Tomorrow Marketers – Khi nhập cụm từ khoá “tìm việc Chuyên viên tuyển dụng” trên Google, bạn có thể dễ thấy hàng triệu kết quả được trả lại chỉ trong vòng tích tắc. Nếu đứng dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, chắc hẳn câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu bạn sẽ là “Làm sao để ứng viên tìm thấy tin tuyển dụng của công ty mình trước công ty khác?”. Một giải pháp nhanh gọn là trả tiền để chạy chiến dịch Google Adwords giúp tin tuyển dụng xuất hiện tại vị trí kết quả tìm kiếm đầu tiên. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có sẵn ngân sách dồi dào cho hoạt động tuyển dụng để chạy chiến dịch như vậy. Lúc này, người làm tuyển dụng nên biết cách viết JD chuẩn SEO.
Trong bài viết này, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu về SEO, cùng một vài gợi ý để viết JD chuẩn SEO nhé.
SEO là gì? Tại sao recruiters cần biết kỹ thuật SEO khi viết Job Description?
SEO được viết tắt từ cụm Search Engine Optimization – Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm. Đây là một kỹ thuật phổ biến trong Digital Marketing, giúp doanh nghiệp đưa website của mình tới gần người dùng hơn. Cụ thể, SEO gồm nhiều hoạt động để cải thiện thứ hạng của một website trên trang kết quả tìm kiếm (Search Engine Result Page – SERP) khi người dùng truy vấn thông tin trên Google, Bing, hoặc các công cụ tìm kiếm khác.
Khi người dùng thực hiện tìm kiếm trên Google, nếu nội dung trên website của bạn được đánh giá tốt và có thứ hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm (SERP), số lượng người dùng truy cập website của bạn sẽ tăng lên. Dù là mục tiêu kinh doanh hay tuyển dụng, nếu nội dung hay nhưng không thể tiếp cận đến đối tượng mục tiêu, bạn đều có khả năng mất cơ hội vào tay đối thủ. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc ứng dụng kỹ thuật SEO khi viết Job Description, nhằm đưa tin tuyển dụng của công ty đến gần ứng viên hơn khi họ tìm kiếm công việc tương tự.
Đọc thêm: SEO là gì và Nguyên lý hoạt động của SEO?
Bỏ túi bí kíp viết JD chuẩn SEO
Nội dung chuẩn SEO là gì?
Khi muốn tìm một thông tin nào đó, chúng ta sẽ nhập từ khoá vào thanh tìm kiếm và sau đó Google sẽ trả lại danh sách kết quả tương ứng. Để ra được danh sách như vậy, Google đã đánh giá và xếp hạng nội dung dựa trên mức độ phù hợp với nhu cầu tìm kiếm thông tin. Một vài tiêu chí có thể kể đến như:
- Cách chọn từ khoá
- Số lượng từ khóa trong nội dung
- Cấu trúc bài viết
- Cách đặt Title và thẻ Alternative text của hình ảnh
- …
Như vậy, ngoài nội dung chất lượng, bạn cần đáp ứng tốt các tiêu chí của Google để thăng hạng trong trang tìm kiếm. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu 06 tiêu chí tối ưu nội dung để tăng thứ hạng Job Description của bạn trên Google.
06 tips viết JD chuẩn SEO
Chia rõ bố cục các phần trong một bản mô tả công việc
Phân chia bố cục từng phần rõ ràng giúp Google dễ dàng đánh giá và xếp hạng nội dung của bạn hơn. Theo nhiều chuyên gia, cũng giống như cách chúng ta đọc hiểu một bài viết, Google cũng sẽ quét các từ khóa trong phần tiêu đề để hiểu ý tưởng chính của bài viết. Theo ngôn ngữ kỹ thuật, phần tiêu đề này được gọi là thẻ Heading số 1 (H1). Ví dụ: Tuyển dụng Content Creator.
Sau khi quét từ khoá ở thẻ H1, thứ tự quét ưu tiên sẽ tiếp tục đến H2, H3,… Các thẻ H2 sẽ là những luận điểm lớn để bổ trợ hoặc giải thích cho chủ đề lớn (H1), ví dụ: Vai trò, Nhiệm vụ chính, Yêu cầu tối thiểu, Phúc lợi nhân viên, Lộ trình thăng tiến… Tương tự, các thẻ H3 sẽ được đặt cho các luận điểm nhỏ hơn để giải thích cho mục H2. Cuối cùng, khi đã hoàn thiện quét từ khóa tại các mục Heading, Google sẽ tiếp tục quét từ khóa trong phần nội dung bài viết.
Sử dụng từ khóa phổ biến khi viết mô tả công việc
Khi tìm kiếm công việc, chúng ta thường nhập Tên chức danh công việc lên Google và nhấn Enter. Như vậy, cách đặt Tên chức danh công việc phù hợp nhu cầu tìm kiếm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng vị trí ấy sẽ hiện diện khi ứng viên tìm kiếm.
Trong một số trường hợp, khi người làm tuyển dụng “chơi chữ”, hoặc sử dụng những từ ngữ quá hoa mỹ, không phổ thông với người tìm việc, tin tuyển dụng sẽ khó để xuất hiện khi mà ứng viên chẳng biết đến sự tồn tại của từ khoá để thực hiện tìm kiếm. Ví dụ, nếu thay thế chức danh Content Writer bằng “Chúa tể ngôn từ”, tin tuyển dụng của bạn sẽ gần như chẳng bao giờ được tìm thấy, vì sẽ rất ít người tìm kiếm công việc bằng cụm từ đó.
Khi tuyển dụng một vị trí mà bạn không biết rõ hoặc không chắc chắn về tên gọi phổ biến của nó, bạn có thể tìm đến các công cụ như Google Keyword Planner, Keywords Tool, Ahrefs,… Các công cụ này sẽ cho bạn biết Lưu lượng tìm kiếm (Search Volume) – cho thấy có bao nhiêu lượt tìm kiếm từ khoá này, Số lượng truy cập vào website (Traffic) của các từ khoá qua thời gian. Hoạt động này được gọi là nghiên cứu từ khóa.
Đọc thêm: Nghiên cứu từ khóa để viết JD chuẩn SEO như thế nào?
Bên cạnh đó, như trình bày ở trên về cách Google quét và kiểm tra nội dung, các từ khoá trong phần tiêu đề (H1) sẽ được ưu tiên kiểm tra trước. Vậy nên, từ khoá về chức danh công việc nên được đặt trong phần H1 của nội dung. Tương tự như vậy, bạn có thể lặp lại từ khoá đó tại các mục H2, H3, và body text để Google hiểu nội dung của bạn đang cung cấp thông tin xoay quanh từ khoá đó. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, việc sử dụng từ khoá để đẩy cao thứ hạng tìm kiếm là không sai, nhưng nếu quá lạm dụng, bài viết của bạn sẽ bị công cụ tìm kiếm đánh dấu là “nhồi nhét từ khoá” và rất khó để đạt xếp hạng cao. Hãy chỉ nên đặt từ khoá khéo léo để câu không mất đi giọng văn tự nhiên.
Bổ sung các từ khóa được tìm kiếm nhiều khi viết mô tả công ty
Cũng dựa trên kỹ thuật tìm kiếm keywords như trình bày ở trên, bạn cũng có thể tìm và sử dụng những từ khoá phổ biến liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của công ty khi viết mục giới thiệu, như “Doanh nghiệp bán lẻ”, “Tổ chức giáo dục”, “Công ty cung cấp giải pháp marketing”,… Như vậy, bạn sẽ dễ dàng thu hút những ứng viên đang tìm kiếm một công việc hoặc một công ty như của bạn. Chẳng hạn, khi ứng viên đã có kinh nghiệm làm sales ở mảng giáo dục, rất có thể họ sẽ tìm kiếm công việc theo từ khoá “việc làm sales tại tổ chức giáo dục uy tín”. Như vậy, khả năng ứng viên tiếp cận được nội dung tuyển dụng của bạn sẽ cao hơn.
Sử dụng linh hoạt hình ảnh trong nội dung
Về cơ bản, mọi công cụ tìm kiếm đều cố gắng đem đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất nhằm giữ chân, không để họ sử dụng dịch vụ của bên khác. Chính vì lý do này, nhiều chuyên gia cho rằng, trải nghiệm đọc của người dùng trên một website cũng được Google dùng để quyết định thứ hạng của website đó.
Khi nhắc đến trải nghiệm đọc, chắc hẳn chúng ta đều không muốn nhìn vào một màn hình dài đằng đẵng toàn chữ. Vậy nên, việc thêm hình ảnh hoặc video minh hoạ để làm sống động nội dung, giúp người đọc dễ theo dõi cũng là một gợi ý mà nhiều chuyên gia SEO đề cập tới để cải thiện trải nghiệm ứng viên.
Không dừng lại ở đó, khi thêm hình ảnh vào nội dung website, bạn còn có thể tăng cơ hội để nội dung được tìm thấy khi ứng viên tìm kiếm qua “Google Image”. Khi đã có ảnh có nội dung và kích thước phù hợp, một số tiêu chí tối ưu hình ảnh có thể kể đến như:
- Tên ảnh: Nên đặt không dấu, mỗi chữ cách nhau bằng dấu (-). Ví dụ: tên ảnh tập thể công ty nên đặt là: anh-tap-the-cong-ty-X.
- Bổ sung Alt text: là đoạn văn bản mô tả tóm tắt nội dung ảnh, nó sẽ được hiển thị trên trang web trong trường hợp trình duyệt không tải được ảnh vì một lý do nào đó. Khi sử dụng công cụ quản lý nội dung website như WordPress, bạn sẽ có thể bổ sung phần này vào hình ảnh của mình khi tải lên. Phần nội dung này nên điền bằng tiếng Việt có dấu.
Đây là cơ hội để thực hiện SEO, vì vậy hãy đưa từ khóa ít nhất vào 1 tấm ảnh trong toàn bài viết, có thể đưa vào nhiều ảnh nếu nội dung có liên quan đến từ khóa.
Chú ý đến tính năng SEO theo khu vực
Mọi người thường tìm “tên vị trí công việc” + “địa chỉ”. Như vậy, nếu bạn có thêm thông tin về địa điểm làm việc trong JD, bạn sẽ có cơ hội được xếp hạng cao hơn và tiếp cận với đúng ứng viên có nhu cầu làm việc trong phạm vi công ty bạn.
Tạo Backlinks cho bài đăng tin tuyển dụng
Tạo backlinks là công việc mà bạn đặt URL website của bạn tại một trang web khác. Khi 1 website uy tín nhắc đến trang tuyển dụng của bạn, Google sẽ ghi nhận trang của bạn cũng có độ uy tín và sẽ có cơ hội được xếp hạng cao hơn. Hình ảnh bên dưới là một ví dụ về Backlink được đặt tại một bài viết trên website của Brandsvietnam để trỏ về Homepage của Tomorrow Marketers.
Một vài cách phổ biến để tạo backlinks cho website tuyển dụng của bạn có thể kể đến như:
- Chia sẻ bài đăng kèm link website tuyển dụng qua các trang mạng xã hội khác, như: Facebook, LinkedIn, Zalo,…
- Đăng tin lên các nền tảng tuyển dụng có lượng người truy cập lớn. Những nền tảng tuyển dụng như TopCV, Vietnamwork, CareerBuilder,… có lượng người dùng lớn, nên đăng tải tin ở đây vừa giúp bạn tạo backlink cho website tuyển dụng của mình, vừa tăng cơ hội tin tuyển dụng của mình tiếp cận được với người dùng trên nền tảng đó.
- Viết một bài Blog về quy trình tuyển dụng của công ty có kèm link đến bài tuyển dụng, sau đó mua vị trí đăng bài trên website của các bên khác. Bằng cách này, bạn vừa giúp ứng viên hiểu rõ về quy trình ứng tuyển của công ty, vừa giúp tạo backlink cho website tuyển dụng. Trong bài viết, nếu có thêm hình ảnh minh hoạ, bạn hãy nhớ kèm theo phần mô tả của chúng (alt text) từ danh sách từ khoá bạn tìm được. Đây là yếu tố giúp ảnh của bạn có khả năng thuộc top tìm kiếm hình ảnh trên google. Ở ví dụ bên dưới, bài viết về quy trình tuyển dụng của Viettel được đăng tải lên website của “Nhanh”.
Tạm kết
Bài viết này phần nào cung cấp cho bạn hiểu cơ bản về SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), gia tăng cơ hội ứng viên tìm thấy tin tuyển dụng của bạn trên Google. Để tìm hiểu thêm về cách ứng dụng Digital Marketing vào Xây dựng thương hiệu tuyển dụng để tạo nguồn ứng viên, hay tham khảo ngay khoá học của Tomorrow Marketers. Trainers sẽ cùng học viên tìm hiểu 03 nội dung chính:
- Employer Branding – Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
- Candidate Sourcing – Cách tạo nguồn ứng viên
- Candidate Qualifying – Đánh giá chất lượng ứng viên.
Tham gia khoá học Employer Branding & Hiring để xây dựng thương hiệu tuyển dụng & tăng trưởng nguồn ứng viên cho doanh nghiệp của bạn.
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!