Tomorrow Marketers – Với hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu và hơn 49.86 triệu người dùng trên 18 tuổi tại Việt Nam, TikTok đang là một “mỏ vàng” không thể bỏ qua của các thương hiệu. Bên cạnh các chỉ số có thể dễ dàng theo dõi như số lượt followers, likes, comments, shares, TikTok còn cung cấp cho bạn một công cụ phân tích chuyên sâu TikTok Analytics giúp nghiên cứu đối tượng mục tiêu, xác định được những chủ đề họ đang cảm thấy hứng thú và muốn xem thêm, từ đó phát triển nội dung cho kênh TikTok.
Trong bài viết này, hãy cùng TM khám phá TikTok Analytics là gì, các insight mà bạn có thể rút ra từ dữ liệu mà công cụ cung cấp, và làm thế nào để tận dụng các insight đó vào việc phát triển kênh TikTok nhé!
TikTok Analytics là gì?
TikTok Analytics là một công cụ được tích hợp ngay trong trên nền tảng TikTok cung cấp cho người dùng dữ liệu và insight về hiệu quả của kênh TikTok.
TikTok cung cấp cho người dùng nhiều chỉ số khác nhau về hoạt động của kênh, bao gồm:
- Profile performance: Thông tin về lượt xem hồ sơ, tăng trưởng người theo dõi và tương tác.
- Content performance: Dữ liệu về lượt xem, thích, bình luận, chia sẻ và các chỉ số tương tác khác cho từng video.
- Audience insight: Đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng mục tiêu trên kênh (độ tuổi, giới tính, vị trí)
- Trending videos: Danh sách các video đang có hiệu suất tốt nhất trên kênh trong một khoảng thời gian nhất định
- Traffic source: Lưu lượng truy cập vào tài khoản TikTok đến từ đâu (For You page, hashtag, link click,…)
Bằng việc phân tích các dữ liệu được cung cấp bởi TikTok Analytics, doanh nghiệp sẽ có thêm cái nhìn sâu sắc hơn về đối tượng mục tiêu, cũng như kết quả hoạt động của kênh, từ đó đưa ra những điều chỉnh nhằm tối ưu video và cải thiện chất lượng kênh.
Truy cập vào TikTok Analytics thế nào?
Trước tiên bạn cần lưu ý, chỉ có tài khoản TikTok doanh nghiệp mới có thể truy cập vào TikTok Analytics, bạn có thể chuyển từ tài khoản thông thường sang tài khoản doanh nghiệp theo hướng dẫn dưới đây:
Sau khi đã chuyển sang tài khoản doanh nghiệp, để truy cập vào TikTok Analytics, bạn tiếp tục nhấp vào biểu tượng 3 dấu gạch ngang ở góc trên bên phải màn hình > Chọn “Creator tools” > “Analytics”
Đọc thêm: Hướng dẫn cách chạy quảng cáo trên TikTok chi tiết cho người mới bắt đầu
Các chỉ số cơ bản cần nắm vững để sử dụng TikTok Analytics
TikTok Analytics cung cấp cho người dùng 4 sections chính để phân tích lần lượt là: Overview, Content, Followers, và LIVE. Trong những nội dung dưới đây TM sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn về các chỉ số cơ bản trong từng section để bạn có thể sử dụng công cụ này một cách hiệu quả nhé.
TikTok overview
Giống như các nền tảng mạng xã hội khác, TikTok cung cấp cho các nhà sáng tạo một bản tóm tắt tổng quan về performance của các video trên kênh theo các mốc thời gian: last 7 days, last 28 days, last 60 days, hoặc một khoảng thời gian tùy chỉnh theo ý của bạn.
Dưới đây là một vài chỉ số chính trong trang tổng quan:
- Video views: Tổng số lượt xem và lượt xem mà video của bạn đã nhận được
- Profile views: Số lượng người dùng TikTok đã truy cập hồ sơ của bạn
- Likes: Tổng số lượt thích video bạn đã nhận được
- Comments: Tổng số lượng bình luận bạn đã nhận được
- Shares: Tổng số lượt chia sẻ video
- Followers: Tổng số người dùng TikTok theo dõi tài khoản của bạn
- Content: Tổng số video mà bạn đã đăng tải
- Live: Tổng số lượt livestream mà bạn đã thực hiện
TikTok follower analytics
Tại tab followers bạn sẽ xem được các số liệu thống kê chi tiết hơn liên quan đến người theo dõi kênh của bạn như:
Total followers: Tổng số người theo dõi (followers) mà bạn có trong khoảng thời gian đã lựa chọn. Biểu đồ số followers còn cho bạn biết xu hướng về lượt followers liệu có đang tăng trưởng theo thời gian hay không.
Net followers: Số followers mới mà tài khoản của bạn thật sự có thêm bằng cách lấy số followers mới trừ đi số người unfollow. Ngoài ra, bạn còn có thể xem được tỷ lệ tăng trưởng của số lượt followers mới so với các thời điểm khác trong quá khứ.
Follower insights:
Ở mục follower insights, bạn sẽ nắm được các thông tin về đặc điểm nhân khẩu học của những người follow tài khoản của bạn.
- Gender: Bạn sẽ biết được trong những người đang follow tài khoản của bạn, có bao nhiêu phần trăm là nam, bao nhiêu phần trăm là nữ.
- Age: Nhóm tuổi audience phổ biến nhất là bao nhiêu: 18 – 24; 25 – 34; 35 – 44; 45 – 54; hay 55+
- Top countries/regions/cities: Audience đang làm việc/sinh sống ở khu vực nào, thành phố nào.
Most active times:
Biểu đồ này cho biết thời gian trung bình followers của bạn hoạt động trên TikTok. Bạn có thể xem chi tiết thời điểm nào trong ngày followers của bạn sử dụng nền tảng nhiều nhất, hoặc vào những ngày nào có nhiều người online nhất.
TikTok content analytics
Tại tab content analytics, bạn sẽ nhìn được thông tin chi tiết về các video mà bạn đã đăng tải, cụ thể:
- Video posts: Ở phần này TikTok sẽ hiển thị 9 video mới nhất mà bạn đã đăng tải trong vào 7 ngày qua theo thứ tự từ mới nhất đến cũ nhất. Bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quan về tần suất đăng bài của mình, liệu bạn có đăng đăng bài nhiều hơn, ít hơn, hay vẫn giữ nguyên so với giai đoạn trước.
- Trending Videos: Ngoài ra, bạn còn có thể xem được 9 video đang có tốc độ tăng trưởng nhất về số lượt view trong vòng 7 ngày qua.
Ngoài ra, bạn có thể truy cập vào mục “Analytics” ở từng video, để xem thông tin chi tiết hơn về từng video:
- Total Play Time: Tổng số thời gian mà video TikTok của bạn đã được xem.
- Average Watch Time: Thời gian trung bình một người dành để xem video của bạn.
- Watch full video: Tổng số lần mà video của bạn đã được xem hết.
- New followers: Số lượt followers mới mà bạn có được từ video.
- Traffic sources: Số lượt view video đến từ trang For You, profile của bạn, những người đang follow bạn, hay từ âm thanh, hashtag bạn sử dụng,…
Ngoài ra, tương tự như phần audience analytics, ở đây bạn cũng có thể xem được chi tiết thông tin về độ tuổi, giới tính, và vị trí của những người đã xem video.
TikTok LIVE analytics
Khi tài khoản có hơn 1000 người theo dõi trên TikTok, bạn có thể sử dụng tính năng Live của TikTok. Và nếu bạn đã livestream trong vòng 28 ngày hoặc 7 ngày gần đây, bạn có thể xem được một số chỉ số trong LIVE Center như:
- Total views: Số người đã xem video live của bạn
- Total time: Tổng thời gian mà bạn dành ra để live
- New followers: Lượt followers mới bạn có được khi livestream
- Top viewer count: Số người xem livestream đông nhất
- Unique viewers: Số người xem livestream của bạn ít nhất một lần (mỗi người xem chỉ được tính một lần duy nhất, bất kể họ có xem lại livestream hay không)
- Diamonds: Khi livestream bạn có thể nhận được quà ảo từ người xem, bạn có thể đổi quà (diamonds) thành tiền thật
- Viewer ranking: Xếp hạng lần lượt những người xem có số lượng quà tặng và thời gian xem livestream lâu nhất
Ứng dụng TikTok Analytics thế nào để xây dựng & phát triển kênh TikTok
Tìm ra các hashtag “ngách” đang perform tốt
Các hashtag phổ biến mặc dù mang đến nhiều lượt view nhưng lại có tính cạnh tranh rất cao. Vì vậy, bạn sẽ cần phải kết hợp sử dụng chúng với những hashtag “ngách” đã hoặc đang performance tốt trong tài khoản của bạn. Mục Trending Videos trong TikTok Analytics sẽ giúp bạn biết được hashtag nào đang hoạt động hiệu quả.
Cụ thể hơn, trong tab Content, mục Trending Videos bạn sẽ xem được 9 video đang tăng trưởng tốt nhất trong khoảng thời gian vừa qua. Nhấn vào chi tiết của từng video để xem hashtag ở phần mô tả.
Tiếp đó, bạn nhấn vào từng hashtag, màn hình sẽ hiển thị các video được xếp hạng cao với các hashtag đó. Nếu video của bạn nằm trong danh sách này, bạn sẽ biết hashtag đang hiệu quả với video của bạn, và bạn có thể cân nhắc thêm hashtag vào các video khác của mình, hoặc làm thêm video về các chủ đề liên quan.
Tối ưu thời gian post bài
Với chart về thời gian hoạt động trên TikTok của followers, bạn có thể biết được xu hướng chung, họ thường online vào thời điểm nào trong ngày để điều chỉnh lại thời gian đăng bài.
Ví dụ, trong ảnh dưới đây, thời điểm người dùng hoạt động đông nhất là 8am, 11am và 6pm, bạn có thể điều chỉnh thời gian post bài vào những thời điểm trước đó 7 am, 10am, 6pm để video có thể tiếp cận người dùng vào đúng thời điểm họ đang online nhiều nhất.
Ngoài ra, ở phần dữ liệu phân tích chi tiết của từng video, TikTok cũng sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về ngày giờ post bài. Bạn có thể xem các video nhiều view thường được post vào những thời điểm nào trong ngày, và thử đăng video vào các thời điểm đó.
Đọc thêm: Tips tận dụng thuật toán phân phối của TikTok để video trở nên viral
Tìm kiếm chủ đề & Âm thanh người dùng thích nghe
Ngay dưới cùng của tab Followers, bạn sẽ có thể xem được những video và âm thanh mà người theo dõi của bạn đã xem trong quá khứ.
Những thông tin này có thể giúp bạn xác định được những chủ đề mà người dùng có khả năng cao sẽ thích xem, từ đó tạo ra những nội dung có chủ đề tương tự. Bạn cũng có thể biết được những bài nhạc nào đang “trend”, và thêm vào video để video được hiển thị và tương tác cao hơn.
Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi từ Video Views thành Profile Views
Có nhiều cách được sử dụng để tăng profile views cho tài khoản, nhưng thường được sử dụng vẫn là tạo ra các video hấp dẫn, thêm CTA, hoặc chia video thành các phần nối tiếp nhau để thúc đẩy người dùng từ xem video đến vào profile của bạn để xem thêm các nội dung khác. Nhưng làm sao để biết những gì bạn đang làm để kéo người dùng vào xem profile có đang hiệu quả?
Mặc dù TikTok Analytics không cung cấp cho bạn con số về tỷ lệ lượt view video được chuyển đổi thành lượt view profile, bạn vẫn có thể tính toán con số này theo công thức:
Ví dụ: Trong tháng này, bạn thu được 80.000 views video, có 300 profile views, tỷ lệ chuyển đổi từ video views thành profile views = 100/80000*300 = 0.37%.
Con số này không hẳn sẽ đúng, bởi có một số người có thể xem profile trực tiếp từ chia sẻ trên các nền tảng, mà không cần phải qua video, nhưng qua con số 0.37% này, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về việc nội dung của bạn có đủ hấp dẫn và thôi thúc người dùng thực hiện nhiều hành động hơn chưa, từ đó tìm cách để cải thiện thêm.
Đọc thêm: 9 loại content dễ viral trên TikTok mà TikToker nên thử
Tạm kết
Trên đây là hướng dẫn cơ bản về cách sử dụng TikTok Analytics, cũng như một vài tips giúp bạn có thể tận dụng những dữ liệu này để khai thác insight từ người dùng, từ đó cải thiện nội dung cũng như hiệu quả kênh. Tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers để tìm hiểu thêm về nguyên lý, cách thức vận hành của TikTok cũng như các nền tảng digital khác, từ đó vận dụng vào trong quá trình lập kế hoạch digital marketing nhé!
Nếu bạn quan tâm đến quảng cáo TikTok Ads, và mong muốn tìm hiểu chuyên sâu về hệ sinh thái quảng cáo của TikTok, cách hoạch định chiến lược quảng cáo trên TikTok, cũng như cách vận dụng dữ liệu để tối ưu hiệu quả quảng cáo thì đừng bỏ qua khóa học Digital Performance của Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!