Vì sao bạn không nên bỏ lỡ Meme trong chiến lược nội dung?

marketing foundation

Tomorrow Marketers  Bạn có biết rằng, trung bình một người Millennials có thể tiếp cận 20-30 meme mỗi ngày? Theo Forbes, phạm vi tiếp cận của meme thậm chí còn nhiều hơn khoảng 10 lần với 60% tương tác tự nhiên trên social media. Những con số tích cực này đã cho thấy meme có khả năng lan truyền như thế nào đối với thế hệ gen Z và Millennials.

Sự phát triển của hàng loạt các fanpage như Insight Mất Lòng, Hội người Lười Việt Nam,… cũng cho thấy sức hút khổng lồ của hình thức nội dung dạng ngắn, dễ hiểu, trong đó đặc biệt là dạng content “meme”. Vậy meme là gì? Các thương hiệu có thể tận dụng xu hướng này trong chiến lược nội dung như thế nào? Cùng TM tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

1. Meme là gì?

Thực tế, đây không phải khái niệm mới. Thuật ngữ này xuất phát từ “mimeme” trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “một thứ gì đó bắt chước” và lần đầu xuất hiện trong cuốn sách The Selfish Gene của nhà sinh học Richard Dawkins vào năm 1976. Thuật ngữ này nhằm giải thích cách các thông tin mang yếu tố văn hóa – xã hội lan truyền nhờ không ngừng được bắt chước, sáng tạo phát triển, chia sẻ từ người này sang người khác và lặp lại liên tục. Theo đó, các meme thành công thường có xu hướng ghi lại khoảnh khắc, suy nghĩ hoặc cảm xúc ở một tình huống nhất định với định dạng hình ảnh trực quan.

Ở thời đại công nghệ số như ngày nay, social media là “môi trường hoàn hảo” để meme “sinh sôi” và lớn mạnh, trở thành một yếu tố mang tính chất văn hóa đại chúng. Internet không chỉ giúp truyền tải một ý tưởng thông qua nhiều kênh khác nhau (từ email, tin nhắn SMS cho tới Social Media) mà còn đồng thời giúp bạn có thể xây dựng và phát triển ý tưởng đó một cách nhanh chóng. Sự lan truyền và chia sẻ cấp số nhân này giúp các meme được bổ sung theo ý tưởng của hàng trăm, hàng nghìn người khác.

Đọc thêm: Tại sao Content kém tương tác? Hé lộ 8 bí quyết giúp bạn viết Content thu hút

2. Tại sao meme lại được ưa chuộng đến vậy?

Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, người tiêu dùng ngày càng đắm chìm vào social media nói riêng và Internet nói chung. Khó khăn của các thương hiệu lúc này chính là làm thế nào để các nội dung quảng cáo tránh xen ngang và làm gián đoạn trải nghiệm của họ, đặc biệt khi gen Z rất ác cảm với các nội dung có thương hiệu. Họ có thể nhận thấy một post có dấu hiệu quảng cáo chỉ với một cái nhìn lướt qua.

Khi sử dụng meme trong chiến lược nội dung, thương hiệu có thể thoát khỏi sự tù túng của các nội dung mang tính thương mại nhờ sự tinh tế, tự nhiên trong truyền tải thông điệp, giảm thiểu thái độ khó chịu và khiến người tiêu dùng không cảm thấy bản thân “bị ép” phải nhồi nhét nội dung quảng cáo.

Đặc biệt, meme ngày càng đóng vai trò mang tính chiến thuật trong việc giúp thương hiệu truyền tải cảm xúc nhằm thể hiện cá tính thương hiệu, “lúa hóa” các thuật ngữ phức tạp một cách sáng tạo,… Nhờ vậy, người đọc có khả năng ghi nhớ thông điệp và tương tác với nội dung tốt hơn.

Đọc thêm: Giải mã Viral Marketing qua comment được yêu thích nhiều nhất trên Youtube

3. Vì sao meme được lan truyền rộng rãi đến vậy?

Jonah Berger – tác giả của cuốn sách Contagious: Why Things Catch On – đã đúc kết và lý giải vì sao lại có những nội dung trở nên “bùng phát” và viral trên các mạng xã hội, bao gồm 6 yếu tố: Social Currency (sự công nhận xã hội), Triggers (sự liên tưởng), Emotion (cảm xúc), Public (công khai), Practical Value (giá trị thực tế), Stories (câu chuyện).

Trong đó, cảm xúc có một sức mạnh nội tại khó có thể thay đổi. Nó khiến bạn cảm thấy được kết nối, đặc biệt những nội dung kích thích những cảm xúc lên tới cao trào. Cảm xúc được khơi gợi càng mạnh mẽ và dâng trào, người ta sẽ chia sẻ nội dung càng nhiều. Chính vì vậy, với khả năng giải trí của meme (thường là mang lại cảm xúc vui vẻ), người đọc cũng dễ tính trong việc ấn nút chia sẻ hơn.

Yếu tố câu chuyện và sự liên tưởng cũng là hai trong những yếu tố khiến meme trở nên viral. Meme được coi là một ngôn ngữ trong giao tiếp đời thường, nhờ vậy, meme có khả năng truyền tải câu chuyện và phản ánh thực tế một cách gần gũi. Bạn có thể bắt gặp chính những tình huống quen thuộc nơi công sở trong group “500 anh em Inhouse – Tomorrow Marketers”, hay những câu chuyện cá tính riêng biệt của Gen Z với fanpage “Insight mất lòng”, từ đó liên tưởng tới những tình huống mà mình đã gặp phải trong cuộc sống.

Vậy là bạn đã nắm được tổng quan về khái niệm thú vị này. Trước khi đi vào chi tiết cách áp dụng meme vào chiến lược nội dung, hãy cùng TM khám phá cách Content Marketing vận hành hiệu quả trong một video dưới đây nhé.

4. Áp dụng Meme trong chiến lược Content Marketing như thế nào?

Không khó để chứng minh lợi ích khi sử dụng meme trong chiến lược marketing. Nhưng làm thế nào để bạn thực sự biến nó thành hiện thực? Bạn có thể sử dụng meme ở hầu hết mọi nơi: Các mẫu Email tự động, các bài post Social Media, Banner của Display Ads, Flyer, Bài thuyết trình,… miễn là bạn đủ dũng khí. Bất kể bạn sử dụng chúng ở đâu, meme là một cách dễ dàng để làm cho nội dung của bạn trở nên thú vị hơn.

Không có công thức nào cho việc sáng tạo meme. Tất cả những gì bạn cần là kiến ​​thức về văn hóa đại chúng hiện tại, hình ảnh (meme có sẵn, những hình ảnh từ phim truyện hoặc hình ảnh mới từ chính thương hiệu) và điều quan trọng nhất chính là một chút bụi màu của sự  sáng tạo. Bạn có thể xem các ví dụ về tiếp thị meme từ các thương hiệu khác nhau trong bài viết này để lấy một số cảm hứng.

Memejacking – Tận dụng các meme phổ biến hiện có…

Trong thế giới meme “muôn hình vạn trạng”, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng “xào nấu” các meme kinh điển, thêm thắt một chút hơi thở của cá tính thương hiệu để theo đuổi mục tiêu và thông điệp của nội dung. Bạn có thể khám phá nhiều meme độc đáo tại group 500 anh em Marketing Inhouse – Tomorrow Marketers nhé.

… hoặc tự chọn cho mình lối đi riêng bằng cách tạo ra các meme nguyên bản

Nếu bạn không muốn sử dụng meme sẵn có, hãy tạo meme của riêng bạn. Ưu điểm của việc này là sự độc đáo, mới lạ trong nội dung,có nhiều không gian để thử nghiệm cá tính, màu sắc mới, khả năng product placement cao hơn. Tuy nhiên, một nhược điểm mà Meme tự tạo có thể gặp phải chính là làm giảm khả năng tương tác của người đọc bởi những hình ảnh mới lạ có thể khiến họ không bắt được context ngay lập tức.

Ví dụ: Meme của Gucci thường đề cao tính nghệ thuật và sáng tạo dựa trên cảm hứng thời trang, trong khi meme của Highlands thì được phát triển mang hơi thở của dân gian với hình ảnh của cố họa sĩ Mai Trung Thứ.

… bạn cũng có thể tận dụng User-Generated Content bằng cách tổ chức các cuộc thi

Ưu điểm của cách thức tận dụng nội dung của người dùng chính là tận dụng được sự uy tín và tăng cơ hội tiếp cận người dùng mới mà còn khiến thương hiệu có thêm gắn kết với người tiêu dùng.

Được biết đến với lượng người theo dõi trên mạng xã hội, fanpage “Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic” hiện đang có gần 90.000 người theo trên Facebook. Một trong số những hoạt động nội dung gần đây của fanpage chính là cuộc thi tạo meme #SGKChallenge, – thử thách sáng tạo meme dựa trên các bài học lịch sử từ Sách Giáo Khoa. Thử thách đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các gen Z yêu thích meme và lịch sử, hoàn toàn đúng với nhận định “người trẻ không phải ghét môn lịch sử, họ chỉ cảm thấy nhàm chán với cách truyền tải môn lịch sử truyền thống đọc-chép”.

Đội ngũ creator của fanpage đã đi theo chiến lược cân bằng các câu chuyện mang yếu tố lịch sử và “trendy” bằng các bài đăng kiến thức chuyên môn và các bài đăng tăng tương tác.

5. Những lưu ý khi tích hợp Meme trong chiến lược nội dung

Dù đóng vai trò giúp nội dung trở nên hài hước hơn, nhưng hãy nhớ rằng bạn vẫn cần suy nghĩ công cụ này một cách nghiêm túc và hướng tới các mục đích kinh doanh thực sự. Hãy đảm bảo mình đã chú ý những lưu ý sau nhé:

  • Bắt nhịp với văn hóa đại chúng: Điều quan trọng là bạn phải theo kịp các xu hướng văn hóa – xã hội hiện tại bởi tốc độ là một yếu tố quyết định thành công của nội dung social media. Bên cạnh đó, việc lan truyền và biến tấu meme nhiều lần cũng khiến dạng nội dung này có tuổi thọ, tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nhân vật trong meme đã lớn, sự kiện hoặc bộ phim của meme đã không còn ở đỉnh cao,…

Ví dụ, trong thời gian trước, các biến thể của meme “troll face” đã làm mưa làm gió trên mạng xã hội thì ngày nay, chúng lại không được sử dụng phổ biến bằng các hình ảnh như “Woman Yelling At Cat”, “Is This A Pigeon”, “Distracted Boyfriend”,…  Bên cạnh đó, bạn cũng không nên đăng đi đăng lại cùng một meme nhiều lần. Điều này có thể khiến fanpage trông thật lười biếng và không có sự sáng tạo.

Đọc thêm: Newsjacking – Nghệ thuật bắt trend hàng đầu

  • Một meme không có tính hài hước giống như một trò đùa không khiến ai cười (có lẽ là trừ người đang nói). Nhiều thương hiệu cho rằng khi sáng tạo meme, bạn chỉ đơn giản là sử dụng một mẫu meme kinh điển, viết một vài câu trích dẫn hoặc một cụm từ vào, và tada – chúng đạt được sự hài hước. Đó không phải là cách bạn sáng tạo một meme có khả năng viral. Sáng tạo meme không giống như tạo ra một hình ảnh minh họa cho blog của bạn. Đừng cố ép buộc một trò đùa nếu nó không đến với bạn một cách tự nhiên.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu context phía sau của meme: Đừng vội sáng tạo meme cho đến khi bạn hiểu ngữ cảnh đằng sau nó: Nếu chỉ vì đang cố chạy theo các meme thịnh hành thì bạn có thể đang phạm phải một sai lầm rất lớn! Hãy nhớ rằng các meme điều có yếu tố văn hóa phía sau, đồng nghĩa nó cũng sẽ xuất phát từ một bối cảnh và mang một ý nghĩa cụ thể. Có rất nhiều meme chứa đựng lớp nghĩa đen tối phía sau mà có thể bạn chưa biết hết.

Bạn hẳn là sẽ không muốn phạm phải lỗi sai như Burger King khi sử dụng meme từ sự kiện tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez vào tháng 4/2020 bằng cách thay thế con tàu bằng hình ảnh của một chiếc sandwich Double Whopper. Print ads này sau đó đã bị người dân Ai Cập tẩy chay và cho rằng hình ảnh này là một “hành động ứng xử thô lỗ của công ty”.

Nếu bạn không chắc chắn 100% ý nghĩa của một meme cụ thể, hãy thử tìm kiếm các hình ảnh biến thể của chúng, hoặc đơn giản hơn là sử dụng website Know Your Meme để xác nhận ngữ cảnh ban đầu của meme đó. Một lời khuyên là đừng cố gắng thay đổi ý nghĩa của meme, trừ khi bạn chắc chắn không khiến người xem hiểu nhầm chúng.

  • Tìm đúng kênh để phân phối: Memes ở khắp mọi nơi, từ Snapchat đến LinkedIn, nhưng chúng khác nhau về định dạng và giai điệu theo kênh. Ví dụ: các memes TikTok có xu hướng sử dụng âm nhạc như một yếu tố phụ.
  • Sử dụng giọng điệu phù hợp với thương hiệu: Như với bất kỳ chiến lược truyền thông xã hội nào, meme cần phản ánh các giá trị cốt lõi của thương hiệu và có một thông điệp cụ thể. Hãy tưởng tượng hậu quả của việc vô tình định vị thương hiệu của bạn như một tài khoản nhại theo các meme trên Twitter có thể khiến đối tượng mục tiêu bối rối khi hình dung lại hình ảnh thương hiệu trong đầu. Chính vì vậy, hãy đảm bảo bạn không sử dụng sai tông giọng hay truyền tải sai tính cách thương hiệu.
  • Nghiên cứu sở thích của đối tượng mục tiêu: Sử dụng các công cụ social listening và nghiên cứu thật kỹ target audience persona để xác định những sở thích trong tiếp nhận meme, hoặc không thì bạn có thể sẽ chỉ thu hút những đối tượng không liên quan tới thương hiệu.
  • Think branding, not promoting: Mặc dù cần đảm bảo sử dụng tông giọng và theo đuổi tính cách thương hiệu, bạn không cần ép buộc một meme phải nhồi nhét quá nhiều đặc tính của thương hiệu hay phải có logo, màu sắc nhận diện hay định vị cạnh tranh. Meme là một nhánh trong nội dung tương tác, và nó nên giữ nguyên vai trò của nó, thay vì ôm đồm vai trò mang tính chất thương mại một cách gượng ép. Điều quan trọng là bạn cần giữ được sự cân bằng giữa khả năng nhận diện hình ảnh của thương hiệu và nỗi-đau của người đọc. Nói tóm lại, đừng nhồi nhét CTA hay cố bán hàng vào một chiếc meme.
  • Tránh lạm dụng meme: Meme chỉ hiệu quả khi được sử dụng một cách “tiết kiệm”, vào đúng thời điểm và đúng địa điểm. Liên tục “nã pháo” bằng meme vào người đọc có thể mang lại hai mặt: hoặc bạn có thể định vị fanpage theo một tính chất thân thuộc, hoặc có thể khiến nội dung mất đi yếu tố thú vị. Quy tắc 80/20 có thể sẽ phù hợp trong trường hợp này, trong đó 80% bài đăng của bạn có liên quan tinh tế đến sản phẩm của bạn và 20% bài đăng giới thiệu trực tiếp sản phẩm/dịch vụ.
  • Và đừng quên kiểm tra việc cấp phép hình ảnh: Nếu bạn đang tìm kiếm hình ảnh để tạo meme mới, hãy cân nhắc xem hình ảnh đó có yêu cầu bất kỳ loại giấy phép hoặc yêu cầu bản quyền nào không. Ví dụ, nếu cần sử dụng các hình ảnh liên quan tới người nổi tiếng, hãy đảm bảo bạn đã nhận được sự cho phép trong sử dụng hình ảnh cá nhân của họ.

Tạm kết

Meme là một điểm nhấn tuyệt vời nếu bạn mong muốn content tạo được nhiều tương tác và dễ truyền tải những nội dung phức tạp. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng meme không dành cho tất cả mọi người, đặc biệt nếu bạn không nắm chắc đặc điểm của đối tượng mục tiêu, các đặc thù của một số ngành hàng hoặc phạm phải một số lỗi sai như sử dụng meme sai thời điểm, sai context.

Nếu bạn mong muốn tìm hiểu cách triển khai nội dung viral theo từng định dạng và cách để tích hợp các loại nội dung theo đặc thù ngành hàng riêng biệt, tham gia khóa học Content Marketing tại Tomorrow Marketers ngay từ hôm nay!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: