Tomorrow Marketers – Bất kể bạn đang muốn những người theo dõi fanpage hay instagram của bạn đăng ký cho buổi dùng thử, học thử; tải xuống những template miễn phí, truy cập vào landing page hay nhận cuộc gọi từ bộ phận sale của bạn, bạn đều cần một CTA (call-to-action) – lời kêu gọi hành động. Nếu bất cứ khi nào khách hàng cũng làm theo lời chúng ta muốn thì bộ phận Marketing của các doanh nghiệp đều nhàn rỗi vì những thông điệp họ đưa ra đều được đón nhận và khách hàng sẽ hành động ngay. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng mọi thứ không dễ dàng như vậy, nhất là với sự cạnh tranh dày đặc và nhiễu loạn thông tin như trên các trang mạng xã hội (MXH) như hiện nay.
Vì vậy, nếu bạn mong muốn khách hàng của mình thực hiện một hành động nào đó, bạn không thể ngồi chờ đợi hy vọng, bạn cần một CTA rõ ràng và thể hiện đúng những gì bạn muốn họ làm. Tham khảo một số cách hay ho và ví dụ dưới đây để tiếp cận khách hàng của bạn và thúc giục họ thực hiện các hành vi mua hàng bằng những CTA hấp dẫn nhé!
Call-to-action (CTA) là gì?
Call-to-action, lời kêu gọi hành động là lời nhắc nhở, thúc giục khách hàng của bạn làm một điều gì đó. Đây là một phần nội dung, quảng cáo hoặc trang web của bạn mời người đọc thực hiện hành động. Trên một trang web hay landing page, CTA thường là một nút, một hình ảnh có thể click vào hoặc một liên kết. Thông thường, CTA sẽ được tìm thấy ở cuối bài đăng blog hoặc trang web, trên ảnh hoặc thậm chí trong một thông điệp trên MXH.
Các hành động mà bạn hi vọng khách hàng sẽ thực hiện có thể là:
- Tạo 1 tài khoản trên website/ tạo tài khoản ngân hàng
- Đăng ký nhận newsletter/ đăng ký làm thành viên
- Đăng ký một khóa học
- Mua hàng
- v.v…
Một CTA rõ ràng sẽ giúp người đọc thực hiện thứ mà bạn muốn họ thực hiện. Đây là một loại nội dung sẽ trực tiếp điều hướng hành động khách hàng thay vì việc họ phải đi vòng vèo như lên google tìm kiếm nội dung rồi thao tác. CTA có thể là một nút hoặc liên kết để bắt đầu bước tiếp theo trong phễu marketing của bạn. Nó có thể là một vài từ, hoặc là một đến hai câu, hay bất cứ điều gì cần thiết để hướng dẫn người đọc của bạn làm những gì tiếp theo… và quan trọng là thúc đẩy họ làm điều đó.
Và đây là một mẹo rất quan trọng: bạn phải đưa ra được lý do tại sao họ cần phải thực hiện hành động đó. Chìa khóa của một CTA tốt không chỉ là cho họ biết họ phải làm gì mà còn là lý do tại sao họ nên làm điều đó.
Chiến thuật viết CTA hấp dẫn
Hãy tham khảo ngay những gợi ý dưới đây để cải thiện cách viết CTA của bạn trở nên hấp dẫn hơn:
Đọc thêm: Social media marketing
1. Chọn những từ ngữ mang ý nghĩa thôi thúc
Dù bạn đang hy vọng người đọc của mình thực hiện bất kỳ hành động nào, bạn cũng muốn thúc giục họ thực hiện ngay lập tức. Vì vậy, các động từ mạnh mẽ, rõ ràng, mang tính hướng dẫn (còn gọi là các từ mệnh lệnh) sẽ rất hiệu quả ở đây. Có thể thấy ví dụ như:
- Đăng ký dùng thử miễn phí
- Tải xuống miễn phí
- Đăng việc làm miễn phí
2. Sử dụng yếu tố khẩn cấp
Yếu tố giới hạn về thời gian thường sẽ thúc giục người đọc phản hồi nhanh hơn và mạnh mẽ hơn với CTA. “Đăng ký ngay” thường mang ý nghĩa tức thời và thúc giục hơn rất nhiều so với “đăng ký”.
Có thể thấy ở ví dụ Shopee, họ đã sử dụng “bẫy tâm lý”, để khách hàng có cảm nhận rằng họ sẽ trải nghiệm độc quyền với thương hiệu, trải nghiệm trở thành 1 trong 1000 thành viên đầu tiên sẽ giúp khách hàng cảm thấy mình đặc biệt và sở hữu những đặc quyền riêng (như nhận 5000 xu), vì vậy họ sẽ lập tức tham gia nhóm này.
Yếu tố khẩn cấp, hay còn được biết dưới cái tên FOMO principle (fear of missing out) được cho là phổ biến nhất với đối tượng thế hệ millennials với hơn 69% trong số họ đã trải qua hiện tượng tâm lý này. Vì vậy đây là tiềm năng rất lớn mà doanh nghiệp của bạn có thể khai thác trong tương lai.Một thương hiệu đã rất thành công sử dụng yếu tố này đó chính là Booking.com. Họ luôn biết cách tăng cường FOMO để khách hàng truy cập thấy được rằng nếu không đặt phòng ngay, họ sẽ bỏ lỡ một deal quá hời!
Đọc thêm: Sức mạnh của yếu tố khẩn cấp – Tận dụng, đừng lạm dụng
3. Nêu ra lợi ích rõ ràng
CTA của bạn có vượt qua được câu hỏi “thì sao” của khách hàng? Người đọc quan tâm những gì có cho họ, vì vậy hãy nói cho họ biết. Bạn nên chọn ngôn ngữ có thể khơi dậy sự nhiệt tình hoặc cảm xúc và về cơ bản bạn chỉ ra được USP (unique selling của bạn là gì, người đọc hay khách hàng của bạn sẽ được lợi gì với sản phẩm của bạn? Ví dụ như học có thể cải thiện sự nghiệp hay cải thiện cuộc sống như thế nào nếu mua sản phẩm này? Ví dụ minh họa trên là công cụ ActiveCampaign giúp cải thiện chiến lược email marketing của doanh nghiệp. CTA của thương hiệu này ngắn gọn và đánh trúng vào việc khách hàng sẽ được giảm 50% nếu đăng ký dịch vụ ngay hôm nay.
4. CTA phải đồng nhất với tiếng nói của thương hiệu
Nếu thương hiệu của bạn có phong cách trẻ trung và hiện đại, CTA của bạn nên thể hiện được điều đó. Còn nếu thương hiệu của bạn thể hiện sự chuyên nghiệp, sang trọng, thì cách viết CTA của bạn cũng nên phát triển theo hướng đó. Mọi thứ bạn làm, kể cả cách sản xuất CTAs, đều là một phần của bộ mặt thương hiệu, vì vậy hãy cẩn trọng và để ý đến sự hòa hợp của tất cả những điều này!
Hãy xem ví dụ sau của hai hãng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới:
Có thể thấy Chanel xây dựng thương hiệu của mình mang hơi hướng thời thượng, đẳng cấp, với việc xây dựng các hình tượng khách hàng nữ tính và sang trọng. Vì vậy CTAs của họ thường đơn giản, nhẹ nhàng và sang trọng. Fenty tập trung vào phân khúc những cô gái cá tính, thể hiện bản thân hơn, vì vậy CTAs mang đậm chất của thương hiệu mình – cá tính và nổi loạn.
5. CTA cần rõ ràng, đưa khách hàng đến đúng nơi họ hành động
CTAs càng ngắn gọn, dễ hiểu thì khách hàng càng nhanh chóng bắt được thông điệp và hành động. Vì vậy, bạn nên cắt giảm bớt những từ, cụm từ không cần thiết. Ví dụ như bạn muốn khách hàng đăng ký khóa học, thay vì nói “hoàn thành đơn này để đăng ký vào lớp” hãy đơn giản hóa thành “đăng ký ngay”. Bạn có thể tham khảo cách làm của Tomorrow Marketers ở ảnh dưới đây:
Bên cạnh đó, bạn cần điều hướng khách hàng của mình về đúng nơi mà bạn đã nói. Khách hàng sẽ cảm thấy rất bực bội khi bạn đưa họ hết từ trang này qua trang khác mà không đúng kỳ vọng của họ. Việc này sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp bạn và có nguy cơ làm tăng tỷ lệ thoát trang của website.
Vì vậy, sử dụng CTAs cần phải rõ ràng, khéo léo và không có những bước trung gian sẽ làm tăng hiệu quả chuyển đổi khách hàng.
6. Làm nổi bật CTA
CTA dù ở bất cứ đâu (một nút trên trang web của bạn, pop-up, hay đường link) cũng cần phải nổi bật và gây sự chú ý hơn so với phần còn lại của nội dung. Tất nhiên, không thể tùy chỉnh điều này trên tất cả các MXH, vì vậy bạn có thể sử dụng những ký tự đặc biệt (emoji, dấu cách dòng) để phân cách CTA với các phần nội dung khác.
Tạm kết
Tóm lại, một call-to-action (CTA) thành công là một CTA sẽ trả lời được cho câu hỏi của khách hàng: “Cái gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu tôi làm như vậy?”, “tại sao tôi nên làm thế?”. Hy vọng với một số ví dụ kể trên, bạn sẽ bỏ túi được một số tips để viết CTA rõ ràng, ngắn gọn và đưa khách hàng vào các bước tiếp theo của phễu marketing.
Không chỉ cần kỹ năng viết tốt, các bạn content marketers cũng cần hiểu rõ cách vận hành của các nền tảng digital. Từ đó có thể điều chỉnh và tối ưu các nội dung của mình sao cho phù hợp với từng nền tảng. Tham gia ngay khóa học Digital Foundation tại Tomorrow Marketers để trang bị những kiến thức, tư duy sử dụng kết hợp các digital platforms ngay hôm nay nhé.