Tận dụng long-tail keyword để tối ưu SEO như thế nào?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Long-tail keyword là gì? Long-tail keyword (tạm dịch là từ khoá đuôi dài) là những từ khóa có lưu lượng tìm kiếm thấp, mức độ cụ thể về ý định tìm kiếm cao, cho phép công cụ tìm kiếm biết chính xác hơn mục đích của người dùng khi họ gõ từ khoá này.

Ví dụ, cụm từ khoá “long-tail keyword là gì” có thể coi là một từ khoá đuôi dài. Từ khoá này cho thấy người dùng đang muốn tìm kiếm thông tin cụ thể về long-tail keyword, muốn được giải thích xem từ khoá này là gì và có thể cả cách áp dụng nó. Trái ngược lại là short-tail keyword, thường là những từ khoá ngắn, có lưu lượng tìm kiếm cao, diễn tả những chủ đề rất rộng, ví dụ như “SEO”.

Lượng truy cập không quá cao đồng nghĩa với việc tính cạnh tranh cho từ khoá này thấp hơn so với những từ khoá đuôi ngắn (short-tail keyword). Vì vậy nó cũng có thể sẽ dễ dàng để xếp hạng hơn một chút so với những từ khoá đuôi ngắn.

Đọc thêm: Keyword Cannibalization: làm thế nào để khắc phục tình trạng từ khoá ăn lẫn nhau

1. Tại sao nên tận dụng tối đa long-tail keyword?

Thứ nhất, từ khoá đuôi dài có lợi cho lưu lượng truy cập của bạn

Theo Ahref, 60,67% tổng số nhu cầu tìm kiếm (search demand) đến từ các từ khóa phổ biến nhất (với lưu lượng tìm kiếm từ 1000 trở lên). Tức là 39,33% số nhu cầu tìm kiếm còn lại đến từ các từ khóa có lượt tìm kiếm từ 1000 trở xuống mỗi tháng (từ khoá đuôi dài).

Nói cách khác, mọi người cũng có xu hướng tìm kiếm từ khóa với một chủ đề cụ thể. Và nếu website sở hữu bài viết với cụm từ khóa này, bạn hoàn toàn có cơ hội tăng lượng traffic lên gấp nhiều lần. Điều này dễ dàng hơn việc nhắm vào từ khóa phổ biến, khi có quá nhiều kết quả hiển thị và khó có thể cạnh tranh xếp hạng.

Đọc thêm: Lý giải E-A-T, nguyên tắc đánh giá chất lượng website của Google

Thứ hai, tỷ lệ chuyển đổi có thể sẽ được cải thiện đáng kể

Bởi vì mức độ cụ thể cao, những từ khóa đuôi dài sẽ có thể “thoả mãn” được nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng. Ví dụ, khách hàng nhập từ khóa chung chung như “SEO” lên thanh công cụ tìm kiếm, nhưng thông tin họ thực sự bạn muốn biết là “cách viết bài chuẩn SEO”. Kết quả trả về cho từ khoá “SEO” sẽ chưa đủ để thoả mãn nhu cầu tìm kiếm, vì Google sẽ gợi ý cho bạn hàng loạt những bài viết về cách làm SEO cho người mới bắt đầu hay đơn thuần là giới thiệu tổng quan về SEO. Vậy là họ sẽ bắt đầu nhập những cụm từ cụ thể hơn.

Khi này, ví dụ có ít trang web nhắm đến từ khóa này nhưng website của bạn lại có, bạn có cơ hội kéo thêm khách hàng tiềm năng, so với việc cạnh tranh ở một “biển” các trang web đã có “tuổi đời” khá lâu. Giờ chỉ cần dồn lực để tạo ra nội dung chất lượng và chuẩn SEO là được.

Đọc thêm: Cách tìm kiếm ý tưởng content có lượt chuyển đổi cao

Cuối cùng, chi phí quảng cáo có thể sẽ được giảm bớt

Bởi vì short-tail keyword có lưu lượng tìm kiếm cao nên tỷ lệ cạnh tranh (keyword competition) cao. Chính vì vậy, loại từ khoá này sẽ có CPC (Cost per Click) khá lớn, so với những từ khoá đuôi dài có tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn. Vì vậy, nếu bạn tận dụng được long-tail keyword cho những chiến dịch chạy quảng cáo trên Google, rất có thể, chi phí quảng cáo sẽ được rút ngắn đáng kể.

Vậy là bạn đã nắm được cơ bản về long-tail keyword là gì và tại sao cần tận dụng long-tail keyword trong kế hoạch SEO. Trước khi đi vào tìm hiểu cách để tìm kiếm và tận dụng tối đa loại từ khoá này, hãy cùng TM khám phá cách Content Marketing vận hành đúng nghĩa trong một video ngắn dưới đây nhé.

2. Làm sao để tìm kiếm long-tail keyword?

Cách 1: Tìm kiếm thủ công

Đầu tiên, một trong những cách dễ nhất là nghĩ sẵn một chủ đề rộng trong đầu và bắt đầu tìm kiếm nó trên thanh công cụ tìm kiếm của Google. Ngay lập tức, bạn sẽ nhìn thấy gợi ý tự động bởi Google.

Tiếp theo, bạn cũng có thể kiểm tra qua phần “People also ask” (những chủ đề mọi người cũng quan tâm) để có thêm thông tin liên quan đến chủ đề mà bạn đang muốn nhắm tới. Theo thống kê từ Ahref, 43% truy vấn tìm kiếm hiển thị trong mục “people also ask”.

Cuối cùng, nếu vẫn muốn thu thập thêm thông tin liên quan hơn nữa, bạn có thể tham khảo phần “Searches related to” (tìm kiếm có liên quan) ở cuối trang kết quả tìm kiếm của Google. Những cụm từ khoá dài này cung cấp thông tin về lượt tìm kiếm ít phổ biến nhưng cụ thể hơn, cái mà mọi người thực sự quan tâm.

Tuy nhiên, việc thu thập từ khoá một cách thủ công như vậy khá tốn thời gian và có khi kết quả không chính xác tuyệt đối. Chính vì vậy, việc sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ giúp bạn tìm được hàng nghìn từ khóa chỉ trong vòng vài giây.

Cách 2: Sử dụng công cụ hỗ trợ tìm kiếm từ khóa – Ahref

Đầu tiên, bạn truy cập vào trang web của Ahref và ấn vào mục “Keywords Explorer” (khám phá từ khoá). Sau đó, bạn hãy nhập bất kỳ từ khoá nào mà bạn quan tâm và lọc lượng truy cập bằng việc điều chỉnh cột “Volume…” Ví dụ như ở đây, từ khóa này đang được giới hạn trong phạm vi nhỏ hơn 2000 lượt tìm kiếm. Bạn có thể giới hạn phạm vi từ khoá hơn nữa bằng cách tuỳ chỉnh phần này, để tìm các từ khóa có lưu lượng tìm kiếm mà bạn cho là thấp trong thị trường ngách của mình.

Nếu bạn đang tìm kiếm các chủ đề cụ thể hơn, bạn cũng có thể sử dụng bộ lọc số lượng từ để tìm thêm các từ khóa đuôi dài.

Để tăng độ chắc chắn hơn khi chọn từ khoá để xếp hạng, bạn có thể khám phá các từ khoá đuôi dài mà đối thủ của mình đang nhắm đến. Trước tiên, vào mục “site explorer” rồi nhập URL hoặc tên miền của đối thủ vào. Sau đó, hãy chuyển đến mục “organic keyword” (Từ khoá tự nhiên/không trả phí). Và tiếp đến, như ở trên, bạn lọc từ khóa với lượng truy cập tùy chỉnh ở ô “Volume”.

3. Lựa chọn long-tail keyword sao cho “khéo”?

Vậy là bạn đã biết các bước cơ bản để tìm kiếm long-tail keyword. Giờ là lúc cần “tỉnh táo” để quyết định xem từ khoá nào hợp lý nhất để tối ưu SEO cho bài viết cụ thể. Có lẽ khá nhiều Marketers “ngộ nhận” rằng cứ từ khoá đuôi dài thì tỷ lệ cạnh tranh sẽ thấp, và lượng traffic kéo về cho bài viết nhắm đến từ khoá ấy sẽ cao. Thế nhưng, sự thật lại không hoàn toàn đúng như vậy.

Đọc thêm: 05 chỉ số đánh giá giúp lựa chọn từ khóa SEO hiệu quả

Chúng ta cùng xem xét ví dụ về 2 từ khoá đuôi dài là “giảm cân bằng tinh bột nghệ” và “cách giảm cân nhanh nhất”, cùng 1 short-tail keyword là “giảm cân”.

Với từ khoá giảm cân bằng tinh bột nghệ, lượng tìm kiếm của nó là 70 mỗi tháng (theo Ahref).

Như bạn thấy, hầu hết các trang xếp hạng top đầu đều không có quá nhiều backlinks cũng như refer domain. Vậy nên, nếu bạn chọn từ khóa này làm “tâm điểm” để tối ưu SEO, khả năng cao bạn sẽ có cơ hội nằm trong top đầu của trang kết quả tìm kiếm.

Với từ khóa “giảm cân”, chắc chắn điều đang nảy ra trong đầu bạn là lượng tìm kiếm cao, đồng nghĩa với tính cạnh tranh không nhỏ. Bạn không sai. Lượng tìm kiếm cho từ khóa này là 30,000 mỗi tháng (theo Ahref). Điều này cũng có nghĩa là các trang xếp hạng top đầu có lượng backlinks và domains rất “dồi dào”. Và tất nhiên, bạn có rất ít cơ hội để chiếm lấy vị trí đầu bảng, hoặc nếu có thì cũng rất chật vật.

Thường thì đến đây, Marketers sẽ nhanh trí và chọn ngay cho mình phương án an toàn hơn với một từ khoá đuôi dài bất kỳ nào đó về chủ đề này. Nhưng hãy xét nốt từ khoá đuôi dài “cách giảm cân nhanh nhất”.

Lượng tìm kiếm cho từ khóa “cách giảm cân nhanh nhất” này là 1,400 mỗi tháng, hơn hẳn từ khóa “giảm cân bằng tinh bột nghệ”. Tại sao một từ khoá đuôi dài lại sở hữu lượng search volume lớn như vậy?

Thực tế, có nhiều từ khoá đuôi dài bản thân nó có thể là một chủ đề rộng. Bạn để ý một chút sẽ thấy điểm khác biệt giữa hai từ khoá đuôi dài này. Từ khoá “giảm cân bằng tinh bột nghệ” giới hạn nội dung trong phạm vi hẹp, dường như không thể thu hẹp thêm được nữa. Trong khi từ khoá “cách giảm cân nhanh nhất” tưởng đã giới hạn phạm vi nhưng không. Nó vẫn có thể thu hẹp lại và tách ra làm những chủ đề nhỏ khác như cách giảm cân bằng tập luyện nhanh nhất, chế độ ăn uống để giảm cân nhanh nhất, cách giảm cân nhanh nhất không dùng thuốc,…. Vậy là vô tình, từ khoá đuôi dài này lại là một chủ đề rộng, cho dù lượng tìm kiếm của nó không phải quá cao.

Vậy có chiến thuật nào Marketers có thể vận dụng để chọn cho mình từ longtail keyword phù hợp nhất?

3.1. Cách để xếp hạng cho supporting long-tail keyword

Đây là những từ khoá đuôi dài nhưng hướng về những chủ đề khá rộng. Chúng ta vẫn có thể tách nhỏ từ khoá này ra các chủ đề hẹp hơn, ví dụ như  từ khoá “cách giảm cân nhanh nhất” như ở trên.

Để xác định chính xác từ khoá loại này:

  • Cách dễ và nhanh nhất là nhập từ khoá đó trên Google và để ý xem các trang top đầu nhắm đến những chủ đề cụ thể hay chung chung. Ví dụ với từ khóa “làm cách nào để giảm cân”, dễ thấy rằng kết quả trả về vẫn là những chủ đề khá chung chung. Hơn nữa, không có tiêu đề nào chứa chính xác cụm từ “làm cách nào để giảm cân”. Vì vậy Google phải nhóm truy vấn tìm kiếm này như một phần của chủ đề tổng thể là giảm cân.
  • Cách thứ hai, bạn có thể sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa Ahref bằng cách vào mục “keyword explorer” (khám phá từ khoá) và nhập từ khoá bạn muốn nhắm đến rồi tìm “parent topic” (chủ đề bao quát hơn). Nếu ngay cả “parent topic” của từ khoá này cũng khá chung chung thì từ khoá bạn đang nhắm đến có khả năng cao không tối ưu được.

3.2. Cách để xếp hạng với “topical” long-tail keyword

“Topical” long-tail keyword là gì? Đây là những từ khoá đuôi dài và bản thân nó là một chủ đề rất cụ thể, dường như không thể tách nhỏ ra được nữa.

Để xác định chính xác từ khoá loại này:

  • Cách một, cũng tương tự như trên, bạn nhập từ khoá trên Google, kết quả hiển thị nếu hầu hết là những trang nhắm chính xác đến từ khoá ấy và có tiêu đề chứa từ khoá đó, nó khả năng cao là một topical long-tail keyword. Ví dụ ở đây là từ khoá “tối ưu seo title tag” chẳng hạn.
  • Cách hai là dùng Keyword Explorer trong Ahref, nếu Parent topic (chủ đề bao quát) của từ khoá bạn định nhắm đến cụ thể, khả năng cao đó là từ khoá lý tưởng cho bạn.

4. Cách tận dụng tối đa long-tail keyword

Hiểu rõ Unique Selling Point (USP) của bạn

Để tìm được những từ khoá có lợi cho bạn, hãy bắt đầu đi từ lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Hãy tự hỏi xem điều gì khiến sản phẩm/dịch vụ của bạn trở nên “độc nhất vô nhị”, hoặc chí ít là có giá trí nào đó cho khách hàng. Bạn hãy tự trả lời hai câu hỏi sau trước khi bắt tay vào tìm từ khoá đuôi dài:

  • Ai là người thực sự cần sản phẩm/dịch vụ hay đơn giản là thông tin bạn sẽ cung cấp?
  • Tại sao họ phải chọn bạn thay vì các đối thủ khác?

Hãy bám sát vào những lợi thế cạnh tranh của bạn trong khi tìm và chọn từ khoá nhắm đến. Từ khoá đuôi dài bạn chọn phải đảm bảo nhấn mạnh được điều bạn làm tốt nhất và tại sao bạn lại khác biệt so với đối thủ. Sự thật là, thông tin càng độc nhất bao nhiêu thì lượng tìm kiếm lại ít bấy nhiêu. Thế nhưng, một khi trang web của bạn đã lọt vào mắt xanh của đúng đối tượng tìm kiếm thông tin mà bạn cung cấp và thông tin ấy thực sự chất lượng, họ sẽ tự khắc tiến sâu hơn vào tầng dưới của phễu chuyển đổi.

Hiểu rõ điều khách hàng thực sự cần và vấn đề họ muốn giải quyết

Bạn không thể một mình một ý, viết về những chủ đề nhiều người quan tâm hay bạn tâm đắc mà không đoái hoài gì đến khách hàng tiềm năng của mình. Nếu như vậy, khả năng cao nội dung của bạn không đủ “chạm” và chuyển đổi họ thành khách hàng thật sự.

Trước khi bắt tay vào chọn từ khoá, bạn nhất định nên trả lời những câu hỏi sau:

  • Khách hàng tiềm năng của bạn cần giải đáp vấn đề gì, có câu hỏi nào họ vẫn cần tìm lời giải?
  • Pain point (nỗi đau) của phần đông khách hàng mục tiêu của bạn là gì?
  • Giải pháp mọi người đang mong đợi mà bạn có thể đáp ứng trong tầm tay?
  • Còn điều gì làm mọi người trăn trở trước khi quyết định mua hàng/sử dụng dịch vụ của bạn?

Để trả lời được những câu hỏi trên, bạn có thể nghiên cứu thông tin trên mạng hoặc trao đổi trực tiếp với bộ phận sales vì họ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Tạm kết

Hy vọng qua bài viết, bạn đã hiểu sâu hơn về long-tail keyword là gì, vì sao nên tận dụng long-tail keyword, làm thế nào để tìm kiếm và lựa chọn từ khóa đuôi dài sao cho ‘khéo’.

Nếu bạn thực sự nghiêm túc đầu tư cho SEO chắc hẳn bạn luôn cố gắng tìm mọi cách để trang web của mình hiển thị nhiều nhất có thể trên trang kết quả tìm kiếm. Tất nhiên, bạn phải hiểu được điều khách hàng mục tiêu đang rất muốn giải quyết là gì và sáng tạo ra những nội dung đánh đúng vấn đề đó và đưa ra giải pháp trọn vẹn nhất.

Khoá học Content Marketing của Tomorrow Marketers sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về cách nghiên cứu người tiêu dùng cũng như lên chiến lược nội dung tổng thể cho các kênh truyền thông. Tham khảo và đăng ký khoá học của TM ngay hôm nay.

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: