Nên làm Brand, Trade hay Sales?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Thế giới Marketing thật rộng lớn và đầy màu sắc với các cơ hội nghề nghiệp đa dạng và mức thu nhập hấp dẫn với các Marketers trẻ. Mỗi vị trí công việc đều có những đặc thù và yêu cầu những tố chất khác nhau. Quá nhiều lựa chọn khiến bạn đang vẫn phân vân không biết nên làm Brand, Trade hay Sales ? Vậy thì hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu về những công việc này để xem đâu là vị trí phù hợp nhất với bạn nhé!

Mô tả công việc và vai trò của các vị trí

1. Brand Marketing

Brand Manager là vị trí mơ ước của hầu hết những bạn trẻ yêu thích làm Marketing. Trong thực tế, công việc của Brand Manager cũng như người phòng Brand rất phức tạp và đầy áp lực:

  • Chịu trách nhiệm về kết quả tăng trưởng từ A đến Z của nhãn hàng
  • Phân tích báo cáo nghiên cứu thị trường, phỏng vấn tìm ra insight, phát triển concept sản phẩm
  • Xây dựng kế hoạch chiến lược cho nhãn hàng trong từng giai đoạn
  • Làm việc với agency và các phòng ban để điều phối Brand Marketing Plan

Brand Marketing gây ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn của người tiêu dùng, đóng góp rất nhiều vào giá trị của sản phẩm và doanh nghiệp. Cụ thể, Brand Marketing khiến khách hàng thay đổi suy nghĩ đối với thương hiệu, tạo tình yêu với thương hiệu, từ đó giúp nhãn hàng bán được nhiều hàng hơn ở mức giá cao hơn, giúp gia tăng thị phần của nhãn hàng. Có thể thấy, khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm có thương hiệu. Bên cạnh đó, thương hiệu mạnh có lợi thế cạnh tranh bền vững, lâu dài hơn. Do đó, nhiệm vụ của brand marketer tại doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong trung và dài hạn.

làm branding như thế nào?

2. Trade Marketing

Trade Marketing Manager sẽ chịu trách nhiệm tăng trưởng của cả một ngành hàng, thay vì chỉ một nhãn hàng. Cụ thể, Trade Manager và Trade Team sẽ phụ trách những công việc như sau:

  • Lên ý tưởng và triển khai kế hoạch thúc đẩy bán hàng, phân phối, bao phủ, trưng bày sản phẩm, kích hoạt thương hiệu, khuyến mãi, … nhằm “chiến thắng” tại điểm bán, đảm bảo đem về đúng KPI của phòng kinh doanh
  • Liên kết với Brand Team để hiện thực hóa, truyền tải hình ảnh thương hiệu nhất quán từ kênh truyền thông tới kênh bán hàng

Nếu như Brand Marketing khiến khách hàng thay đổi suy nghĩ đối với thương hiệu, thì Trade Marketing khiến họ thay đổi hành vi tại điểm bán, nơi ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của nhãn hàng (76% quyết định mua hàng được thực hiện tại điểm bán). Có tới hơn 1,3 triệu điểm bán trên thị trường. Ngân sách Brand Marketing đang được chuyển ngày càng nhiều sang Trade Marketing… Đây là những minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của Trade Marketing đối với doanh nghiệp.

làm trade marketing

3. Sales

Tùy theo quy mô và lĩnh vực công ty mà nhân viên phòng Sales sẽ có những nhiệm vụ đặc thù riêng:

  • Phân phối các mặt hàng của công ty đến các kênh bán hàng được phân công
  • Thuyết phục, đàm phán với các khách hàng (customer) nhập hàng của công ty, đảm bảo tăng trưởng về doanh số
  • Cung cấp thông tin về hàng hóa và chương trình khuyến mãi đến khách hàng, tư vấn cho khách về sản phẩm dịch vụ khi cần thiết
  • Báo giá và đàm phán giá cả, thương thảo hợp đồng mua bán, thỏa thuận thời hạn thanh toán và giao hàng
  • Theo dõi tốc độ tiêu thụ hàng hóa và gửi báo cáo kinh doanh

Trong một doanh nghiệp, vai trò chính của bộ phận Sales là mang về doanh thu trực tiếp cho công ty. Bới thế mà Sales đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bất kì doanh nghiệp, tổ chức nào, thật không ngoa khi nói Sales nắm vai trò sống còn cho doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp mới. Nhân lực của đội ngũ Sales vì vậy mà cũng thường chiếm số lượng đông đảo nhất, và mức lương luôn được trả hậu hĩnh theo chỉ tiêu kinh doanh.

Tố chất và yêu cầu của các vị trí

Bên cạnh những tố chất khác nhau cho từng công việc cụ thể, nhìn chung, cả 3 vị trí Brand, Trade, và Sales đều cần có những kĩ năng như: phân tích dữ liệu, giao tiếp, thuyết phục, và đặc biệt là khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề…

Số liệu là một phần không thể thiếu trong các hoạt động kinh doanh. Vì vậy, người làm Brand, Trade hay Sales phải sở hữu khả năng đo lường và phân tích số liệu. Các thống kê từ khảo sát người tiêu dùng, các dữ liệu liên quan đến mạng xã hội, các báo cáo về thị trường, đối thủ, doanh thu, … tất cả đều nằm trong công việc của họ. Do đó, khả năng phát hiện những thay đổi lên xuống của số liệu, những xu hướng, hiện tượng đặc biệt, biết cách phân tích để tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp là yêu cầu bắt buộc của người làm Brand, Trade, hay Sales.

Ngoài ra, Brand, Trade hay Sales team luôn là người phải làm việc với nhiều đối tác, từ các bộ phận khác trong công ty, agency bên ngoài hay những khách hàng (customer). Với đặc thù công việc như vậy, việc trau dồi kĩ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết phục, xử lý vấn đề là điều tối quan trọng cho người làm Brand, Trade hay Sales.

Bên cạnh những tố chất chung, mỗi vị trí với đặc thù công việc sẽ cần những tố chất riêng.

1. Brand Marketing

Khi việc thuê agency để lên ý tưởng ngày càng tốn kém và đắt đỏ, bộ phận Brand Team tại Client chính là những người chịu trách nhiệm lên ý tưởng cho việc xây dựng, định vị và truyền thông thương hiệu, khiến thương hiệu mình hiện diện và nổi bật trong tâm trí khách hàng. Với đặc điểm công việc như vậy, người làm Brand thường là những người sáng tạo hơn cả trong công ty (client, in house). Brand Team như một “người mẹ”, chịu trách nhiệm từ A đến Z về nhãn hàng, và là người sáng tạo ra những ý tưởng để đưa “đứa con” của mình trở nên gần gũi hơn với khách hàng mục tiêu, từ sản phẩm tốt cho tới những chiến dịch đi vào lòng người.

2. Trade Marketing

Phụ trách việc lên kế hoạch và thực thi trực tiếp các hoạt động để “chiến thắng” người mua hàng tại điểm bán, Trade Marketer cần là những người có đầu óc vô cùng thực tế. Họ có trong mình sự nhạy cảm về kinh doanh do phần lớn các chương trình Trade đều hướng tới mục tiêu doanh số. Trade marketer cũng chính là người kiểm soát ngân sách cho các hoạt động bán và thúc đẩy bán hàng. Do đó, hơn ai hết họ rất tinh trong việc biết bỏ tiền vào đâu để mang về doanh số cao nhất. Người mang danh hiệu có cái đầu thực tế nhất công ty chắc không thể nằm ngoài trade marketer.

3. Sales

Với các salesman, có hoài bão và đam mê để tự tin vượt qua mọi trở ngại là tố chất vô cùng quan trọng. Khi trở thành một nhân viên bán hàng, bạn phải thường xuyên đối mặt với những lời từ chối. Những người bán hàng phải nghe rất nhiều lời nói “không” từ phía khách hàng, nhưng người bán hàng xuất sắc lại là người coi câu trả lời “không” như động lực để thúc đẩy họ cố gắng hơn. Với họ, đó chỉ là thách thức để rèn luyện bản lĩnh và hướng tới mục tiêu mới, Passion to Win chính là hình ảnh rất đặc trưng của người làm Sales.

Trên đây là những tố chất nổi bật ở những người làm Brand, Trade hay Sales. Nói như vậy không có nghĩa là người làm Trade hay Sales không cần sáng tạo, người làm Brand hay Sales không cần có đầu óc thực tế… nhưng những tố chất trên trong nhiều trường hợp sẽ là nổi bật hơn với những người làm việc ở mảng tương ứng vì liên quan trực tiếp tới đặc thù công việc.

Vậy với các bạn trẻ đang phân vân không biết theo mảng nào thì hãy căn cứ vào mô tả công việc và các yêu cầu tố chất, khả năng để xem “nơi chốn” của mình nên ở đâu nhé.

Tạm kết

Dù bạn có lựa chọn làm việc ở mảng nào thì cả 3 vị trí Brand, Trade, Sales đều ở mảng Commercials – Kinh doanh, có mối liên hệ rất sát với nhau, nên nếu bạn có thể trải nghiệm tất cả để có cái nhìn toàn cảnh thì các kiến thức và trải nghiệm này sẽ hỗ trợ cho công việc của bạn rất tốt. Nếu bạn còn trẻ và có nhiều thời gian, thì đừng ngại trải nghiệm và thử thách bản thân để tìm ra được công việc phù hợp với đam mê và sở trường của mình. Nếu bạn vẫn còn mông lung giữa vô vàn kiến thức Marketing và chưa xác định được mình thật sự thích vị trí nào, hãy để Tomorrow Marketers giúp bạn hệ thống hoá kiến thức và có một cái nhìn tổng quát hơn về ngành Marketing qua Khoá học Marketing Foundation nhé! Bên cạnh đó, được tổng hợp từ quy trình làm trade dành cho nhân lực tại các tập đoàn đa quốc gia – “cái nôi” của Trade Marketing, Khoá học Trade Marketing  của Tomorrow Marketers sẽ giúp bạn trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết để nhanh chóng gia nhập ngành, tự tin giải quyết các vấn đề kinh doanh tại điểm bán, cũng như xây dựng sự nghiệp vững bền trong tương lai.