Tomorrow Marketers – Nhắm mục tiêu trong TikTok Ads giúp bạn xác định chính xác đối tượng mà quảng cáo của mình được hiển thị. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm được các tiêu chí tùy chọn mà TikTok cung cấp cho các nhà quảng cáo trong việc lựa chọn tiếp cận đối tượng mục tiêu và tối ưu quảng cáo.
Đọc thêm: Quảng cáo Facebook cho phép nhắm chọn mục tiêu như thế nào?
Trình quản lý quảng cáo TikTok cung cấp một số tiêu chí để nhắm chọn các nhóm đối tượng cụ thể như:
- Theo nhóm đối tượng cụ thể (Include & Exclude)
- Theo nhân khẩu học (Độ tuổi, Giới tính, Địa điểm, Ngôn ngữ)
- Theo sở thích và hành vi (Sở thích, Hành vi)
- Theo thiết bị (Hệ điều hành, Phiên bản hệ điều hành, Mẫu thiết bị, Giá thiết bị, Loại kết nối, Nhà điều hành mạng)
1. Nhắm mục tiêu theo nhân khẩu học
Nhắm mục tiêu theo nhân khẩu học dựa trên thông tin mà mọi người chia sẻ trên TikTok về độ tuổi, giới tính, địa điểm, ngôn ngữ,…
- Giới tính: Không giới hạn/Nam/Nữ
- Độ tuổi: Không giới hạn, 13-17, 18-24, 25-34, 35-44, 45-54, 55+
- Địa điểm: Phân phối quảng cáo dựa trên địa điểm – Quốc gia/Vùng, Bang/Tỉnh, Khu vực thành phố lớn, Thành phố và US DMA.
- Ngôn ngữ: Phân phối quảng cáo dựa trên ngôn ngữ được cài đặt của ứng dụng.
Đọc thêm: Hướng dẫn chuyên sâu về chiến lược quảng bá thương hiệu trên TikTok
2. Nhắm mục tiêu theo sở thích & hành vi
Nhắm mục tiêu theo sở thích và hành vi là một lựa chọn tuyệt vời để xác định người dùng mới có sở thích và quan tâm tới ngành hàng/các nội dung tương tự hoặc có những hành vi thể hiện ý định mua sản phẩm.
2.1. Interest Targeting (Nhắm mục tiêu theo sở thích)
Interest Targeting là một cách nhắm chọn mục tiêu dựa trên sở thích và tương tác lâu dài của người dùng với nội dung trên TikTok.
Bằng cách chọn các thẻ sở thích (interest tags) trên TikTok theo cá tính hoặc đặc điểm của đối tượng mục tiêu, bạn có thể tiếp cận trực tiếp đối tượng phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
Với nhắm chọn theo sở thích, bạn nên áp dụng nhiều danh mục sở thích (Interest Categories) cụ thể để đảm bảo có thể nhắm chọn nhóm đối tượng đủ rộng để khai thác. Nếu không thể tìm thấy danh mục mong muốn, bạn hãy thử nhập nó trong thanh tìm kiếm và hệ thống sẽ trả về sở thích có liên quan.
Còn nếu bạn không biết nên bắt đầu với danh mục sở thích nào, bạn có thể sử dụng tính năng Targeting Recommendation hoặc Targeting Expansion để giúp tìm đúng đối tượng.
- Targeting Recommendation: Đây là tính năng hỗ trợ bạn trong việc xác định các đối tượng có liên quan tới quảng cáo bằng việc gợi ý một nhóm các danh mục sở thích và hành vi của nhóm đối tượng mà quảng cáo có thể thu hút. Những gợi ý này được đưa ra từ phân tích hiệu suất các nhóm quảng cáo từ các nhà quảng cáo tương đồng và hiệu suất của các nhóm quảng cáo đang có của tài khoản.
- Target Expansion: Đây là một tính năng thông minh tự động tìm đúng đối tượng cho quảng cáo của bạn. Khi dự đoán quảng cáo khó được phân phối dựa trên các tiêu chí nhắm chọn ban đầu, tính năng này sẽ mở rộng cài đặt nhắm mục tiêu rộng hơn.
Đọc thêm: Sử dụng Interesting Targeting để tối ưu quảng cáo Facebook như thế nào?
2.2. Behavioral Targeting (Nhắm mục tiêu theo hành vi)
Behavioral Targeting là một cách nhắm chọn mục tiêu dựa trên các dữ liệu về hành vi gần đây của người dùng TikTok.
Để đảm bảo thuật toán có thể nhắm chọn chính xác, TikTok cung cấp cho nhà quảng cáo ba lựa chọn, bao gồm:
Các hành vi tương tác và liên quan tới nội dung video (Video Interactions): Các hành vi này bao gồm hoàn thành xem video, thích, nhận xét, chia sẻ với các video organic content. Các hành vi diễn ra trong vòng 7 hoặc 15 ngày sẽ được hệ thống ghi lại.
Hệ thống sẽ nhóm các nhóm người dùng có hành vi tương đồng thành các video tags. Dựa vào đó, các nhà quảng cáo có thể tùy chọn các thẻ video này khi tạo chiến dịch.
Các hành vi theo dõi tài khoản khác (Creator Interactions):
- Theo dõi (Following): Bạn có thể nhắm mục tiêu tới nhóm người dùng cùng theo dõi một số content creator cụ thể. Ví dụ: những người dùng cùng theo dõi các Beauty TikToker như @tyle1994, @quynhitraan,…
- Đã xem trang chủ (Viewed Homepage): Bạn cũng có thể nhắm mục tiêu tới nhóm người dùng đã xem trang profile của những content creator cụ thể. Ví dụ: những người dùng cùng xem profile của các Food TikToker như @Babykopo Home, @Phương Min,..
Các hành vi theo dõi thẻ nội dung (Hashtag Interactions): Đây là tính năng nhắm chọn mới được giới thiệu từ ngày 19/01/2022. Tính năng này mới chỉ giới hạn trong 16 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Trung, Nhật, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga, Ý, Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái, Việt, Indonesia, Malaysia, Ả rập. Với tính năng Hashtag Targeting, bạn có thể nhắm mục tiêu những người dùng đã xem video TikTok với các hashtag nhất định.
Danh sách hashtag đủ tiêu chuẩn để lựa chọn sẽ được làm mới mỗi ngày. Theo TikTok, có 2 tiêu chuẩn chính để hashtag được chọn vào danh sách: (1) mức độ phổ biến trong vòng 7 ngày gần nhất (đánh giá dựa trên tổng lượt xem video) và (2) các video được gắn hashtag đó đều đã vượt qua quy trình kiểm duyệt nội dung.
2.3. Sự khác biệt giữa nhắm mục tiêu theo sở thích và nhắm mục tiêu theo hành vi là gì?
Nhắm chọn theo hành vi | Nhắm chọn theo sở thích | |
Hành vi của người dùng | Là những hành vi mang tính ngắn hạn của người dùng. | Là những mối quan tâm mang tính dài hạn và được dự đoán nhờ thuật toán học máy dựa trên các tương tác trong quá khứ. |
Khoảng thời gian | Dựa trên dữ liệu hành vi trong 7-15 ngày gần nhất. | Dựa trên dữ liệu hành vi trong 60 ngày gần nhất. |
Loại nội dung tương tác | Organic Content | Organic & Paid Content |
Loại quảng cáo | Hands-on | Hands-off |
3. Nhắm mục tiêu tới đối tượng người dùng theo thiết bị
Nhắm mục tiêu theo thiết bị là tùy chọn nhắm đối tượng có đặc điểm sử dụng các thiết bị cụ thể. Bạn có thể tạo quảng cáo để bao gồm hoặc loại trừ mọi người bằng trình duyệt trên máy tính để bàn và hệ điều hành hoặc bằng thiết bị di động.
- Loại kết nối: WIFI, 2G, 3G, 4G
- Hệ điều hành: iOS & Android
- Phiên bản hệ điều hành: Phân phối quảng cáo dựa trên phiên bản của phần mềm, ví dụ như iOS 10.0 hoặc hơn, Android 4.0 hoặc hơn.
- Mẫu thiết bị: Phân phối quảng cáo dựa trên mẫu thiết bị.
- Giá thiết bị: Phân phối quảng cáo dựa trên giá thiết bị, trải rộng từ không có giới hạn cho tới $1000+.
- Nhà điều hành mạng: Phân phối quảng cáo tới người dùng theo nhà điều hành mạng.
Đọc thêm: Tips tối ưu giá thầu TikTok Ads hiệu quả
4. Nhắm chọn mục tiêu theo nhóm đối tượng cụ thể
4.1. Custom Audience
Custom Audience là gì và được sử dụng nhằm mục tiêu gì?
Custom Audience là một tùy chọn nhắm mục tiêu quảng cáo cho phép bạn tìm những người đã biết hoặc đã tương tác với doanh nghiệp của bạn. Tùy chọn này là một công cụ mạnh mẽ để remarketing, tiếp cận những khách hàng có thể lặp lại, tăng mức độ tương tác với ứng dụng hoặc tạo tệp đối tượng Lookalike Audience.
Để sử dụng Custom Audience, nhóm quảng cáo bắt buộc phải có quy mô đối tượng tối thiểu là 1.000.
Có những cách nào để tạo tệp đối tượng tùy chỉnh?
TikTok cung cấp cho các nhà quảng cáo 4 lựa chọn để tạo Custom Audience: Custom File, Engagement, App Activity và Website Traffic.
Customer File
Trên Trình quản lý quảng cáo TikTok, bạn có thể tải file dữ liệu khách hàng của mình để tạo Custom Audience nhắm trực tiếp tới họ, hoặc mở rộng nhắm chọn tới những người tương tự tệp khách hàng này..
Engagement
Engagement là một tùy chọn của Custom Audience cho phép bạn tạo đối tượng nhắm chọn từ những người dùng đã tương tác (đã xem hoặc nhấp vào) nội dung quảng cáo của bạn trên tất cả các ứng dụng có liên quan của TikTok.
Một số sự kiện tương tác trong tùy chọn này bao gồm:
- Click: Người dùng nhấp chuột vào quảng cáo
- Impression: Người dùng nhìn thấy quảng cáo
- 2-Second Video View: Người dùng xem quảng cáo ít nhất 2s
- 6-Second Video View: Người dùng xem quảng cáo ít nhất 6s
- Video View at 25%: Người dùng xem nhiều hơn 25% quảng cáo
- Video View at 50%: Người dùng xem nhiều hơn 50% quảng cáo
- Video View at 75%: Người dùng xem nhiều hơn 75% quảng cáo
- Video View at 100%: Người dùng hoàn thành quảng cáo
App Activity
App Activity audience là một tùy chọn Custom Audience cho phép bạn tạo đối tượng gồm những người dùng đã hoàn thành các sự kiện nhất định trong ứng dụng của bạn. Với loại Custom Audience này, bạn có thể nhắm mục tiêu quảng cáo của mình đến những người trước đây đã sử dụng ứng dụng mà bạn muốn tương tác lại.
Khi sử dụng tùy chọn này, bạn cần tạo đối tượng theo ID/tên ứng dụng từ các sự kiện được phân bổ cũng như các sự kiện không được phân bổ sau khi thiết lập.
Website Traffic
Website Traffic là một tùy chọn Custom Audience cho phép bạn tạo đối tượng người dùng đã truy cập hoặc thực hiện một hành động cụ thể trên trang web.
Bạn có thể tạo danh sách những người trước đây đã thể hiện sự quan tâm đến trang web của bạn nhưng chưa mua hàng. Bạn có tùy chọn tạo đối tượng theo id pixel và tên pixel từ các sự kiện được phân bổ và không được phân bổ.
Một số sự kiện trong tùy chọn này bao gồm:
- Add Payment Info: Khi người dùng tiến tới bước thông tin thanh toán trong quy trình thanh toán
- Add to Cart: Khi người dùng thêm một sản phẩm vào giỏ hàng
- Add to Wishlist: Khi người dùng thêm một sản phẩm vào wishlist.
- Click Button: Khi người dùng nhấp chuột vào một nút bấm được nhấp chuột.
- Complete Payment: Khi người dùng hoàn tất một giao dịch
- Complete Registration: Khi người dùng đăng nhập/đăng ký
- Contact: Khi người dùng liên hệ tới bạn
- Download: Khi người dùng nhấp vào nút mở trang tải xuống trình duyệt bên ngoài
- Initiate Checkout: Khi người dùng bắt đầu checkout
- Place an Order: Khi người dùng đặt một đơn hàng
- Search: Khi người dùng thực hiện một truy vấn tìm kiếm
- Submit Form: Khi người dùng hoàn thành và gửi đăng ký biểu mẫu
- Subscribe: Khi người dùng đăng ký theo dõi dài hạn
- View Content: Khi người dùng truy cập một trang web
Lead Generation Audience
Lead Generation là một tùy chọn Custom Audience cho phép bạn tạo đối tượng từ những người dùng đã tương tác với quảng cáo Lead Generation.
Cụ thể, một số sự kiện được thực hiện của nhóm đối tượng này bao gồm:
- Form View: Khi người dùng xem biểu mẫu
- Form Submission: Khi người dùng hoàn thành và gửi đăng ký biểu mẫu
4.2. Lookalike Audience
Lookalike Audience là gì và hoạt động như thế nào?
Lookalike Audience có thể giúp bạn tìm thấy các nhóm đối tượng có cùng điểm chung với khách hàng hiện tại và mở rộng phạm vi đối tượng
Thuật toán của TikTok sẽ nghiên cứu các đặc điểm của đối tượng tùy chỉnh mà bạn tạo (ví dụ như nhân khẩu học, vị trí, hệ điều hành, sở thích,…), từ đó, tìm kiếm nhóm người dùng có đặc điểm tương đồng.
Khi nào nên sử dụng nhắm mục tiêu Lookalike Audience?
Bạn có thể sử dụng tệp đối tượng Lookalike trong suốt các giai đoạn khác nhau khi phân phối nhóm quảng cáo:
- Giai đoạn mới bắt đầu: Trong giai đoạn này, Lookalike Audience có thể đẩy nhanh quá trình giai đoạn học của nhóm quảng cáo, giúp tăng tiến độ chuyển đổi.
- Giai đoạn phân phối dần ổn định: Khi hiệu quả phân phối quảng cáo đã đạt được đỉnh về số lượng chuyển đổi, bạn có thể sử dụng Lookalike Audience để mở rộng đối tượng của mình hơn nữa và tối đa hóa ROI của mình.
- Giai đoạn giảm hiệu quả: Khi việc phân phối nhóm quảng cáo bị giảm sút, bạn có thể sử dụng Đối tượng Lookalike để kéo dài vòng đời của quá trình phân phối.
Làm thế nào để Lookalike Audience nhắm mục tiêu hiệu quả?
TikTok đề xuất quy mô 10.000 người cho đối tượng nguồn của bạn. Bạn phải đảm bảo rằng danh sách và các đặc điểm bạn cung cấp là chính xác.
Một yếu tố khác cần được xem xét khi tạo Lookalike Audience là quy mô đối tượng. Quy mô đối tượng càng cụ thể, thì đối tượng tương tự được đề xuất càng chính xác. Vì vậy, bạn nên bắt đầu với một nhóm đối tượng hẹp trước để quảng cáo tiếp cận được đúng người trước, sau đó có thể dần mở rộng ra sau.
Đọc thêm: Vì sao bạn nên chi tiền vào quảng cáo Facebook Lookalike?
Tạm kết
Các kênh quảng cáo thường cung cấp nhiều công cụ để bạn có thể nhắm chọn mục tiêu một cách chính xác, điều quan trọng là bạn có hiểu rõ chân dung khách hàng mục tiêu tới đâu. Để chuyển đổi được họ, bạn còn cần có tư duy chuyển đổi và biết cách vận dụng đa dạng loại hình và giải pháp quảng cáo theo phễu toàn diện (awareness – consideration – conversion campaign ad).
Hãy đăng ký khóa học Digital Performance tại Tomorrow Marketers để tìm hiểu sâu về quy trình thiết lập quảng cáo và tối ưu hóa chuyển đổi từ nhiều tình huống thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!