Tại sao ngành thời trang hay có end-of-season sales?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Những đợt giảm giá cuối mùa của những nhãn hàng thời trang là thời điểm vàng của những con nghiện mua sắm khi họ có thể chạm tay vào món đồ mình mơ ước bấy lâu nay với mức giá cực “hời”. Về phía các nhãn hàng, ngoài mục đích thu hút khách hàng, đây được coi là một trong những chiến lược quản trị hàng tồn kho hiệu quả của doanh nghiệp. Bởi lẽ, để tối đa hóa, hay chí ít là duy trì mức lợi nhuận, các nhãn hàng thời trang phải cân bằng giữa hàng tồn kho, giá cả và các chương trình ưu đãi, trong đó không thể không kể đến những đợt giảm giá “khủng” mùa lễ hội, cuối mùa hay xả kho…

Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ đi sâu vào những nguyên nhân đằng sau các chương trình giảm giá “sập sàn” cuối mùa, cũng như “cẩm nang” dành cho những tín đồ shopping để “vợt sale” hiệu quả nhất.

“Vén màn” mục đích thực sự của các đợt sale “khủng” cuối mùa

Giảm hàng tồn kho

Những chương trình khuyến mãi giúp giảm lượng hàng tồn kho trong một cửa hàng nhất định hoặc cả một hệ thống. Đặc biệt trong ngành hàng thời trang, xu hướng của khách hàng thay đổi nhanh đến mức nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng khó tiêu thụ, hay chúng ta thường gọi là “lỗi mốt”. Trong trường hợp này, các nhãn hàng không còn lựa chọn nào khác là phải “bán tống bán tháo” chúng đi, một phần là để dọn chỗ cho hàng mới, một phần cũng để báo cáo tài chính không bị xấu đi. Khi hàng tồn kho được đẩy đi, doanh thu cũng như tính thanh khoản của doanh nghiệp tăng lên sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.

Câu chuyện về “ông lớn” đến từ Thụy Điển của làng thời trang bình dân H&M sẽ phần nào cho chúng ta thấy tác động khủng khiếp của hàng tồn kho với sức khỏe của doanh nghiệp. Cuối mùa xuân năm ngoái, H&M ghi nhận hãng còn tồn kho hàng hóa với trị giá lên đến 4,3 tỷ đôla Mỹ. Vào thời điểm này, tức kết thúc quý đầu năm 2018, lợi nhuận của hãng giảm 62% và giá đóng cửa của cổ phiếu chạm đáy sâu nhất kể từ năm 2005 trên Sàn giao dịch Chứng khoán Stockholm.

Trước tình hình đó, hãng đã khẩn trương giảm giá hàng loạt với mức giảm sâu đã vực dậy kết quả kinh doanh trong quý II. Cụ thể, lợi nhuận ròng đạt 520 triệu đô la Mĩ, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái trong khi doanh thu tăng 2% ở mức 6,74 tỷ đô.

Đọc thêm: Covid và sự sụp đổ của các hàng thời trang xa xỉ 

Giảm giá mà không làm “mất giá” thương hiệu

Nhiều nhãn hàng thời trang cao cấp thường rất ít khi giảm giá vì họ sợ sẽ ảnh hưởng xấu tới định vị “chanh sả” của mình. Nhưng dù gì họ cũng là một doanh nghiệp mà doanh nghiệp nào chẳng muốn tối đa hóa lợi nhuận bằng cách thu hút thêm khách hàng. Cuối mùa là khi tất cả các hãng đều giảm nên họ có thể lấy đó là… một cái cớ để mình cũng giảm. Vì khi đến mùa sale, một nhãn hàng xa xỉ giảm giá thì cũng chỉ bị coi là đi theo xu hướng, chứ cũng không bị coi là “đã đắt lại còn ế” nên mới phải… giảm vội. Khi các khách hàng mới được cho cơ hội sử dụng sản phẩm với giá sale, rất có thể họ sẽ quay trở lại và chấp nhận mua những món đồ ở mức giá thường vì bị thuyết phục bởi chất lượng.

Cạnh tranh với đối thủ

Những người có khả năng tài chính không dư dả cho lắm như một lẽ tự nhiên rất quan tâm đến các chương trình khuyến mãi. Nhưng vì ngân quỹ eo hẹp và thời trang không phải là một thứ quá cần thiết, khi họ móc hầu bao chi cho chiếc túi xách này rồi thì không thể cùng lúc rút ví rước một chiếc túi khác họ cũng thích không kém về nữa. Hiểu được tâm lí này, các nhãn hàng thời trang dùng các chương trình giảm giá như một chiêu thức để cạnh tranh với đối thủ bằng cách kéo khách hàng về phía mình để họ không còn tiền để chi thêm cho đối thủ nữa.

Tạo một… cái cớ cho khách hàng mua sắm

Vì thời trang hoàn toàn không phải là một nhu cầu thiết yếu để sinh tồn của con người như đồ ăn hay nước uống, những người với mức sống trung bình hầu như không bao giờ thấy quá cần thiết phải sắm thêm đồ mới để “diện” hàng ngày. Tuy nhiên, tình thế sẽ thay đổi nếu các nhãn hàng cho họ một “cái cớ” để “vung tay quá trán” một chút. Khi những đợt sale cuối mùa kéo đến, người tiêu dùng sẽ có cảm giác không mua bây giờ thì không bao giờ có thể mua với giá rẻ như vậy nữa và tuy bây giờ mình không cần nhưng nhỡ đâu trong tương lai mình lại mặc đến nó thì sao. Cứ như vậy, các nhãn hàng cứ “sương sương” rút ví người tiêu dùng một khoản không hề nhỏ làm doanh thu của họ cứ tăng vùn vụt mỗi dịp cuối mùa.

Các “shopaholic” phải thật tỉnh táo

Chắc hẳn đã không dưới một lần bạn hí hửng mua được một món đồ với giá chỉ bằng một nửa giá vốn rồi một thời gian ngắn sau cay đắng nhận ra quyết định của mình là sai lầm.

Vì vậy, trước khi mỗi mùa sale chuẩn bị “ập đến”, hãy dắt túi những điều cần ghi nhớ sau để luôn là một người tiêu dùng thông thái nhé!

  • Không phải người ta cứ giảm có nghĩa là bạn mua được với giá “hời”. Bạn nên biết những mặt hàng tương tự thường có giá bao nhiêu, từ đó dễ dàng so sánh được mức giá sale bạn được hưởng có đúng là thấp hơn bình thường hay không. Bởi lẽ nhiều khi với cùng một món đồ, giá sale ở cửa hàng này còn cao hơn giá chưa sale ở cửa hàng khác.
  • Mua một thứ bạn không hề cần không bao giờ được coi là mua ĐƯỢC đồ rẻ cả, bất kể món đồ đó có được giảm giá sâu đến mức nào.
  • Cẩn thận với việc mua sắm vô tội vạ bằng thẻ tín dụng (credit card): Sử dụng thẻ tín dụng hiện nay đã trở nên quá quen thuộc với đại bộ phận giới trẻ. Đồ đẹp giá “sốc” ở khắp mọi nơi mà lương chưa về tài khoản mà lại có thẻ tín dụng trong tay nên “mình thích thì mình quẹt thôi”. Nhưng hãy chắc rằng bạn sẽ sớm trả lại ngân hàng số tiền bạn đã tiêu nếu không muốn tiền lãi “chất cao như núi” vì đã mua sắm “mặc kệ đúng sai”.

Tạm kết

Các chương trình khuyến mãi là một vũ khí lợi hại giúp doanh nghiệp đẩy số, tăng doanh thu ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi nếu như không sử dụng một cách hiệu quả và có chiến lược. Để sử dụng các chương trình khuyến mãi hợp lý, hiệu quả, theo đúng chiến lược Marketing, không khiến thương hiệu bị mất giá, bạn cần trang bị cho mình kiến thức và tư duy Marketing bài bản. Tham khảo khoá học Marketing Foundation để trang bị tư duy, ứng dụng xây dựng chương trình khuyến mãi có mục tiêu và dự tính được hiểu quả trước khi đưa ra thị trường nhé!

Marketing Foundation
Tagged: