Dữ liệu lớn có thay thế được các nghệ sĩ hay không?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Vào những thập kỉ sắp tới, một hệ thống ngoại lai – sẽ có khả năng thu thập và phân tích dòng dữ liệu sinh trắc khổng lồ – và hệ thống đó sẽ có thể thấu hiểu những gì đang xảy ra bên trong cơ thể và tâm trí của bạn hơn chính bạn. Một hệ thống như vậy sẽ biến đổi nền chính trị và kinh tế bằng cách cho phép chính phủ và các tập đoàn tiên đoán và thao túng mong muốn của con người. Thế còn nghệ thuật, một thứ thuộc về cảm xúc, liệu nó có bị thao túng? Liệu nghệ thuật có phải là hàng phòng thủ cuối cùng của con người trước sự trỗi dậy của thuật toán biết tuốt hay không?

1. Nghệ thuật được định nghĩa bởi cái gì?

Trong thế giới hiện đại, nghệ thuật thường liên kết với cảm xúc con người. Chúng ta thường nghĩ rằng các nghệ sĩ có khả năng truyền tải những cảm xúc nội tâm, và mục đích tối thượng của nghệ thuật là kết nối con người với cảm xúc của mình, hoặc truyền cảm hứng cho những cảm xúc mới. Vì vậy, khi đánh giá nghệ thuật, chúng ta thường đánh giá nó bằng tác động của nó tới cảm xúc của chúng ta, và tin rằng vẻ đẹp nằm trong con mắt của người xem.

Quan điểm về nghệ thuật này được hình thành trong thời đại Lãng Mạn vào thế kỉ 19, và tiến đến đỉnh cao vào chính xác 1 thế kỉ trước. Vào năm 1917, Marcel Duchamp mua một chiếc bồn cầu bình thường (hàng sản xuất hàng loạt), ông tuyên bố rằng nó là một tác phẩm nghệ thuật, đặt tên cho nó là Fountain, kí nhận tên cho nó, và gửi nó tới một triển lãm nghệ thuật. Trong các lớp học ở khắp nơi trên thế giới, các sinh viên học nghệ thuật đều phải chiêm ngưỡng tác phẩm Fountain của Duchamp, và quan điểm của người giáo viên khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Đó là nghệ thuật! Không, không hề! Đúng là thế đấy! Không thể nào!

Sau khi để sinh viên cãi nhau chán chê, người giáo viên bắt đầu cuộc thảo luận bằng câu hỏi “Vậy chính xác thì nghệ thuật là gì? Làm sao chúng ta xác định được cái gì là nghệ thuật, và cái gì không?”. Sau vài phút trò chuyện qua lại, người giáo viên đã bẻ lái cả lớp theo một hướng đi khác: “Nghệ thuật là bất cứ thứ gì mà con người nghĩ là nghệ thuật, và vẻ đẹp của nó thì phụ thuộc vào con mắt của người xem.” Nếu tôi cho rằng chiếc bồn cầu kia là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp – vậy thì nó là chính là nghệ thuật đấy. Trên đời liệu có ai có thẩm quyền cao hơn tôi, dám nói rằng tôi sai?

Và nếu con người sẵn sàng trả hàng triệu đô cho một tác phẩm nghệ thuật như thế – vậy thì nó đáng giá chừng ấy. Sau cùng thì, khách hàng luôn luôn đúng.

Vào năm 1952, nhà soạn nhạc John Cage đã chiến thắng Duchamp khi tạo ra một tác phẩm mang tên 4’33. Tác phẩm này, vốn được soạn riêng cho nền nhạc piano nhưng hiện nay, nó được biểu diễn bằng cả một dàn nhạc, nó dài 4 phút 33 giây và không hề có chút âm thanh nào từ các nhạc cụ được phát ra cả. Tác phẩm này thúc đẩy người nghe cảm thụ trải nghiệm bên trong mình, để thực sự xem xét âm nhạc là gì, chúng ta mong chờ điều gì từ nó, và cách âm nhạc khác biệt với những âm thanh thường ngày như thế nào. Thông điệp ở đây là, chính mong đợi và cảm xúc của chúng ta sẽ định hình nên âm nhạc và khiến nó khác biệt với những loại âm thanh khác.

2. Điều gì xảy ra nếu thuật toán ngoại lai thấu hiểu và thao túng cảm xúc con người?

Nếu nghệ thuật được định nghĩa bởi cảm xúc con người, vậy điều gì sẽ xảy ra một khi các thuật toán ngoại lai có khả năng thấu hiểu và thao túng cảm xúc con người tốt hơn cả Shakespeare, Picasso hay Lennon? Sau tất cả, cảm xúc không phải là một hiện tượng bí ẩn gì cả – chúng là một quá trình sinh hoá. Vì thế, khi có đủ dữ liệu sinh trắc và khả năng tính toán, chúng sẽ có thể xâm nhập vào tình cảm, sự chán ghét, buồn chán và niềm vui của chúng ta.

Trong tương lai không xa, một thuật toán học máy sẽ có thể phân tích dữ liệu sinh trắc từ máy cảm biến trong cơ thể bạn, xác định kiểu tính cách và mức thăng trầm cảm xúc của bạn, và nó có thể tính toán tác động cảm xúc mà một bản nhạc cụ thể – hay thậm chí là một nốt nhạc cụ thể – ảnh hưởng tới bạn.

Trong mọi loại hình nghệ thuật, âm nhạc là thứ dễ bị ảnh hưởng bởi việc phân tích Dữ Liệu Lớn nhất, vì cả đầu vào lẫn đầu ra của chúng đều thích hợp với việc mô tả toán học. Đầu vào là những mẫu toán học của sóng âm thanh, và đầu ra là những mẫu điện hoá của các chuỗi nơ-ron. Khi chúng ta để một chiếc máy học trải qua hàng triệu trải nghiệm âm nhạc, nó sẽ học được cách tạo ra một output cụ thể, với một input cụ thể như thế nào.

Giả sử bạn vừa có một cuộc tranh cãi nảy lửa với bạn trai. Thuật toán phụ trách về hệ thống âm thanh của bạn sẽ ngay lập tức xác minh sự hỗn loạn cảm xúc trong bạn, và dựa trên những gì nó biết về bạn, kết hợp với tâm lý con người nói chung, nó sẽ cho chạy những bản nhạc được thiết kế để cộng hưởng với nỗi buồn và phóng đại sự phiền muộn trong bạn. Những bản nhạc cụ thể này có lẽ sẽ không hiệu quả với những người khác, nhưng sẽ thật hoàn hảo với kiểu tính cách của bạn. Sau khi giúp bạn chạm tới tận cùng của sự buồn bã, thuật toán sau đó sẽ cho chạy một bản nhạc có xu hướng làm bạn vui lên – có lẽ vì tiềm thức của bạn có kết nối với một kí ức tuổi thơ đẹp đẽ nào đó, và chính bạn cũng không ngờ đến được. Trong trường hợp này, không một người DJ nào có thể hi vọng sánh ngang với kĩ năng của một AI – trí tuệ nhân tạo.

Bạn có thể phủ nhận rằng một trí tuệ nhân tạo như vậy có thể giết chết sự ngẫu nhiên và giam chúng ta vào một gu âm nhạc chật chội, được tạo bởi lịch sử những lượt thích và không thích của chúng ta trước đây. Nếu ta muốn khám phá những phong cách âm nhạc mới thì sao? Không thành vấn đề. Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh thuật toán trong việc dùng 5% gợi ý ngẫu nhiên, để thuật toán bất ngờ quăng bạn vào những bài hát mới. Qua thời gian, bằng cách quan sát cảm xúc của bạn, trí tuệ nhân tạo còn có thể xác định được mức độ  ngẫu nhiên lý tưởng, mà vẫn tối ưu được sự khám phá mà không gây phiền nhiễu cho con người, nó có thể giảm mức ngẫu nhiên xuống 3% hoặc tăng lên 8%.

Và một phủ nhận khả thi khác, làm sao mà thuật toán có thể thiết lập mục tiêu cảm xúc cho chính nó được. Nếu bạn vừa đánh nhau với bạn trai, thuật toán nên khiến bạn buồn hay vui? Liệu nó có mù quáng đi theo một thanh cảm xúc cứng nhắc, hoặc là “tích cực”, hoặc là “tiêu cực” không? Đôi khi trong cuộc sống, cảm thấy buồn cũng là một điều tốt? Nhưng chúng ta cũng có thể đặt cùng câu hỏi này cho các nhà soạn nhạc và DJ. Khi ấy, với một thuật toán, nó sẽ có khá nhiều giải pháp thú vị cho vấn đề này (hơn các DJ).

Một lựa chọn khác là cứ để kệ nó cho khán giả. Bạn tự điều chỉnh cảm xúc của mình theo cách nào cũng được, và thuật toán sẽ đi theo mệnh lệnh của bạn. Dù bạn muốn đắm mình vào sự ích kỉ cá nhân, hay niềm hân hoan sung sướng, thuật toán luôn tuân theo theo ý muốn của bạn. Vì thế, một thuật toán có thể học cách nhận biết ước muốn của bạn kể cả khi bạn không nhận thức được điều đó.

Một cách khác, nếu bạn không tin vào bản thân mình, bạn có thể chỉ dẫn thuật toán đi theo lời khuyên của bất cứ nhà tâm lý học xuất sắc nào mà bạn tin tưởng. Nếu bạn trai của bạn chia tay với bạn, thuật toán có thể sẽ đưa bạn đi qua 5 cung bậc đau khổ (5 stages of grief), trước hết là giúp bạn phủ nhận những gì đã xảy ra bằng bài Don’t Worry Be Happy của Bobby McFerrin, sau đó dẹp đi sự bực bội trong bạn với You Oughta Know của Alanis Morissette, đưa bạn tới suy nghĩ thoả hiệp cùng Ne me quitte pas của Jacque Brel và Come Back and Stay của Paul Young, thả bạn xuống hố sâu phiền muộn bằng Someone Like You Hello của Adele, và cuối cùng là giúp bạn chấp nhận thực tại với I Will Survive của Gloria Gaynor và Everything’s Gonna Be Alright của Bob Marley.

Bước tiếp theo là để tự thuật toán tự tinh chỉnh bản nhạc và giai điệu, sửa đổi chúng từng chút một để ăn khớp với đặc điểm của bạn. Bạn có thể không thích một phần nhỏ nào đó trong một bản nhạc xuất sắc. Thuật toán sẽ biết điều đó vì nhịp tim của bạn lỡ mất một nhịp và nồng độ oxytocin trong bạn hạ xuống một chút khi nghe đến phần nhạc đó. Thuật toán có thể viết lại và sửa đổi sao phần nhạc đó cho bạn.

3. Giữa dữ liệu lớn và nhà soạn nhạc thiên tài, ai sẽ thắng?

Ý tưởng về việc máy tính soạn nhạc còn khá mới mẻ. David Cope, một giáo sư âm nhạc đến từ Đại Học California tại Santa Cruz, đã tạo ra một chương trình máy tính gọi là EMI (Thí Nghiệm Trí Tuệ Âm Nhạc), nó có khả năng mô phỏng phong cách của Johann Sebastian Bach. Trong một cuộc đấu công khai tại Đại Học Oregon, các khán giả bao gồm sinh viên và giáo sư được cho nghe 3 bản nhạc – một là nguyên bản từ Bach, một bản khác được EMI tạo ra, và bản còn lại được soạn bởi một giáo sư âm nhạc địa phương, Steve Larson. Khán giả sau đó được hỏi để bầu chọn xem ai sáng tác bản nhạc nào. Và đoán xem kết quả ra sao? Khán giả nghĩ rằng bản nhạc của EMI là từ Bach chính gốc, bản của Bach được soạn bởi Larson, và bản của Larson được soạn bởi một chiếc máy tính.

Về lâu về dài, thuật toán có thể học cách soạn toàn bộ một bản nhạc, vui đùa với cảm xúc của con người như thể họ là những phím đàn vậy. Bằng cách sử dụng dữ liệu sinh trắc của bạn, thuật toán còn có thể tạo ra các giai điệu dành riêng cho bạn, thứ mà bạn sẽ vô cùng thích khi ở một mình giữa cả thế giới này.

Người ta thường nói rằng, con người kết nối với nghệ thuật bởi họ tìm thấy bản thân trong đó. Điều này có thể dẫn tới những kết quả bất ngờ và có thể không hay ho lắm, và đó là khi Facebook bắt đầu tạo ra những tác phẩm mang tính cá nhân hoá dựa trên mọi thứ mà nó biết về bạn. Nếu bạn trai của bạn đá bạn, Facebook có lẽ sẽ cho bạn nghe một bản hit thân thuộc về người ấy hơn cả bản nhạc về một người vô danh nào đó làm tan vỡ trái tim của Adele hoặc Alanis Morissette. Bàn luận về nghệ thuật giống như một sự sa đoạ ái kỉ vậy.

Một cách khác, bằng cách sử dụng hệ thống dữ liệu sinh trắc khổng lồ thu thập từ hàng triệu người, thuật toán có thể tạo ra một bản hit toàn cầu, thứ sẽ làm cho mọi người rung lắc điên đảo trên sàn nhảy. Nếu nghệ thuật thực sự là về việc truyền cảm hứng (hoặc thao túng) cảm xúc con người, sẽ hiếm có nhà soạn nhạc nào có cơ hội cạnh tranh với thuật toán, vì họ không thể sánh kịp về việc thấu hiểu thứ cốt lõi mà họ đang chơi: hệ thống sinh hoá của con người.

Vậy điều này có tạo ra được sự đột phá trong nghệ thuật không? Nó còn phụ thuộc vào định nghĩa về nghệ thuật. Nếu vẻ đẹp quả thực nằm trong đôi tai của người nghe, và nếu khán giả luôn đúng, thì thuật toán sinh trắc sẽ có cơ hội tạo ra một kiệt tác nghệ thuật độc đáo nhất trong lịch sử. Nếu nghệ thuật là về điều gì đó sâu thẳm hơn cả cảm xúc con người, và nó biểu hiện một sự thật vượt lên cả những rung động sinh hoá kia, thì thuật toán sinh hoá có thể không tạo ra những nghệ sĩ tuyệt vời được. Và cả đa số con người cũng không thể. Để bước chân vào thị trường nghệ thuật, thuật toán không nhất thiết phải bắt đầu bằng việc thắng được Beethoven. Nó chỉ cần làm tốt hơn Justin Bieber thôi.