Marketer làm thế nào để bắt kịp khi Social Media đang thay đổi chóng mặt?

marketing foundation

Tomorrow MarketersBài viết này nêu ra những vấn đề nhức nhối của mạng xã hội như lan truyền thông tin sai lệch, thiếu cạnh tranh và minh bạch… và 7 chủ đề trọng tâm được thảo luận tại hội thảo “The Social Media Summit“ của MIT.

Sự phát triển của hệ sinh thái Social Media dù mở ra nhiều cơ hội tiềm năng mới cho nhân loại nhưng cũng đem lại những mối nguy hại đáng lo ngại: phần lớn quyền lực nằm trong tay một vài tập đoàn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh & quá trình đổi mới; mạng xã hội lan truyền những tin tức sai sự thật và gây ra những cuộc tranh luận về giới hạn của quyền tự do ngôn luận; các mạng xã hội đang xâm hại quyền riêng tư, sự chính trực trong bầu cử và nền dân chủ… Hội nghị “The Social Media Summit” tại MIT đã quy tụ các chuyên gia để thảo luận về những vấn đề này và tập trung vào các giải pháp ở nhiều mức độ khác nhau.

“Mạng xã hội đang tái lập trình hệ thống thần kinh tập trung của con người.” – Giáo sư Sinan Aral tại trường MIT SLoan chia sẻ. “Nhân loại đang ở ngã ba đường giữa những triển vọng tiềm năng và mối nguy hại đến từ mạng xã hội.”. Dưới đây là những chủ đề trọng tâm được thảo luận tại hội nghị, kèm theo một vài giải pháp tiềm năng.

1. Sự lan truyền tin tức giả và thông tin sai lệch

“Fake news” có khả năng lan truyền nhanh chóng trên mạng, chúng thường được hỗ trợ bởi các thuật toán mạng xã hội (vốn khuyến khích các nội dung thu hút sự chú ý và gây tranh luận). Các công ty mạng xã hội và nhà quảng cáo cũng thường hưởng lợi từ tình trạng này.

Clint Watts, một nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Đối ngoại, cho biết một giải pháp tiềm năng chính là truy quét những kẻ hay lan truyền tin giả nhất. “Chúng ta biết những kẻ này là ai và chúng ta cần hành động quyết liệt hơn nữa để chống lại fake news!”

2. Thách thức trong việc cân bằng sự riêng tư của người dùng và tính minh bạch của nền tảng

Mạng xã hội đặt đem đến một vấn đề mà Giáo sư Aral gọi là “nghịch lý về tính minh bạch”. Các nhà nghiên cứu và công chúng nên có quyền biết cách các nền tảng mạng xã hội đang truy cập và sử dụng dữ liệu của người dùng. Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng cũng rất quan trọng.

Kate Starbird, phó giáo sư tại Đại học Washington, cho biết tính minh bạch của thuật toán cho phép các nhà nghiên cứu kiểm tra việc chia sẻ thông tin ngang hàng (peer-to-peer information) mà không làm lộ thông tin cá nhân có thể là một giải pháp tiềm năng. “Chúng tôi có thể xem xét các dữ liệu trên Twitter vì nó được công khai. Facebook và YouTube thì không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, do đó chúng tôi không nghiên cứu chúng kỹ được.”

Đọc thêm: Facebook thừa nhận nghe lén người dùng

Trước khi tìm hiểu kỹ hơn ở những phần tiếp theo, hãy cùng TM khám phá một chút về cách Digital Marketing vận hành ngày nay khác như thế nào trong một video ngắn dưới đây nhé.

3.  Thiếu sự cạnh tranh

Cạnh tranh là động lực lớn để các công ty thay đổi hành vi, nhưng trên thị trường hiện tại, cuộc chơi chỉ đang xoay quanh Facebook, Twitter và Google. Zephyr Teachout, trợ lý giáo sư luật tại Trường Luật Fordham cho biết: “Chúng ta hiện phải đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó có sự tập trung quyền lực đang cản trở sự đổi mới, tác động tiêu cực tới các nhà quảng cáo và doanh nghiệp nhỏ, cũng như hạn chế sự phát triển về chất lượng và quyền riêng tư.”

Liên minh châu Âu đang xem xét đạo luật “Digital Markets” nhằm giải quyết các hành vi chống cạnh tranh và việc các công ty không tuân thủ quy định chung.

Đọc thêm: Vì sao chưa mạng xã hội nào qua mặt được Facebook?

4. Các thuật toán góp phần gia tăng sự thiên vị, phân biệt chủng tộc và phân cực

Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đã trở thành cách phổ biến nhất để sắp xếp và truy cập thông tin. Tuy nhiên, các công ty điều hành những nền tảng này sẽ tập trung vào lợi nhuận, chứ không phải những thứ như nền dân chủ hay quyền con người, và đôi khi, những nội dung phổ biến, thu hút và tạo ra nhiều lợi nhuận nhất lại là những nội dung ủng hộ sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc và các thông tin sai lệch.

“Một phần của vấn đề là các hệ thống quá dễ dàng trong việc cho phép người dùng đăng và chia sẻ loại thông tin này” – Renée Richardson Gosline, một nhà khoa học tại MIT Sloan chia sẻ. Cô cho rằng chúng ta có thể tăng cường kiểm soát bằng cách làm chậm lại quá trình tương tác online và cho mọi người cơ hội để suy nghĩ về hành động của mình trước khi chia sẻ thông tin nào đó.

Đọc thêm: Công nghệ đang thao túng tâm trí bạn như thế nào?

5. Các mô hình kinh doanh mạng xã hội không phải lúc nào cũng phục vụ lợi ích của người dùng

Các mô hình kinh doanh mạng xã hội được xây dựng trên “nền kinh tế chú ý” (attention economy) – ở đó các nền tảng sẽ bán sự chú ý của người dùng cho các nhà quảng cáo. Thế nhưng, những điều thu hút sự chú ý không phải lúc nào cũng có lợi cho người dùng nói riêng và xã hội nói chung. Điều chỉnh lại mô hình kinh doanh và tách khỏi nền kinh tế chú ý có thể là giải pháp hiệu quả.

Scott Galloway, giáo sư trợ giảng về  tại Đại học New York, cho biết các mô hình kinh doanh dựa trên đăng ký (subscription) là một lựa chọn thay thế bởi loại mô hình này không bị gắn với quảng cáo. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc này có thể tạo ra một bức tường rào cản: chỉ những người trả phí mới được tiếp cận những thông tin chính xác & chất lượng.

6. Ranh giới mập mờ giữa tự do ngôn luận và những phát ngôn gây hại

Mục 230 của Đạo luật “Communications Decency Act” cung cấp cho các website quyền miễn trừ với nội dung của bên thứ ba. “Điều này cần được thay đổi để khiến các nền tảng có trách nhiệm hơn đối với các nội dung mà họ đăng tải” – Richard Stengel, cựu thứ trưởng và cựu tổng biên tập viên của tạp chí Time cho biết. “Phải có những quy định khuyến khích các nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của mình. Hiện tại đây vẫn là một vấn đề nhập nhằng chưa rõ trắng đen.”

Renée Diresta, giám đốc nghiên cứu tại Stanford Internet Observatory cho biết các chính sách cũng nên phân biệt giữa tự do ngôn luận (free speech) và tự do tiếp cận (free reach). Quyền tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc phát ngôn đó được lan toả bởi các thuật toán.

“Luôn có sự khác nhau giữa quyền được lên tiếng và quyền lên tiếng trước hàng trăm triệu người.”

Tạm kết

Con người đã lệ thuộc và chịu sự chi phối của một cuộc sống công nghệ và Social Media quá nhiều, khi tỷ lệ người dùng và số thời gian dành cho Social Media ngày càng tăng, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 như ngày nay. Liệu rằng, trong tương lai, con người có khả năng cầm lại bánh lái và làm chủ công nghệ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của chúng tới cuộc sống? Câu trả lời vẫn là một ẩn số, đặc biệt khi điều này không chỉ phụ thuộc vào các ông lớn trong cuộc chơi như Facebook, Twitter,… mà còn chịu sự ảnh hưởng từ thị hiếu và hành vi người dùng.

Sự thay đổi mỗi ngày của Social Media là một điều tất yếu, vì vậy, nếu bạn mong muốn trang bị tư duy Digital Marketing xuất phát từ gốc rễ vấn đề và những kiến thức Social Media Marketing căn bản, tham gia ngay khóa học Digital Foundation tại Tomorrow Marketers nhé!

Nguồn bài viết: Sara Brown, MIT Management Sloan School

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: