Problem Solving – “Vũ khí” chinh phục nhà tuyển dụng khó tính

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong cuộc khảo sát của World Economic Forum, báo cáo đã xếp hạng 10 kỹ năng mà lực lượng lao động cần có để trở nên nổi bật tại nơi làm việc như: tư duy phản biện, sáng tạo, trí tuệ cảm xúc,… Nhưng đứng đầu bảng xếp hạng này lại chính là kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving). Vậy cụ thể problem solving là gì và tại sao kỹ năng này lại được nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn coi trọng như vậy? Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Problem Solving là gì?

Problem Solving (Kỹ năng giải quyết vấn đề) là việc sử dụng tư duy logic, trí tưởng tượng để “hiểu” vấn đề là gì, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu trong một tình huống. Nó liên quan đến việc xác định vấn đề, đưa ra các giải pháp, đánh giá, lựa chọn và hành động. Nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến cách bạn tiếp cận và giải quyết các vấn đề phát sinh tại nơi làm việc. Vì vậy, khả năng giải quyết vấn đề là một trong những tiêu chí chính của các nhà tuyển dụng. Họ dựa vào đó để đánh giá khả năng tư duy, sáng tạo, phân tích, giao tiếp và đưa ra quyết định của ứng viên.

Tầm quan trọng của Problem Solving

Người được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề tốt sẽ xử lý những rủi ro phát sinh một cách nhanh chóng, chủ động. Hơn nữa, họ không sợ những điều chưa biết và không ngại khó khăn trong công việc. Đây chính là phẩm chất mà nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm ở một ứng viên tiềm năng. Một số lợi ích mà kỹ năng giải quyết vấn đề đem lại:

  1. Quản lý thời gian tốt, tập trung vào những điều quan trọng
  2. Lập kế hoạch, sắp xếp công việc và thực thi chiến lược
  3. Khả năng sáng tạo, nhìn thấy được cơ hội ngay trong khó khăn
  4. Làm việc dưới áp lực cao
  5. Xử lý rủi ro

Bằng cách nào nhà tuyển dụng kiểm tra kỹ năng Problem Solving của ứng viên?

1. Đặt câu hỏi về kinh nghiệm quá khứ

Một trong những cách phổ biến nhất là thông qua câu hỏi về hướng giải quyết vấn đề trong quá khứ. Khi phỏng vấn, bạn sẽ thường xuyên gặp những câu hỏi như:

  • “Hãy kể về một tình huống khó khăn mà bạn đã đối mặt trong quá khứ”,
  • “Hãy kể về một tình huống khó khăn mà bạn đã đối mặt trong quá khứ”,

Ứng viên nên đưa ra 1 – 2 tình huống mà bạn đã thực sự giải quyết vấn đề tốt. Các nhà tuyển dụng sẽ dựa vào câu trả lời của bạn để hiểu tích cách, cá tính của bạn. Hơn nữa, cách bạn sẽ giải quyết các vấn đề khác trong tương lai với tư cách là nhân viên sẽ được thể hiện. Nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt các câu hỏi đào sâu từ câu trả lời của ứng viên. Bạn tuyệt đối không nên “nói quá” hoặc “bịa” ra tình huống mà bạn không thật sự làm nhé. 

Bạn có thể tham khảo phương pháp “STAR” để làm nổi bật khả năng giải quyết vấn đề của mình:

  • S – Situation: Tình huống
  • T – Task: Nhiệm vụ
  • A – Action: Hành động
  • R – Result: Kết quả

Ví dụ, đối với câu hỏi “Hãy kể về tình huống bạn gặp một vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết và cách bạn giải quyết vấn đề đó”, bạn có thể áp dụng mô hình STAR như sau:

S – Situation: Tình huống

Trong năm ba đại học, em được bầu làm Phó chủ tịch. Em phụ trách các chương trình của hội sinh viên tại trường đại học. Các nhiệm vụ của vị trí này là tìm kiếm các diễn giả chất lượng, phù hợp cho các hội thảo, workshop, truyền thông chương trình tới cộng đồng sinh viên trường. Và sau đó em cần đánh giá chất lượng sau chương trình.

T – Task: Nhiệm vụ

Số lượng sinh viên tham dự các hội thảo, workshop và cuộc thi đã giảm đáng kể so với năm trước. Nhiệm vụ của em là thực hiện các chương trình để giải quyết vấn đề này. Từ đó, số lượng người tham dự sẽ tăng lên 25% so mốc năm ngoái.

A – Action: Hành động

Em đã đề xuất thành lập 1 team làm cuộc khảo sát xác định sở thích của sinh viên để tìm kiếm nguyên nhân của vấn đề. Chúng em lựa chọn ngẫu nhiên các bạn sinh viên cho một cuộc phỏng vấn nhóm tập trung. Em đã học về kỹ thuật nghiên cứu này trong lớp học Marketing của mình và nghĩ rằng nó sẽ giúp xác định lý do tại sao lượng người tham dự lại giảm. Chúng em đã tìm ra vấn đề chính thông qua kết quả khảo sát. Các bạn sinh viên cho rằng thời lượng của các buổi quá dài. Hơn nữa, những kiến thức tại các buổi workshop quá khó để áp dụng vào thực tế.

R – Result: Kết quả

Nhờ thế mà nhóm đã xây dựng những tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn diễn giả. Các diễn giả cũng được yêu cầu phải có các kịch bản cụ thể tại các buổi workshop. Chúng em sau đó đã chọn các diễn giả cho cả năm cho các sự kiện thường niên. Sau đó, chúng em tạo ra ấn phẩm quảng cáo mô tả từng chương trình và diễn giả nổi bật. Dưới giải pháp của em, số người tham dự sau đó đã tăng 150% so với năm trước.

mô hình STAR trong Problem Solving
Áp dụng phương pháp STAR trong các tình huống cần yêu cầu kỹ năng Problem Solving

Sử dụng trình tự này, bạn sẽ cung cấp đủ ngữ cảnh để nhà tuyển dụng hiểu được tình hình. Đồng thời, họ sẽ không bị quá tải với những thông tin không liên quan.

2. Những câu hỏi cụ thể với công việc, các tình huống giả định trong tương lai

Người phỏng vấn cũng sẽ quan tâm đến việc bạn sẽ tiếp cận các vấn đề phát sinh như thế nào tại nơi làm việc. Ví dụ:

“Bạn sẽ làm gì nếu chuỗi cung ứng gặp sự cố và dự án của bạn sẽ bị chậm hơn so với thời gian dự kiến?”

“Bạn sẽ làm gì nếu một khách hàng đưa ra khiếu nại?”…

Đối với các doanh nghiệp lớn, ứng viên có thể phải đưa ra giải pháp cho các Case study thực tế mà công ty đã từng gặp phải. Ứng viên sẽ được đặt ra một vấn đề kinh doanh. Nó thường liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang làm việc. Sau đó, bạn được yêu cầu đưa ra các hướng để giải quyết vấn đề đó, theo cá nhân hoặc nhóm. Bạn thường được yêu cầu phác thảo các đề xuất của mình dưới dạng bài thuyết trình hoặc dạng viết. Đây sẽ là cơ sở đánh giá khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên.

Nhà tuyển dụng thậm chí có thể yêu cầu bạn làm các bài kiểm tra tâm lý để đánh giá kỹ năng. Các bài kiểm tra này tập trung vào khả năng suy nghĩ logic của bạn thông qua các vấn đề về số, không gian hoặc ngôn ngữ. Chúng có thể được sử dụng kết hợp với các bài kiểm tra tính cách để đo lường cả kỹ năng tư duy phản biện và tư duy sáng tạo.

Cải thiện kỹ năng Problem Solving như thế nào?

1. Tìm kiếm cơ hội giải quyết các vấn đề ngay trong hoạt động hàng ngày

Cách tốt nhất để học một kỹ năng là thực hành nó thường xuyên. Vì vậy, việc tiếp xúc với những môi trường tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề  như tham gia các CLB, hoạt động nhóm tại trường đại học và hay đi làm chính là những giải pháp tốt nhất.

Một số CLB tại các trường đại học thường tổ chức các sự kiện, cuộc thi dành cho sinh viên. Đây chính là sân chơi để ứng viên rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề trong công việc. Một hướng khác để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề chính là đi làm, tiếp xúc với môi trường thực tế. Mỗi sự lựa chọn đều đem lại cho bạn những trải nghiệm và giúp bạn tiếp xúc với các vấn đề cần phải giải quyết.

2. Luyện giải trước các bài tập giải quyết tình huống trong kỳ tuyển dụng

Bất kỳ ứng viên nào đều sẽ phải gặp những tình huống giả định trong kỳ tuyển dụng, đặc biệt khi bạn ứng tuyển vị trí tại các tập đoàn lớn. Để tránh lúng túng, ứng viên nên tìm hiểu về lộ trình ứng tuyển để nắm rõ những thứ cần chuẩn bị cho bản thân.

Trong các cuộc thi Management Trainee tại các tập đoàn đa quốc gia, chắc chắn các ứng viên sẽ đều gặp phải những bài toán kinh doanh thực tế – Business Case tại vòng Assessment Center. Để giảm bớt áp lực và chuẩn bị tốt cho vòng thi, ứng viên phải luyện tập giải case trước để làm quen dần với format, cách suy luận, hướng giải quyết vấn đề,… Các trang chuyên cung cấp tài liệu hoặc những khóa học chính là giải pháp cho vấn đề này. Bạn có thể tham khảo khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers để tìm hiểu kỹ hơn về kỳ tuyển dụng của các đoàn lớn. Ứng viên sẽ được  làm quen với các format, các dạng Business/ Marketing Case thường gặp và nắm được mục đích phỏng vấn Case Interview.

Đặc biệt hơn tư duy Problem Solving sẽ được phát triển thông qua những Case Study xuyên suốt khóa học ở 7 ngành hàng khác nhau. Học viên sẽ được cung cấp trọn bộ kiến thức, tư duy và kỹ năng cần thiết từ những giảng viên từng là Quán quân, Ban giám khảo tại các cuộc thi danh tiếng như Nielsen Case Competition hay là Assessor tại các kỳ thi Management Trainee.

3. Trau dồi kiến thức ngành

Thông thường, để giải quyết một vấn đề tại nơi làm việc hoặc trong một tình huống kinh doanh thực tế đòi hỏi kiến thức nhất định về ngành hàng. Một ứng viên sẽ hoang mang trước những vấn đề, rủi ro mà họ không hiểu hoặc không biết cách giải quyết. Hiểu đầy đủ kiến thức về ngành giúp xác định vấn đề chính xác và thu thập thông tin một cách có hệ thống. Từ đó, bạn có thể lập kế hoạch giải quyết hiệu quả. Phát triển kiến thức về ngành chính là cách để phát  triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

Ví dụ: Bạn là một Marketer tại CloseUp với 2 năm kinh nghiệm. Tình hình kinh doanh của CloseUp hiện đang đi xuống. Cấp trên yêu cầu team Marketing tìm hướng giải quyết cho vấn đề này. Tại cuộc họp, với kiến thức về người dùng và ngành hàng qua các nghiên thị trường trước đây, bạn hiểu rào cản chính của khách hàng đối với việc lựa chọn kem đánh răng là do họ không cảm thấy được sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại. CloseUp chưa đủ độc đáo để khách hàng chú ý và lựa chọn.

Vì vậy bạn đưa ra ý kiến tập trung chiến dịch vào giai đoạn củng cố awareness và thúc đẩy việc nhắc mua hàng bằng câu chuyện khác biệt. Ngoài ra, thương hiệu có thể kết hợp hoạt động tại điểm bán để kết nối với khâu chuyển đổi (quà tặng, trưng bày, game,…). Nhờ đây, bạn đã có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng hiểu biết về ngành, hành vi, insight khách hàng và đưa ra phương án giải quyết nhanh chóng, hợp lý.

4. Tìm hiểu các Framework

Framework chính là chìa khóa giúp bạn giải quyết bài toán kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ.

Ví dụ, tại vòng Case Interview – hình thức tuyển dụng tại các tập đoàn đa quốc gia:

Các ứng viên sẽ có cơ hội giải quyết Business Case. Nếu chỉ nhận biết được các phương pháp giải Case mà không có khuôn mẫu cũ thể để áp dụng thì sẽ tốn rất nhiều thời gian để giải quyết. Vì vậy, framework trong business chính là nền tảng được sử dụng giúp bạn định hướng tư duy, giải quyết vấn đề một cách có phương pháp, đảm bảo được sự chính xác, khách quan.

Tham khảo thêm một số framework giúp bạn giải các bài toán Business Case: Profitability, 4Ps, 3C, M&A, Porter’s 5 Forces,…

Gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trên CV bằng kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving)

Thể hiện kỹ năng giải quyết vấn đề cụ thể trong CV là cách để bạn nổi bật hơn so với những ứng viên khác. Thay vì chỉ đơn giản viết rằng bạn có “kỹ năng giải quyết vấn đề tốt”, hãy minh họa cách bạn sử dụng kỹ năng này ở những vị trí trước đây đi kèm các con số cụ thể:

Ví dụ:

“Giảm 15% chi phí xử lý hàng tồn kho bằng cách sử dụng các phần mềm chuyên dụng:…”

“Giúp tăng 25% mức độ hài lòng của khách hàng bằng cách tạo quy trình chuẩn và các kịch bản để giải quyết các câu hỏi chung”…

Trong ví dụ này, ứng viên đề cập họ có khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng. Nó cũng ngụ ý rằng họ có kinh nghiệm thực hiện các giải pháp cho một vấn đề.

Có 2 vị trí bạn có thể thể hiện kỹ năng problem solving của bản thân trong CV. Bạn có thể liệt kê chúng tại phần kỹ năng. Đây là nơi bạn liệt kê toàn bộ kỹ năng, từ kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Ngoài ra, phần “kinh nghiệm làm việc” cũng là nơi  để giúp bạn thể hiện được khả năng của bản thân. Mặc dù không đề cập rõ ràng từ khoá “giải quyết vấn đề”, nhưng bạn vẫn có thể ngụ ý dưới dạng một số từ khóa giống ví dụ nêu trên để làm nổi bật khả năng của mình. Ngoài ra, ứng viên cần điều chỉnh CV để các kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Tạm kết

Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving) chính là một trong những  tiêu chí hàng đầu để đánh giá mỗi ứng viên tại các vòng thi tại các công ty, tập đoàn lớn. Cụ thể hơn, đối với những bạn sinh viên “mơ lớn”, muốn thử thách bản thân tại các tập đoàn đa quốc gia như: Unilever, L’Oréal, Nielsen,… thì các cuộc thi Management Trainee chính là con đường tối ưu nhất.

Và để chinh phục các cuộc thi với tỉ lệ chọi cực cao này, bạn cần trang bị cho bản thân nền tảng vững vàng về tư duy Problem Solving và Marketing để vượt qua các Business Case khó nhằn và tiến đến vòng thi cuối cùng – Final Interview. Nếu bạn mong muốn có một khởi đầu bài bản với những kiến thức về cách tiếp cận, xác định vấn đề và đưa ra nhận định giải quyết đa dạng Business Case một cách linh hoạt, tham gia ngay khóa học Case Mastery tại Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: