What’s Up tuần 4 tháng 3 – Chuyển động thương hiệu tuần qua có gì?

marketing foundation

1. Facebook ra mắt tính năng “hẹn hò” tại Việt Nam

Vào 23h tối 26/3 vừa qua, Facebook chính thức ra mắt tính năng làm quen bạn mới. Việt Nam và Colombia là hai thị trường đầu tiên được lựa chọn để trải nghiệm tiện ích mới này. Facebook Dating sẽ kết nối những người không quen biết, nhưng có những điểm chung như sống cùng một thành phố, hay có cùng nơi làm việc hoặc trường học – đồng thời chia sẻ mong muốn có thêm những người bạn mới. Bên cạnh đó, tính năng cũng cho phép người dùng tạo lập một tài khoản độc lập với tài khoản Facebook cùng với ảnh và thông tin cá nhân. Sau đó, Facebook sẽ sử dụng thuật toán để đưa ra những đề xuất phù hợp. Cách vận hành này khiến người ta dễ liên tưởng đến Tinder – một ứng dụng hẹn hò nổi tiếng không kém.

Với lượng người dùng khổng lồ, Facebook đang khai thác triệt để tiện ích nhằm xây dựng hệ sinh thái Facebook trên mạng xã hội. Cũng như Tinder, những sự tương hợp trên nền tảng trực tuyến khó mà giúp các cặp đôi duy trì mối quan hệ lâu dài. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ tìm kiếm sự mới mẻ, Facebook Dating cũng là một tính năng đáng để thử trải nghiệm phải không?

2. Công ty YG Ent trượt khỏi top Big 3 nền giải trí Hàn Quốc

Có thể nói tháng 3 vừa qua là “thời kỳ đen tối” của tập đoàn giải trí Hàn Quốc YG Entertainment với loạt scandal rúng động dư luận của Seungri – cựu thành viên nhóm nhạc Big Bang. Sau vụ bê bối, chỉ số niềm tin và vốn hóa thị trường của YG sụt giảm nghiêm trọng. Ngày 28/3 vừa qua, truyền thông Hàn đồng loạt khẳng định rằng làng giải trí Hàn đã bước sang kỷ nguyên mới. Cụ thể, YG Ent đã chính thức bị đẩy khỏi Big 3 (Top 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc gồm YG – SM – JYP). Thay vào đó, CJ ENM và Big Hit được lựa chọn để trở thành một phần của Big 4 mới.

Theo giới truyền thông Hàn, các nhà đầu tư không đặt kỳ vọng nhiều vào sự phát triển của các nhóm nhạc nam tại YG trong thời gian sắp tới. Ngay cả “con cưng” Black Pink cũng không được tin tưởng để tạo nên những cú “sold – out” lừng danh như tiền bối Big Bang. Trong khi đó Big Hit cùng với cú bùng nổ của BTS được hứa hẹn sẽ vượt trên cả 2 lão làng SM và JYP trong tương lai gần.

3. Robins đóng cửa, rút khỏi thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Ngày 27/3, thị trường thương mại điện tử Việt Nam lại chứng kiến sự rút lui từ phía Robins – một website thương mại điện tử (TMĐT) thuộc sở hữu của Central Group – người nắm trong tay chuỗi siêu thị Big C, cửa hàng điện máy Nguyễn Kim. Theo thông báo, trang web hiện đã không còn hiển thị sản phẩm mà thay vào đó là giới thiệu về hai cửa hàng của Robins tại Hà Nội và TP HCM.

Đây không phải lần đầu tiên có hiện tượng rút lui khỏi trận chiến E-commerce khốc liệt. Vài tháng trước, trang thương mại điện tử Vuivui.com của thế giới di động cũng bị xóa bỏ và dẫn nguồn truy cập về Điện máy xanh. Hiện nay, khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam trở lên tiềm năng cũng là lúc cuộc chiến giành thị phần giữa các “ông lớn” Tiki – Lazada – Shopee ngày càng khốc liệt. Nếu không có đủ nguồn vốn để chạy đua khuyến mãi, việc rút lui chỉ là điều sớm muộn.

4. Sabeco giành huy chương vàng tại Giải thưởng Bia Quốc tế 2019

Mới đây, Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã ghi dấu một cột mốc quan trọng lịch sử phát triển của mình khi vinh dự mang về huy chương vàng hạng mục Bia Lager dung tích nhỏ tại Giải thưởng Bia Quốc tế – International Brewing Awards (IBA) 2019.

Là “anh cả” trong ngành sản xuất bia Việt Nam với hơn 140 năm hoạt động, SABECO đã và đang phát triển ngành công nghiệp đồ uống trong nước hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng bằng những sản phẩm chất lượng cao, an toàn và tốt cho sức khỏe. Thành tích trên đã giúp nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm Việt trong ngành công nghiệp sản xuất bia quốc tế.

5. Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc đồng loạt từ chức, Go-Viet rơi vào khủng hoảng?

Chiều 29/3, Go-Viet tuyên bố ông Nguyễn Vũ Đức không còn là tổng giám đốc của công ty. Đồng thời, bà Nguyễn Bảo Linh cũng rời khỏi vị trí phó tổng giám đốc phụ trách phát triển và cả hai sẽ trở thành cố vấn cho Go-Viet tại Việt Nam.

Hai lãnh đạo cấp cao của Go-Viet từ chức trong bối cảnh Go-Viet vẫn giậm chân tại chỗ trong khi Grab liên tục mở rộng địa bàn hoạt động với gói dịch vụ thức ăn còn Bee thì tuyên bố đã có mạng lưới 15.000 tài xế chỉ sau 3 tháng xuất quân. Hơn nữa, từ đầu tháng 4, Go-Viet bắt đầu tăng chiết khấu lên mức 20% khiến các tài xế lần lượt chuyển sang ứng dụng khác. Từ đó có thể thấy, Grab đang ngày càng khẳng định vị trí “quán quân” trong cuộc đua thị trường xe ôm công nghệ và hệ sinh thái dịch vụ tích hợp.

6. Apple ra mắt thẻ ứng dụng riêng với tên gọi Apple Card

Dù mới ra mắt gần một năm nhưng ứng dụng đặt xe của người Việt – FastGo đang có những bước tiếp theo trong việc chinh phục thị trường nước ngoài. FastGo thông báo mục tiêu đầu tiên sẽ là tiếp nhận đăng ký tài xế từ ngày 1/4 và chính thức hoạt động tại Singapore vào cuối tháng 4/2019. Trước đó, FastGo cũng đã đưa tên tuổi công ty đến Yangon, Myanmar. Để cạnh tranh với 2 đối thủ Grab và Go-Jek, FastGo áp dụng mức chiết khấu 20% từ tài xế mỗi ngày. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện tại Grab vừa được đầu tư thêm 2 tỷ USD cho việc củng cố thị trường. Vì vậy, nếu FastGo không thể mang lại nhiều hơn lợi ích cho tài xế, cuộc cạnh tranh này chắc chắn sẽ không thể bền lâu.