Thuật toán Instagram hoạt động thế nào? Tips tận dụng thuật toán để tăng reach và tương tác cho bài viết

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Nếu Facebook phân phối bài viết dựa trên các đặc điểm xếp hạng như dạng bài viết, thời gian đăng, mức độ phổ biến,… vậy yếu tố nào chi phối cách thuật toán Instagram hoạt động? Làm thế nào để bài viết tiếp cận được nhiều người hơn, từ đó giành được nhiều followers hơn? Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1.Thuật toán Instagram (Instagram Algorithm) là gì? 

Thuật toán Instagram không đơn thuần chỉ là một thuật toán, theo người đứng đầu Instagram – ông Adam Mosseri, thuật toán Instagram là tập hợp của nhiều thuật toán, cách phân loại, quy trình khác nhau, nhằm phân phối đúng loại content đến đúng người vào đúng thời điểm, với mục đích cuối cùng là giữ người dùng ở lại platform càng lâu càng tốt. 

Nói một cách đơn giản, thuật toán sẽ đảm bảo người dùng sẽ xem những nội dung mà họ muốn xem, ví dụ những bài viết từ những người dùng khác mà họ thường tương tác, hoặc những bài post về chủ đề mà Instagram cho rằng họ sẽ cảm thấy hứng thú.

Vậy dựa vào đâu Instagram xác định được những bài viết mà người dùng muốn xem là gì? 

2. 5 yếu tố ảnh hưởng đến cách thuật toán Instagram hoạt động

Có 5 yếu tố xếp hạng chính ảnh hưởng đến việc một bài post có thể được hiển thị trên khi người dùng sử dụng ứng dụng. 

2.1. Sở thích của người dùng (Interest) 

Instagram có thể xác định được loại nội dung nào người dùng có khả năng tương tác nhất dựa trên hành vi và sở thích của họ. Họ thường xuyên tương tác với loại content nào? Tương tác nhiều với hình ảnh hay video hơn, họ thường follow những chủ đề gì, hashtag nào,… từ đó hiển thị đúng loại nội dung đến đúng người. 

Ví dụ, nếu một người dùng thường xuyên xem, tương tác với những bài post về quần áo, giày dép, thuật toán Instagram sẽ thiểu rằng người dùng đang quan tâm đến chủ đề này, và sẽ hiển thị đến họ những bài viết tương tự của các shop thời trang. 

2.2. Mối quan hệ giữa các tài khoản (Relationship) 

Người dùng có thường tìm kiếm tên tài khoản của bạn không? Họ có follow bạn và thường xuyên tương tác với bạn hay không? Khi họ tương tác, bạn có follow lại, trả lời tin nhắn, hay comment của họ không?

Thuật toán Instagram dựa trên những tương tác này để xác định người dùng muốn xem loại nội dung gì nhất. Nếu một người dùng thường xuyên like hoặc bình luận vào các bài post của bạn, điều đó đồng nghĩa với việc họ thích những nội dung từ bạn, và Instagram sẽ tự động hiển thị nhiều nội dung mà bạn đăng tải hơn nhằm giữ chân họ ở lại nền tảng. 

2.3. Tính hợp thời, đúng lúc (Timeliness)

Dựa vào thời điểm đăng bài, Instagram sẽ xác định xem liệu một bài post có còn phù hợp với mong muốn của người dùng nữa không. 

Ví dụ: Nếu bạn post bài gợi ý quà tặng nhân Ngày Quốc tế phụ nữ vào ngày 8/3, sau ngày này, sẽ không còn quá nhiều người tương tác, Instagram sẽ đánh giá bài viết của bạn là không còn phù hợp nữa, từ đó hạn chế hiển thị để ưu tiên cho các nội dung mới hơn. 

Điều này sẽ giúp Instagram đảm bảo các bài post được hiển thị đến người dùng luôn “tươi mới” và phù hợp nhất.

2.4. Tần suất & thời gian sử dụng (Frequency & Session Time)

Nếu followers của bạn thường xuyên sử dụng ứng dụng, feed của người dùng sẽ được làm mới liên tục và hiển thị nhiều dạng bài viết khác nhau, từ các tài khoản khác nhau, khiến bài viết của bạn dễ tiếp cận được khách hàng. 

Ngược lại, nếu họ không thường sử dụng vào app, Instagram sẽ chỉ ưu tiên hiển thị những bài viết mà thuật toán cho rằng người dùng thích, bài viết của bạn có thể bị đẩy xuống dưới, và họ thậm chí có thể không cuộn xuống đủ để đến được bài đăng của bạn.

2.5. Số người theo dõi (Following)

Follower của bạn theo dõi càng nhiều tài khoản, thì sự cạnh tranh để bài viết được hiển thị trước mắt họ càng cao, bởi lúc này Instagram có nhiều bài viết, nhiều sự lựa chọn hơn để hiển thị cho người dùng. 

Ngược lại, nếu họ chỉ follow tài khoản của bạn, và một vài tài khoản của người thân, bạn bè, thì khả năng Instagram hiển thị bài viết của bạn trên feed của người dùng sẽ cao hơn.  

Đọc thêm: Thuật toán Facebook hoạt động thế nào? Làm thế nào để tận dụng thuật toán nhằm tăng reach cho bài viết

3. Cách thuật toán Instagram phân phối bài viết

3.1. Hiểu cơ bản cách thuật toán Instagram hoạt động

Về cơ bản, đây là cách thuật toán Instagram hoạt động:

Bước 1

Khi bạn post 1 bài đăng mới, Instagram sẽ hiển thị nội dung mà bạn vừa đăng tải đến một nhóm nhỏ followers của bạn.

Ví dụ: Bạn có 1000 followers, Instagram sẽ hiện thị cho khoảng 50 người, thường là những người hoạt động tích cực nhất, thường xuyên tương tác với các bài post của bạn. Đây chỉ là con số ví dụ, nếu các bài post hằng ngày của bạn có nhiều người tương tác, con số những người đầu tiên thấy bài viết của bạn có thể cao hơn.

Bước 2

Tiếp theo, Instagram sẽ dự đoán khả năng tương tác của bài post để quyết định có nên hiển thị nó cho nhiều người hơn không, bằng cách dựa vào chính phản ứng từ những người dùng đã được thấy bài post. Nếu họ chỉ lướt qua mà không thực hiện bất cứ tương tác nào, thuật toán của Instagram sẽ đánh giá nội dung không đủ hấp dẫn, không giữ chân người dùng ở lại và sẽ hạn chế hiển thị.

Nhưng nếu người dùng “dừng chân” để tương tác: like, save, share, comment,… thì đây là một tín hiệu tốt nói cho Instagram rằng nội dung bài post chất lượng và sẽ hiển thị nó đến nhiều người hơn nữa, ví dụ thêm 50 người trong nhóm người follow bạn.

Bước 3

Tương tự dựa vào lượt tương tác của người mới đó, Instagram sẽ quyết định có nên hiển thị thêm cho 50, hoặc 100, 200 người tiếp theo không.

Mặc dù nhìn chung, yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến thuật toán phân phối của Instagram là “Tương tác”, Instagram lại có sự “customize” riêng với mỗi tính năng để tạo cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất. 

Và đây là một số đặc điểm mà bạn cần lưu ý:  

3.2. Trên Instagram Feed & Stories  

Với Instagram Feed và Stories, thuật toán sẽ đánh giá tất cả các bài post đến từ tất cả các tài khoản mà người dùng follow, và đưa ra dự đoán người dùng liệu sẽ yêu thích bài post hay không, dựa trên những đặc điểm như: 

  • Thông tin bài post: Bài viết được post vào lúc nào? Cho tới thời điểm hiện tại đã được bao nhiêu tim, bao nhiêu người xem? Nếu là video, thì dài bao nhiêu phút,… thông tin này sẽ giúp thuật toán xác định tính liên quan và sự phổ biến của bài viết. 
  • Thông tin về người post: Tài khoản post là tài khoản nào? Người dùng có thường tương tác với tài khoản này hay không? Thuật toán sẽ xác định mức độ hứng thú của người dùng đến một người sáng tạo nội dung, từ đó quyết định có ưu tiên hiển thị bài post của họ không.
  • Hoạt động của người dùng trên nền tảng: Người dùng thường tương tác với loại nội dung nào, chủ đề nào? Thông tin này sẽ giúp thuật toán xác định thể loại nội dung người dùng hứng thú để ưu tiên hiển thị.

3.3. Trên Instagram Explore page

Với trang Explore, Instagram sẽ xem xét những nội dung người dùng đã từng tương tác trong quá khứ, từ đó tìm kiếm các bài post, video từ những tài khoản tương tự mà người dùng chưa follow. Với thuật toán trên Instagram Explore, bạn cần lưu ý những điểm sau: 

  • Thông tin bài post: Với bài viết trên trang Explorer, Instagram sẽ chủ yếu đánh giá mức độ phổ biến của bài viết. Mức độ phổ biến này sẽ được đánh giá dựa trên số người yêu thích, số comment, số lượt share và liệu người dùng có ngay lập tức tương tác với bài viết khi nhìn thấy.
  •  Hoạt động của người dùng: Người dùng có tương tác, bình luận, hay save bài viết nào gần đây không? Họ thường tương tác trên trang Explorer thế nào? Dựa vào đây, Instagram sẽ biết người dùng tích nội dung gì để hiển thị.
  • Thông tin về người post: Nếu tài khoản của nhà sáng tạo có nhiều tương tác với followers, thì đây là một dấu hiệu cho Instagram biết đây là một tài khoản được nhiều người dùng yêu thích, và sẽ dễ đề xuất tài khoản này hơn.

3.4. Trên Instagram Reels

Khác với Feed chủ yếu hiển thị nội dung từ những người bạn follow, và Explore gợi ý nội dung từ những tài khoản chưa follow, Reels là sự kết hợp của cả hai, với mục tiêu hiển thị những nội dung khiến bạn “không thể dừng xem”. Để làm được điều này, thuật toán cũng dựa trên một số điểm như: 

  • Hoạt động của người dùng: Người dùng đừng xem những nội dung nào? Họ like, bình luận với những video nào? Dữ liệu này sẽ giúp Instagram xác định được những nội dung nào phù hợp với sở thích của người dùng. 
  • Thông tin video: Instagram có thể xác định nội dung của video dựa vào âm thanh và khung hình. Ngoài ra, mức độ phổ biến của video cũng là một yếu tố được xem xét khi đề xuất.
  • Thông tin về người post: Ai là người post video, tài khoản của họ có lượt tương tác đều đặn mỗi video hay không? Các followers của họ có thường xuyên tương tác với video của họ không? Đây cũng là những yếu tố được thuật toán quan tâm đến.

Đọc thêm: Tips tận dụng thuật toán phân phối của Tiktok để video trở nên viral

4. Một số tips giúp bạn tận dụng cơ chế Instagram

4.1. Tương tác và follow ngược lại

Social media là nơi trao đổi tương tác hai chiều, bạn càng tạo được nhiều tương tác bao nhiêu, thì cơ hội mọi người nhìn thấy bài đăng của bạn càng cao bấy nhiêu.

Vì vậy, tương tác với các bài viết khác, các chủ đề, hashtag liên quan, hoặc phản hồi bình luận của của những người theo dõi bạn, là một cách hiệu quả giúp tăng cơ hội người khác nhìn thấy bài đăng hoặc follow bạn.

Đọc thêm: Tối ưu hóa tương tác trên mạng xã hội với 4 tips đơn giản

4.2. Đăng bài một cách nhất quán

Nhất quán ở đây không có nghĩa là phải post liên tục 3 – 4 bài mỗi ngày, bạn hoàn toàn có thể post mỗi ngày một bài hoặc post cách ngày. Điều quan trọng ở đây là phải đảm bảo nội dung mỗi bài của mình đều chất lượng.

Khi bạn post bài thường xuyên, và các bài post đều có lượt tương tác tốt, Instagram sẽ hiểu rằng bạn đang là tài khoản đáng tin cậy, có nhiều đóng góp giúp giữ chân người dùng ở lại với platform, từ đó ưu tiên hiển thị các bài viết của bạn hơn.

4.3. Tận dụng Instagram Reels

Những năm gần đây Instagram liên tục cho ra nhiều tính năng mới để cạnh tranh với các nền tảng khác, trong đó không thể không nhắc đến Instagram Reels.

Instagram đang dồn rất nhiều nguồn lực và sự chú ý của mình vào tính năng này, và đương nhiên, thuật toán của Instagram cũng sẽ ưu tiên hơn cho các video trên Reels, vì vậy mà nếu bạn muốn tăng hiển thị cho bài post Instagram, Reels là một hình thức không thể bỏ qua.

Kết luận

Trên đây là một vài chia sẻ của mình về cách mà thuật toán trên Instagram vận hành. Thấu hiểu được cách thuật toán hoạt động là điều kiện tiên quyết để có một chiến dịch social media marketing hiệu quả. Bởi suy cho cùng, làm sao bạn có thể chiến thắng một “trò chơi” nếu bạn thậm chí còn không nắm rõ luật chơi?

Tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers để hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của các platform nhằm lập được một kế hoạch Digital Marketing bài bản nhé!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: