sau. Nếu chỉ toàn nhận được những feedback rất tệ, người viết dễ rơi vào tình trạng chán nản, sa sút tinh thần, không có cảm hứng để viết. Để lâu dần, người viết sẽ rất sợ phải đọc feedback, bởi cảm giác tổn thương, bất lực. Hơn nữa là cảm giác bị thiên vị, nghi ngờ năng lực bản thân, không tạo được động lực thay đổi cho người viết. 

Feedback thiếu nhất quán

Nhiều content writer gặp tình trạng một bài viết nhiều người feedback, mỗi người một ý và cuối cùng là không biết theo ai. Nghe sếp trực tiếp hay nghe sếp tổng, được lòng người này thì mất lòng người kia. Tệ hơn nữa là content writer không thể nhớ mình đã được ai feedback, feedback đoạn nào. Thật khó khiến các sếp ngồi lại 1 chỗ, tự thống nhất ý kiến feedback với nhau rồi đưa cho content writer sửa một lần để tiết kiệm công sức. 

Không chỉ có feedback thiếu nhất quán giữa nhiều người, đôi khi việc theo dõi các nội dung được sửa không rõ ràng khiến người feedback cũng tự bối rối với chính feedback của mình, hôm nay nói một đằng, ngày mai lại bảo kiểu khác. Content Writer thì bị xoay như chong chóng, còn bài viết thì vẫn mãi không biết bao giờ mới được xuất bản.

Thiếu quy trình feedback nội dung:

Là Content Managers phải thường xuyên duyệt bài cho các nhân viên nhưng bạn bận quá mà quên mất, lúc kịp nhớ ra thì đã tới sát giờ đăng khiến các nhân viên phải sửa gấp rút, hoặc tệ hơn là quên hẳn. 

Các nhân viên gửi bạn thiếu thông tin mà phải hỏi lại nhiều lần rất mất thời gian. Bởi vì duyệt bài đâu chỉ là đọc mỗi file toàn chữ, Managers cũng cần biết bài viết đó nhằm mục đích gì, với insight gì, đang đi theo tuyến nội dung nào của chiến lược chung, bài viết được phân phối trên những kênh nào thì mới viết feedback mới có tính tổng quan. 

Khi bạn có nhiều nhân viên, mỗi người sản xuất rất nhiều bài và bạn cần phải đọc hết nội dung đó. Tất cả cứ dồn đống lại và bạn thì bất lực trong việc kiểm soát khối lượng công việc, thật khó để biết nên ưu tiên đọc bài nào, feedback cho ai trước thì sẽ tối ưu thời gian hơn,…

Đấy chỉ là một vài trong số rất nhiều vấn đề xảy ra khi bạn không có một quy trình feedback nội dung rõ ràng. Ít nhất thì cả team cần biết các bước cần có khi duyệt nội dung là gì, mỗi bước đó yêu cầu có những thông tin gì, deadline là hôm nào, lưu trữ nội dung ở đâu để bạn dễ dàng tìm kiếm,…

Đọc thêm: Xây dựng – quản lí đội ngũ team Inbound Marketing cần lưu ý những gì?

2. 5 yếu tố quan trọng khi xây dựng hệ thống quản lý nội dung

Xây dựng quy trình kiểm duyệt cụ thể

Như đã đề cập ở trên, để mọi thông tin được minh bạch, giúp Content Manager dễ dàng kiểm soát việc vận hành team, tiến độ công việc, thời gian làm việc của team, bạn cần xây dựng và thống nhất một quy trình làm việc rõ ràng với cả team. Quy trình này cần đảm bảo một số yếu tố như sau:

  • Phân chia rõ ràng các bước trong quy trình: Để hoàn thiện nội dung có thể chia ra làm nhiều bước, như feedback về chủ đề, outline bài viết, nội dung bài viết, ảnh/video,… tùy theo nhu cầu, quy trình vận hành của team. Làm sao để thành viên trong team và cả Manager đều nắm được khối lượng công việc, tiến trình thực hiện các công việc của mình. Team các nhân viên cũng biết rõ rằng phần nào cần xin ý kiến từ Manager để tránh tình trạng: Outline chưa đúng mà đã viết bài, script video chưa tốt mà đã mang đi thu âm,… gây mất công, mất thời gian của cả team.
  • Thống nhất các thông tin cần cung cấp khi lấy feedback: Như đã nói ở trên, việc kiểm duyệt nội dung không chỉ đơn thuần là team các nhân viên đưa cho manager một file toàn chữ hay ảnh, video là xong. Manager cũng cần biết về ngữ cảnh thực hiện bài viết đó với các thông tin như là về sản phẩm nào, đang khai thác pain point gì, dựa trên tuyến nội dung nào của chiến lược nội dung,… những thông tin này là thông tin cơ bản, nhưng sẽ giúp các manager dễ dàng nắm được tinh thần bài viết hơn, đưa ra các ý kiến sát thực tế hơn.
  • Quy định rõ thời gian thực thi và thời gian feedback: Khi manager giao việc cho team các nhân viên hay ngược lại, các nhân viên cần lấy feedback của manager đều cần xác định rõ thời hạn cần trả kết quả. Nếu một trong hai phía quá deadline, người còn lại phải nhắc nhở để công việc được hoàn thành kịp thời. Nắm rõ deadline cần hoàn thành công việc cũng giúp tất cả mọi người chủ động sắp xếp thời gian hoàn thành các công việc một cách phù hợp nhất.
  • Xác định rõ ai là người feedback: Lý tưởng nhất là từ đầu tới cuối quy trình, từ lúc brief nội dung cho tới lúc bài viết được đăng chỉ có 1 người feedback duy nhất, để tránh tình trạng mỗi người một ý. Còn nếu bài viết vẫn đòi hỏi nhiều người duyệt nội dung thì mỗi bước trong quy trình kiểm duyệt bạn chọn 1 người là người duyệt chính. Dù có nhiều người khác có ý kiến, feedback của người duyệt chính là quan trọng nhất và đó là người được quyền quyết định, đồng thời chịu trách nhiệm cho phép bài viết được tiếp tục sản xuất. Thường các trường hợp có nhiều người tham gia kiểm duyệt là khi có đề cập đến các vấn đề kỹ thuật, quy định, quy trình,… cần kiến thức chuyên môn trong ngành, lĩnh vực nào đó, ngoài yếu tố về khả năng sử dụng ngôn từ thông thường của team content. Trong các trường hợp này, nên ưu tiên tính chính xác của nội dung.
  • Đồng nhất về việc lưu trữ tài liệu và theo dõi feedback: Điều này nghĩa là cả team thống nhất sử dụng các loại file gì để lưu trữ nội dung và lưu trữ feedback. Ví dụ: bạn chọn lưu trữ file trên google docs, cho phép feedback trực tiếp vào các đoạn nội dung trong file đó và chỉ chấp nhận chỉnh sửa các feedback có trong google tài liệu mà thôi. 

Việc thiết lập một quy trình content rõ ràng không khó nhưng hiệu quả mang lại thì thật sự khác biệt: cải thiện hiệu quả và năng suất làm việc, tăng mức độ gắn kết và hài lòng của nhân viên, và xây dựng tổ chức phát triển mạnh mẽ hơn. Ngày nay, có nhiều phần mềm, ứng dụng được thiết kế để hỗ trợ quy trình kiểm duyệt nội dung suôn sẻ hơn. Bạn có thể tham khảo một số ứng dụng như: Notion, Fastwork, Base Workflow, Trello,…

Ví dụ về quy trình quản lý nội dung trên Trello

Xây dựng chiến lược nội dung cụ thể, đưa brief rõ ràng cho team

Để team các nhân viên thực thi chính xác những gì công ty mong muốn, Manager phải có chiến lược nội dung, brief bài viết cụ thể và giải thích rõ ràng những điều đó với nhân viên.

Về chiến lược nội dung, cả team cần hiểu và thống nhất với nhau về:

  • Ai là đối tượng khách hàng mục tiêu của sản phẩm, của công ty trong thời điểm hiện tại?
  • Điều gì làm thay đổi nhận thức, hành vi của họ?
  • Nội dung như thế nào thì sẽ “fit” với khách hàng?
  • Team cần sử dụng những kênh nào để mang nội dung tới đúng khách hàng?
  • Những thông điệp như thế nào thì sẽ chuyển đổi được khách hàng?

Những câu hỏi này thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng để trả lời chính xác và chi tiết, cả team phải cùng nhau làm việc, nghiên cứu sâu. Đây cũng là các câu hỏi nằm trong trong các bước Research, Ideation trong quy trình xây dựng chiến lược nội dung, cũng là một phần nội dung khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers, tham khảo ngay để nắm chắc quy trình 6 bước xây dựng nội dung chuyển đổi cao nhé:

Brief bài viết là một phần trong bước tiếp theo – Creation – trong quy trình xây dựng nội dung chuyển đổi cao. Làm thế nào để các content writer hiểu đúng và đủ các ý tưởng, chủ đề được tạo ra từ bước “Ideation”, để sáng tạo nội dung thành một bài viết hoàn chỉnh. Họ cần được nắm rõ các yêu cầu như:

  • Bài viết đang ở tầng TOFU, MOFU hay BOFU?
  • Ai sẽ là người đọc bài viết này?
  • Bài viết khai thác pain point nào của họ?
  • Từ khóa, thông điệp bài viết muốn truyền tải là gì?
  • Bài viết có văn phong như thế nào?
  • Độ dài cụ thể cho bài viết là khoảng bao nhiêu trang, bao nhiêu chữ?

Các yêu cầu này có thể thay đổi tùy theo dạng bài viết, tùy môi trường công ty, tùy mức độ nắm rõ chiến lược nội dung của content writers,… Nhưng nhìn chung, để triển khai chiến lược nội dung, ra ý tưởng, rồi tới bài viết, người viết bài cần hiểu họ cần tuân thủ những yêu cầu gì, được chủ động sáng tạo, tìm kiếm, nghiên cứu thêm phần nào. 

Đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng về nội dung

Để đạt được sự đồng đều về chất lượng, văn phong, format, thẩm mỹ của các bài đăng trên tất cả các kênh, bạn cần đặt ra các tiêu chuẩn nội dung rõ ràng với team. Bạn có thể xem hướng dẫn về phong cách rất đầy đủ của Mailchimp. Nếu cảm thấy quá phức tạp thì có thể bắt đầu với những điều đơn giản, ví dụ như:

  • Các bài blog phải có độ dài tối thiểu 1500 chữ, bài social media dài tối đa 600 chữ.
  • Các bài viết đều viết ở ngôi thứ 3 để đảm bảo tính trung lập, không được thiên vị
  • Văn phong lịch sự, trang trọng
  • Thiết kế theo phong cách minimalism, sử dụng mã màu và font chữ chuẩn do công ty quy định
  • Bài viết bắt buộc phải đề cập đến sản phẩm hoặc công ty,…

Bạn muốn team các nhân viên thực thi như thế nào, thì hãy ban hành những quy định trước để cả team cùng thực hiện theo. Hoặc tốt hơn, hãy tạo ra những bản mẫu, các template để team sử dụng theo. Nếu chưa có thì hãy họp team và cùng mọi người thống nhất ngay. Bước đầu yêu cầu mọi người phải tuân thủ khuôn khổ thì không dễ, nhưng dù sớm hay muộn, doanh nghiệp cũng phải có quy trình kiểm duyệt content.

Đọc thêm: Quy luật thiết kế cơ bản Marketers nên biết

Bên cạnh đó, Manager hãy cởi mở trong việc chia sẻ các nguồn nội dung chất lượng, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các buổi training với team các nhân viên, ví dụ như:

  • Tạo kho lưu trữ các nguồn blog hữu ích về lĩnh vực của bạn
  • Nguồn ý tưởng sáng tạo
  • Những công cụ, các tips, thủ thuật tiết kiệm thời gian khi design
  • Tạo buổi training kỹ năng viết, đặc biệt nhấn mạnh vào những điểm yếu mà bạn thấy team mình thường xuyên mắc phải, giao bài tập và theo dõi sự cải thiện.

Việc chia sẻ này giúp team hiểu được kỳ vọng của bạn với các nội dung họ sáng tạo ra, cải thiện năng suất làm việc, đồng thời cũng xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh, văn hóa học tập mạnh mẽ với toàn team. 

Sau khi đã có sẵn các tiêu chuẩn, bạn cần tiến hành đánh giá kết quả với cả chất lượng nội dung, việc tăng trưởng kênh, tăng trưởng doanh thu, sự tiến bộ, hài lòng của mỗi team các nhân viên,… Việc đánh giá này không thể mang sự cảm tính hay chủ quan, mà phải được đo lường rõ ràng bằng các chỉ số, ví dụ như

  • Đánh giá mức độ tăng trưởng kênh: số user, avg. time on page, bounce rate,…
  • Đánh giá chất lượng nội dung: số like, share, comment, số lead về từ bài viết,…
  • Đánh giá về nhân sự: tỷ lệ năng suất làm việc, mức độ gắn kết, hài lòng của nhân viên,…

Đây cũng là những chỉ số làm căn cứ để bạn quyết định việc tăng lương, bổ nhiệm, tăng chức cho các nhân viên của mình. Việc đo lường, đánh giá càng minh bạch và nghiêm túc, thì tổ chức càng có cơ hội phát triển lành mạnh.

Đọc thêm: Các chỉ số bạn nên theo dõi trên Website và Landing page

Nâng cao kỹ năng giao tiếp trong team

Chắc các Managers cũng không lạ với những câu giải thích kiểu “Em tưởng là”, “Ơ em nghĩ là”, “Cái này em không biết là”,… và ti tỉ lỗi sai vô tri chỉ vì hiểu lầm nữa. Những điều này cho thấy rằng việc giao tiếp trong team vô cùng quan trọng để thấu hiểu lẫn nhau. Khi giao nhiệm vụ, nói về chiến lược hay yêu cầu với các các nhân viên, manager hãy kiên nhẫn giải thích sâu hơn về lý do tại sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy, quá trình đưa ra quyết định cuối cùng như thế nào. Để các content writers thật sự hiểu được bản chất, gốc rễ vấn đề, thay vì chỉ nắm sơ lược những thứ bề nổi, thì bài viết sẽ sâu sắc hơn rất nhiều.

Ngoài ra, các managers hãy luôn thể hiện thái độ lắng nghe, không áp đặt, phán xét với team các nhân viên. Nhiều bạn writers bị hội chứng sợ sếp, nói gì cũng răm rắp vâng dạ mà chưa thật sự hiểu rõ, chưa thấy thuyết phục, mà cũng không dám hỏi lại, khiến cho những bài viết cứ ngâm rất lâu. Manager thì bực vì có mỗi thế thôi mà làm không xong, còn người thực thi thì cứ sống trong lo sợ vì không biết làm thế nào để hoàn thành task đã được giao. Manager hãy chịu khó quan sát, hỏi thăm để đào sâu tìm ra vấn đề của các nhân viên, bạn sẽ phát hiện ra những khúc mắc của các các nhân viên thực ra không hề khó giải quyết, và đôi khi cũng có thêm góc nhìn đa chiều về chiến lược nội dung đang có để cải thiện.

3. 5 tips giúp Content Manager đưa ra feedback chất lượng

Đọc từ tổng thể tới chi tiết

Đầu tiên, hãy xem xét tổng quan về mặt chủ đề và outline bài viết so với chiến lược nội dung trong thời điểm hiện tại. Nếu chúng lệch nhau thì bạn không cần phải đọc bài cũng biết là bài viết này không thể được đăng. Đó là lí do vì sao tất cả team phải nắm rõ chiến lược nội dung.

Khi đi sâu vào đọc bài viết, bạn có thể phát hiện ra những lỗi sai bị lặp đi lặp lại, thì bạn chỉ cần nhận xét một lần thôi và yêu cầu người viết tự xem xét lại, đặc biệt là các lỗi nhỏ như: không căn giữa các ảnh, viết hoa các danh từ riêng, sử dụng sai dấu câu, lỗi trình bày, ngắt đoạn,… Ngay cả khi những lỗi này có thể coi là lỗi vặt, thì việc cứ lặp đi lặp lại liên tục trong bài viết thực sự gây ra sự khó chịu cho người đọc. Bạn không nên bỏ qua những điều này, hãy thắt chặt quy định để nội dung được xuất bản theo sát được quy chuẩn về chất lượng nội dung đã được quy định.

Nhìn chung, việc đọc từ tổng thể tới chi tiết sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đọc bài, để lại ít nhận xét nhưng đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời vẫn tạo không gian cho content writer được tự xem và sửa lỗi của mình.

Bật chế độ “suggesting”

Khi nhận thấy có vài lỗi nho nhỏ muốn sửa luôn, hoặc muốn nội dung đó được đúng y như ý của mình, một số người thường viết lại ngay vào file nội dung của các writer. Tuy nhiên điều này rất không nên vì người viết sẽ khó biết rằng bạn đã sửa, nên họ cũng không có ý thức về các lỗi đó và đôi khi cũng không hiểu vì sao bạn lại làm như vậy. Hậu quả là họ lại tiếp tục mắc các lỗi tương tự với những bài viết tiếp theo, giống như cảm giác ăn cơm mắc sạn, người đọc sẽ cảm thấy rất khó chịu. 

Vậy nên hãy để cho các content writers của mình biết bạn đang chỉnh sửa ở những phần nào. Nếu như đang dùng Google docs thì việc bạn cần làm chỉ là bật chế độ “suggesting”. Với các lỗi nhỏ về mặt trình bày thì thường các writers có thể hiểu ngay và ấn “solve”. Nhưng nếu bạn sửa rất nhiều, như là viết lại một đoạn văn, thay đổi việc sắp xếp các ý, thay đổi các từ quan trọng,… thì bạn cần đưa ra cả lý do chi tiết nữa. Vậy nên chúng ta sẽ có tips tiếp theo.

Chỉ ra vấn đề và giải pháp cụ thể

Khi muốn các content writer chỉnh sửa bất cứ điều gì, hãy chỉ ra những vấn đề mà bạn nhận thấy và gợi ý cho họ hướng sửa cụ thể. Nếu bạn chỉnh sửa luôn, nhiều khi các các nhân viên cũng không thật sự nhận thức được sự khác biệt giữa nội dung bạn sửa so với nội dung ban đầu mà họ viết đâu. Vậy nên hãy cho họ biết sự khác biệt đó một cách trung lập, cụ thể.

Thay vì nói những câu mang tính cá nhân, thiếu rõ ràng kiểu “Cái đoạn này đọc kiểu gì ấy”, “Anh/chị thấy đoạn này đọc rất chán”, thì bạn có thể sử dụng các ví dụ như sau:

  • Nếu bạn đã viết lại câu, một đoạn cho content writer: “Em nên viết đoạn văn theo hướng top-down, viết câu chủ đề tóm tắt ý đầu tiên, các câu sau giải thích, chứng minh thêm ý cho câu chủ đề như thế này, sẽ giúp người đọc dễ nắm được ý chính của câu hơn”.
  • Nếu bạn sắp xếp lại thứ tự câu, đoạn văn: “Đoạn văn gốc em viết chưa được hợp lý, chưa liên kết với nhau, nên sắp xếp lại các đoạn theo thứ tự 2-3-1 để đảm bảo tính logic của quy trình. Viết câu đầu tiên xong thì nên đặt ra câu hỏi: “Người đọc muốn biết gì tiếp theo?” để làm căn cứ viết câu sau.”
  • Nếu bạn đã bỏ, cắt bớt một số từ trong câu: “Ở đây có 2 từ gần tương đương nghĩa là “nguyên nhân” và “vì”. Trong một câu, em chỉ cần dùng 1 từ cùng nghĩa thôi, còn lại bỏ đi để câu văn được ngắn gọn, dễ đọc hơn.”

Đấy là trong trường hợp bạn có thời gian để nhận xét chi tiết và content writer còn non tay nên cần hướng dẫn rất chi tiết. Nhưng nhiều khi các managers không có nhiều thời gian để nhận xét chi tiết đến thế, và việc này cũng không kích thích được sự sáng tạo, chủ động của các thành viên trong team. 

Đọc thêm: Sửa nội dung mơ hồ thành nội dung chất lượng cao như thế nào?

Cách tiếp cận trong trường hợp này gói gọn trong quy tắc: Cung cấp đầu vào và yêu cầu đầu ra, cách thức thực hiện thế nào thì hãy để content writers được sáng tạo. Nghĩa là bạn không âm thầm chỉnh sửa lại nội dung của content writer, hãy khiến các writers nhận ra vấn đề, nói rõ bạn muốn nội dung được cải thiện như thế nào và còn lại thì hãy để content writers tự đề xuất ý kiến, phương hướng sửa chữa.

Công ty bỏ tiền ra thuê content writers vì viết là chuyên môn của họ, hãy để họ được sử dụng và nâng cao các kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Nhiều khi được cung cấp không gian thỏa sức sáng tạo, các writers còn có thể chỉnh sửa nội dung đột phá và thuyết phục hơn nhiều so với những gì manager nghĩ.

Có ví dụ minh họa cụ thể

Nhiều khi nói bằng lời không hiệu quả lắm vì có thể cả hai người không cùng dòng suy nghĩ như nhau và chuyện này là rất bình thường. Nếu bạn đã hình dung rõ ràng rằng mình muốn chính xác nội dung được đăng trông như thế nào, thì hãy đưa cho content writer ví dụ hoặc tài liệu tham khảo để họ dễ dàng hình dung hơn. Đó có thể là những bài đăng blog của bạn thực hiện trước đó, mẫu của một trang có nội dung tương tự, cách thức lập luận, diễn giải của các chuyên gia,…

Đừng quên khen ngợi, cổ vũ tinh thần content writers

Nhiều content writers có một trái tim yếu đuối và nhạy cảm, nên đối diện với việc bị nhận xét, chỉnh sửa tác phẩm của mình có nhiều sự “tổn thương”. Vậy nên khi feedback nội dung, manager hãy giữ thái độ trung lập, có khen có chê rõ ràng, để các writers luôn cảm thấy được tôn trọng và khích lệ. 

Các tranh luận đương nhiên có thể xảy ra, nhưng hãy biến những cuộc tranh luận trở thành cơ hội để manager thấu hiểu suy nghĩ của team các nhân viên, giúp họ cải thiện kỹ năng, kiến thức trên tinh thần xây dựng, cầu tiến. Đồng thời, bạn cũng biến đó là cơ hội giúp các content writers cảm thấy họ thực sự học hỏi được nhiều điều từ bạn, duy trì mối quan hệ tốt đẹp và muốn đồng hành cùng bạn lâu hơn.

Tạm kết

Việc feedback nội dung chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất kì ai. Để đạt được hiệu quả trong việc feedback nội dung cho team Content, manager vừa phải thiết lập những quy chuẩn, quy trình, yêu cầu, chiến lược nội dung rõ ràng, vừa phải tạo không gian cho các content writers được sáng tạo.

Nếu bạn chưa biết làm thế nào để xây dựng được chiến lược nội dung tạo ra tăng trưởng và chuyển đổi, chưa biết thiết lập các quy chuẩn nội dung đạt chất lượng, chưa biết phân phối, đánh giá chất lượng nội dung…, tham khảo ngay khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers nhé. 

Đây là những kiến thức được đúc kết từ kinh nghiệm 7 năm xây dựng, triển khai và duy trì hệ thống content marketing của Tomorrow Marketers. Bên cạnh đó, khóa học cũng có sự hỗ trợ của đội ngũ trainers, đã từng thành công xây dựng nhiều thương hiệu bằng hệ thống content đắt giá.

khóa học content marketing
Tagged: