Tomorrow Marketers – Là người mở phễu cho hoạt động kinh doanh của công ty, Marketers thường phải gánh trên vai những KPI quan trọng, gắn liền với doanh thu. Nhiệm vụ này đòi hỏi Marketers phải luôn đi trước đón đầu những xu hướng mới để sáng tạo ra ý tưởng truyền thông độc đáo, làm khách hàng luôn nhớ đến và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của mình. Đặc biệt, khi các trào lưu thay đổi mỗi ngày như hiện nay, marketers lại càng phải nhạy bén và sắc sảo.
Trên thực tế, sau 1 thời gian vào ngành, không ít marketers muốn đổi việc bởi thấy mình không hợp với guồng công việc thay đổi liên tục và không mang tính quá ổn định. Nếu bạn cũng có những cảm giác như vậy, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu về ngách Product Development. Đây sẽ là vị trí không yêu cầu xông pha mạnh mẽ ngoài thị trường, mà sẽ thiên nhiều về nghiên cứu.
Product Development là làm gì?
Nhìn chung, Product Development nhắc đến quá trình phát triển một sản phẩm mới hoặc cải tiến một sản phẩm đã có của doanh nghiệp. Công việc này có vai trò quan trọng trong bất cứ doanh nghiệp nào. Bởi, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp cố gắng cung cấp sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, việc liên tục cải tiến hoặc thay mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được niềm tin từ khách hàng. Từ đó, tạo được lợi thế giữa thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Đối với các ngành hàng khác nhau, quy trình Product Development sẽ thay đổi. Lấy ví dụ trong một đơn vị chuyên cung cấp các khóa học Tiếng Anh chuyên sâu, lộ trình phát triển sản phẩm mới sẽ đi qua các bước cơ bản như:
1/ Phân tích nhu cầu/mục tiêu học tập của khách hàng: Xác định trình độ hiện tại, và các kiến thức họ mong muốn cải thiện trong tương lai (sau khóa học).
2/ Thiết kế chương trình cho khóa học: Từ kết quả phân tích nhu cầu và mục tiêu học tập, xác định thời lượng và thứ tự của các module chính cho khóa học.
3/ Phát triển nội dung khóa học: Nội dung này có thể bao gồm các kiến thức được giảng dạy chính trong khóa học, bài kiểm tra, tài liệu đọc thêm,…
4/ Thử nghiệm sản phẩm: Tiến hành thử nghiệm khóa học với một nhóm nhỏ học viên hoặc chuyên gia trong lĩnh vực này để thu thập phản hồi và thực hiện điều chỉnh cần thiết trước khi phát hành khóa học.
5/ Phát hành và đánh giá: Đánh giá hiệu quả của khóa học trong việc qua mức độ đáp ứng mục tiêu học tập của học viên.
6/ Cải tiến liên tục: Cập nhật nội dung, hoạt động và bài kiểm tra để đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả liên tục.
Đọc thêm: Quy trình 7 bước phát triển sản phẩm mới (Sản phẩm vật lý)
Ai là người phù hợp với vị trí Product Development?
04 yêu cầu cơ bản đối với một người làm sản phẩm
Đảm nhiệm cho công việc phát triển sản phẩm cho một công ty, bạn sẽ cần hiểu thị trường, tìm ra insight mới mẻ và phát triển nó thành product concept hoàn chỉnh. Product concept có thể hiểu là bản mô tả về sản phẩm mới, tóm tắt những lợi ích nổi bật mà nó đem lại.
Giả sử, với 1 công ty công nghệ A, qua quan sát và nghiên cứu thị trường, người làm sản phẩm nhận thấy 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay có Founder/ Ban giám đốc với background là dân kỹ thuật, họ làm ra được sản phẩm nhưng bị yếu ở khâu quản lý nên doanh nghiệp khó mở rộng quy mô. Khi đặt câu hỏi “Tại sao lại khó mở rộng quy mô”, người làm sản phẩm nhận ra Insight “Khi doanh nghiệp dần lớn lên, các vấn đề về quy trình, vận hành,… dần nhiều hơn, khiến Founder tốn nhiều thời gian xử lý thay vì tập trung cải tiến sản phẩm như trước. Dẫn đến khó mở rộng quy mô”. Lúc này, công ty A xuất hiện với giải pháp “Nền tảng công nghệ giúp quản lý vận hành, dự án, nhân sự toàn diện cho doanh nghiệp”.
Để thực hiện tốt quá trình này, một người làm sản phẩm sẽ cần có:
- Khả năng lên kế hoạch mang tính chiến lược: Doanh nghiệp sẽ có những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn khác nhau. Điều này đòi hỏi bạn cần phân tích các mục tiêu đó để đưa ra chiến lược sản phẩm tương ứng.
- Khả năng nghiên cứu khách hàng và thị trường cạnh tranh: Để hiểu nhu cầu trên thị trường, người làm sản phẩm sẽ cần biết thực hiện nghiên cứu thị trường. Một số phương pháp phổ biến có thể kể đến như: Observational Research, One-on-one interview, focus group discussion, hay khảo sát diện rộng,…
- Kỹ năng phân tích và làm việc với dữ liệu: Khi đã có một lượng lớn thông tin từ quá trình nghiên cứu, người làm sản phẩm sẽ cần có khả năng chắt lọc và cô đọng những thông tin để rút ra insight hữu ích để cải tiến hoặc làm mới sản phẩm.
- Khả năng giao tiếp mạch lạc: Trau dồi khả năng giao là ưu tiên của người làm sản phẩm. Bởi, insight được tìm thấy sẽ không có mấy giá trị nếu như bạn không thể thuyết phục các phòng ban tin tưởng vào tiềm năng và đầu tư vào nó. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ cần giao tiếp rõ ràng để thống nhất kế hoạch sản xuất tương ứng với kế hoạch đẩy hàng với phòng marketing, sales.
03 “tín hiệu” cho thấy bạn phù hợp để gắn bó lâu dài
Người hoạt ngôn sẽ có thể làm tốt nghề Sales, người thích khám phá và giỏi sáng tạo có thể làm việc tốt trong ngành Quảng cáo, vậy người như thế nào sẽ phát huy được những kỹ năng trên để làm tốt vai trò Product Development? Phần lớn chuyên gia cho rằng một người phù hợp và có thể làm việc lâu dài trong mảng product thường:
- Thích nghiên cứu, đào sâu về một lĩnh vực: Để làm ra một sản phẩm tốt, chắc chắn bạn sẽ phải hiểu rõ lĩnh vực mình đang làm. Vậy nên, nếu không thực sự đam mê quá trình nghiên cứu độc lập, luôn tò mò và đặt ra các câu hỏi để đào sâu mọi khía cạnh của vấn đề, bạn sẽ khó có thể làm tốt công việc này.
- Cảm thấy thích thú khi được thách thức bởi những thứ mới: Vì sản phẩm luôn cần được cải tiến hoặc thay mới, một tinh thần sẵn sàng học hỏi và thích nghi với những công nghệ, xu hướng mới là điều cần thiết. Ngược lại, một người luôn hài lòng với sản phẩm và bảo thủ với những thay đổi mới sẽ không phải mảnh ghép phù hợp cho vị trí này.
- Thấy hạnh phúc khi sản phẩm của mình tạo ra giá trị cho xã hội: Chỉ khi một người quan tâm đến giá trị xã hội, và luôn muốn sản phẩm của mình tạo ra lợi ích cho khách hàng của mình, họ mới có thể dốc hết trái tim để tạo ra những sản phẩm tốt.
Tại sao Marketers lại có lợi thế khi làm vị trí này?
Một số tư duy và kỹ năng mà marketers có thể tận dụng từ kinh nghiệm làm marketing khi chuyển sang Product Development:
- Tư duy tổng quan về kế hoạch phát hành sản phẩm ra thị trường: Có tư duy này, người làm sản phẩm sẽ phối hợp trơn tru hơn với phòng Marketing và Sales thống nhất định vị sản phẩm khi tung ra thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tạo được chỗ đứng khác biệt cho sản phẩm để thuyết phục người dùng.
- Tư duy Marketing luôn đặt khách hàng làm trọng tâm: Dù làm phát triển sản phẩm hay mang sản phẩm tới tay người tiêu dùng, doanh nghiệp đều luôn cần thấu hiểu khách hàng để đưa đúng sản phẩm đến đúng người. Vì vậy, thuật ngữ ‘insight’ luôn là từ được dùng phổ biến bất kể bạn đang làm marketing hay đang làm product.
Chuyển sang nhánh Product Development cũng là cơ hội tốt giúp marketers tiếp nhận trực tiếp phản ứng của khách hàng với sản phẩm. Về lâu dài, bạn sẽ có độ nhạy bén với thị trường, bạn sẽ biết đâu là sản phẩm khách hàng sẵn sàng chi tiền và ngược lại.
- Kỹ năng nghiên cứu thị trường: Marketers cũng luôn quen thuộc với các hình thức nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ và nghiên cứu người tiêu dùng; Bên cạnh đó là khả năng phân tích dữ liệu để tìm được xu hướng chung và những insight khác liên quan.
- Kỹ năng trình bày ý tưởng: Marketers cũng có lợi thế khi cũng từng phải liên tục thuyết trình trước ban lãnh đạo về kế hoạch Marketing của mình. Đặc biệt, khi quen làm việc với hình ảnh và con chữ, cách trình bày thông tin của bạn trong buổi thuyết trình cũng sẽ gãy gọn và có tính thuyết phục hơn.
Ví dụ thực tế về công việc Product Development tại Tomorrow Marketers Academy
Để hình dung rõ hơn công việc Product Development tại Tomorrow Marketers, hãy cùng lắng nghe chia sẻ thực tế từ chị Phương Mai, Senior Assistant Product Manager.
Chào chị Mai, chị có thể chia sẻ một chút về hành trình làm Product Development của chị tại Tomorrow Marketers được không ạ?
Công việc ban đầu của chị khi mới vào Tomorrow Marketers là Content Marketer chịu trách nhiệm quảng bá và tuyển sinh cho khóa học. Mặc dù khá yêu thích Marketing, nhưng chị quyết định rẽ qua làm Designer vì thấy không hợp với việc liên tục phải chạy theo trend hay bay bổng với con chữ.
Một thời gian sau, khi chia sẻ những bế tắc trong công việc design với chị Nhung (Co-founder của Tomorrow Marketers), chị ấy đưa ra định hướng và ngỏ ý muốn chị quay lại công ty với với vị trí Product Executive. Chị được định hướng như vậy là bởi, qua quá trình cùng làm việc trước đây, chị Nhung thấy chị thích thú và có năng lực trong việc nghiên cứu, cô đọng thông tin. Đây lại là kỹ năng cần thiết với một người làm sản phẩm.
Khi tự ngẫm lại, chị thấy đúng là mình rất thích tìm hiểu, đào sâu vào một chủ đề nào đó, nhất là Marketing. Nên chị đã quay lại làm việc tại Tomorrow Marketers.
Khi mới vào team, công việc của chị là nghiên cứu các kiến thức mới để đưa vào học liệu, làm các tài liệu đọc thêm theo yêu cầu của Product Manager. Sau khi đã quen việc, chị được giao các công việc liên quan trực tiếp tới product development, trong đó công việc chính là phát triển nội dung cho các buổi học, khóa học mới, tiếp nhận feedback từ học viên và trainers để chỉnh sửa, cải thiện nội dung học, phát triển case study,… Đây cũng chính là những công việc chị đã làm trong suốt hơn 3 năm qua ở Tomorrow Marketers.
Lý do nào khiến chị gắn bó với vai trò Product Development lâu như vậy ạ?
Chị nghĩ lý do ảnh hưởng lớn nhất là vì chị thấy đây là công việc có ý nghĩa. Với mỗi sản phẩm, cả team đều tâm huyết trong cả việc nghiên cứu và lắng nghe ý kiến từ học viên để tạo ra khóa học hoàn thiện nhất. Và qua những phản hồi tích cực từ học viên, chị thấy vui vì mình đang góp phần tạo ra những ảnh hưởng tích cực trên con đường sự nghiệp của họ.
Một lý do khác khiến chị đi tiếp với công việc này vào mỗi sáng thức dậy là vì thấy mình liên tục được thử sức với những dự án mới, cập nhật vốn hiểu biết cho bản thân mỗi ngày (IMPROVING EVERYDAY). Không chỉ được tiếp xúc những kiến thức Marketing mới nhất, các dự án mới (như Data Analysis, Employer Branding,…) cũng giúp chị trang bị các kỹ năng và kiến thức đang được ưa chuộng trên thế giới (LEARNING FUTURE’S SKILLS).
Cuối cùng, khi làm ở TM, chị được là mình và có cơ hội được đề xuất những ý kiến cá nhân mà không sợ phán xét (BEING YOUR TRUE SELF). Bởi, từ sếp cho đến nhân viên đều trẻ, nên mọi người rất cởi mở và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân.
Theo chị, đâu là các tố chất/ kỹ năng cần có để làm tốt công việc này ạ?
Dưới góc nhìn của chị, một người làm sản phẩm tốt sẽ cần tư duy như 1 marketer/ strategist. Như bản thân chị, chị sẽ phải tự mình nghiên cứu các sản phẩm của đối thủ, phân tích và phân khúc người học để tìm hiểu “nỗi đau” riêng biệt của từng nhóm và từ đó đề xuất chương trình học phù hợp cho Product Manager. Và, mình cũng cần tư duy chiến lược để cho các sản phẩm bổ trợ lẫn nhau, tạo ra hành trình khách hàng phù hợp với mục tiêu của công ty.
Mọi người ở công ty hay nói đùa là công việc của chị là “làm slide” khóa học. Nghe thì dễ nhưng để làm được slide như vậy, người làm sản phẩm trải qua nhiều bước và tương ứng mỗi bước sẽ cần những kỹ năng khác nhau. Đầu tiên, để nghiên cứu và hệ thống hóa kiến thức cho mỗi khóa, buổi học, chị sẽ phải dành nhiều thời gian cho công cuộc nghiên cứu. Ở bước này, công việc không chỉ yêu cầu chị phải mạnh research, ngoại ngữ, khả năng tự học mà còn cần tới khả năng xử lý, móc nối một lượng lớn thông tin. Sau khi đã hệ thống hóa kiến thức, chị sẽ cần biết cách chắt lọc và trình bày thành các model hay mạch logic phù hợp trên tài liệu học tập.
Ngoài ra, với một vài sản phẩm đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu, chị cũng cần trao đổi ý tưởng, và làm việc với các anh chị Trainers khác để ra được sản phẩm hoàn thiện. Vậy nên, khả năng giao tiếp và trình bày vấn đề rõ ràng cũng một kỹ năng mà chị thấy rất quan trọng.
Chị có thể chia sẻ thêm về con đường sự nghiệp của người làm phát triển sản phẩm được không ạ?
Theo chị, freshers sẽ mất khoảng 2 năm để thành thạo với việc nghiên cứu các sản phẩm đối thủ, phân khúc khách hàng và các nhóm nhu cầu của học viên, và đề xuất chương trình học cho product manager. Tiếp đó, người làm sản phẩm có thể đảm nhận vai trò cao hơn, mang tính chiến lược nhiều hơn, chẳng hạn như quyết định phương hướng phát triển 1 khóa học mới, quyết định chất lượng nội dung slide, quản lý học liệu, đánh giá slide của các bạn executive và đề xuất phương hướng chỉnh sửa, cải tiến.
Một hướng khác để phát triển khi đã thành thạo việc nghiên cứu và xây dựng nội dung khóa học là làm việc cho bộ phận Learning & Development. Tại các công ty lớn, nhu cầu đào tạo để cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho nhân sự là vô cùng lớn, tạo điều kiện phát triển tốt cho những người đã có kinh nghiệm thiết kế sản phẩm giáo dục. Hoặc, người làm sản phẩm cũng có thể học lên cao với chuyên ngành Instructional Design hay Curriculum Design để làm việc cho các trường đại học.
Tạm kết
Product Development sẽ là một ngách tốt dành cho Marketers muốn chuyển việc mà vẫn muốn tận dụng các kỹ năng của mình. Nếu muốn thử sức với công việc này, đừng ngần ngại ứng tuyển vào . Tại đây, bạn sẽ được đào tạo sâu vào lĩnh vực Marketing mà mình phụ trách phát triển sản phẩm. Không những thế, bạn còn có cơ hội làm việc trực tiếp cùng CEO/ Product Manager, và đội ngũ giảng viên là các Directors, Managers từ các tập đoàn, công ty làm marketing danh tiếng, bài bản trên thị trường.
Xem chi tiết .
Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn, chúc bạn may mắn trên hành trình sự nghiệp của mình.