Công việc mà hầu hết các marketer trải nghiệm khi mới “chân ướt chân ráo” tiếp cận với ngành là sáng tạo nội dung, hay chúng ta hay biết đến với vị trí content writer.
Nhiệm vụ của một content writer thoạt nhìn thì khá là đơn giản, đó là viết bài. Vậy nên, vô hình chung mọi người thường nghĩ là cứ “giỏi văn” là có thể trở thành content writer, và nhiều nhà tuyển dụng khi tìm kiếm một content writer cũng mang suy nghĩ vô cùng đơn giản. Đó là tìm kiếm một ứng viên THÍCH VIẾT và VIẾT TỐT.
Tuy nhiên, để content marketing phát huy hiệu quả tối đa thì một content creator dĩ nhiên cần nhiếu tố chất khác hơn là chỉ “giỏi văn”. Đó phải là người có thể tạo nên những bài viết về các chủ đề gây chú ý với đối tượng mục tiêu, là người có thể thu hút đúng đối tượng và có khả năng chuyển các đối tượng đó thành khách hàng thực sự.
Một content creator phải hiểu được SEO và biết làm thế nào để “kéo” traffic trong dài hạn. Họ phải có khả năng nhìn vào hàng tá dữ liệu và kết luận được chính xác điều gì đang xảy ra và báo cáo với cấp trên.
Như vậy, chúng ta có thể thấy công việc của một content writer không đơn giản chút nào. Và tìm được một content writer “chất hơn nước cất” còn là một vấn đề hóc búa hơn đối với các nhà tuyển dụng nếu họ nhìn nhận đúng tầm quan trọng của công việc này. Hiểu được điều đó, một chuyên gia đến từ agency về content marketing đã đưa ra những lời khuyên về việc tuyển ai và tìm kiếm những kĩ năng gì ở một ứng viên. Nhưng, trước khi tìm hiểu xem làm như thế nào, chúng ta rất cần nhìn nhận lại xem mình đang sai ở đâu.
Sai lầm phổ biến khi tuyển content writer
Lỗi sai mà các công ty mắc phải nhiều nhất khi tuyển content writer là tìm kiếm một… nhà văn để chạy chiến dịch content marketing.
Nghe hơi sai nhưng đây đúng là điều mà mọi người thường làm. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu thôi vì các công ty tuyển content writer thường để giải quyết vấn đề cấp thiết đó là đăng bài.
Lí do thứ hai bắt nguồn từ nhìn nhận quá đơn giản về content marketing như đã đề cập ở trên. Content marketing không chỉ là viết bài – một sự thực mà ngay cả các founder hay CEO nhiều khi còn không biết.
Nếu bạn nghĩ làm content marketing chỉ là công việc viết lách thì bạn đang mắc phải một sai lầm cực lớn. Tạo ra những bài viết quả thực không phải là một công việc đơn giản, nhưng đó là phần việc ít thử thách nhất trong content marketing rồi đó.
Những bài toán khó nhằn hơn chính là phải biết được bạn viết cho ai đọc (user research), viết cái gì để tác động lên khách hàng (content strategy), làm thế nào để khiến bài viết thu hút được nhiều người (content promotion) và sau đó làm thế nào để những người đó chuyển thành khách hàng thực sự (conversion strategy)
Và dưới đây là những điều nên có ở một content writer.
Một content writer cần có…
Như đã đề cập ở những phần trên, tuyển được một content writer không phải là một điều dễ dàng. Các kĩ năng dùng trong content marketing bao gồm cả về mặt bay bổng sáng tạo và phân tích dữ liệu.
Cụ thể, những kĩ năng đó bao gồm
- Nghiên cứu khách hàng: lập bảng hỏi, nói chuyện trực tiếp với khách hàng để tìm ra vấn đề nhức nhối họ đang gặp phải
- Lên ý tưởng: biến những gì mình nghiên cứu được thành những ý tưởng sáng tạo thu hút đúng khách hàng mục tiêu
- Đẩy mạnh nội dung: thu hút công chúng vào các ý tưởng thông qua các cộng đồng và ảnh hưởng của các KOLs
- Phân tích dữ liệu: ra quyết định trong tương lai dựa vào Google Analytics
Nếu bạn tuyển content writer đầu tiên cho doanh nghiệp, bạn nên ưu tiên ứng viên có khả năng sáng tạo bởi lẽ trong marketing, chúng ta phải gây chú ý trước đã. Kết quả của việc phân tích với mục đích chính là để chuyển đổi đối tượng mục tiêu thành khách hàng thực sự sẽ không dùng để làm gì nếu ngay từ ban đầu không thể thu hút sự chú ý của đối tượng bằng những ý tưởng sáng tạo.
Thật ngạc nhiên là “văn hay chữ tốt” không có trong danh sách những yếu tố cần thiết của một content creator. Bạn cần có trực giác tốt để cảm nhận xem nội dung này có thú vị hay không, và dĩ nhiên là điều này không liên quan gì đến viết lách cả. Một ứng viên không phải là người “văn hay chữ tốt” nhiều khi lại là một điều tốt vì họ sẽ có cái nhìn bao quát hơn là chỉ về cách dùng từ hay cách diễn đạt trong một bài viết.
Nhưng trước khi xét tất cả những tiêu chí trên thì bạn phải tìm được… người để tuyển trước đã. Vậy các content writer đang “trốn” ở ngõ ngách nào vậy?
Content writer nhà ở đâu thế?
Thời đại 4.0 cho phép các doanh nghiệp chiêu mộ nhân tài trên nhiều platform khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là LinkedIn. Ngoài ra, bạn có thể “rình mò” những content creator đang làm việc tại những công ty nổi tiếng về content marketing và hỏi họ có bạn bè nào đang tìm việc không. Đến đây, hai trường hợp sẽ xảy ra và đều rất có lợi cho bạn. Nếu họ có bạn bè đang tìm việc, họ sẽ không ngại ngần gì mà giới thiệu cho bạn. Nếu bạn may mắn hơn là hỏi vào đúng lúc người đó đang xem xét chuyển chỗ làm, rất có thể họ sẽ tự ứng cử mình.
Một cách khác cũng hiệu quả không kém là sử dụng mối quan hệ của bạn. Nếu bạn có quen biết một vài người có kinh nghiệm trong ngành, hãy gửi cho họ tin tuyển dụng và hỏi liệu họ có quen biết ai phù hợp không. Bạn thậm chí còn có thể hứa hẹn chia hoa hồng cho họ nếu tuyển được người, vì tuy là bạn có tốn thêm một khoản thật đấy nhưng số tiền ấy chả nhằm nhò gì so với việc outsource việc tuyển dụng này.
Đánh giá công việc của một content writer như thế nào?
Thước đo hiệu quả đầu tiên mà mọi người nghĩ đến đó là lượng traffic của blog tăng lên. Còn cái thứ hai là số lượt đăng kí blog hoặc số khách hàng tiềm năng thu thập được.
Đến đây, một câu hỏi lớn được đặt ra là: “Traffic tăng bao nhiêu là tốt?”
Đây quả thực là một câu hỏi chủ quan. Đừng so sánh lượng tăng traffic của công ty bạn với các doanh nghiệp khác vì điều này còn phụ thuộc vào bản chất của công ty và lĩnh vực mà công ty đang hoạt động.
Thay vào đó, bạn nên tự so sánh với chính mình. Cụ thể, qua thời gian, bạn hãy lượng traffic tăng ngày càng nhanh hay đang giảm tốc. Nếu trước đây bạn đã có được 5000 người ghé thăm blog của công ty, content creator mới liệu có thể kéo thêm 1000 hoặc 2000 người nữa trong một vài tháng đầu chứ?
Từ một đến ba tháng đầu nên được dành để nói chuyện với khách hàng để nghiên cứu họ, đồng thời xây dựng một đội ngũ viết bài, đăng bài và test thử các kênh truyền thông. Mục tiêu đặt ra cho mỗi bài ở giai đoạn đầu này nên là 1000 lượt ghé thăm blog. Đến những giai đoạn sau, các bài viết ban đầu có thể không gây chú ý nhiều nhưng sẽ là một trợ thủ đắc lực cho organic search trong dài hạn.
Những dữ liệu dùng để đánh giá hiệu quả của content creator có thể kể đến:
- Số người ghé thăm blog mỗi tháng
- Số lượt ghé thăm blog từ organic traffic
- Lượt đăng kí blog, số lượng người được thêm vào tập khách hàng tiềm năng
- Bài viết nào đang thu hút lượt đăng kí/ kéo thêm đối tượng mục tiêu
Sau một năm làm việc, nếu bạn thấy content writer của mình không hề cải thiện những chỉ số trên, đặc biệt là lượt đăng kí blog hay số lượng đối tượng mục tiêu, bạn nên tự hỏi liệu đây có phải là “đúng người, đúng việc” hay không?
Tạm kết
Có thể thấy, tìm được một content writer “chất như nước cất” là việc không hề dễ dàng. Một content writer giỏi cần có tư duy lên chiến lược nội dung, từ nghiên cứu thị trường, thấu hiểu khách hàng, sản phẩm đến phân phối và đo lường content đa kênh,… Nếu muốn trau dồi thêm tư duy làm content bài bản theo quy trình 6 bước (Research – Ideation – Creation – Promotion – Convert to Lead – Measurement), hãy tham gia khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketer nhé!