Third-party logistics (3PL) – phân khúc béo bở tại Việt Nam

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Với xu hướng ngày càng mở rộng chiến lược thuê ngoài dịch vụ logistics của các chủ cửa hàng, các công ty E-commerce, các doanh nghiệp logistics nước ngoài và nội địa đang triển khai các dịch vụ 3PL nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

1. Third-party logistics (3PL) là gì?

Nếu công ty của bạn thuê ngoài các công ty dịch vụ để thực hiện các hoạt động logistics, có thể là toàn bộ quá trình hoặc chỉ một số hoạt động có chọn lọc, thì nhà cung cấp dịch vụ đó được gọi là công ty giao vận Third-Party Logistics hay còn gọi là 3PL. Đây là một loại hình dịch vụ tích hợp (integrated logistics) chủ yếu giữa dịch vụ vận tải, giao nhận và kho bãi.

Một công ty 3PL cung cấp dịch vụ trọn gói sẽ thực hiện tất cả các yêu cầu logistics bao gồm: vận tải (transportation), dịch vụ kho bãi (warehousing), gom hàng nhanh (cross-docking), quản lí tồn kho (inventory management), đóng gói (packaging) hay giao nhận vận tải (freight forwarding).

2. Tổng quan thị trường Third-Party Logistics

Thị trường 3PL toàn cầu được định giá 950,7 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến ​​đạt 1,513 tỷ USD vào năm 2025, ghi nhận CAGR là 7,1% từ năm 2018 đến năm 2025. Năm 2018, khu vực châu Á – Thái Bình Dương dạt giá trị cao nhất trên thị trường 3PL toàn cầu ở mức 358,8 tỷ USD.

Tổ chức Armstrong & Associates công bố thị trường 3PL tại Việt Nam trong năm 2014 mới chỉ đạt giá trị khoảng 1,2 tỷ USD, còn rất thấp so với thế giới. Đến năm 2018, thị trường 3PL của Việt Nam đã đạt 3,7 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (16,9 tỷ USD) và Thái Lan (5,5 tỷ USD).

Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường 3PL​​, đến từ sự phát triển của ngành E-commerce. Hơn nữa, nhu cầu sử dụng dịch vụ của thị trường 3PL dự kiến ​​sẽ leo thang trong tương lai gần, do các nhà sản xuất và nhà bán lẻ muốn tập trung vào chuyên môn bán hàng, nên có xu hướng thuê ngoài dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng GDP và sản lượng xuất nhập khẩu (năm 2017, GDP tăng 6,81% so với năm trước, tổng sản lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được ghi nhận ở mức 400 tỷ USD) cũng là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường 3PL trong nước.

3. Các công ty trong thị trường 3PL

Thị trường 3PL gồm 3 phân khúc là last-mile delivery, giao nhận vận tải (freight forwarding) và dịch vụ kho bãi (warehousing). Thị trường 3PL đang nằm trong tay các ông lớn nước ngoài như DHL Logistics, Damco, FedEx, APL. Các công ty nội địa trong thị trường này gồm có những cái tên như Gemadept, Vinafco, Transimex, VN Post, Viettel Post, GHN, GHTK.

Deutsche Post DHL

Năm 2017 tập đoàn Deutsche Post DHL thành lập bộ phận DHL eCommerce, ra mắt dịch vụ phân phối nội địa tại Việt Nam. DHL eCommerce tập trung vào ba mũi nhọn dịch vụ chính: Chuyển phát nội địa (domestic delivery), chuyển phát xuyên biên giới (cross border delivery) và hậu cần kho vận (fulfillment).

GHN – Giao hàng Nhanh

Giao Hàng Nhanh bao gồm 3 nhánh hoạt động như sau:

– GHN Express: thành lập 2012, cung cấp dịch vụ last-mile delivery, trong đó 90% lượng hàng là từ E-commerce.

– GHN Logistics: thành lập 2017, cung cấp dịch vụ warehouse fulfillment và transportation

(air & truck), 80% lượng hàng là từ B2B.

– Ahamove: thành lập 2015, cung cấp dịch vụ instant on demand, 90% là hàng E-commerce và thực phẩm đồ uống (mô hình tương tự Grab, Goviet nhưng đánh vào thị trường giao hàng).

Gemadept

Dịch vụ 3PL là nhân tố đóng góp quan trọng thứ 2 trong cơ cấu doanh thu của Gemadept. Tính đến tháng 9/2015, doanh thu từ mảng này của công ty đạt 1,382 tỷ đồng, vẫn duy trì tốc độ phát triển ổn định qua nhiều năm ở mốc trên 1,000 tỷ đồng. Họ có 8 trung tâm phân phối logistics từ Nam ra Bắc và đang phục vụ cho hơn 40 khách hàng lớn, cả đa quốc gia (Samsung) lẫn trong nước (Vinamilk, Masan, Kinh Đô).

Transimex Sài Gòn

Sau khi nâng cấp cảng ICD (cảng thông quan nội địa) vào năm 2011 và đầu tư thêm trung tâm phân phối hồi năm 2013, doanh thu năm 2014 của Transimex Sài Gòn là 480,8 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 138 tỷ đồng. Ðây là mức tăng gấp 2,7 lần doanh thu và gấp 3,7 lần lãi sau thuế so với 5 năm trước.

Vinafco

Vinafco cũng đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành những hợp đồng quốc tế lớn như Akzo Nobel (Sơn Dulux), Kimberly-Clark (Kotex). Vinafco đang có khả năng cung cấp dịch vụ 3PL tại các vị trí kinh tế chiến lược như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Hậu Giang. Công ty này cũng triển khai phần mềm quản lý kho tiên tiến, giúp giảm 50% thời gian làm việc, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.

4. Thị trường E-commerce thúc đẩy sự phát triển của thị trường 3PL

Khi mua bán chuyển sang trực tuyến, đã có những dự đoán về sự sụp đổ của các doanh nghiệp click-and-mortar (công ty kết hợp cả mô hình ngoại tuyến và trực tuyến, sở hữu cả website và cửa hàng vật lí). Người ta cho rằng mọi thứ sẽ được thực hiện trực tuyến. Nhưng mọi người đã bỏ lỡ một khâu quan trọng đối với các công ty E-commerce là fulfillment (quá trình xuất – nhập kho, xử lý đơn hàng, đóng gói). 3PL xuất hiện để giải quyết vấn đề này. 

Thay vì mua một đôi găng tay ở cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt hàng online. Sau khi đặt hàng đôi găng tay phải được giao đi. Lúc này những vấn đề về kho bãi, hàng tồn kho, đóng gói, vận chuyển và theo dõi đơn vận xuất hiện. Trong khi nếu mua trực tiếp ở cửa hàng, nhân viên chỉ cần giao hàng hóa cho khách. Tương tự, khi quyết định hoạt động trên kênh E-commerce, doanh nghiệp phải quan tâm đến nhiều thứ hơn, phải có trách nhiệm đảm bảo việc giao hàng. Những vấn đề logistics cũng phức tạp dần lên khi doanh nghiệp chuyển từ cửa hàng vật lí sang kinh doanh trực tuyến. Ví dụ như trong trường hợp hàng hóa bị trả lại, doanh nghiệp phải giải quyết toàn bộ quy trình đổi trả. Do đó, việc thuê ngoài logistics rất phù hợp với E-commerce, nó sẽ giúp các doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào việc bán hàng. 

Không phải tất cả các trang web E-commerce đều có hệ sinh thái đồ sộ như Amazon.com. Với những công ty ít vốn hơn, việc thành lập bộ phận logistics đòi hỏi quá nhiều chi phí cố định (fixed expense). Một nhà cung cấp dịch vụ 3PL có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong thời gian đầu hoạt động mà vẫn có thể mở rộng quy mô.

5. Thị trường 3PL cung cấp dịch vụ gì cho thị trường E-commerce?

Dịch vụ kho bãi – Warehousing

Các công ty E-commerce có thể không cần cửa hàng vật lí, nhưng hàng hóa vẫn cần có nơi để lưu trữ. 3PL thường sẽ giải quyết vấn đề kho bãi. Các công ty này đầu tư xây dựng địa điểm và công nghệ để vận hành một nhà kho. Việc sử dụng kho bãi của 3PL sẽ hiệu quả hơn về chi phí, vì chi phí có thể phân bổ cho nhiều khách hàng.

Dịch vụ hợp nhất – Consolidation Service

Các công ty E-commerce thường gửi nhiều gói hàng nhỏ đến cùng một địa điểm. Nếu chúng ta hợp nhất tất cả các gói hàng nhỏ có cùng địa điểm vào một chuyến giao hàng, phí vận chuyển sẽ giảm đáng kể. Một nhà cung cấp dịch vụ gom các gói hàng nhỏ thành một gói lớn và vận chuyển chúng đi được gọi là dịch vụ hợp nhất (consolidation service), hay còn gọi là hợp nhất vận chuyển hàng hóa (freight consolidation) hoặc hợp nhất hàng hóa (cargo consolidation). 

Hoàn thành đơn hàng – Order Fulfillment

Nếu một doanh nghiệp thương mại điện tử không hoàn thành đơn đặt hàng, tức là công ty chưa hoàn thành vai trò của mình. Hoàn thành đơn hàng không chỉ là đảm bảo rằng hàng hóa đến được tay người mua, mà đó còn phải là hàng hóa phù hợp, được giao đúng hẹn, và trong tình trạng nguyên vẹn. Đây là điều mà các công ty E-commerce đang gặp khó khăn vì số lượng lớn đơn đặt hàng họ nhận được trong một ngày.

Giao hàng chặng cuối – Last-mile Delivery

Một quy trình giao hàng được chia thành chặng đầu (first-mile delivery), chặng giữa (middle-mile delivery) và chặng cuối (last-mile delivery). First-mile delivery đưa sản phẩm từ nhà bán lẻ hoặc người gửi đến công ty giao vận, middle-mile delivery vận chuyển hàng hóa đến các các fulfillment center (là nơi thực hiện việc xuất – nhập kho, xử lý đơn hàng, đóng gói). Còn last-mile delivery vận chuyển hàng hóa đến khách hàng cuối cùng (end user).

Last-mile delivery có thể quyết định sự “sống còn” của một công ty E-commerce, vì có giữ chân được khách hàng hay không phụ thuộc rất lớn vào trải nghiệm giao hàng. Khách hàng của E-commerce thuộc về bước cuối cùng trong quy trình giao hàng và họ luôn mong đợi nhận được hàng trong thời gian ngắn nhất, họ sẵn sàng trả phí cho dịch vụ này. Với số lượng lớn đơn hàng các công ty E-commerce nhận được trong một ngày thì việc sử dụng kết hợp dịch vụ order fulfillment và last-mile delivery của 3PL sẽ giúp cải thiện chi phí và đem đến trải nghiệm giao hàng tốt hơn cho người dùng.  

Tạm kết

Có thể thấy, thị trường Logistics nói chung và thị trường 3PL nói riêng ở Việt Nam đang còn sơ khai và bị thống trị phần lớn bởi các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường E-commerce là động lực thúc đẩy to lớn cho sự phát triển của thị trường 3PL. Bên cạnh đó, sự chuyển mình của các doanh nghiệp Logistics nội địa lâu năm và sự tham gia của các doanh nghiệp startup mới xuất hiện đã khiến thị trường 3PL trở nên sôi động hơn.


Khoá học Marketing Foundation trang bị tư duy Marketing bài bản cho người mới bắt đầu. 

Tagged: