Tomorrow Marketers – “The Connected Consumer” là một báo cáo được thực hiện hàng quý bởi Decision Lab từ năm 2019. Mục tiêu của nghiên cứu này là cung cấp chân dung về hành vi tiêu dùng số của người Việt. Thông tin trong báo cáo được phân tích bởi các chuyên gia tư vấn của Decision Lab và tập trung vào thói quen trực tuyến của người tiêu dùng, bao gồm việc sử dụng mạng xã hội, giải trí (âm nhạc, phim, video trực tuyến) và mua sắm trực tuyến.
1. TikTok ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở trong giải trí mà còn ở trong mua sắm
Trong quý II 2023, Facebook, Zalo, Youtube vẫn là 3 nền tảng social media quen thuộc nhất với người Việt. Tuy nhiên, cả 3 mạng xã hội này đều chứng kiến sự sụt giảm nhẹ trong tỷ lệ người dùng. Với sự thay đổi này, Zalo và Youtube cùng xếp ở vị trí thứ hai với tỷ lệ người dùng đạt 89%.
Điều đáng chú ý hơn là chiều hướng tăng trưởng tích cực và ổn định trong lượng người dùng của TikTok. Gia nhập Việt Nam vào năm 2019, tính đến 02/2023, TikTok đã chạm ngưỡng 49,9 triệu người dùng tại Việt Nam (số liệu của DataReportal). Còn theo báo cáo của Decision Lab, so với đầu năm, tỷ lệ người dùng của nền tảng video ngắn này đã tăng 3% trong quý II.
Sức hút của TikTok được thể hiện rõ nhất với tệp người dùng GenZ. Khi được hỏi về nền tảng mạng xã hội chính bạn đang sử dụng, 15% GenZ tham gia khảo sát chọn TikTok, so với 7% trong khảo sát quý I 2023. Điều này đã giúp TikTok “soán ngôi” Zalo vươn lên vị trí thứ 3 trong top ứng dụng chính của GenZ.
Đọc thêm: Giải mã xu hướng sử dụng mạng xã hội của Gen Z – Báo cáo từ GWI 2023
Nhìn kĩ vào từng nhu cầu tiêu thụ nội dung số, TikTok ngày càng được yêu thích bởi người dùng Việt khi tìm kiếm video giải trí và video ngắn. Cụ thể, quý II 2023 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trong lượng người dùng của TikTok với 56% người tham gia khảo sát lựa chọn TikTok khi muốn xem các video giải trí.
Đối với video ngắn, có đến 61% GenZ và 44% Gen Y ưu tiên lựa chọn TikTok để tiêu thụ nội dung số này.
Sự tăng trưởng đáng kể nhất của TikTok phải kể đến tỷ lệ người dùng của TikTok Shop. Chỉ tính riêng trong quý II 2023, tỷ lệ người dùng TikTok shop đã tăng 16%, đạt 33%, và đứng top 4 các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Dù mới chỉ mới ra mắt vào năm 2022, TikTok Shop nhanh chóng khẳng định chỗ đứng của mình trong thị trường ecommerce tại Việt Nam. Bằng việc tích hợp cả nội dung giải trí và nền tảng mua sắm vào trong cùng một ứng dụng, TikTok Shop đem đến một ưu thế vượt trội là trải nghiệm mua sắm liền mạch. Đây cũng là nền tảng bắt đầu cho xu hướng Shoppertainment – mua sắm kết hợp giải trí đang được đón nhận mạnh mẽ bởi người tiêu dùng Việt Nam. Có thể thấy, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền tảng video ngắn này, trào lưu shoppertainment sẽ tiếp tục nở rộ, mở ra những cơ hội quý báu cho doanh nghiệp để kết nối gần gũi hơn với khách hàng.
Đọc thêm: E-commerce bùng nổ, lối đi nào cho các shop thời trang truyền thống?
2. Cuộc chiến căng thẳng giữa các ứng dụng giao đồ ăn
Một mặt trận khác không kém phần căng thẳng là sự cạnh tranh giữa các ứng dụng giao đồ ăn. Có mặt tại Việt Nam từ những năm 2015, các ứng dụng giao đồ ăn dần được đón nhận bởi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chỉ đến khi đại dịch COVID-19, mô hình kinh doanh này mới thực sự bùng nổ kể về số lượng người dùng và số lượng đối thủ, mở ra một trận chiến tranh giành thị phần gay gắt.
Theo báo cáo của Decision Lab, trong quý II 2023, cả 4 ứng dụng giao đồ ăn phổ biến (Grab Food, Shopee Food, Go Food, Baemin) đều chứng kiến sự tăng trưởng trong tỷ lệ người dùng. Trong đó, Grab Food tiếp tục là ứng dụng phổ biến nhất với 49% người tham gia khảo sát có sử dụng, theo sát ngay sau là Shopee Food với 45%. Ngược lại với xu hướng tăng của ứng dụng, các website đặt đồ ăn trực tiếp của hãng lại chứng kiến sự sụt giảm trong lượng người dùng, tỷ lệ thâm nhập (penetration rate) đạt 21%.
Đi cùng với sự phát triển của toàn thị trường giao đồ ăn là sự canh tranh gay gắt của các cái tên lớn trong từng phân khúc khách hàng. Trong đó, Shopee Food và Grab Food là hai đối thủ chính. Cụ thể, nếu GenX và GenY đều ưa chuộng Grab Food nhất, thì Shopee Food lại là sự lựa chọn hàng đầu của GenZ.
Mặt khác, theo một báo cáo của Next Trans công bố đầu năm 2023, chỉ tính riêng hai ứng dụng Shopee Food và Grab Food đã chiếm khoảng 78,7% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam. Đây sẽ là một thách thức to lớn dành cho những ứng dụng khác nếu muốn gia tăng lượng người dùng. Một trong những chiến lược nổi bật của các challengers trong thị trường này trong năm nay là GoFood được tích hợp ngay trong ví điện tử Momo. Sự hợp tác bất ngờ giữa Gojek và Momo được đánh giá sẽ giúp ứng dụng giao đồ ăn này tiếp cận với hơn 30 triệu tệp người dùng hiện tại của ví điện tử này.
Đọc thêm: GrabFood & GoFood thực hiện chiến lược Growth Marketing như thế nào?
3. Thị trường ví điện tử và ứng dụng gọi xe duy trì ổn định tỷ lệ người dùng
Khác biệt với thị trường ứng dụng giao đồ ăn, ví điện tử và ứng dụng gọi xe chứng kiến sự ổn định trong cả tỷ lệ người dùng và vị trí dẫn đầu của các market leaders.
Cụ thể, trong phân khúc ví điện tử, Momo vẫn giữ vững vị trí thứ nhất với tỷ lệ người dùng đạt 68% trong quý II 2023. Khi được hỏi đâu là ứng dụng bạn thường xuyên nhất, 47% người dùng cũng lựa chọn Momo, bỏ xa Zalo Pay ở vị trí thứ 2 với 17%.

Tại thị trường ứng dụng gọi xe, Grab tiếp tục khẳng định vị thế top 1 của mình với tỷ lệ người dùng đạt 71%, kéo dài khoảng cách với các đối thử Mai Linh Taxi (27%), Gojek (26%), và Be (23%). Trong từng phân khúc khách hàng, Grab cũng là sự lựa chọn hàng đầu khi gọi xe. Là một trong những cái tên đầu tiên của thị trường này, với việc liên tục cải thiện dịch vụ và đem đến nhiều ưu đãi hấp dẫn, Grab đã thành công xây dựng tệp khách hàng trung thành và trở thành một phần trong lối sống của người Việt: thay vì nói với nhau là “gọi xe, đặt xe”, chúng ta đã thường quen miệng mà nói “grab đi”, “grab không?”
Tạm kết
Báo cáo của Decision Lab đem đến bức tranh toàn cảnh của thói quen tiêu dùng trên nền tảng số của người Việt. Một trong những điểm nổi bật là sự yêu thích của người Việt với mạng xã hội TikTok, cả ở nhu cầu giải trí và mua sắm. Đây sẽ là cơ hội giúp các thương hiệu mở rộng phân phối trực tuyến, tiếp cận gần gũi hơn với khách hàng. Một cơ hội khác là sự tăng trưởng của toàn thị trường ứng dụng giao đồ ăn, gọi xe và ví điện tử.
Có thể thấy nền tảng số đang dần “len lỏi” vào từng hoạt động trong 1 ngày của người Việt. Tận dụng xu hướng này để tạo ra một trải nghiệm liền mạch, tiện lợi sẽ đem đến một lợi thế lớn dành cho doanh nghiệp. Tham khảo ngay khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để hiểu rõ hơn cách xây dựng thương hiệu và chiến lược marketing phù hợp.