Làm Management Trainee trong Ngân hàng là trải nghiệm thế nào? Phỏng vấn bạn Việt Sơn @VPBank

management trainee
marketing foundation

Tomorrow Marketers – Management Trainee (Quản trị viên tập sự) – lộ trình 2 năm thẳng tiến tới vị trí Quản lý, niềm mơ ước của mọi sinh viên, đã không còn giới hạn trong các tập đoàn đa quốc gia ngành FMCG. Những năm trở lại đây, các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã có thể ăn mừng khi một số ngân hàng lớn của Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình Management Trainee bài bản và quy mô không kém. Trong số đó, VPBank đang là cái tên nổi bật với môi trường doanh nghiệp đáng mơ ước, được vinh danh Nơi làm việc Hạnh phúc nhất Việt Nam và Nơi Làm Việc Tốt Nhất Châu Á.

Vậy chương trình Management Trainee của VPBank có gì đặc biệt? Làm sao để vượt qua vòng thi tuyển và phát triển sự nghiệp tại ngân hàng nằm trong Top 300 ngân hàng có giá trị thương hiệu nhất thế giới? Hãy cùng Tomorrow Marketers phỏng vấn bạn Việt Sơn, cựu học viên khóa Marketing Foundation, về hành trình trở thành Management Trainee từ chương trình Nhà Quản lý tiềm năng – Next Generation Manager của VPBank nhé!

Chào Việt Sơn, bạn có thể giới thiệu với các độc giả của Tomorrow Marketers một chút thông tin về mình và hành trình thi tuyển Management Trainee của VPBank được không?

Mình trúng tuyển chương trình Next Generation Manager khi còn đang là sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng, Học viện Tài chính. Công việc bây giờ của mình tại VPBank tương đối sát với những gì học trên trường, nên mình khá hài lòng với định hướng của bản thân.

Hiện mình đã làm ở VPBank được hơn 2 năm, khối Khách hàng cá nhân – cũng là bộ phận mình nhắm đến từ đầu khi ứng tuyển. Nhiều bạn chưa nắm được các bộ phận trong ngân hàng thì mình xin giới thiệu qua để các bạn hiểu hơn phần chia sẻ dưới đây nhé! Ngành ngân hàng gồm 2 bộ phận xét theo góc độ kinh doanh: 

  • Kinh doanh trực tiếp (Front office – làm việc tại Chi nhánh/ Phòng giao dịch), chia thành 3 nhóm chính: Khách hàng Định chế tài chính, Khách hàng Doanh nghiệp và Khách hàng Cá nhân
  • Hỗ trợ cho kinh doanh trực tiếp (Back office – làm việc tại Hội sở các Ngân hàng), chia thành nhiều bộ phận nhỏ như: Phát triển sản phẩm, Thẩm định tín dụng, Marketing, Quản trị rủi ro, Vận hành,…

Như vậy, bạn chọn phòng ban nào thì các vòng thi tuyển sẽ đi sâu vào lĩnh vực đó. Nhưng sau khi trúng tuyển, bạn sẽ có cơ hội luân chuyển sang các phòng ban khác, trải nghiệm tất tật ngóc ngách trong ngành ngân hàng để có cái nhìn tổng quan của một người quản lý.

Đọc thêm: Management Trainee – Con đường ngắn nhất để trở thành Brand Manager

Bạn có gặp khó khăn gì trong các vòng thi tuyển Management Trainee không? Bạn nghĩ đâu là bí kíp giúp mình vượt qua hàng ngàn ứng viên nặng ký khác để trúng tuyển?

Để vượt qua vòng thi tuyển vào ngân hàng thì cũng như bao chương trình Management Trainee khác, mình phải vượt qua 4 vòng:

  1. Sơ tuyển hồ sơ: Nộp hồ sơ online trên website chương trình
  2. Kiểm tra năng lực: Làm trắc nghiệm IQ/EQ và kiểm tra kiến thức kinh tế vi mô – vĩ mô, kiến thức chuyên sâu thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng
  3. Phỏng vấn nhóm (5-6 người): Cùng giải case study trong 30 phút, sau đó thuyết trình và phản biện với BGK
  4. Phỏng vấn cá nhân (với giám khảo): Chia sẻ về mong muốn, định hướng, mục tiêu cá nhân cũng như lý do chọn VPBank, sau đó giải case cá nhân để xem mình phù hợp vị trí cụ thể nào

Vòng sơ tuyển với mình không quá khó khăn. Mình nghĩ một trong những tip giúp mình đậu vòng này là đưa vào các hoạt động ngoại khóa và xã hội. Bởi chương trình MT thường có lượng đơn đổ về khổng lồ nên việc có một điểm nhấn trong hồ sơ là rất quan trọng. Mà điểm nhấn đó khó có thể là kiến thức chuyên môn – khi đây là thứ mà ai thi MT cũng đều phải chuẩn bị. Vì thế, hồi đó nộp hồ sơ thì mình đưa vào cả giải thưởng tham gia các cuộc thi chuyên môn và hoạt động thể thao, như giải Ba cuộc thi Giám đốc Tài chính tương lai – CFO, giải thể thao sinh viên VUG hạng mục nhảy,…

Vòng gian nan nhất với mình là vòng phỏng vấn nhóm. Vòng này yêu cầu giải case chỉ trong 30 phút, cần tư duy marketing, tư duy tài chính, cũng như tự tin phản biện với ban giám khảo toàn là nhân sự cấp cao của ngân hàng. Đề bài đặt ra tình huống: một nhãn hàng FMCG dính lùm xùm về hình ảnh, bài toán là làm sao lấy lại hình ảnh thương hiệu và giải quyết vấn đề lợi nhuận. Dạng case này liên quan trực tiếp đến Brand Communication thuộc mảng Marketing, một nội dung mà mình khá thích khi tham gia khóa Marketing Foundation của Tomorrow Marketers. Dù các câu hỏi đều tập trung vào khía cạnh tài chính, nhưng nhờ kiến thức Marketing mà mình hiểu được bản chất vấn đề, xem thương hiệu cần thực hiện các bước giải quyết như thế nào, từ đó thấy được các chỉ số tài chính liên quan. Vì vậy mà phần kế hoạch tài chính cũng sát hơn với vấn đề thương hiệu, giúp mình lập luận chặt chẽ khi phản biện với ban giám khảo.

Đọc thêm: Vòng Initial Interview, Assessment Camp và Final Interview cần kiến thức Marketing gì?

“Nhờ tư duy Marketing mà kế hoạch tài chính của mình sát hơn với vấn đề thương hiệu, giúp mình lập luận chặt chẽ khi trình bày.”

Lộ trình 2 năm đào tạo và phát triển Management Trainee của bạn đã diễn ra thế nào? Đâu là những thách thức với bạn?

Sau khi vượt qua vòng thi tuyển, mình bắt đầu bước vào lộ trình đào tạo 2 năm của Management Trainee. Cứ 6 tháng mình được luân chuyển định kỳ một phòng ban của ngân hàng để học hỏi về kinh doanh và có cái nhìn tổng quan về mô hình doanh nghiệp. Mình cũng vạch ra cho mình lộ trình từ đầu dựa trên điểm mạnh, điểm yếu, để biết cần luân chuyển những phòng ban nào hỗ trợ tốt nhất cho việc học và phát triển. Bắt đầu từ học về sản phẩm ngân hàng, các phân khúc khách hàng, sau đó đi quan sát thực tế tại điểm bán và trực tiếp bán hàng, cuối cùng là phát triển công nghệ, chuyển đổi số cho ngân hàng. Kết thúc mỗi kỳ, chương trình sẽ yêu cầu mình thực hiện một báo cáo bảo vệ về kết quả đã đạt được, đánh giá quá trình làm việc tại phòng ban đó và đề xuất để cải thiện.

Đến giờ khi nhìn lại, mình thấy khá hài lòng và trọn vẹn với lộ trình này, dù cũng có giai đoạn mình trầy trật không ít. Lần một là khi mới vào công ty, bị ngợp trong một bể thuật ngữ chuyên ngành mà đọc định nghĩa xong… từ chối hiểu. Mình mất kha khá thời gian đầu để tìm hiểu và hỏi thêm từ đồng nghiệp và các sếp để bắt nhịp công việc nhanh nhất. Vì mỗi bộ phận chỉ cho luân chuyển 6 tháng nên phải nắm việc thật nhanh mới có thể đạt được tối đa hiệu quả công việc.

Đọc thêm: Phải nỗ lực thế nào mới đỗ được Management Trainee

Lần “trắc trở” thứ hai là lúc mình luân chuyển sang bộ phận phát triển sản phẩm – dịch vụ số hóa, phải làm việc nhiều với dữ liệu và các công việc mang tính kĩ thuật như thực hiện báo cáo đo lường, khảo sát trải nghiệm người dùng. Đây là thách thức với mình bởi các thế mạnh của mình đều xoay quanh lĩnh vực kinh doanh, làm việc với khách hàng. Đôi khi có hơi… nhàm chán với mình vì sự vắng mặt của tính linh hoạt và các trải nghiệm mới mẻ. Mình mất đến tháng rưỡi để bắt kịp công việc và nhận ra điểm yếu của mình ở đâu, cần cải thiện gì. Nhờ vậy mà mình có vốn hiểu biết về mảng digital trong ngân hàng và thêm chắc chắn vào con đường mình đi. Mình muốn được làm trong mảng kinh doanh, đặc biệt là mảng Khách hàng ưu tiên (Relationship Manager – Affluent Banking), hoà mình vào trong sự thay đổi nhộn nhịp, mỗi ngày đối diện với một thách thức, một tình huống mới mẻ. 

“Hãy cứ học hỏi và trải nghiệm để tìm ra con đường mình muốn đi. Sau cùng, không kiến thức và trải nghiệm nào là lãng phí.”

Khép lại 2 năm đồng hành cùng chương trình Management Trainee, cảm xúc của bạn thế nào? Bạn thấy mình đã thu được những gì từ chặng đường này?

Hai năm tham gia MT có thể nói là một hành trình thăng trầm của mình. Mình gặp những trở ngại khác nhau như ngợp kiến thức, nản chí, không thấy hứng thú với công việc hay đôi lúc stress vì lượng việc quá tải. Lắm khi làm nửa ngày là thấy cạn kiệt năng lượng, đến 5h30 là sẵn sàng đứng lên về rồi. Trong cuộc đời đi làm có lẽ sẽ không tránh khỏi những lần bất lực, muốn bỏ cuộc như vậy. Bây giờ mình đã học được cách duy trì phong độ làm việc ổn định, sự chuyên nghiệp này một phần cũng được hình thành nhờ chính “lò luyện khắc nghiệt” MT. Với mình, đây là thành công đầu tiên khi kết thúc hành trình này.

Không chỉ dừng ở đó, mình tìm được điều mình muốn làm để toàn tâm toàn ý, dành công sức và trí lực cho nó. Để nhận ra điều này với mình không dễ dàng lắm đâu. Mình đã khá lạc lối khi thực hiện đánh giá, review về lộ trình và định hướng sau 2 năm tham gia chương trình. Một loạt sự không chắc chắn bủa vây, không biết nên thực sự theo mảng kinh doanh không, hay cứ an toàn làm tại Hội sở. Thật may nhờ có các sếp định hướng, đồng nghiệp cho lời khuyên nên mình quyết tâm theo mảng Khách hàng ưu tiên (VPBank Diamond). Đến giờ mình vẫn rất vui vì lựa chọn đó.

Thành công cuối cùng là mình mở rộng được kết nối với rất nhiều người trong ngành. Không chỉ các sếp mà đồng nghiệp, mỗi người đều “khai thông” cho mình những kinh nghiệm, quan sát giá trị. Mình thực sự biết ơn Next Generation Manager vì cơ hội được học hỏi, được mở mang mỗi ngày. 

“Bạn sẽ luôn nhận lại những giá trị từ Management Trainee khi có một tinh thần cầu thị và khao khát được phát triển.”

Bạn cảm thấy thế nào về văn hóa, con người và môi trường làm việc tại ngân hàng VPBank?

Với mình thì VPBank là một môi trường rất lý tưởng để “sống và cống hiến”. Tất nhiên, tính chất công việc vẫn có những áp lực nhất định, nhưng không hề cảm giác vất vả hay “khổ” như một số người tưởng. Vì xung quanh đồng nghiệp và các sếp luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn mình nhiệt tình. Không chỉ thế, nhân viên cũng luôn được tạo điều kiện phát triển và trao cơ hội bình đẳng. Mọi đóng góp đều được ghi nhận, mọi nỗ lực đều được đền đáp và được sử dụng cho việc xét duyệt thăng tiến. 

VPBank cũng rất đề cao yếu tố con người nên có cực nhiều hoạt động văn hóa nội bộ gắn kết, các chương trình chăm sóc nhân viên, chính sách phúc lợi khá ưu ái so với các ngân hàng khác. Mình nghĩ một nơi vừa có văn hóa nội bộ tốt, vừa có cơ hội để mình phát triển bản thân như VPBank sẽ là môi trường làm việc lý tưởng của bất kỳ bạn trẻ nào đang manh nha làm trong ngành ngân hàng.

“Nơi có văn hóa nội bộ tốt và tạo cơ hội để nhân viên phát triển như VPBank sẽ là điểm đến lý tưởng của các bạn yêu thích ngân hàng.”

Cuối cùng, từ những trải nghiệm của mình, bạn đánh giá Management Trainee ngành ngân hàng khác gì so với các lĩnh vực khác? Theo bạn, ứng viên có chân dung như nào sẽ phù hợp với chương trình này?

Về format chương trình, Management Trainee của ngành Ngân hàng không có gì thực sự khác biệt các ngành khác. Các bạn đều phải trải qua khoảng 4 vòng thi tuyển, onboarding rồi luân chuyển các phòng ban khác nhau, sau đó review, đánh giá quá trình và tìm ra định hướng phát triển cho mình. Điều quan trọng ở đây là các bạn cần biết mình muốn theo đuổi mảng nào, định hướng chuyên môn gì? Tài chính hay marketing? Làm về chiến lược kinh doanh, dịch vụ khách hàng hay vận hành, phát triển sản phẩm? Ngành ngân hàng và hầu hết các ngành kinh tế khác đều có sân cho bạn “dụng võ” trong những mảng này.

Nhưng tất nhiên, không phải nhân tố nào cũng vừa vặn cho bức tranh trong mơ Management Trainee. Bạn phải có sự yêu thích, đam mê nhất định và có định hướng theo lĩnh vực này, bởi chương trình MT sẽ lấy đi của bạn 2 năm. Nếu trong 2 năm bạn đổi ý… quay đầu thì sẽ rất uổng phí thời gian và công sức bỏ ra. Đó cũng không phải phương án an toàn cho sự nghiệp lâu dài của bạn.

“Sự khác biệt không nằm trong chương trình mà phụ thuộc vào mục đích của mỗi người.”

Cuối cùng, để nói về chân dung một ứng viên sinh ra cho vị trí Management Trainee, mình nghĩ đó phải là người không ngừng trau dồi năng lực để trở nên giỏi hơn mỗi ngày. Bởi bản thân vị trí này đã được mọi người đánh giá cao và kỳ vọng hơn rất nhiều, bạn cần thực sự nỗ lực để nổi bật hơn ứng viên khác. Và không dừng lại ở đó, trong quá trình làm nghề sau này, hãy luôn giữ tư duy làm mọi thứ tốt hơn những gì có thể, đừng để bản thân dễ dàng hài lòng với một kết quả tạm chấp nhận. Tư duy này sẽ đưa bạn đi xa không chỉ trong chương trình Management Trainee mà trong cả sự nghiệp về sau!

Tạm kết

Management Trainee là cơ hội đắt giá với bất cứ bạn trẻ nào muốn được phát triển chuyên môn toàn diện trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như “đi tắt” tới vị trí quản lý. Và tất nhiên, chiếc cúp đặc quyền này đồng nghĩa với việc không phải ai cũng có thể chạm tới. Không ít ứng viên tiếc nuối dừng chân dù đã đi đến những vòng cuối cùng bởi thiếu tư duy giải case study, hay chưa trang bị đủ kiến thức về kinh doanh, marketing. 

Tìm hiểu ngay khóa học Case Mastery để chinh phục thành công kỳ tuyển dụng Management Trainee của các ngân hàng. Xuyên suốt khóa học, bạn sẽ được bổ trợ kiến thức về 7 dạng case thường gặp trong vòng thi tuyển các chương trình MT hiện nay như Finance Case, Brand Communication, New Product Launch,… và trang bị tư duy Problem-Solving, giải quyết mọi dạng Case Study trong vòng thi tuyển!

Nếu bạn vẫn chưa xác định được bước đầu trên chặng đường sự nghiệp Marketing của mình sẽ như thế nào, tham khảo ngay Online Free Course “The Guide to Marketing Career” của Tomorrow Marketers nhé. Khóa học sẽ giúp bạn khám phá ngành Marketing qua việc hiểu tổng quan về các con đường sự nghiệp trong ngành và giúp bạn bạn hiểu chính bản thân mình. Từ đó giúp bạn xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp Marketing cho riêng mình. Khóa học hoàn toàn miễn phí nên bạn hãy nhanh chóng đăng ký nhé!

Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: