Long-form content và short-form content: Chiến lược nội dung chuyển đổi cao cần loại content nào hơn?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, người dùng ngày càng thiếu kiên nhẫn đọc nội dung, content ngắn lên ngôi, liệu doanh nghiệp có nên tiếp tục viết các bài đăng dài trên blog nữa không? Dùng long-form content hay short-form content, dùng lúc nào, ở đâu mới hợp lý là trăn trở của không ít người làm chiến lược nội dung. 

Trên thực tế, không có loại nội dung nào tốt hơn loại nào. Để biết cách sử dụng và kết hợp cả hai dạng nội dung này vào chiến lược Content, cùng TM khám phá trong bài viết dưới đây nhé!

1. Ưu, nhược điểm của nội dung dài (Long-form content) 

Không có một quy định rõ ràng về việc một nội dung với chính xác bao nhiêu từ là dài hay ngắn. Chúng ta hiểu đơn giản long-form content là những bài viết đề cập sâu về một chủ đề cụ thể, và để có đủ thời lượng để giải thích tường tận, thời lượng tiêu thụ những nội dung này thường không thể nhanh chóng, đòi hỏi người đọc có sự tập trung. Nhờ mức độ chi tiết của thông tin trong đó, nội dung dạng dài thu hút những độc giả có mục tiêu là đi sâu tìm hiểu thông tin chi tiết và toàn diện về một chủ đề cụ thể. Nội dung dạng dài thường được sử dụng nhiều nhất trong các trường hợp:

  • Đối tượng mục tiêu đang ở giai đoạn đầu của phễu nội dung và họ chưa có đủ kiến ​​thức hoặc trải nghiệm về sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Sản phẩm và dịch vụ của bạn thuộc phân khúc cao cấp, đắt tiền hoặc thuộc ngành hàng high-involvement, tức là khách hàng cần càng nhiều thông tin càng tốt trước khi quyết định mua hàng, và bạn cũng muốn giải thích chi tiết về sản phẩm của mình và cách nó mang tới giá trị cho người tiêu dùng.
  • Bạn tung một sản phẩm hoặc dịch vụ mới và cần cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Đọc thêm: Sự khác biệt giữa sản phẩm High-Involvement và Low-Involvement

Ưu điểm của long-form content:

Nội dung, từ khóa phong phú

Trước đây, nhiều người cố cải thiện thứ hạng trên công cụ tìm kiếm chỉ bằng cách nhồi nhét từ khóa vào một bài viết ngắn. Nhưng ngày nay, nhồi nhét từ khóa là một trong những cách nhanh nhất khiến trang web của bạn bị Google cho ăn gậy. Bởi vì thuật toán của Google ngày càng được update và thông minh hơn, nó không chỉ đề xuất nội dung dựa trên một từ khóa duy nhất được chèn dày đặc trong bài. Google có trả kết quả mà không cần tới từ khoá chính xác nhờ 3 thuật toán: 

  • Knowledge Graph (Sơ đồ tri thức): Thu thập dữ liệu từ hàng tỷ từ khoá và phân tích ý nghĩa đằng sau các từ khoá đó.
  • Hummingbird (Thuật toán chim ruồi): Phân tích ngữ nghĩa của từ khóa, vị trí, bối cảnh, thiết bị, thời gian khi họ thực hiện một truy vấn.
  • Thuật toán RankBrain: Cách mà người dùng Google tương tác với các kết quả tìm kiếm mới. 

Ví dụ bạn tìm kiếm “Tác giả dế mèn phiêu lưu ký” thì Google đã trả về ngay kết quả là Nhà văn Tô Hoài, dù nội dung cụm tìm kiếm không nói đến Tô Hoài.

Bạn có thể đọc chi tiết tại bài viết: Semantic Search là gì? Tối ưu SEO bằng cách nhồi nhét từ khoá có còn phù hợp với Google?

Vậy nên, nội dung dạng dài cho bạn nhiều cơ hội để được sử dụng đa dạng từ khóa, tích hợp các từ khóa đuôi dài một cách hợp lý phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng. Điều này không chỉ cải thiện mật độ từ khóa một cách tự nhiên mà còn giúp bài viết tăng cơ hội hiển thị organic tốt hơn, thu hút đúng khách hàng tiềm năng hơn. Với các từ khóa và cụm từ khóa đuôi dài, việc viết nội dung chất lượng cao phù hợp với mục đích tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn phải nhớ rằng mục tiêu là sử dụng đúng từ khóa – đây là lúc nghiên cứu từ khóa thể hiện vai trò quan trọng của mình.

Có nhiều không gian để tối ưu SEO

Các công cụ tìm kiếm như Google vẫn đang tiếp tục nâng cấp để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất có thể, nên họ thường xếp hạng các bài viết có long-form content ở thứ hạng cao hơn. Người đọc không muốn lãng phí thời gian tìm kiếm không ngừng các trang web khác nhau, họ chỉ cần một nơi có thể giải đáp hết tất cả các câu trả lời của mình. Xét theo hành vi bình thường thì rõ ràng đọc một bài viết có đầy các thông tin thì thích hơn nhiều so với việc phải mở hết trang này đến trang khác để thu thập từng mẩu thông tin nhỏ. Các bài viết có nội dung nông thường có tỷ lệ bounce rate cao vì người đọc cứ thường xuyên vào xem rồi lại đóng lại do không tìm được điều mình muốn đọc, hoặc đã đọc được ở một website khác.

Theo kết quả của một nghiên cứu Backlinko gần đây, sau khi phân tích 11,8 triệu kết quả tìm kiếm của Google, kết quả trang đầu tiên trung bình của Google có 1.447 từ. Sản xuất nội dung dạng dài cho phép bạn đáp ứng các yêu cầu tối ưu SEO để được lên top tìm kiếm điều mà Google hiện đang yêu cầu. 

Bên cạnh đó, một bài đăng trên blog có nội dung nghiên cứu kỹ lưỡng, chứa những số liệu thống kê hữu ích hoặc hình ảnh chi tiết có giá trị, thì đây chắc chắn là một bài viết chất lượng và sẽ giúp website thu hút lượng lớn backlinks.

Theo một khảo sát về Content Marketing của SEMrush , các bài viết dài hơn 3.000 từ nhận được lưu lượng truy cập trang web nhiều hơn gấp 4 lần và có nhiều backlinks hơn 3,5 lần so với các bài đăng có độ dài trung bình (900-1.200 từ). Kết quả khảo sát không chỉ nói về số lượng backlinks mà còn về chất lượng của các backlinks.

Có giá trị lâu bền trong dài hạn

Các nội dung dạng dài sẽ giúp mang lại giá trị trong thời gian dài hạn vì chúng ở dưới dạng evergreen content. Ví dụ, bạn vẫn có thể có organic traffic từ các bài blog cũ sản xuất từ vài năm trước nếu những nội dung trong đó vẫn có thể sử dụng ở thời điểm hiện tại. Kết hợp việc lựa chọn chủ đề bài viết dạng evergreen content với việc cập nhật nội dung thường xuyên sẽ giúp bạn tạo ra luồng organic traffic ổn định không ngừng.

Hơn nữa, nội dung dạng dài rất phù hợp với việc tái sử dụng nội dung để bạn có thể phân phối nội dung đó xa và rộng trên các định dạng và nền tảng khác nhau. Ví dụ: bạn có thể chia nhỏ nội dung 1 bài blog dài thành một chuỗi video trên kênh YouTube, phân phối lại lên Facebook, LinkedIn theo định dạng link, hình ảnh,… Bản thân các bài viết dạng dài đã có giá trị lâu dài và bền vững. Việc tái sử dụng nội dung giống như cơ hội mở rộng giá trị của bài viết cho nhiều đối tượng hơn.

Có tỷ lệ chuyển đổi cao hơn

Bạn cần cung cấp cho khách hàng nội dung giá trị, hữu ích thì mới có thể chiếm được lòng tin của họ. Nội dung dạng dài cho phép hiển thị lượng kiến ​​thức và chuyên môn lớn. Mọi người sẽ dễ dàng tin tưởng thương hiệu hơn nếu họ đọc nội dung toàn diện và có độ chi tiết cao trên trang web của bạn, vì điều đó chứng tỏ rằng thương hiệu của bạn có đủ kiến thức và uy tín về chủ đề này để giúp họ. Điều đó giúp tăng khả năng người đọc trở thành khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ của bạn.

Ngoài các bài đăng trên blog, các nội dung dạng dài có thể là các landing page, video YouTube dài, bài viết chia sẻ sâu trên các trang mạng xã hội,… 

Nhược điểm của nội dung dạng dài:

Tốn nhiều thời gian và nguồn lực để sản xuất

Rõ ràng viết một bài đăng blog dài vài nghìn từ, hay sản xuất một video hơn chục phút không phải chuyện đơn giản và nhanh chóng. Bạn cần dành hàng giờ nghiên cứu và tìm hiểu sâu về chủ đề này nên thời gian viết sẽ dài hơn, và mức độ khó sẽ cao hơn nhiều. Để các nội dung có tính liên kết và làm được trên đa kênh, bạn cần có chiến lược nội dung rõ ràng, thống nhất.

Không phải ai cũng có đủ khả năng để viết được những bài viết chất lượng cao như vậy. Nếu doanh nghiệp không có sẵn Team Marketing Inhouse, bạn phải thuê ngoài freelancer hoặc agency. Nhưng dù có lựa chọn phương án nào thì để có nhân sự sản xuất content chất lượng cũng tốn một khoản đầu tư đáng kể.

Khó thu hút sự chú ý của người đọc ngay

Mặc dù chưa có một nghiên cứu chính xác nào về sự chú ý của con người, nhưng trong thời điểm bùng nổ của thông tin nhanh, các mạng xã hội lên ngôi thì chúng ta khó lòng phủ nhận sự thật rằng: Có quá nhiều yếu tố khiến người đọc phân tâm. Với những người đọc bận rộn, không phải ai cũng sẵn sàng dành thời gian để đọc một bài đăng blog hàng nghìn từ ngay khi vừa xem đến. Kết quả là nội dung dạng dài có xu hướng dễ bị bỏ qua.

Đặc biệt khi người dùng xem long-form content trên các thiết bị di động, họ lại càng khó tập trung hơn. Hàng loạt thông báo từ các ứng dụng, game, tin nhắn, cuộc gọi khiến việc đọc dễ bị gây nhiễu. Bên cạnh đó, màn hình nhỏ cũng khiến long-form content ít hấp dẫn hơn đối với người dùng thiết bị di động. Thay vì đọc ngay lập tức, họ có thể sẽ lưu bài đăng để đọc sau và nhưng đa phần là họ quên luôn.

2. Ưu nhược điểm của nội dung ngắn (Short-form content)

Tương tự với nội dung dạng dài, không có quy định một cách chính xác nội dung dưới bao nhiêu chữ, hay thời lượng tiêu thụ trong thời gian bao lâu được xác định là short-form content. Nhìn chung, chúng ta hiểu nội dung dạng ngắn là nội dung có thể nhanh chóng tiêu thụ trong thời gian ngắn,  đơn giản, thường đề cập đến một chủ đề nhỏ, khai thác chủ đề ở bề mặt thay vì đi quá chi tiết, chuyên sâu. Trong các chiến lược nội dung, nội dung dạng ngắn thường được sử dụng trong các trường hợp:

  • Khách hàng chưa có nhiều nhận thức, kiến thức về ngành hàng, sản phẩm, đang cần được educate.
  • Đối tượng mục tiêu đã quen thuộc với thương hiệu, cũng như các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu. Những khách hàng này đang tìm kiếm thông tin nhanh chóng và chính xác để đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt.
  • Bạn đang viết cho khách hàng hiện tại hoặc khách hàng tiềm năng có khả năng chi trả và đang ở giai đoạn chuẩn bị mua hàng. Những người này đang tìm kiếm thông tin cụ thể về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu thuộc ngành hàng low-involvement, tương đối phổ biến và không quá đắt tiền. 
  • Format trên các nền tảng không tối ưu để hiển thị nhiều nội dung như Google Ads, Facebook Ads, email,…

Ngược lại với các nhược điểm của long-form content, nội dung dạng ngắn có những ưu điểm sau:

Ưu điểm:

Cần ít thời gian và nguồn lực để sản xuất

Các bài đăng ngắn hơn có tốc độ sản xuất, phân phối nhanh hơn, dễ viết hơn. So với việc tốn công nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu chuyên sâu để làm các long-form content, thì làm short-form content đơn giản hơn nhiều, bạn có thể thực hiện với số lượng lớn hơn và nếu phải làm việc với freelancer hay các content agency thì giá cả cũng sẽ phải chăng hơn.

Người xem dễ dàng tiếp cận và tiêu thụ

Do khoảng thời gian chú ý đang giảm dần, đối tượng mục tiêu của bạn có thể không có nhiều động lực để đọc các bài đăng quá dài. Mọi người luôn bận rộn và luôn muốn có được câu trả lời nhanh chóng cho vấn đề của họ, và nội dung dạng ngắn đáp ứng được nhu cầu này. Đối với các trường hợp bạn có những thông điệp ngắn, cần truyền tải một cách nhanh chóng với khán giả thì short-form content cũng là dạng nội dung được ưu tiên. Và thực tế là nội dung dạng ngắn đã trở thành công cụ giao tiếp chính trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, theo một báo cáo của Statista, số lượng thuê bao sử dụng mạng di động trên điện thoại thông minh trên toàn thế giới đạt gần 6,4 tỷ vào năm 2022 và được dự báo sẽ vượt quá 7,7 tỷ vào năm 2028. Với một nửa lưu lượng truy cập trang web toàn cầu đến từ thiết bị di động, doanh nghiệp của bạn không thể bỏ qua việc phát triển nội dung được tối ưu hóa cho thiết bị di động. Điều này dự báo rằng các định dạng nội dung được tối ưu cho các thiết bị di động sẽ tiếp tục lên ngôi, chính là short-form content.

Dễ dàng lan tỏa

Short-form content là định dạng phổ biến nhất trên các mạng xã hội. Chúng thú vị, sáng tạo, cập nhật nhanh chóng, chính là những thứ mà dễ dàng được chia sẻ. Nếu một trong những mục tiêu trong chiến lược content marketing của bạn là tạo ra thật nhiều tương tác, lượt tiếp cận, chia sẻ tới một tệp lớn đối tượng mục tiêu, thì short-form content chính là lựa chọn phù hợp nhất.

Ví dụ để một bài blog đạt 100.000 lượt xem thì sẽ khó hơn nhiều so với việc được 100.000 views trên TikTok và chắc chắn, độ viral của bài blog cũng sẽ không bằng video TikTok được.

Nhược điểm:

Thiếu chiều sâu

Một trong những vấn đề lớn nhất của short-form content nó chỉ cung cấp thông tin, kiến thức ở mức độ bề mặt về một chủ đề nào đó, bạn không có không gian, thời lượng để khai thác sâu, chi tiết hơn. Vấn đề này sẽ bộc lộ rõ ràng khi bạn cần viết hướng dẫn chi tiết cho một việc gì đó, hoặc khi viết về các nội dung phân tích, có nhiều số liệu, thống kê,…

Với thông tin cung cấp được rút gọn, nội dung dễ có chiều hướng mang tính một chiều và ít hữu ích hơn. Điều này có thể gây bất lợi cho thương hiệu vì khán giả có thể cho rằng nội dung của bạn có chất lượng thấp, suy ra sản phẩm cũng không có gì đặc biệt và dễ khiến khách hàng rời bỏ kênh, không có nhiều ấn tượng với thương hiệu.

Thường không mang giá trị dài hạn

Có lẽ nhược điểm lớn nhất của nội dung dạng ngắn là nó ít có khả năng đóng góp vào việc tối ưu SEO. Một bài viết được tối ưu SEO tốt thì luôn mang về lượng traffic tự nhiên trong dài hạn. 

Bên cạnh đó, đa số nội dung dạng ngắn ở trên các trang mạng xã hội, mà thuật toán của các mạng xã hội thường chỉ phân phối một bài viết trong một khoảng thời gian nhất định. Nghĩa là bạn đăng bài viết đó 1 lần, thì nó được phân phối trong một vài ngày, và sau đó không còn nhiều giá trị nữa. Bài đăng trên các mạng xã hội mà không được hệ thống hóa ngay từ đầu, thì cũng rất khó tìm để xem lại. Nên gần như các nội dung này khó được sử dụng lại nhiều lần.

Tổng kết lại ưu nhược điểm của hai định dạng long-form content và short-form content, chúng ta có bảng so sánh như sau:

3. 5 yếu tố cần cân nhắc chọn long-form content hay short-form content

Để nói rằng nội dung dạng ngắn hay dạng dài mang lại hiệu quả cao hơn thì chắc chắn không có một câu trả lời chính xác áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách làm chiến lược nội dung với một công ty như ngành hàng công ty đang kinh doanh, xu hướng thị trường trong thời điểm hiện tại, nguồn lực sản xuất nội dung của công ty,… Để xác định lúc nào nên dùng nội dung dạng ngắn, lúc nào nên dùng nội dung dạng dài trong chiến lược nội dung, bạn có thể tự trả lời 4 câu hỏi dưới đây:

Đối tượng mục tiêu của bạn là ai?

Trước khi viết bất cứ nội dung gì, bạn cần biết rõ: Mình đang viết cho ai với những thông tin đơn giản về nhân khẩu học cơ bản bao gồm tuổi, giới tính, nơi sống, thu nhập, nghề nghiệp,…; Họ đang gặp vấn đề gì, có pain point gì? Cách thức họ tiêu thụ nội dung như thế nào? Khi đã hiểu rõ những gì khán giả thích, bạn sẽ biết độ dài và loại nội dung lý tưởng để xuất bản.

Đọc thêm: 7 câu hỏi để nghiên cứu người tiêu dùng dành cho content marketers

Khách hàng đang ở giai đoạn nào trong hành trình mua hàng?

Nhu cầu, mức độ quan tâm, hiểu biết về ngành hàng, sản phẩm, mức độ cấp bách trong việc cần sản phẩm tác động rất nhiều tới định dạng nội dung mà họ tiêu thụ. Các vấn đề này có thể được hình dung rõ ràng hơn khi bạn vẽ được customer journey, chia rõ ràng các tầng trong phễu nội dung của mình. Từ đó, bạn sẽ xác định được khách hàng đang ở giai đoạn nào trong customer journey để có cách lựa chọn chủ đề bài viết phù hợp.

Đọc thêm: Content Mapping là gì? Hướng dẫn xây dựng nội dung theo từng giai đoạn Customer Journey

Về kênh, bạn muốn thu hút sự chú ý trên mạng xã hội và xây dựng lượng người theo dõi lớn thì tốt nhất là nên tập trung nỗ lực vào việc sản xuất nội dung dạng ngắn, trên TikTok, Facebook, Instagram,… Ngược lại, nếu bạn muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu đậm tính học thuật, có nhiều kiến thức chuyên môn uy tín, thì các bài viết blog dài, sách trắng và video dài sẽ phù hợp hơn.

Độ dài của nội dung phụ thuộc vào việc nội dung được đề cập có thể giúp đáp ứng các mục tiêu bạn đã đặt hay không

Đọc thêm: Chọn đúng mục tiêu để đo lường hiệu quả Content Marketing: Làm thế nào để làm hài lòng khách hàng và doanh nghiệp?

Ý định tìm kiếm (search intent) của khách hàng trong từng giai đoạn là gì?

Ẩn sau ý định tìm kiếm chính là lý do tại sao khách hàng tìm kiếm thứ gì đó trên internet. Đó chính là các insight, pain point của khách hàng. Vậy nên, nếu bạn muốn định hướng nội dung nói về những thứ khách hàng quan tâm, mang nó tới đúng khách hàng quan tâm tới sản phẩm, thì bạn phải nghiên cứu kỹ về search intent trước khi viết nội dung. 

Một trong những điều đầu tiên bạn nên xác định là tại sao và làm thế nào một khách truy cập đã đến trang web hoặc blog của bạn. Họ đang muốn tìm kiếm cái gì? Họ đang cố gắng giải quyết vấn đề gì? Tìm hiểu về ý định tìm kiếm của khách truy cập trang web của bạn và sử dụng nó để giúp xác định độ dài lý tưởng cho một phần nội dung.

Nguồn lực sáng tạo nội dung của doanh nghiệp như thế nào?

Thông thường, chúng ta chọn các mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram,… để đăng tải nội dung dạng ngắn vì đặc thù format nền tảng. Trong khi trang web công ty, YouTube, landing page,… là nơi dành cho các nội dung dạng dài. Tuy nhiên để xây dựng được một kênh nội dung uy tín, nhiều follow, đăng bài có tương tác không phải chuyện đơn giản, nên không phải công ty nào cũng có sẵn các kênh trên đa dạng nền tảng như vậy. Nhưng các nội dung ngắn, dài thì vẫn cần phải có đủ trên các tầng của phễu nội dung. Lúc này, các content marketers cần linh động sử dụng các format bài đăng cho phù hợp. Ví dụ như TikTok đã mở rộng thời lượng 1 video lên tới 10 phút, đủ để bạn đăng 1 video nội dung chuyên sâu; Facebook không quy định số lượng ký tự trên caption mỗi bài đăng nên bạn hoàn toàn có thể viết một bài đăng dài,… 

Ngoài ra, nguồn nhân sự cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nếu công ty muốn xây dựng một website với các nội dung chuyên sâu trong 3 tháng, trong khi chưa có một team content marketing inhouse, thì giải pháp ngay lập tức là thuê ngoài, chứ tính riêng việc tuyển dụng, lại mất công training kỹ năng, training về sản phẩm cũng tốn kha khá thời gian rồi. 

4. Ví dụ kết hợp long-form content và short-form content trong phễu nội dung của doanh nghiệp ngành SaaS:

Phễu nội dung là một thuật ngữ mô tả hành trình mà khách hàng tiềm năng trải qua trên đường mua hàng, giúp cho team Marketing nắm rõ nhu cầu, vấn đề và quá trình ra quyết định của khách hàng. Phễu bán hàng được tổ chức thành ba giai đoạn riêng biệt. 

Với các ngành hàng high-involvement như ngành SaaS, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự phân hóa nội dung khá rõ ràng và toàn cảnh. Ví dụ với các công ty cung cấp các giải pháp phần mềm Email Marketing, thì họ có thể chia nội dung theo từng phần của phễu như sau:

Nội dung đầu phễu (TOFU)

Đối với nội dung đầu kênh (TOFU), công ty sẽ tập trung vào các nội dung cung cấp thông tin vì ở giai đoạn này, đối tượng mục tiêu mới đang muốn tìm hiểu về cách giải quyết vấn đề của họ. Các chủ đề khách hàng đọc thường là các chủ đề đơn giản, xoay quanh ngành hàng, sản phẩm, các từ khóa họ tìm kiếm thường có lượng tìm kiếm rất cao và thu hút nhiều traffic vào trang web. Nhưng lượng traffic này sẽ không ngay lập tức chuyển thành mua hàng. Đây là lúc bạn thu hút lượng độc giả trung thành, ổn định vào các kênh nội dung của mình để nuôi dưỡng, chuyển đổi thành khách hàng ở các tầng sau của phễu.  

Ví dụ: Một công ty email marketing có thể chọn các chủ đề về “Tiếp thị qua email là gì”, “Lợi ích của tiếp thị qua email”,…  trong nội dung TOFU của mình.

Nội dung giữa phễu (MOFU)

Ở giai đoạn này, khách truy cập của bạn đã quen thuộc với vấn đề và đang tìm kiếm, cân nhắc các giải pháp có sẵn để giải quyết vấn đề đó. Nội dung tầng MOFU phải thể hiện mối liên hệ rõ ràng giữa sản phẩm của bạn và vấn đề mà nó giải quyết, chứng minh cách giúp khách hàng giải quyết vấn đề như thế nào. Mục tiêu chính của nội dung trong giai đoạn này là chuyển đổi lưu lượng truy cập do nội dung TOFU tạo ra thành người đăng ký email hoặc người dùng miễn phí sản phẩm của bạn.

Vẫn là công ty phần mềm email marketing có thể viết các chủ đề như: “phần mềm email marketing tốt nhất”, “cách xây dựng danh sách email của bạn”, “Cách tạo khách hàng tiềm năng từ email marketing”,… ở tầng này trong phễu nội dung.

Nội dung cuối phễu (BOFU)

Đây là lúc khách hàng tiềm năng đã có ý định mua hàng rõ ràng nên nội dung ở tầng BOFU sẽ xoay quanh các chủ đề nhắm đến những người dùng sẵn sàng mua. Bạn cần tập trung làm nổi bật những lợi ích chính của sản phẩm bằng cách liên kết chúng với các tính năng chính của sản phẩm. Ngoài ra, bạn sẽ cho khách hàng thấy lý do tại sao bạn là lựa chọn tốt hơn. Những chủ đề này sẽ không tạo ra nhiều lượng traffic như những chủ đề ở tầng TOFU, nhưng chúng có tỷ lệ chuyển đổi cao..

Ví dụ, công ty phần mềm email marketing sẽ viết các chủ đề như: “So sánh GetResponse với Mailchimp” hoặc “Giá dịch vụ ActiveCampaign”.

Tạm kết:

Hiểu hành trình mua hàng và đặc thù ngành hàng chính là yếu tố then chốt giúp bạn lựa chọn loại nội dung phù hợp. Nếu bạn muốn trang bị tư duy xây dựng chiến lược nội dung chuyển đổi dài hạn, đừng bỏ lỡ khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers. Khóa học được xây dựng dựa trên 8 năm kinh nghiệm xây dựng hệ thống nội dung đa kênh của Tomorrow Marketers và được giảng dạy bởi các Trainers nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.

khóa học content marketing
Tagged: