Tomorrow Marketers – Vào ngày 7/10, webinar “HEINEKEN Asia Pacific Graduate Program – Giải mã ẩn số phòng ban Marketing, Finance, Human Resources” đã diễn ra thành công với sự tham gia rất nhiều bạn trẻ cùng các vị diễn giả đại diện cho đơn vị tổ chức và HEINEKEN:
- Anh Nguyễn Đăng Duy – APGP 2017 Finance, Quản lý dự án ERP
- Chị Phùng Hương Linh – APGP 2020 Marketing
- Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – APGP 2020 Human Resources
Dưới đây là những nội dung đáng chú ý được Tomorrow Marketers tổng hợp sau sự kiện.
Phần I: Những lưu ý khi ứng tuyển vào các phòng ban
1. Phòng Human Resource
3 bộ phận khá thú vị của phòng Human Resource là People Business Partner, Health & Safety và Talent & Leadership. Bộ phận People Business Partner đóng vai trò như một cầu nối giữa các phòng ban chức năng của HR và các phòng ban khác trong công ty. Nhiệm vụ là tư vấn chính sách, đảm bảo các chính sách của HR được thực thi hiệu quả. Health & Safety đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên trong hệ thống 6 nhà máy và 12 văn phòng Sales. Talent & Leadership phụ trách thu hút và phát triển nguồn nhân lực công ty.
Khi tham gia chương trình APGP, bạn sẽ có cơ hội luân chuyển qua các bộ phận khác nhau. Đây là cơ hội để các bạn khám phá và phát triển tiềm năng của bản thân. Việc luân chuyển qua các phòng ban như thế nào và lựa chọn ở lại phòng ban nào phụ thuộc vào lộ trình nghề nghiệp của chính bạn. Ngoài ra, các bạn có cơ hội được làm việc tại các phòng ban khác không liên quan tới công việc nhân sự. Bạn sẽ có góc nhìn khác và hiểu hơn về hoạt động kinh doanh của công ty. Cũng như cho bạn thêm kiến thức để phát triển tại phòng ban chuyên môn của mình.
2. Phòng Commercial
Phòng Commercial có rất nhiều phòng ban nhỏ hỗ trợ lẫn nhau theo quy trình phân phối sản phẩm từ nhà máy tới tay người tiêu dùng. Team Sales phụ trách các khâu từ nhà máy tới nhà phân phối, rồi tới điểm bán lẻ. Từ điểm bán lẻ tới người mua hàng là trách nhiệm của Trade Marketing. Và cuối cùng, team Brand Marketing phụ trách các công việc xây dựng thương hiệu. Sau đó, team sẽ đưa sản phẩm tới tâm trí và tác động và lựa chọn của người tiêu dùng.
Ngoài ra, phòng Commercial còn có các phòng ban phụ khác như Media, Digital, CMI,.. Họ sẽ cùng hỗ trợ team Sales, Trade Marketing và Brand Marketing để đưa HEINEKEN tiến lên phía trước. Nhân sự tại mỗi team phụ trách một chuyên môn sâu. Nhưng họ đều phải nắm được công việc tổng quan trong toàn bộ quy trình. Các team cần phối hợp nhịp nhàng với nhau để đảm bảo công việc được thông suốt.
3. Phòng Finance
Đối với HEINEKEN Việt Nam, phòng Finance bao gồm: Transitional Finance, Reporting, Tax, P&CI, Procurement, Business Control – Supply Chain, Commerce, Strategy.
- Transitional finance phụ trách các giao dịch tài chính, kế toán của công ty.
- Reporting thực hiện các báo cáo tài chính hàng tháng, quý, năm.
- Tax phụ trách các vấn đề về thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt,….
- P&CI, viết tắt của Process and Continuous Improvement. Họ phụ trách 2 công việc: kiểm toán nội bộ và cải tiến quy trình trong các phòng ban khác.
- Procurement là phòng phụ trách mua hàng.
- Và đặc biệt có ba phòng Business Control, nhân sự tại phòng ban này đóng vai trò chuyên hỗ trợ các phòng ban khác như Supply Chain, Commerce, Strategy.
Phần II: Công việc
1. Công việc của người làm Nhân sự trong những năm gần đây có gì thay đổi so với quá khứ?
Trước đây, nghề Nhân sự thường được nghĩ đến với các công việc vận hành, giấy tờ, hỗ trợ các công việc khác theo quy trình. Ngày nay, nhiệm vụ đầu tư và phát triển nguồn nhân lực cho công ty ngày càng được chú trọng. Những người làm HR trở thành một cánh tay đắc lực cho sự phát triển của công ty.
Tại HEINEKEN, công việc của HR cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hằng năm, phòng HR cùng các phòng ban khác lên kế hoạch nhân sự dài hạn 3 – 5 năm. Công ty sẽ phát triển như thế nào, có vị trí nào cần phải thay thế, bổ sung hay không. Và quan trọng là công ty cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì cho nhân viên. Từ đó, phòng HR lên những kế hoạch tuyển dụng dài hạn hơn.
HEINEKEN có 6 nhà máy tại 6 tỉnh thành, mang đến một thử thách cho người HR sắp xếp nhân sự, đảm bảo chỗ ăn nghỉ cho người lao động, đảm bảo sức khỏe người lao động, phát triển, kết nối nhân sự,… Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
2. Anh chị nghĩ sao về định kiến: “Con gái không làm được Marketing ngành bia”?
Chị Hương Linh: Chị nghĩ môi trường HEINEKEN rất cởi mở, hòa đồng và đa dạng. Chị đã thực sự trải nghiệm điều này trong quá trình làm việc. Bản thân chị chưa từng nghĩ về việc một người dị ứng cồn, tửu lượng dưới một lon bia. Chị đã thử thách bản thân ở vị trí Trade Marketing, kênh On Trade, đặc biệt là phụ trách quán nhậu.
Chị có kế hoạch cho bản thân mình và luôn sẵn sàng dấn thân cùng các anh chị đồng nghiệp đi thăm thị trường. Mặc dù ban đầu có những sự lo lắng, nhưng nhờ sự quan tâm của các anh chị đồng nghiệp và chính sách hỗ trợ từ HEINEKEN, chị đã có thể tự mình đi thị trường, để hiểu khách hàng xem họ có thực sự thích những hoạt động mình tạo ra hay không.
Anh Đăng Duy: Anh cũng muốn bổ sung thêm một ý nữa. Anh nhận thấy rằng ranh giới giữa nam và nữ trong công việc ngày càng bị xóa nhòa. Điều rõ ràng nhất là tại HEINEKEN, số lượng nhân viên nữ đang ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt là các vị trí quan trọng trong công ty đang dần dần có những người phụ nữ đảm nhiệm.
3. Lộ trình nghề nghiệp của phòng Finance tại HEINEKEN sẽ như thế nào?
Anh Đăng Duy: Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng, sở thích và cách bạn trao đổi với sếp. Anh sẽ chia sẻ dựa trên chặng đường của mình. Ban đầu, anh được giao vị trí Business Control cho phòng Supply Chain ở nhà máy Tiền Giang. Anh được trải qua một số dự án giúp học hỏi thêm nhiều kiến thức về công ty, các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy, như sản xuất bia, kho bãi, phân phối, máy móc như thế nào,… Tiếp theo, anh được qua Malaysia và làm vị trí Business Control cho phòng Commerce, hỗ trợ rất nhiều cho các bạn Sales, Trade Marketing,..
Anh cũng có một thời gian làm việc cho phòng Revenue Management. Tới giai đoạn thứ 3, anh làm việc ở Đông Timor với vị trí ở Reporting. Tại giai đoạn cuối cùng, anh có một nhiệm vụ cross functional làm việc cùng với các phòng ban khác.
Sau chương trình APGP, các bạn sẽ được luân chuyển dựa vào sở thích, khả năng và sự đàm phán với quản lý. Thời điểm đó, bạn có thể tự vẽ ra một kế hoạch phát triển lộ trình nghề nghiệp cho bản thân mình nhờ có cái nhìn tổng quan.
4. Đâu là những lợi thế của một bạn HR APGP?
Chị Như Quỳnh: Chị nhận thấy có 3 điểm chính. Thứ nhất, bạn được luân chuyển phòng ban để khai phá tiềm năng bản thân và có góc nhìn rộng về công việc. Mỗi người có 3 dự án làm việc tại phòng HR và 1 dự án được tùy chọn làm việc tại phòng ban khác, chị đã lựa chọn làm việc ở phòng Finance, trong bộ phận P&CI. Nhờ đó, chị hiểu rõ cách thức làm việc, tương tác và phối hợp của các phòng ban trong công ty để mang lại lợi ích chung. Mỗi dự án mang lại cho bản thân mình kiến thức và kỹ năng khác nhau, bổ trợ cho nhau rất nhiều trong quá trình hoạt động.
Thứ hai, chị may mắn được People Director của HEINEKEN Việt Nam cố vấn định hướng sự nghiệp cho mình. Nhờ sự dày dặn kinh nghiệm, anh đã giúp chị hiểu được lộ trình sự nghiệp trong tương lai với vai trò là một người làm Nhân sự là như thế nào.
Thứ ba, dù ở bất cứ phòng ban nào thì bạn cũng có cơ hội tham gia vào các dự án quan trọng và làm việc với các senior leader – những anh chị quản lý cấp cao có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm, giúp bạn mở mang tầm mắt, học hỏi được rất nhiều điều. Sau 2 năm, bạn vừa có kiến thức chuyên môn và cả kỹ năng mềm. Đây sẽ là hành trang cần thiết để có thể nắm giữ những vị trí quan trọng ở công ty trong tương lai.
5. Phòng Marketing của HEINEKEN đã có những thay đổi nào để thích ứng với Covid-19?
Chị Hương Linh: Trong thời gian dịch bệnh, hầu hết các phòng ban đều phải làm việc tại nhà. Đây cũng chính là thời điểm tinh thần “Yes, we can” của công ty phát huy tác dụng. Tinh thần “Yes, we can” nghĩa là ý chí kiên cường và tinh thần quyết thắng vượt trên mọi nghịch cảnh. Tại thời điểm dịch bệnh, việc giao tiếp giữa các thành viên trong phòng ban gặp khá nhiều khó khăn vì làm việc tại nhà. Tuy nhiên, ngay khi tình hình ổn định trở lại, anh chị đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc để đảm bảo quá trình vận hành xuyên suốt trong công ty.
6. Làm thế nào để nhân viên trẻ được tham gia vào những dự án quan trọng?
Anh Đăng Duy: Anh nghĩ rằng, khi các bạn giải quyết vấn đề thì nó luôn có 2 mặt. Đó là năng lực và sự tự tin. Nếu bạn có năng lực nhưng không đủ tự tin thì bạn không thể hoàn thành được công việc và ngược lại. Vì vậy, 2 yếu tố này luôn phải cân bằng với nhau. Nếu bạn thể hiện được 2 khía cạnh này, thì bạn sẽ có cơ hội tham gia vào rất nhiều dự án quan trọng của HEINEKEN.
7. Những chứng chỉ và kiến thức mà ứng viên cần chuẩn bị khi ứng tuyển vào phòng ban Finance APGP?
Anh Đăng Duy: Như anh đã đề cập, các bạn ứng tuyển vào phòng Finance của HEINEKEN nên có nền tảng tài chính khi còn đi học. Chẳng hạn bạn học những chuyên ngành liên quan đến tài chính, kế toán… Tuy nhiên, nếu không có thì cũng không sao. Bạn chỉ cần thể hiện bản thân có tinh thần muốn học hỏi, tìm hiểu, dám đương đầu thử thách. Hai năm không phải là thời gian ngắn. Các bạn sẽ có cơ hội bù đắp những kiến thức bị hổng.
Ngoài ra, bạn không nhất thiết cần có chứng chỉ để ứng tuyển vào phòng ban Finance APGP. Khi ứng tuyển APGP, rất ít thời điểm các bạn phải trả lời câu hỏi liên quan đến chuyên môn tài chính. Hầu như tất cả các câu hỏi đều mang tính đại chúng để kiểm tra tính cách và kỹ năng mềm.
8. Việc luân chuyển giữa các phòng ban khác nhau trong phòng Commerce bổ trợ cho chuyên môn, kỹ năng mềm như thế nào?
Chị Hương Linh:
Sản phẩm từ nhà máy đến tay người tiêu dùng cần đi qua 3 phòng ban khác nhau. Vì vậy, mọi người cần thấu hiểu nhau và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Do đó việc luân chuyển là công cụ hữu ích để làm điều này cho các APGP bất kỳ nhân viên nào. Khi luân chuyển qua các phòng ban, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy những lát cắt khác nhau của doanh nghiệp và làm việc với những đối tác khác nhau.
Lần đầu thì chị làm Trade Marketing kênh Traditional on trade, chị đã nhìn thấy những lát cắt từ Brand tới Trade tới Sale.
Nghĩa là Brand sẽ là người lên ý tưởng và chuyển lại cho Trade, Trade kết hợp với chiến lược kênh bán hàng của mình để xây dựng kế hoạch hoạt động tại các điểm bán, từ đó tiếp tục làm việc với Sale để hiện thực hóa kế hoạch này tại cửa hàng.
Lát cắt thứ hai mà chị nhìn thấy là việc vận hành giữa nhà máy, nhà phân phối và người mua hàng.
Tại từng trạm của con đường này, chúng ta sẽ biết được mình đã đầu tư bao nhiêu, mang lại hiệu quả như thế nào. Và lợi nhuận tại mỗi chặng này ra sao. Tại đây, chị có cơ hội làm việc với rất nhiều loại data khác nhau. Nhờ đó, chị biết được từng loại data sẽ được thu thập như thế nào và được sử dụng trong trường hợp nào. Với lượng data thu thập được, chị sẽ tiến hành phân tích và đưa ra những giả thuyết khác nhau. Sau đó chị sẽ ra thị trường để kiểm tra lại những giả thuyết dựa trên data đó có đáng tin cậy hay không.
Lát cắt thứ ba liên quan đến ATL (Above The Line) thuộc mảng Brand Marketing. Lát cắt này cũng đồng thời bổ trợ cho hai lát cắt trước. Trước đây khi làm Trade Marketing, chị sẽ nhận ý tưởng từ Brand. Và tất nhiên, chị không biết ý tưởng này được ra đời như thế nào. Nhưng khi làm trực tiếp, chị đã biết được big idea và concept được ra đời như thế nào. Sau đó, chị đã tự suy nghĩ lại, khi mình đã có concept mình có thể biến nó thành hiện thực không. Hay ý tưởng chỉ nằm trên giấy mà thôi. Hoặc trước đây, chị chỉ làm việc với data liên quan đến sale. Nhưng hiện tại, chị có cơ hội tiếp xúc với data liên quan đến sức khỏe thương hiệu (brand health). Tất cả những lát cắt này bổ trợ cho nhau. Từ đó chị có cái nhìn tổng quan và xuyên suốt về công việc của mình.
Về kỹ năng mềm, khi luân chuyển qua các phòng ban khác nhau thì kỹ năng communication của chị được cải thiện rất nhiều. Communication ở đây không chỉ dừng lại ở việc giao tiếp. Mà nó bắt đầu từ việc quan sát khách hàng, lắng nghe những người xung quanh, đàm phán và thuyết phục.
Đọc thêm: Phân biệt Marketing và Branding
9. Cơ hội luân chuyển nước ngoài trong APGP sẽ đem lại những lợi ích gì cho nhân sự phòng Finance?
Anh Đăng Duy: Việc luân chuyển nước ngoài trong APGP sẽ mang lại cơ hội để các bạn tìm hiểu nền văn hóa, phong tục tập quán tại quốc gia mà bạn làm việc. Bạn cũng có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Đặc biệt trong ngành tài chính, tại các quốc gia khác nhau cũng có nhiều sự khác biệt. Chẳng hạn như hệ thống luật, thuế, chuẩn mực kế toán… Hơn nữa, bạn cũng có cơ hội để đối chiếu xem những tiêu chuẩn, quy định đó khác biệt nhiều so với Việt Nam không. Từ đó bạn có thể mở mang thêm kiến thức của mình.
Phần III: Q&A
1. Em muốn hỏi APGP có yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, cụ thể là IELTS ở mức nào không?
Chị Như Quỳnh: Để tham gia APGP, bạn không bắt buộc phải có một chứng chỉ nào hết. Tuy nhiên, các bạn cần có khả năng sử dụng Tiếng Anh để giao tiếp một cách trôi chảy. Thứ nhất, HEINEKEN Việt Nam là một tập đoàn lớn. Vì vậy công việc hằng ngày của bạn sẽ chủ yếu thực hiện bằng Tiếng Anh. Ngoài ra, bạn cũng có những đồng nghiệp là người nước ngoài. Vì vậy, giao tiếp và sử dụng Tiếng Anh tốt thì sẽ là một lợi thế rất lớn. Thứ hai, trong chương trình APGP, bạn sẽ được luân chuyển qua 2 quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nên Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính để bạn giao tiếp khi làm việc tại các quốc gia này.
2. Một số Case Study trong vòng Local Assessment Center
Anh Đăng Duy: Anh tham gia chương trình APGP năm 2017. Bước vào Assessment Center, anh được đưa vào phòng với hai anh chị ban giám khảo. Đề bài anh nhận được liên quan đến vấn đề Toàn cầu hóa (Globalization). Sau khi nhận để bài, anh có 10 phút để suy nghĩ, đưa ra lập luận của mình. Và cuối cùng là chuẩn bị slide để thuyết trình. Anh nghĩ rằng đề bài vòng Assessment Center của mỗi kỳ APGP đều khác nhau. Tuy nhiên đề bài sẽ không đào sâu vào lĩnh vực tài chính. Nếu các bạn đang muốn ứng tuyển vào phòng Finance. Đa số câu hỏi sẽ mang tính đại chúng để kiểm tra critical thinking của các bạn.
Các thí sinh lọt vào vòng cuối sẽ cùng giải quyết một case study lớn. Các thí sinh sẽ cùng ngồi tại bàn lớn ở giữa và xung quanh là hội đồng ban giám khảo. Các bạn thí sinh sẽ cùng nhau suy nghĩ và đưa ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề.
Đọc thêm: Cách vượt qua Case Interview – những kỹ năng cần chuẩn bị và những cần lưu ý
3. Những kỹ năng cần thiết mà một ứng viên cần có để ứng tuyển vào phòng Commerce
Chị Hương Linh: Thứ nhất, điều tiên quyết khi ứng tuyển vào bất kỳ công ty nào. là các bạn hãy là chính bản thân mình. Nếu các bạn cố gắng để trở thành một con người khác thì chặng đường sau này của bạn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, hãy thể hiện tinh thần “Yes, we can”, quyết tâm, không nản chí. Thứ ba, trách nhiệm và cam kết gắn bó khi ứng tuyển. Thứ tư, tinh thần ham học hỏi, luôn luôn muốn làm mới bản thân và trở thành phiên bản hoàn thiện hơn.
Tạm kết
Webinar không chỉ chia sẻ cho các bạn trẻ về những kiến thức chuyên ngành. Hơn nữa, bạn còn được lắng nghe câu chuyện người thật, việc thật đằng sau chương trình APGP của HEINEKEN. Cùng với đó là những kỉ niệm đáng nhớ của các anh chị senior trong quá trình thực thi công việc của mình.
Để trở thành một APGP hay một MT tương lai tại các tập đoàn đa quốc gia, ngay từ bây giờ, hãy trang bị cho bản thân nền tảng kiến thức vững vàng và luyện tập thật nhiều qua đa dạng các case study. Khóa học Case Mastery gói gọn trọn bộ kiến thức, tư duy và kỹ năng cần thiết, giúp bạn chinh phục vị trí mơ ước thông qua việc thực hành và thi mô phỏng giải case, phỏng vấn dưới áp lực như thi thật. Giảng viên – những người từng xuất phát từ Quán quân các cuộc thi, tham gia chương trình MT và có kinh nghiệm làm Cố vấn/ Ban giám khảo của các cuộc thi danh tiếng sẽ trực tiếp giảng dạy, chấm điểm và nhận xét cho học viên trong quá trình thi mô phỏng trong khóa học. Hãy nhanh tay đăng ký học của TM ngay hôm nhé.