Inbound Marketing là gì? Phối hợp Inbound Marketing và Outbound Marketing thế nào để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

inbound marketing
marketing foundation

Tomorrow MarketersThế giới Marketing đang chuyển động không ngừng và phát sinh ra hàng trăm xu hướng tiếp thị khác nhau, khiến marketers không ít lần cảm thấy choáng ngợp. Hiện nay, có hai trường phái Marketing phổ biến nhất để định hướng phát triển cho các doanh nghiệp, chính là Inbound Marketing và Outbound Marketing. Trong bài viết này, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu tổng quan về 2 phương thức này và cách lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của bạn!

1. Định nghĩa, mối quan hệ giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing

1.1. Outbound marketing là gì?

Outbound Marketing được định nghĩa là các hoạt động marketing chủ động tiếp cận người tiêu dùng, cố gắng thuyết phục và thúc đẩy họ ra quyết định mua hàng nhanh nhất có thể. Rất nhiều hoạt động truyền thống như quảng cáo truyền hình, quảng cáo ngoài trời, phát tờ rơi, bán hàng qua điện thoại,… chính là ví dụ tiêu biểu của outbound marketing. Khi Internet phát triển, outbound marketing được tính bao gồm cả các các hoạt động quảng cáo trả phí trên công cụ tìm kiếm, quảng cáo hiển thị trên các nền tảng mạng xã hội, email trực tiếp,… 

Outbound Marketing được ví giống như một chiếc loa có khả năng lan tỏa rộng rãi tiếng nói, củng cố nhận diện của thương hiệu tới đông đảo công chúng bất kể không gian, thời gian. Ngoài ra, các thông điệp quảng cáo tính năng, ưu đãi đầy hấp dẫn cũng giúp thương hiệu ngay lập tức tiếp cận được với đông đảo nhóm khách hàng mục tiêu.

Bên cạnh nhiều ưu điểm kể trên, Outbound Marketing cũng còn tồn tại một số hạn chế. Tiêu biểu, chi phí để vận hành các hoạt động outbound marketing khá đắt đỏ, gây áp lực khá lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu muốn duy trì đều đặn. Đặc biệt với những doanh nghiệp mà phần lớn nguồn đơn được đổ về từ quảng cáo, họ rất dễ rơi vào thế bị động, không có phương án thay thế để duy trì mối quan hệ với khách hàng. Chưa kể, người tiêu dùng ngày nay đã quá ngán ngẩm với những thông điệp quảng cáo sản phẩm mà họ không quan tâm, những cú điện thoại hay email làm gián đoạn cuộc sống. Họ hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn tìm kiếm những thông tin bản thân mong muốn và chặn lọc những quảng cáo làm phiền.

1.2. Inbound Marketing là gì?

Inbound Marketing sẽ tập trung vào việc nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng bằng cách cung cấp cho họ thật nhiều thông tin, giá trị hữu ích, thỏa mãn đúng nhu cầu, đúng thời điểm. Khi thực sự cảm thấy thuyết phục và muốn mua hàng, những vị khách này sẽ tự tìm đến thương hiệu và mua hàng

Một vài đặc điểm tiêu biểu của Inbound Marketing có thể kể đến như:

Lấy nội dung làm trung tâm

Inbound marketing chú trọng việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng, giúp họ dẹp bỏ mọi rào cản để ra quyết định mua hàng. Lúc này, những nội dung cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích, miễn phí chính là cây cầu nối gắn kết, giúp thương hiệu gia tăng uy tín và được khách hàng tin tưởng ủng hộ hơn. Điều này cũng khiến inbound marketing rất thích hợp với các ngành hàng high involvement, người tiêu dùng có hành trình mua hàng phức tạp và muốn tìm hiểu nhiều thông tin qua nền tảng online.

Một số định dạng content điển hình thường được sản xuất khi làm Inbound Marketing có thể kể đến như bài viết blog SEO, ebooks, video content, content mạng xã hội,…

Đọc thêm: Content Marketing vận hành như thế nào? – Nguyên lý hoạt động của content và ví dụ minh họa

Đem về lượng khách hàng ổn định và chất lượng

Một trong những ưu điểm lớn nhất của các hoạt động quảng cáo outbound là có khả năng mang về khách hàng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, lead có được từ các hoạt động outbound này lại không phải tệp khách hàng tốt nhất, khiến quá trình chăm sóc và xử lý lead phức tạp hơn. Họ có thể phản ứng tốt với thông điệp của quảng cáo, nhưng thực tế lại chưa tìm hiểu kỹ về thương hiệu, nhu cầu không phù hợp 100% với giải pháp ta có, hoặc đơn giản là họ chưa có khả năng tài chính để chi trả.

Slide là một phần trong tài liệu của khóa học Brand Development. 

Tham khảo thêm thông tin khóa học tại đây

Inbound Marketing có thể giải quyết bất cập này bằng cách phân khúc nhóm khách hàng rõ ràng, thiết kế nội dung phù hợp theo pain point từng đối tượng ở từng thời điểm cụ thể trên hành trình mua sắm. Nhờ vậy, thương hiệu luôn có một tệp khách hàng tiềm năng đồng hành và sẽ tự động chuyển đổi khi họ thực sự cảm thấy thích hợp với sản phẩm của thương hiệu.

Có tính tích lũy lâu dài

Với một khoản chi phí vận hành, Inbound Marketing có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng trong dài hạn. Ví dụ sau khi đi vào hoạt động, website/blog thăng hạng trên công cụ tìm kiếm, danh tiếng được xây dựng vững mạnh hơn trên social media,… nhờ đó thương hiệu có thể thu hút thêm nhiều khách hàng chủ động tìm đến, doanh nghiệp có thể tăng trưởng tự nhiên và bền vững.. 

Nếu doanh nghiệp bạn định hướng xây dựng hệ thống nội dung theo Inbound Marketing, hãy tham khảo khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers nhé.

1.3. Một số điểm khác biệt giữa Inbound Marketing và Outbound Marketing

Inbound MarketingOutbound Marketing
– Tập trung vào thỏa mãn nhu cầu thông tin qua các nội dung có giá trị
– Khách hàng chủ động tìm đến thương hiệu, tự quyết định họ sẽ xem gì, vào thời gian nào
– Chất lượng content là một trong những yếu tố chính quyết định sự thành công
– Chủ yếu dùng kênh owned để xây dựng content hub, là gốc rễ để phát triển mọi hoạt động. VD: Blog, Social Media,…. 
– Chủ yếu là quảng bá sản phẩm, thương hiệu và bán hàng
– Thương hiệu tìm đến khách hàng, để lan tỏa thông điệp quảng cáo
– Kết quả thu lại sẽ phụ thuộc nhiều vào ngân sách bỏ ra
– Chủ yếu là các kênh paid như quảng cáo truyền hình, quảng cáo trực tuyến, telesales,…

2. Doanh nghiệp nên lựa chọn Inbound Marketing hay Outbound Marketing?

Cho đến nay, vẫn còn khá nhiều luồng ý kiến tranh luận về việc Outbound Marketing hay Inbound Marketing mới là sự lựa chọn tốt nhất. 

Inbound Marketing sẽ cung cấp cho khách hàng tiềm năng những giá trị hữu ích, phi thương mại. Nhờ liên kết chặt chẽ với Hành trình mua sắm, Inbound Marketing sẽ thu hút khách hàng tìm đến với thương hiệu tại thời điểm thích hợp mà không gây gián đoạn, làm phiền khi họ chưa có nhu cầu. 

Về phía Outbound Marketing, ưu điểm lớn nhất của mô hình là khả năng giúp thương hiệu hiện diện trước đông đảo công chúng và xây dựng nhận diện nhanh chóng. Một chiến dịch outbound marketing thành công cũng có thể mang về cho chúng ta hàng triệu khách hàng mới chỉ sau vài tuần. Tuy nhiên, kết quả của chúng cũng sẽ tỷ lệ thuận với số tiền bạn chi trả. Một khi cắt giảm ngân sách, kết quả đến từ những hoạt động này cũng sẽ sụt giảm dần. 

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách kết hợp hài hoà cả Inbound Marketing và Outbound Marketing, cùng với đó phân bổ ngân sách tùy theo mục tiêu để có kết quả cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn cho doanh nghiệp.

3. Một vài gợi ý phối hợp hoạt động Inbound Marketing và Outbound Marketing

3.1. Sử dụng inbound email để bổ trợ cho các hoạt động outbound

Khi khách hàng mục tiêu có phản hồi với các hoạt động outbound marketing của bạn, hãy tận dụng email inbound để thiết lập mối quan hệ, xây dựng sự yêu thích và củng cố niềm tin ở họ. Giả sử bạn có 1 sự kiện thu hút rất nhiều đơn đăng ký, hãy thiết lập một danh sách email để tương tác với họ xuyên suốt sự kiện, bao gồm những nội dung như: Hé lộ nội dung sẽ có trong sự kiện, Thông tin chương trình ưu đãi cho người tham dự, Thư cảm ơn và ghi nhận phản hồi, Recap sự kiện,… Tương tự nếu khách hàng phản ứng tốt và tương tác với các quảng cáo hiển thị của bạn, hãy gửi cho họ thêm nhiều nội dung hữu ích như eBook, danh sách Blog, báo cáo ngành hàng, các bài viết phân tích vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, kèm theo giới thiệu giải pháp từ phía doanh nghiệp của bạn. 

Đọc thêm: Tận dụng email automation để thúc đẩy chuyển đổi như thế nào?

3.2. Sử dụng chiến lược Account-Based Marketing khi phát triển Content Marketing

Account-Based Marketing (ABM), hiểu đơn giản là chiến lược tập trung cho những nhóm khách hàng tiềm năng nhất và điều chỉnh thông điệp phù hợp với nhu cầu từng nhóm. Các topic content cũng sẽ được thiết kế để thỏa mãn nhu cầu, pain points ở từng giai đoạn trên hành trình mua sắm của mỗi nhóm khách hàng. Nhờ đó, thương hiệu cũng dễ dàng “cưa đổ” trái tim khách hàng tiềm năng và thúc đẩy họ chuyển đổi nhanh hơn. 

Ngoài ra, kết hợp chiến lược account-based marketing và content marketing cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực hơn. Các nội dung eBook, case study, whitepaper,… có thể được tái sử dụng, điều chỉnh định dạng cho phù hợp nhu cầu, mục đích để đăng lên các kênh khác nhau. 

3.3. Phối hợp SEO và quảng cáo retargeting

SEO là một hoạt động inbound rất tốt để củng cố traffic cho website của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số những người truy cập website của bạn, sẽ có không ít người rời đi mà không thực hiện hành vi mua sắm ngay trong lần đầu tiên. Quảng cáo retargeting lúc này sẽ làm nhiệm vụ “nhắc nhớ” lại những vị khách đã từng đến thăm trang web và thúc đẩy họ thực hiện hành vi chuyển đổi (ví dụ như động viên mua một món hàng mà họ đã từng click vào tham khảo). Bạn có thể thực hiện quảng cáo retargeting đa nền tảng: Google Display Ads, Quảng cáo mạng xã hội (Facebook, Instagram, LinkedIn,…), Quảng cáo hiển thị trên mobile apps,…

Lưu ý là khi triển khai retargeting ads, hãy sử dụng những câu CTA vừa có tính gợi nhớ, vừa mời gọi, kích thích sự tò mò như “Sản phẩm bạn yêu thích hiện đang giảm giá 20%”, “Chúng tôi đã cập nhật thêm nhiều tính năng mới phù hợp với thị trường của bạn”,….

3.4. Sử dụng outbound email và inbound calling để thúc đẩy khách hàng tiềm năng

Khi có trong tay một tệp thông tin những khách hàng quan tâm đến thương hiệu hay ngành hàng của bạn, hãy tiến hành phân khúc khách hàng theo đặc điểm, nhu cầu và xây dựng kế hoạch email cá nhân hóa, tự động hóa để tiếp cận họ. Một khi nhận được phản hồi của khách hàng từ những email outbound này, bạn có thể bắt đầu tương tác với họ qua các cuộc gọi outbound. Lúc này nội dung cuộc gọi sẽ tập trung giúp họ trả lời những băn khoăn cá nhân của từng khách hàng, hoặc giải thích thêm về các giải pháp, tính năng của sản phẩm. 

Tạm kết

Thực tế, Inbound Marketing và Outbound Marketing đều có những điểm yếu, mạnh riêng. Không có phương pháp nào đủ hoàn hảo để trở thành “công thức thành công” chung dành cho mọi thương hiệu, ngành hàng. Dù ứng dụng độc lập hay phối hợp cả 2 phương pháp, điều quan trọng nhất là thương hiệu cần bám sát hành vi người tiêu dùng để làm định hướng cho mọi hoạt động marketing. 

Nếu doanh nghiệp của bạn đang định hướng xây dựng hệ thống nội dung theo hướng Inbound Marketing, hãy tham khảo khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers ngay hôm nay nhé!

khóa học content marketing

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: