Marketing trong ngành ngân hàng như thế nào?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Nếu ngày xưa, sự khác biệt (differentiation) trong ngành ngân hàng nằm ở khoảng chênh lệch lãi suất thì ngày nay, do sự phát triển đồng đều của ngành hàng, điều này đang dần biến mất. Vì thế, việc xây dựng những giá trị khác biệt để trở thành top-of-mind của khách hàng hiện nay đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp ngân hàng. 

Các ngân hàng đang thực hiện chiến lược Marketing như thế nào để đạt được mục tiêu này. Sau đây, hãy cùng TM tìm hiểu nhé.

1. Marketing cảm xúc

Là một ngành dịch vụ đặc thù khi liên quan trực tiếp tới vấn đề tiền bạc, điều quan trọng nhất ngân hàng cần xây dựng là niềm tin. Tạo dựng niềm tin đã khó, tạo dựng niềm tin ngay từ “cái nhìn đầu tiên” lại càng khó hơn. Nhận thấy sự tin tưởng bắt nguồn từ cảm xúc và sự thấu hiểu, nhiều ngân hàng đã sử dụng Marketing cảm xúc (Emotion Marketing) như con át chủ bài.


Cụ thể, các quảng cáo thường không đề cập nhiều tới những con số khô khan, mà tập trung vào ước mơ của khách hàng: có được tổ ấm, cho con hưởng nền giáo dục tốt nhất,.. Trong thông điệp của mình, các ngân hàng cũng luôn đề cao yếu tố cảm xúc, ví dụ TP Bank: Vì chúng tôi hiểu bạn; Sacombank: Luôn đồng hành cùng bạn,.. Thấu hiểu khách hàng, để tâm tư làm cầu nối niềm tin là cách mà đa số ngân hàng hiện nay chọn lựa để thúc đẩy hành động từ khách hàng.

2. Tối đa hóa công nghệ

Trái với nhận định là ngành hàng bền vững, ngân hàng luôn “âm thầm” đi theo những xu hướng mới để đem đến dịch vụ tiện lợi nhất cho khách hàng. Bạn không muốn cầm nhiều tiền mặt khi đi du lịch? Đã có dịch vụ thẻ visa giúp bạn thanh toán mọi lúc mọi nơi. Bạn muốn chuyển tiền nhanh chóng mà không cần ra ngân hàng? Đã có các dịch vụ Internet banking, Mobile banking.

Mới đây nhất, một số ngân hàng đã sử ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào việc thanh toán: giờ đây, khách hàng chẳng cần tiền mặt, thẻ hay điện thoại vẫn có thể thanh toán qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

3. Liên kết B2B

Xu hướng ưa chuộng sự tiện lợi lên ngôi, người tiêu dùng ngày càng có thói quen “quẹt thẻ”. Vậy làm cách nào để ngân hàng có thể tối ưu hóa cơ hội này? Đây chính là khi “tình đoàn kết” B2B (business to business) làm nên sức mạnh.

Cụ thể, các ngân hàng sẽ chủ động liên hệ với các thương hiệu khác (thường là ngành hàng thời trang và dịch vụ ăn uống) để đem đến ưu đãi dành riêng cho chủ sở hữu của những chiếc thẻ ngân hàng. Với chiến lược này, các ngân hàng có thể dễ dàng biến khách hàng của nhiều thương hiệu khác trở thành khách hàng của mình.

Kết
Chỉ vài năm trước, ngân hàng vẫn được coi là ngành hàng “thụ động” với các hoạt động Marketing. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng đang dần chuyển mình, “mạnh tay” hơn trong các chiến dịch Marketing, truyền thông. Bởi, trước nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ, không thay đổi chính là tự sát.