Top 5 Social Trend 2020 – Báo cáo mới nhất của Ogilvy

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Mới đây, Ogilvy vừa tung ra một báo cáo về top 5 social trend 2020 với những phát hiện thú vị về sự phát triển của mạng xã hội và những thay đổi trong suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng. Hãy cùng khám phá những nội dung này trong bài viết do Tomorrow Marketers lựa chọn và tổng hợp sau đây nhé!

1. Kinh doanh, thương mại trên mạng xã hội (Social Commerce) ngày càng phát triển 

Khi người tiêu dùng ngày càng mong muốn trải nghiệm một hành trình mua hàng liền mạch và gắn kết hơn, các thương hiệu đã tìm cách tích hợp các hoạt động mua sắm trên mạng xã hội để người tiêu dùng có thêm những lựa chọn mua sắm mới. Cũng từ đây, social media đang chuyển mình từ một kênh kết nối, truyền cảm hứng hoặc kênh giáo dục đơn thuần thành một kênh mang lại trải nghiệm mua sắm đầy đủ cho người tiêu dùng. Theo số liệu từ Deloitte, Kleiner Perkins và Big Commerce, 60% người tiêu dùng bị các nội dung số (digital content) chi phối mỗi khi đi mua sắm, 55% người tiêu dùng quyết định mua sắm online sau khi nhìn thấy sản phẩm mình định mua trên social media, và 40% nhà bán lẻ đã tận dụng social media để tăng doanh số bán hàng. 

Các hoạt động kinh doanh, thương mại đã và đang xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau như Facebook, Instagram, Whatsapp, Snapchat, Pinterest, Tiktok, Wechat và Weibo, mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn mua sắm, trải nghiệm khác nhau. Không chỉ có vậy, các hình thức kinh doanh, thương mại mới như thương mại tương tác (interactive commerce), thương mại đa kênh (omnichannel commerce) và thương mại thực tế ảo tăng cường (AR commerce) cũng bắt đầu xuất hiện.

  • Thương mại tương tác: Adidas đã hợp tác với Snapchat để ra mắt 1 mẫu giày bóng chày phiên bản giới hạn. Adidas đã tạo ra một trò chơi mà khách hàng có thể chơi trong Snapchat như những vận động viên MLB nổi tiếng và mua những đôi giày Adidas mới thông qua chức năng mua sắm được tích hợp ngay trong trò chơi. 
  • Thương mại đa kênh: Oasis Fashion đã xây dựng một trải nghiệm omnichannel hoàn chỉnh trải dài trên các kênh social media của họ. Trên Instagram, các sản phẩm được gắn thẻ liên kết trực tiếp đến các trang sản phẩm được tối ưu hóa, và profile của khách hàng có liên kết đến cửa hàng trên Instagram sẽ được tối ưu hóa cho thiết bị di động của họ. Tùy chọn “Tìm trong cửa hàng” còn cho phép khách hàng tìm thấy sản phẩm họ đã tìm kiếm trực tuyến ở cửa hàng gần nhất để dùng thử hoặc nhận sản phẩm. Để hoàn thành trải nghiệm, các trợ lý tại cửa hàng sẽ đưa ra lời khuyên dựa trên lịch sử tìm kiếm online của người dùng tại thương hiệu.
  • Thương mại thực tế ảo tăng cường: LEGO Wear và Snapchat đã ra mắt một cửa hàng quần áo nhưng không-có-quần-áo, cho phép khách hàng trải nghiệm hình thức mua sắm truyền thống qua cửa sổ bật AR. Đó là một cửa hàng vật lý trống rỗng, chỉ có một Snapcode cho phép người mua hàng quét mã để đi đến một cửa hàng ảo có các sản phẩm độc quyền để mua. Làm mờ thế giới thực và không gian ảo là cách mà một số nhãn hàng bắt đầu thực hiện để cho phép người mua hàng truy cập trực tiếp vào các sản phẩm của họ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

  • Hệ sinh thái các nền tảng có tường/ trang cá nhân (wall/ profile page) sẽ còn phát triển hơn nữa khi social content đã trở thành các micro-sites giúp người dùng có thể xem và mua sắm được. Điều này cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của các “trang web đen” (dark website) chỉ giữ vai trò là kho chứa các mặt hàng có sẵn để mọi người mua hàng thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API).
  • Tiếp thị liên kết thông qua người có tầm ảnh hưởng (influencer affiliate marketing) trên social media sẽ bùng nổ khi số liệu bán hàng của họ trở nên dễ theo dõi và minh bạch hơn.
  • Khoảng cách giữa cảm hứng (inspiration) và việc mua hàng (purchase) sẽ tiếp tục được rút ngắn trên phễu bán hàng nhờ những cải tiến trong công nghệ CGI và AR. Tất cả mọi thứ bạn thấy sẽ đều có thể mua được ngay lập tức dù là online hay offline, ở mọi lúc mọi nơi trên thế giới.
  • Tiếp thị cá nhân hóa (personalised marketing) sẽ trở nên cá nhân hơn khi social media có thể theo dõi các giao dịch mua hàng trước đó và đưa ra các đề xuất hoàn hảo cho người tiêu dùng. 
  • Ví điện tử của các trang social media xuất hiện sẽ xóa bỏ mọi giới hạn của Internet.

2. Tầm ảnh hưởng của social media gia tăng không ngừng và ngày càng quan trọng

Theo một thống kê, influencer marketing là một ngành công nghiệp có giá trị lên đến 10 tỷ USD tính đến năm 2020. 61% người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 – 34 thừa nhận rằng các quyết định mua sắm của họ bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch influencer marketing trên nền tảng số. Ngoài ra, đây cũng là hình thức marketing thu hút lượng khách hàng online nhanh nhất trong năm 2018, với mức tăng trưởng hàng năm (YoY) tăng đến 22%. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn và không còn tin vào Influencer nữa, trừ khi xác thực được những thông tin mà Influencer cung cấp. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng lên án những nội dung giả mạo và những hình ảnh được chỉnh qua photoshop, vì vậy các thương hiệu cần phối hợp chặt chẽ với các Influencer để đảm bảo quyền lợi cho cả họ và các follower trong các chiến dịch hợp tác truyền thông. 

Samsung từng hợp tác với Miquela Sousa (Lil Miquela) – một virtual influencer trong chiến dịch ra mắt dòng smartphone Galaxy S10 mới. Bên cạnh Lil Miquela, Steve Aoki, Millie Bobby Brown và Ninja cũng có mặt trong một video của chiến dịch #DoWhatYouCant do Samsung tạo ra. Với 1,6 triệu người theo dõi trên Instagram, Miquela đã chia sẻ một bí mật lên Instagram của mình thông qua một cuộc phỏng vấn bằng văn bản có trên website của Samsung, kèm theo đó là tấm hình selfie với Samsung Galaxy S10 và một lời cảm ơn ám chỉ khả năng bảo mật của dòng smartphone này. Đây là cách mà các thương hiệu có thể tận dụng khi thực hiện influencer marketing vì rủi ro thấp hơn và tiết kiệm thời gian.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? 

  • Tính xác thực và sáng tạo sẽ là 2 yếu tố lớn nhất quyết định liệu một chiến dịch có gây được tiếng vang với người tiêu dùng hay không.
  • Các thương hiệu sẽ hợp tác lâu dài hơn với các micro-influencer để họ có thể cùng nhau phát triển và gia tăng số người tiêu dõi trên mạng xã hội.
  • Những tiến bộ trong công nghệ CGI và AI sẽ cho phép các thương hiệu nắm lấy thế giới kỳ lạ và tuyệt vời của virtual influencer thông qua branded-content.
  • Các thương hiệu muốn gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng thông qua influencer cần phải có mục đích cụ thể và hợp tác với “good influencer”.
  • Mặc dù Instagram vẫn sẽ là nền tảng được ưa thích khi thực hiện influencer marketing, các nền tảng mới như TikTok sẽ trở thành xu hướng. Nhiều thương hiệu sẽ chuyển sang sử dụng nền tảng này và hợp tác với các influencer nổi tiếng trên đó. 
  • Các thương hiệu sẽ nhận ra rằng họ có sẵn influencer là các nhân viên của mình, từ đó triển khai các chương trình giúp các influencer này nâng cao lòng trung thành với thương hiệu.
  • Khi tất cả các định dạng video (Live, IGTV, YouTube, v.v…) tiếp tục phát triển, các nội dung dạng âm thanh có sự xuất hiện của influencer (audio-enabled influencer content) như podcast sẽ trở thành phương tiện truyền thông mạnh mẽ trong bộ công cụ của các marketer.

3. Người tiêu dùng muốn giành lại quyền kiểm soát quyền riêng tư của mình

Những lo ngại về quyền riêng tư, mong muốn chống lại các sự cố rò rỉ thông tin cá nhân và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đã khiến người dùng tỉnh táo hơn khi sử dụng social media. Người tiêu dùng đang bắt đầu khóa tài khoản của họ và khám phá các hội nhóm mới (như Facebook group). Các quy định mới như GDPR cũng đánh giá chiến lược truyền thông trả phí (paid media) của các thương hiệu và hạn chế các hoạt động retargeting/ remarketing để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Theo Pew Research, Sprout Social và The Atlantic, 80% người sử dụng mạng xã hội lo ngại rằng các thương hiệu có thể khai thác các thông tin mà họ chia sẻ, 53% chỉ muốn mua hàng từ các thương hiệu có hoạt động minh bạch trên social media, và 41.9% nói rằng họ đã thay đổi hành vi mua hàng của mình kể từ sau scandal của Cambridge Analytica. 

“Pumpkin Spice Latte” (hay “PSL”) là một trong những sản phẩm được yêu thích và theo dõi nhiều nhất của Starbucks. Để tận dụng điều này, Starbucks đã lập ra một Facebook Group có tên là “Leaf Rakers Society” để những người yêu thích món PSL có thể đăng ký tham gia nhóm. Starbucks đăng tải các nội dung độc quyền trong cộng đồng này, các thành viên chia sẻ hình ảnh về PSL của mình, đăng tải bình luận với các đề xuất có thể giúp thương hiệu đưa ra các quyết định về sản phẩm, thậm chí quyên góp cho các hoạt động từ thiện.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? 

  • Tỷ lệ tương tác sẽ tiếp tục giảm khi phần lớn cuộc trò chuyện và chia sẻ của người dùng chuyển sang các group kín. Do đó, các thương hiệu cần phải thay đổi cách tiếp cận người tiêu dùng để theo kịp xu hướng này.
  • Trong bối cảnh lo ngại về quyền riêng tư (và có thể có quy định mới), việc xác định khách hàng mục tiêu trên social media sẽ trở nên ít cá nhân hóa hơn và CPM sẽ tăng lên khi có nhiều cạnh tranh về inventory.
  • Các nội dung chậm, được kiểm duyệt thực tế bởi con người sẽ được ưa chuộng trở lại.
  • Tính minh bạch và xuất xứ của sản phẩm sẽ trở thành yếu tố chính của branded content.
  • Các mạng xã hội đề cao quyền riêng tư mới ra mắt sẽ thu hút được người tiêu dùng ở thời gian đầu, nhưng hầu hết – nếu không muốn nói là tất cả các nền tảng mới này – sẽ đều thất bại vì sao chép USP của nhau.
  • Người tiêu dùng sẽ bắt đầu giành lại quyền kiểm soát trực tiếp đối với dữ liệu của mình, cảnh giác với cuộc sống trên các nền tảng số của bản thân, vì vậy họ có thể bắt đầu thiết kế và kiểm soát hệ sinh thái kỹ thuật số của riêng mình để tạo ra các nội dung dựa trên những thuật toán cá nhân.

4. Sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo (AI)

“Làm thế nào để tận dụng AI một cách tối ưu nhất?” đang là một câu hỏi quan trọng đối với doanh nghiệp, vì vậy, nó có thể tác động rất lớn đến bộ phận Marketing cũng như các agency. Một trong những lĩnh vực thú vị nhất của AI là ứng dụng của nó trong việc thúc đẩy sự sáng tạo của con người. AI đã được sử dụng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua các chatbot, sau đó cũng nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực khác như tạo video và copy creation. Mặc dù AI có khả năng tạo ra một tác động tích cực rất lớn, nhưng cũng có những lo ngại thực sự xung quanh việc sử dụng AI sai mục đích. Các thương hiệu và agency sẽ cần phải cẩn thận khi sử dụng AI để tránh đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.

Mạo hiểm trong lĩnh vực sáng tạo chuyển tiếp (transitional creativity), gã khổng lồ công nghệ Alibaba đã tạo ra một AI copywriter có thể sản xuất tới 20.000 dòng nội dung trên trang thương mại điện tử của mình chỉ trong 1 giây. AI copywriter liên tục cải tiến các bản nháp của mình bằng cách phân tích các dòng sao chép trên 2 nền tảng e-commerce là T-mall và Taobao của Alibaba để tìm xem kiểu nội dung nào hoạt động tốt nhất. Các thương hiệu muốn sử dụng ứng dụng này chỉ cần chèn một liên kết đến trang sản phẩm của họ, sau đó click chuột vào 1 nút lệnh để hệ thống có thể tạo bản sao nhờ AI. Lợi ích lớn nhất đối với các thương hiệu sử dụng công cụ này là tăng hiệu quả kinh doanh do có thể loại bỏ các công việc lặt vặt lặp đi lặp lại mỗi ngày, từ đó có thêm thời gian cho những công việc lớn hơn như lên ý tưởng và nội dung cho người tiêu dùng của mình.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

  • Các doanh nghiệp sẽ cần những cách tiếp cận mới có hệ thống để khai phá toàn bộ tiềm năng hợp tác của con người với AI. Mọi người sẽ cần học cách làm việc và giao tiếp với máy móc tốt hơn.
  • Dữ liệu lớn (big data) sẽ mở ra những hiểu biết mà con người không nắm bắt được trước đây, đồng nghĩa với việc các thương hiệu có thể thu hẹp khoảng cách giữa những gì họ nghĩ về người tiêu dùng và những gì người tiêu dùng thực sự muốn.
  • Dịch vụ khách hàng sẽ ngày càng tự động hóa và hầu hết người tiêu dùng sẽ không thể nhận ra sự khác biệt giữa máy móc và con người. Con người sẽ chỉ tham gia vào các trường hợp ngoại lệ. 
  • AI sẽ trở thành nguồn tài nguyên cho các hoạt động thực thi sáng tạo lặp đi lặp lại, nhất là khi có sự xuất hiện của nhiều ngôn ngữ. Các giải pháp media buying được lập trình sẵn sẽ được chuyển thành social content dưới dạng giải pháp SAAS cho các chiến dịch sms marketing cá nhân hóa.
  • Người tiêu dùng sẽ bắt đầu yêu cầu các thương hiệu chứng thực xuất xứ kỹ thuật số (digital provenance) cho những nội dung mà họ đang tiêu thụ mỗi ngày.

5. Các loại hình nội dung ngày càng đa dạng hơn  

Mọi người đang tiêu thụ nhiều nội dung hơn bao giờ hết. Trên thực tế, mỗi người chúng ta dành hơn 142 phút trên social mỗi ngày. Khi mức tiêu thụ nội dung của mọi người tiếp tục tăng, họ sẽ tìm những cách mới để tương tác với các nội dung trong suốt cuộc đời mình. Năm 2019 đã chứng kiến ​​sự bùng nổ của các loại hình nội dung mới như podcast, những đoạn caption dài hơn và microblog. Quan trọng nhất, việc đắm mình trong thương hiệu thông qua trải nghiệm và công nghệ đang trở thành xu hướng. Theo Spotify for Brands, Comscore và Perkins Coie, số người dùng trả phí hàng tháng của Spotify nghe podcast trên nền tảng này đã tăng 175%; 50% lượt tìm kiếm online theo gợi ý trong năm 2020 là tìm kiếm bằng giọng nói (voice search); và 90% người được khảo sát tin rằng đến năm 2025, các công nghệ như VR, AR sẽ trở nên phổ biến như thiết bị di động ngày nay. 

Tháng 12/2019, Instagram Stories và Facebook Stories từng tràn ngập các kiểu filter khi người dùng đua nhau tìm hiểu xem họ là nhân vật nào trong phim Disney, Pokemon hay Harry Potter. Mặc dù được tạo ra bởi người dùng chứ không phải bởi các thương hiệu, song hiện tượng này rõ ràng đã chỉ ra tiềm năng của công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trong các chiến dịch thương hiệu. Đây có thể là một cách để thu hút người tiêu dùng tiếp tục tham gia tương tác với branded content. Các thương hiệu cũng có rất nhiều cơ hội để kết hợp AI và dữ liệu cá nhân nhằm tạo ra những trải nghiệm cá nhân hóa cao mà người dùng sẽ luôn muốn chia sẻ.

Điều gì sắp xảy ra tiếp theo?

  • Âm thanh và giọng nói sẽ trở thành một phần ngày càng quan trọng trong chiến lược thực thi marketing mix khi các thương hiệu bắt đầu triển khai các nội dung bằng âm thanh (audio-driven content).
  • Kể chuyện tương tác (Interactive storytelling) sẽ mở ra nhiều lựa chọn trải nghiệm nội dung cá nhân hóa hơn cho người dùng. 
  • Nội dung dạng nhập vai (Immersive content) sẽ xóa mờ ranh giới giữa 2 hình thức online và offline, cho phép các thương hiệu tăng sự tương tác và xây dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua các trải nghiệm tương tác.
  • Khoảnh khắc văn hóa theo sự kiện (Event-driven cultural moments) sẽ trở thành một trải nghiệm xem tích hợp cho phép khán giả tham gia vào một sân chơi với chính những nội dung mình tiêu thụ.

Tìm hiểu thêm về Social Media và Digital Marketing, xem thêm Khóa học Digital Foundation – Hiểu toàn diện các platform và lập kế hoạch Digital Marketing.

Tagged: