Landing page hay bài đăng blog có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Khi muốn xây dựng nội dung tối ưu SEO với mục đích bán hàng, nhiều người thường nghĩ ngay tới việc tạo một trang landing page. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các chuyên gia nhận ra rằng khi tìm kiếm thông tin về sản phẩm, các trang blog lại được xếp hạng cao hơn và có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Từ đó, đặt ra câu hỏi rằng: Liệu landing page hay bài đăng blog có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn? Cùng TM tìm kiếm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé. Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ biết cách sử dụng linh hoạt landing page và các bài đăng blog để tối ưu hóa hệ thống nội dung, gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cho sản phẩm của mình.

1. Quan điểm: “Landing page luôn có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn bài đăng blog” liệu có luôn đúng?

Thông thường, mọi người nghĩ rằng Landing page luôn có tỷ lệ chuyển đổi tốt bài đăng blog, nên thường chỉ dồn sức tối ưu các từ khóa BOFU cho các trang landing page. Còn các bài đăng blog thường được tối ưu với các từ khóa ở tầng TOFU, MOFU rồi dẫn link về landing page.

Điều này thoạt nhìn thì có vẻ hợp lý, nhưng nếu tìm hiểu và thực hành chi tiết, các chuyên gia SEO nhận ra rằng nó dường như không đúng với tất cả các trường hợp. Họ đã thử nghiệm tối ưu các bài blog bằng từ khóa BOFU giống các trang landing page. Kết quả là tỷ lệ chuyển đổi từ nhiều bài đăng blog còn cao hơn cả các landing page. Điều này xuất phát từ một vài nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tối ưu SEO một trang landing page đạt thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm một cách organic thường khó hơn rất nhiều với làm điều tương tự với một bài blog. Định dạng bài đăng trên blog cung cấp nhiều chỗ để đặt các từ khóa SEO và đủ không gian cho phép content writer viết chi tiết, cung cấp câu trả lời cho vấn đề người đọc đang tìm kiếm. Nhờ đó, người đọc cũng đánh giá cao nội dung trên trang của bạn và ở lại lâu hơn. Quan trọng hơn là các trang có xếp hạng cao thường có lượt truy cập lớn, mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn. Nếu trang không được xếp hạng cao, có ít lượt xem thì dù tỷ lệ chuyển đổi cao bao nhiêu cũng không còn nhiều ý nghĩa.

Đọc thêm: Nguyên tắc viết một bài blog chất lượng: Càng chi tiết càng tốt

Thứ hai, trong đa số trường hợp, khi người đọc tìm kiếm từ khóa ở tầng BOFU, từ khóa trực tiếp về sản phẩm, họ đã có nhu cầu rõ ràng và đang muốn tìm kiếm các sản phẩm cụ thể để lựa chọn. Lúc này, một bài blog dạng top list các sản phẩm phù hợp (như hình dưới) thường được xếp hạng cao hơn các trang landing page của một sản phẩm cụ thể, vì chúng đáp ứng mục đích tìm kiếm tốt hơn.

Thứ ba, quan niệm “Landing page luôn có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn bài đăng blog” xuất phát trong bối cảnh quảng cáo trả tiền lên ngôi, giúp cho tỷ lệ chuyển đổi đôi khi có thể cao tới 10% – 20%. Nhưng khi các trang landing page không còn được chạy quảng cáo, thì tỷ lệ chuyển đổi của chúng sụt giảm. Điều này sẽ được nói chi tiết hơn trong ví dụ dưới đây, về một case study thực tế của một công ty trong ngành SaaS. 

Nhiệm vụ của team content là tối ưu các từ khóa ở tầng BOFU cho khách hàng, nội bộ team cũng có nhiều tranh cãi về việc nên tối ưu landing page hay tối ưu bằng các bài blog. Vậy là họ quyết định xem xét dữ liệu, thử nhiều từ khóa, nhiều tình huống khác nhau và tìm ra được khá nhiều insights thú vị.

“Landing page có chuyển đổi cao” là kết quả của paid search, chứ không phải organic

Khi search từ khóa “phần mềm quản lý nhân sự” trên Google, kết quả hiển thị đầu trang không chỉ có 1, mà là 3 quảng cáo trả phí. Và cả 3 quảng cáo này đều là landing page giới thiệu sản phẩm từ các công ty khác nhau.

Các trang này đều có cấu trúc, bố cục nội dung gần giống nhau, bao gồm: thông tin sản phẩm, form đăng ký dùng thử, demo sản phẩm, lợi ích, tính năng,… Nhờ được tối ưu về mặt chuyển đổi, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng, các landing page này có thể có tỷ lệ chuyển đổi cao trên 10%.

Xét về góc độ tâm lý người xem, khi đã tìm kiếm trên Google một cụm từ liên quan đến “phần mềm” và sẵn sàng nhấp vào một trong các quảng cáo, nghĩa là họ đã sẵn sàng mua hàng. Nên tỷ lệ chuyển đổi ở các trang landing page kiểu này thường khá cao. Vậy khi các landing page không được chạy quảng cáo nữa thì sao?

Khi không chạy quảng cáo, các bài đăng trên blog chuyển đổi tốt hơn landing page 

Bảng thống kê dưới đây cho thấy kết quả so sánh tỷ lệ chuyển đổi của các bài đăng trên blog so với các landing page. Dù có số pageviews khá áp đảo, nhưng các trang landing page lại có chuyển đổi kém hơn nhiều so với các bài đăng blog. Điều này có thể đến từ việc người xem chưa có nhu cầu mua ngay do đang ở giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về sản phẩm. 

Trong khi đó, nội dung trong một trang landing page là ít, chưa đủ chi tiết với người đọc. Họ cần tìm hiểu chi tiết về sản phẩm, được khám phá, tìm tòi thông tin đa chiều, được thảo luận hoặc tương tác với thương hiệu, với những người đã dùng, với các bản demo, sample,… Hơn nữa, vì chưa có nhu cầu mua và đang muốn có được thông tin đa chiều, nên người xem cũng ngại ấn vào các quảng cáo hơn.

Đọc thêm: Cách tìm kiếm ý tưởng Content có lượt chuyển đổi cao

Phần trên của dữ liệu trên nói về tỷ lệ chuyển đổi của của các landing page, còn phần dưới cho thấy tỷ lệ chuyển đổi của các bài đăng trên blog. Nếu xét về lượng pageviews và số MQLs, số liệu của các trang landing page khá cao nhờ các từ khóa “Industry # + Software”có lượt tìm kiếm cao hơn các từ khóa “Industry # + Software + Feature”. Điều này không khó hiểu bởi các trang landing page được lập ra để được tối ưu với các từ khóa kiểu như “Industry # + Software”. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng ta là so sánh về tỷ lệ chuyển đổi nên hãy tập trung vào chỉ số này. Trung bình tỷ lệ chuyển đổi của các landing page là khoảng 0,34%, trong khi các bài đăng trên blog có tỷ lệ chuyển đổi là 1,13%.

Đây là một case study nhỏ, với tập dữ liệu có hạn và chắc chắn không phải sự so sánh hoàn hảo. Nhưng nó cũng đã chứng minh rằng trên thực tế, các trang landing page không phải lúc nào cũng có tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn các bài đăng blog. Mọi người thường bỏ quên việc tối ưu khả năng chuyển đổi cho các trang blog, có thể giúp trải nghiệm mua hàng của khách hàng thú vị hơn. 

2. Khi nào nên sử dụng landing page? Khi nào nên sử dụng bài blog?

Nếu doanh nghiệp chưa có danh tiếng đủ lớn, xây dựng tuyến blog là đều nên làm

Hãy đánh giá danh tiếng của thương hiệu trong ngành hàng của mình. Các doanh nghiệp đã có thương hiệu mạnh, siêu nổi tiếng thường dễ có các trang landing page được xếp hạng cao với các từ khóa BOFU có độ cạnh tranh cao. Còn đối với các doanh nghiệp chưa có danh tiếng đủ lớn trên thị trường, thì khả năng chiếm top thứ hạng cao cho một trang landing page khá hạn chế.

Để dễ dàng đưa ra quyết định xem nên chọn làm landing page hay blog, bạn có thể phân tích SERP (Search Engine Results Pages – Trang kết quả của công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo,…). Ví dụ, khi xem xét kết quả tìm kiếm cho các từ khóa “software category”, chúng ta có thể đào sâu các vấn đề như sau:

  • Những loại trang đang hiển thị? (VD: Bài tổng hợp review sản phẩm, trang chủ sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, trang landing page sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, bài đăng trên blog,…?)
  • Bài đăng blog đáp ứng được search intent của người dùng không?
  • Bài đăng blog có cơ hội để được xếp hạng trong 3 vị trí hàng đầu không?

Nếu tất cả hoặc phần lớn kết quả xem xét được là các bài blog thì rõ ràng bạn nên sử dụng các bài blog để tối ưu cho các từ khóa BOFU, vừa có thể xếp hạng cao, vừa đáp ứng được search intent.

Tiếp theo, bạn cần chọn loại bài đăng đáp ứng search intent chặt chẽ nhất. Bài tổng hợp review sản phẩm thường được ưu tiên lựa chọn vì như đã đề cập phía trên, dạng bài này thường được xếp hạng cao cho các từ khóa về sản phẩm và dịch vụ ở tầng BOFU. Khách hàng tìm kiếm là để xem và cân nhắc lựa chọn, so sánh các sản phẩm với nhau.

Có rất nhiều công ty cảm thấy do dự hoặc không muốn viết các bài đăng theo kiểu tổng hợp danh sách vì không muốn đề cập đến đối thủ cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lợi ích nhận được từ việc tăng cơ hội xếp hạng ở vị trí hàng đầu, có thể bù lại nhược điểm của việc nhắc đến đối thủ cạnh tranh. Bạn cũng có thể nhắc đến các lợi ích, giá trị mà sản phẩm, dịch vụ của mình mang lại trước khi nhắc tới đối thủ. 

Hơn nữa, nếu người mua hàng gặp hàng loạt các trang landing page sản phẩm khác nhau từ các công ty khác nhau, thì cũng chẳng khác gì việc đọc một bài blog có liệt kê hết các sản phẩm. Trong khi nếu bài viết danh sách các sản phẩm là của bạn, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát nội dung trong đó và dễ dàng thuyết phục người đọc lựa chọn sản phẩm của mình hơn nhiều.

Đọc thêm: Bí quyết SEO Copywriting – Khi content phải chiều lòng cả khách hàng và Google

Dưới đây, hãy cùng xem một vài ví dụ nữa, để thấy rằng vẫn có các công ty đạt được thứ hạng cao nhờ tối ưu các bài blog cho từ khóa BOFU. Đầu tiên là ví dụ về công ty nhanh.vn với sản phẩm App Nhanh.POS, đã giành được vị trí số 2 với một bài đăng blog cho từ khóa “phần mềm quản lý kho”. Vị trí số 1 là của Thế giới di động, công ty không kinh doanh sản phẩm phần mềm nhưng vẫn tối ưu rất nhiều từ khóa liên quan đến phần mềm. Vị tri số 3 là của Sapo, đối thủ của Nhanh.POS với trang landing page giới thiệu sản phẩm.

Ứng dụng TOPI cũng giành vị trí số 1 với từ khóa “phần mềm quản lý tài chính cá nhân”, xếp trên đối thủ Finhay, Timo dù các đối thủ cũng nỗ lực sử dụng bài blog tổng hợp:

Phần mềm kế toán Bravo cũng giành vị trí thứ 2 cho từ khóa “phần mềm kế toán” với bài đăng dạng danh sách. Các kết quả ở vị trí 1 và 3 là của các công ty cung cấp dịch vụ kế toán. Sau đó mới tới các landing page của đối thủ như Misa, Easybooks,…

Trên đây chỉ là một vài ví dụ mẫu cho thấy các bài blog, đặc biệt bài đăng blog kiểu danh sách có thể đáp ứng tốt hơn search intent đối với các từ khóa tầng BOFU về dịch vụ, sản phẩm. Thậm chí, các bài đăng này còn có xếp hạng cao hơn các trang landing page sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Khi trang blog của bạn xếp ở vị trí 1-3 trên trang tìm kiếm, bạn có thể nhận tới ~60% lượng traffic organic. Vì vậy, khi lên chiến lược nội dung trên kênh của mình, hãy cân nhắc thật kỹ giữa việc tối ưu các từ khóa BOFU cho các bài đăng blog bên cạnh các landing page nữa.

Chiến lược kết hợp: Kết hợp các landing page và bài đăng trên blog

Ý tưởng của chiến lược này là chúng ta có thể tận dụng điểm mạnh của cả landing page và bài blog. Nội dung của bài blog có thể giúp trang xếp hạng cao hơn, trong khi cấu trúc của landing page có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Đọc thêm: Thiết kế landing page thế nào để thu hút nhiều lượt đăng ký?

Một công ty là ServiceTitan đã thử nghiệm ý tưởng này. Họ viết các bài đăng với chủ đề “So sánh đối thủ cạnh tranh và ServiceTitan”, sau đó tối ưu từ khóa, biên tập nội dung theo template như một landing page. Phần đầu trang được thiết kế theo định dạng như các landing page bình thường khác:

Tiếp theo, họ sử dụng bảng so sánh, đây là một yếu tố phổ biến khác của landing page so sánh sản phẩm:

Bên dưới, họ đặt bài đăng trên blog:

Kết quả là bài viết đã xếp hạng ở vị trí số 1, trên các đối thủ là: softwareadvide, G2, Housecall Pro,…:

Trong trường hợp của ServiceTitan, công ty đã có sẵn trang landing page so sánh (đã được xếp hạng), nhiệm vụ chỉ là đã thêm nội dung blog vào để tăng thứ hạng cao hơn nữa. Có nhiều cách khác khi sử dụng chiến lược kết hợp này. Ví dụ: Bạn có thể tạo một trang kết hợp cả hai ngay từ đầu hoặc bạn tạo bài đăng trên blog trước để có khả năng xếp hạng cao nhất, sau đó bạn tạo kiểu template landing page muốn tối ưu và chỉnh sửa theo. 

Giống như ví dụ dưới đây. Với từ khóa “so sánh các phần mềm chấm công”, bài đăng “So sánh 2 phần mềm chấm công online phổ biến nhất hiện nay” đã đứng top 1. Đây là bài của FastWork so sánh chính họ với đối thủ Tanca, một số phần nội dung có chèn template như landing page, có form đăng ký, cách thức liên lạc,…

Dù bằng cách nào, dựa trên những gì chúng ta đang thấy, việc thử nghiệm một chiến lược kết hợp giữa landing page và bài đăng blog cho về kết quả khả quan.

Tạm kết

Cho dù dùng landing page hay các bài đăng blog, bạn đều có thể đạt thứ hạng cao trên trang tìm kiếm, có được lượng organic traffic lớn và có tỷ lệ chuyển đổi cao, hạn chế phụ thuộc vào việc trả tiền quảng cáo. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ ngành hàng, nghiên cứu kỹ khách hàng mục tiêu tại từng tầng của phễu nội dung. Từ đó xác định đúng topic, keywords sát với search intent của khách hàng. 


Đây là những nội dung cần làm rõ khi bạn xây dựng chiến lược nội dung cho thương hiệu và cũng là một phần nội dung của khóa học Content Marketing tại Tomorrow Marketers. Khóa học sẽ cung cấp tư duy nghiên cứu thị trường, sản phẩm, khách hàng, giúp bạn học cách ứng dụng các công cụ vào quá trình lập chiến lược nội dung với mục tiêu tăng trưởng và chuyển dài hạn.

khóa học content marketing
Tagged: