Tomorrow Marketer – Trong những năm gần đây, khách hàng đã bắt đầu chuyển sự chú ý sang các thiết bị di động. Theo Wearesocial, năm 2022, trên toàn cầu, có đến hơn 5,31 tỷ người sử dụng điện thoại di động (chiếm 67.1% dân số thế giới), tăng lên 1,8% so với năm trước đó. Điện thoại di động ngày càng được tích hợp những tính năng thời thượng đã trở thành thiết bị không thể thiếu của mỗi người. Chính vì những lý do đó, các marketer xem Mobile Marketing chính là xu hướng trong bất kỳ chiến lược Digital Marketing nào của mình. Vậy Mobile Marketing là gì?
Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ đem đến cho bạn một bức tranh toàn cảnh về Mobile Marketing trong thời đại mới.
1. Mobile marketing là gì?
Mobile marketing là một chiến lược digital marketing nhắm đến đối tượng khách hàng sử dụng các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng, thông qua website, email, SMS, social media và các ứng dụng.
Mobile marketing là mảnh ghép vô cùng quan trọng khi xây dựng bất cứ chiến lược ngắn hạn hay dài hạn nào. Từ email, PPC, SEO, content marketing cho đến social media marketing, mobile marketing luôn đóng vai trò quan trọng hỗ trợ việc tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Theo số liệu từ Statista, trong quý đầu năm 2020, 56% lượt organic search được ghi nhận trên các thiết bị di động. Nghiên cứu của Campaign Monitor cũng cho thấy 68% chiến lược quảng cáo trên email đều được truy cập từ thiết bị di động. Chi phí dành cho các chiến lược quảng cáo trên mobile cũng đạt mức 189 tỷ USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ vượt 240 tỷ USD cho đến năm 2022 (theo Statista).
2. Các loại chiến dịch Mobile Marketing
Có rất nhiều các chiến dịch mobile marketing bạn có thể thử nghiệm với doanh nghiệp của mình, nhưng chiến dịch nào hiệu quả nhất thì còn phải tùy vào ngành hàng, công chúng mục tiêu và ngân sách.
App-based marketing
Như đã đề cập đến ở trên, 80% thời gian sử dụng các thiết bị di động được dành cho các ứng dụng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không cần thiết phải tự tạo nên một ứng dụng để thực hiện chiến dịch này. Các công cụ như Google AdMob có thể hỗ trợ việc tạo nên quảng cáo trên các thiết bị di động sẽ xuất hiện trên các ứng dụng có liên kết. Facebook cũng cho phép thiết lập quảng cáo xuất hiện trên app di động bằng Promoted Post.
In-game mobile marketing
Đây là những quảng cáo xuất hiện trong lúc người dùng chơi game trên các thiết bị di động. Những quảng cáo này có thể xuất hiện dưới dạng banner pop-up, toàn màn hình hay thậm chỉ là video trên màn hình loading.
QR codes
Mã QR được quét bởi người dùng, sau đó sẽ dẫn họ đến một trang web nhất định. Mã QR thường xuất hiện trên bao bì sản phẩm và gây tò mò cho khách hàng tiềm năng.
Location-based marketing
Đây là các quảng cáo trên thiết bị di động dựa trên địa điểm người dùng xuất hiện và có liên quan đến khu vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Mobile search ads
Đây chính là những quảng cáo cơ bản trên Google được xây dựng cho các thiết bị di động, thường mở rộng thêm số điện thoại (click-to-call) hoặc chỉ đường.
SMS
SMS marketing bao gồm việc thu thập số điện thoại của người dùng và gửi cho họ các đoạn quảng cáo qua tin nhắn.
3. Mobile marketing đem lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?
Dễ tiếp cận
Khác với các chiến dịch liên quan đến SEO và PPC, chiến dịch marketing trên các thiết bị di động thường dễ tiếp cận và không cần nhiều tính chuyên môn, dù là chiến dịch trên social hay SMS. Bên cạnh đó, việc đo lường độ hiệu quả của các chiến dịch này cũng đơn giản hơn, với các chỉ số dễ hiểu như tỷ lệ nhấp chuột (click-through rate).
Quan trọng hơn, một số nền tảng như Google Analytics cũng cung cấp các báo cáo liên quan đến những người sử dụng thiết bị di động. Từ đó, doanh nghiệp có thể khai thác các insight hữu ích phục vụ cho việc tối ưu nội dung của mình.
Đọc thêm: Sử dụng Google Analytics thế nào để theo dõi sức khỏe website?
Hiệu quả về chi phí
Như đã giới thiệu ở phần trên, mobile marketing có rất nhiều dạng thức khác nhau, do đó doanh nghiệp có thể lựa chọn loại chiến dịch và kênh phù hợp với ngân sách của mình.
Chẳng hạn, hình thức social media marketing thường rẻ hơn so với TV hoặc radio advertising. Các công cụ phân tích và nghiên cứu thông minh có thể cho phép doanh nghiệp nhắm tới khách hàng tiềm năng tốt hơn, và tập trung vào các loại chiến dịch có khả năng chuyển đổi khách hàng cao nhất.
Giao dịch nhanh chóng
Mobile là một kênh cho phép doanh nghiệp nhanh chóng tương tác với người tiêu dùng, dù cho họ đang ở nhà hay tại nơi làm việc, ở trong hay ngoài một địa điểm.
Nếu được lên kế hoạch chỉn chu, các chiến lược mobile marketing có thể tiếp cận khách hàng ngay tại thời điểm họ có khả năng mua sắm cao nhất, chẳng hạn bằng cách đặt quảng cáo một cách chiến lược trên social media. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo rằng giao diện mobile của mình xuất hiện trên danh sách tìm kiếm mang tính địa phương (local search).
Tùy chỉnh theo vị trí địa lý
Ngày nay, phần lớn người tiêu dùng mang điện thoại theo cùng dù họ ở bất cứ đâu. Điều đó cũng có nghĩa là thông qua mobile marketing, doanh nghiệp có thể tận dụng được tính địa phương hóa, bằng cách giới thiệu nội dung có liên quan đến khu vực địa lý thực tế mà khách hàng tiềm năng xuất hiện. Từ đó, doanh nghiệp có thể hiểu hơn về thói quen và hành trình mua hàng và điều chỉnh các chiến dịch marketing cho phù hợp.
Xây dựng hàng rào địa lý (Geofencing) là một ví dụ tiêu biểu. Đây là một kiểu công nghệ cho phép thiết lập một khu vực ảo được vây quanh bởi rào chắn, và khi bất cứ ai dùng ứng dụng trên điện thoại của doanh nghiệp đi vào khu vực đó, họ sẽ nhận được thông báo.
Burger King là thương hiệu nổi bật từng thành công với chiêu trò này. Để thu hút khách hàng từ đối thủ McDonald’s, họ đã cho xây dựng khu vực ảo xung quanh 14,000 địa điểm McDonald’s tại Mỹ. Bất cứ ai di chuyển trong khu vực đó thay vì tiếp cận và mua hàng tại McDonald’s đều nhận được thông báo với những ưu đãi hấp dẫn đến từ Burger King, kèm theo chỉ dẫn đi đến cửa hàng Burger King gần nhất.
4. Bí quyết để xây dựng chiến lược mobile marketing thành công là gì?
Tận dụng tối đa lợi thế của thiết bị di động
Bởi khách hàng luôn đem theo thiết bị di động bên mình, doanh nghiệp có thể cho phép họ chia sẻ thông tin liên lạc và đăng ký nhận thông báo từ thương hiệu thông qua tin nhắn điện thoại. Nhờ có tính năng di động, người tiêu dùng có thể nhanh chóng cập nhật được thông tin mới nhất về các chương trình ưu đãi và khuyến mãi có giới hạn của thương hiệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra các loại coupon giúp người dùng dễ dàng áp dụng trên các thiết bị di động, thông qua việc scan mã barcode tại các điểm bán.
Tối ưu hóa giao diện web và landing page cho thiết bị di động
Bước đầu tiên trong việc tạo ra chiến lược mobile marketing hiệu quả là phải đảm bảo đối tượng khách hàng mục tiêu có thể dễ dàng nắm được nội dung thương hiệu muốn truyền tải thông qua thiết bị di động. Ví dụ, doanh nghiệp cần tối ưu hóa giao diện website theo kích cỡ của từng thiết bị như máy tính bảng và điện thoại di động, cho phép khách hàng có được trải nghiệm giống như trên màn hình máy tính.
Các trang đích landing page có tỷ lệ chuyển đổi cao thường có phần hình ảnh được bố trí tốt giúp truyền tải thông điệp nhanh chóng đến khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, do việc tải lên hình ảnh và video từ web thường khá tốn thời gian nên doanh nghiệp cần đảm bảo các trang landing page và webpage thân thiện với thiết bị di động và giảm thiểu thời gian tải trang. Ngoài ra, nội dung trên các trang này cũng cần được cập nhật liên tục để phù hợp với chiến lược mobile marketing doanh nghiệp đang xây dựng.
Xác định đúng đối tượng khách hàng
Những chiến lược mobile marketing hiệu quả nhất đều có khả năng kết nối với đúng khách hàng mục tiêu. Để đảm bảo khách hàng mục tiêu được nhắm đến là thực sự phù hợp, doanh nghiệp cần vẽ được chân dung khách hàng cụ thể (buyer persona) và dựa trên chân dung đó để xây dựng chiến lược marketing phù hợp.
Ví dụ, doanh nghiệp có thể nhắm tới đối tượng mục tiêu trên các kênh social media như Instagram, thường đem lại hiệu quả tốt trên thiết bị di động và thu hút lượt tương tác cao từ người dùng.
Đảm bảo lời kêu gọi hành động (CTA) phù hợp với người dùng thiết bị
Một phần quan trọng trong bất cứ chiến lược marketing nào là lời kêu gọi hành động CTA. Những CTA tốt có thể chuyển đổi khách hàng một cách logic và tự nhiên qua từng bước trong phễu bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để CTA thực sự hiệu quả trên các thiết bị di động, digital marketer cần thiết kế các bước ngắn gọn giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận như đường link có thể click hay số điện thoại có thể liên lạc.
Đọc thêm: Làm thế nào để viết CTA hấp dẫn và thu hút khách hàng?
Tạm kết
Mặc dù Mobile Marketing chỉ mới biết đến và phát triển vào năm 2014, tuy nhiên nó đã tạo nên nguồn cảm hứng mới bất tận cho các marketer. Họ xem đó như là công cụ để tiếp cận khách hàng, chuyển đổi người dùng thành khách hàng một cách nhanh nhất và có hiệu quả nhất.
Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã nắm được kiến thức tổng quan về chiến lược mobile marketing và có câu trả lời cho các câu hỏi mobile marketing là gì, mobile marketing gồm những hình thức nào, những lợi ích của mobile marketing và làm thế nào để tận dụng mobile marketing hiệu quả.
Khóa học Digital Marketing của TM không chỉ giúp bạn hiểu toàn diện các digital platform bao gồm Mobile Marketing và các công cụ marketing 4.0 hữu hiệu khác mà còn giúp bạn trang bị tư duy lập chiến lược Digital đa kênh một cách tối ưu và phối hợp nhịp nhàng. Digital luôn thay đổi chóng mặt, đừng chần chừ thêm một giây phút nào, hãy đăng ký khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!