Keyword Research: Nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho SEO và PPC với Google Keyword Planner

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Khi bắt đầu làm quen với SEO, nhiều bạn newbie thường gặp phải các lỗi sai trong nghiên cứu từ khóa (keyword research): không biết cách chọn từ khóa, chọn những từ khóa ngắn và không có khả năng tạo click, hoặc chọn những từ khóa có tính cạnh tranh cao khiến chiến dịch Google Adwords không được tối ưu chi phí. 

Bài viết này sẽ giới thiệu và hướng dẫn bạn cách phân tích dữ liệu từ khóa trong các chiến dịch với công cụ do Google cung cấp – Google Keyword Planner.

1. Giới thiệu ngắn về Google Keyword Planner, SEO và PPC

Trước khi bắt đầu tìm hiểu về Google Keyword Planner, bạn cần nắm chắc hiểu biết cơ bản về một số thuật ngữ:

  • SEO (Search Engine Optimization): là quá trình tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, tăng khả năng hiển thị và cải thiện thứ hạng xuất hiện của trang web trong trang kết quả tìm kiếm (SERP – Search Engine Result Page). 
  • PPC (Pay-per-click): Đây là hình thức quảng cáo trực tuyến, trong đó nhà quảng cáo sẽ không trả tiền cho lượt xem, và chỉ phải trả tiền khi có lượt nhấp chuột vào quảng cáo.
  • Google Keyword Planner: trợ thủ đắc lực có khả năng hỗ trợ nghiên cứu, thiết lập kế hoạch từ khóa SEO và dự đoán chi phí cho một chiến dịch PPC.

Như vậy, với công cụ miễn phí này của Google, bạn có thể:

  • Khám phá các từ khóa mới: giúp tối ưu hiệu quả của SEO và giúp nhắm mục tiêu trong các chiến dịch PPC.
  • Khám phá dữ liệu lịch sử của các từ khóa: bao gồm xu hướng search volume,… 
  • Dự đoán hiệu suất của các từ khóa và chiến dịch Google Ads: dựa trên ngân sách và giá thầu được đề xuất. 
  • Thu hẹp kết quả từ khóa: theo các biến số như vị trí địa lý, ngôn ngữ và phạm vi thời gian. 

2. Step-by-Step: Làm thế nào để bắt đầu với Google Keyword Planner?

Để đăng nhập Google Keyword Planner, tất cả những gì bạn cần chính là tài khoản Google. Sau khi truy cập, bạn có thể điều hướng tới Keyword Planner Planner và sử dụng công cụ này tại đây. Trong trường hợp bạn vừa đăng ký tài khoản Google hoặc đã có tài khoản nhưng chưa chạy Google Ads, bạn sẽ được yêu cầu đăng ký tài khoản Ads để truy cập vào công cụ:

Bước 1: Nhấp chọn New Google Ads Account, sau đó nhấp chọn Experienced with Google Ads để bỏ qua bước set mục tiêu cho quảng cáo. 

Bước 2: Nhấp chọn Create an Account Without a Campaign

Bước 3: Hoàn thiện các thông tin về doanh nghiệp và Submit. 

Lúc này, bạn đang dừng lại ở giao diện của trang Campaign Overview. 

Bước 4: Nhấp chọn Tools > Switch to Expert Mode. 

Bước 5: Để khám phá các tính năng của công cụ, bạn có thể bắt đầu từ với Tools & Settings ở phía trên của màn hình.

Bước 6: Nhấp chọn Keyword Planner bên dưới cột Planning. 

Bước 7: Để nghiên cứu và thiết lập từ khóa, bạn có thể bắt đầu với hai chức năng lựa chọn của Google Keyword Planner dưới đây:

  • Discover New Keywords: Chức năng này giúp bạn xác định các cơ hội từ khóa mới và khám phá các cụm từ khóa tìm kiếm và đối tượng mục tiêu của bạn đang sử dụng.
  • Get Search Volume and Forecasts: Bạn có thể bắt đầu với chức năng này nếu đã có sẵn danh sách các từ khóa muốn khám phá và kiểm tra các chỉ số chi tiết như search volume, impressions, volume of clicks chi phí ước tính, CTR và CPC trung bình cho các chiến dịch Google Adwords.

3. Sử dụng Google Keyword Planner để tối ưu hiệu quả của SEO với tính năng Discover New Keywords

Sử dụng Google Keyword Planner có thể xác định các từ khóa cụ thể mà đối tượng mục tiêu đang sử dụng. 

Đọc thêm: Trọn bộ bí quyết viết bài chuẩn SEO từ A tới Z, tới Google cũng phải “gật gù”

Bước 1: Lựa chọn giao diện khám phá

Giao diện sẽ hiển thị hai lựa chọn để tiếp tục:

  • Start with keywords (Bắt đầu với từ khóa);
  • Start with website (Bắt đầu với website).

Để dễ hình dung, lấy ví dụ chúng ta lựa chọn bắt đầu với từ khóa, mục tiêu là tìm kiếm từ khóa tiềm năng cho một hãng thời trang bán lẻ trực tuyến cho phụ nữ. 

Bước 2: Khám phá ý tưởng cho từ khoá

Nhập các sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan, lựa chọn ngôn ngữ và vị trí. Bạn cũng có thể chọn đưa tên thương hiệu vào kết quả hoặc nhập tên miền website của doanh nghiệp để lọc các dịch vụ, sản phẩm hoặc thương hiệu không cung cấp. Tuy nhiên, đây chưa phải là giai đoạn thích hợp để lọc kết quả một cách quá chính xác tuyệt đối.

Bạn có thể nhập tối đa 10 từ khóa khác nhau cùng lúc và được phân tách bằng dầu phẩy.

Ngoài ra, nếu không bắt đầu bằng những ý tưởng từ khóa có sẵn, bạn có thể nhập domain của website doanh nghiệp hoặc các trang web cụ thể khác. 

Tip: Đừng quên bạn có thể sử dụng các trang của đối thủ cạnh tranh để khám phá các ý tưởng từ khóa mới.

Bước 3: Sử dụng bộ lọc dữ liệu để tăng tính chính xác

Bạn sẽ thấy một loạt các ý tưởng từ khóa được trả về và sắp xếp theo “mức độ liên quan”. Ví dụ, khi tìm kiếm “dresses”, có 1.591 ý tưởng từ khóa được xuất hiện, giúp bạn nhanh chóng xác định xem mọi người đang tìm kiếm cụ thể điều gì có liên quan.

Đọc thêm: Bật mí 3 mẹo đơn giản giúp bạn tối ưu mật độ từ khóa cho website

Ngoài việc xem danh sách các ý tưởng từ khóa có liên quan đến từ khóa bạn đã cung cấp, bạn còn có thể tìm ra các từ khóa chính xác hơn bằng cách thêm các filter với các cột dữ liệu:

  • Keyword Text: Giới hạn các từ khóa có chứa một từ hoặc cụm từ cụ thể.
  • Exclude Keywords in My Account: Loại trừ các từ khóa bạn đang đấu thầu trong Adwords.
  • Avg. Monthly Searches: Chọn lọc các từ khóa theo khoảng giá trị search volume.
  • Competition: Chọn lọc các từ khóa theo khả năng cạnh tranh với các mức thấp, trung bình và cao. Một điều bạn cần nhớ đối với filter này: điểm cạnh tranh của từ khóa trong trường hợp này đề cập tới khả năng cạnh tranh trong Adwords chứ không phải trong kết quả organic search của Google.
  • Ad Impression Share: Tương tự khả năng cạnh tranh, filter này được sử dụng cho các chiến dịch quảng cáo Google Adwords và không hiển thị kết quả organic search của SEO. 
  • Top of Page Bid: Giới hạn từ khóa theo chi phí cần bỏ ra để quảng cáo xuất hiện ở vị trí trên cùng của trang. Với bộ lọc này, bạn có thể lựa chọn “high range” hoặc “low range”.
  • Organic Impression Share: Chọn lọc từ khóa theo mức độ thường xuyên mà website của bạn xuất hiện trên kết quả tìm kiếm tự nhiên. Để sử dụng tính năng này, bạn cần kết nối tài khoản Google Search Console với Google Adwords.
  • Organic Average Position: Chọn lọc từ khóa theo vị trí mà website của bạn xuất hiện trên kết quả tìm kiếm tự nhiên. 

Bước 4: Tìm kiếm các từ khoá cụ thể, sát với nhu cầu đối tượng mục tiêu 

Nếu chúng ta bắt đầu với “party dresses” thay vì từ khóa rộng hơn là “dresses”, chúng ta nhận được kết quả như hình dưới đây. Có thể thấy, mọi người đang tìm kiếm “going out dress” và các từ khóa dài hơn như “plus size party dresses” và “white party dresses”.

Bạn càng có nhiều hiểu biết sâu sắc về cách khách hàng của bạn đang tìm kiếm, bạn càng có cơ hội tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của họ; đây là một ví dụ hoàn hảo về cách nghiên cứu từ khóa có thể tác động nhiều hơn việc tìm kiếm và đóng một vai trò quan trọng trong việc mua hàng hoặc tung ra sản phẩm mới.

Bước 5: Lựa chọn từ khóa

Có hàng trăm tiêu chí để lựa chọn từ khóa cho kế hoạch SEO của doanh nghiệp, trong đó, ba tiêu chí thường được lựa chọn có thể kể tới như:

  • Search Volume (Lưu lượng tìm kiếm): Search Volume trung bình càng cao, thì từ khóa đó có thể gửi cho bạn càng nhiều traffic.
  • Commercial Intent (Mục đích thương mại): Mức độ cạnh tranh và giá thầu được đề xuất càng cao thì càng dễ dàng chuyển đổi lưu lượng truy cập đó thành khách hàng trả tiền khi họ truy cập vào trang web của bạn.
  • Organic SEO Competition (Khả năng cạnh tranh SEO không trả phí): Đánh giá sự cạnh tranh của từ khóa trong kết quả tìm kiếm không phải trả tiền của Google cần phải đào sâu hơn. Bạn cần xem xét các trang web đang xếp hạng trên trang đầu tiên… và tìm ra độ khó để xếp hạng chúng.

Đọc thêm: Làm thế nào để chọn từ khóa chính hiệu quả cho nội dung của bạn?

4. Sử dụng Google Keyword Planner cho chiến dịch PPC với tính năng Get Search Volume and Forecast

Khi chuẩn bị khởi chạy chiến dịch Google Ads, bạn có thể truy cập dữ liệu search volume và các dự đoán của Google Keyword Planner nhằm có thêm thông tin về hiệu suất của chiến dịch, ví dụ như: số lần nhấp cho tới chi phí của chiến dịch. 

Bước 1: Chuẩn bị danh sách từ khóa để dự đoán hiệu quả

Danh sách từ khóa này có thể có sẵn hoặc đã được xây dựng nhờ tính năng Tìm kiếm từ khóa mới của Google Keyword Planner. Trong bước này, bạn có thể nhập các từ khóa lẻ hoặc upload file .csv.

Giả sử, bạn đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quảng cáo cho một hãng thời trang bán lẻ, với mục tiêu tiêu thụ những bộ váy dành cho các dịp đặc biệt như các bữa tiệc.

Bước 2: Phân tích dữ liệu với kết quả dự đoán của Google Keyword Planner

Công cụ này đưa ra dự đoán kết quả Clicks và Impressions của chiến dịch quảng cáo trong chu kỳ 30 ngày, cùng với chi phí và ngân sách hàng ngày được công cụ đề xuất. Bên cạnh đó, Keyword Planner cũng giúp dự đoán kết quả CTR (Click-through rate), giá trị CPC trung bình và vị trí trung bình của quảng cáo đó. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể xác định mức độ ảnh hưởng của chiến dịch tới kết quả kinh doanh bằng cách nhấp chọn Add Conversion Metrics và nhập tỷ lệ chuyển đổi mục tiêu. 

Tạm kết

Sử dụng công cụ để hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu từ khóa rất quan trọng trong tối ưu hiệu quả thứ hạng bài viết và tối ưu kết quả chạy chiến dịch quảng cáo từ khóa. 

Để tận dụng công cụ hiệu quả nhất, điều quan trọng là bạn cần lựa chọn keyword sát với search intent của đối tượng mục tiêu, đồng thời lên kế hoạch nội dung theo phễu khách hàng. Vì chỉ khi hiểu đối tượng mục tiêu và đang tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề nào, bạn mới có thể mang lại những nội dung có giá trị cho họ. Từ đó đẩy được thứ hạng tìm kiếm, traffic website và tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Tham gia ngay khóa học Content Marketing tại Tomorrow Marketers để trang bị tư duy nghiên cứu sản phẩm, đối thủ, khách hàng và học cách ứng dụng các mô hình, công cụ vào quy trình lên chiến lược content có giá trị chuyển đổi dài hạn.

Bài viết bởi Semrush và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: