Thói quen ăn uống của Gen Z đang thay đổi ngành F&B thế nào?

marketing foundation

Xếp hàng dài khi một thương hiệu trà sữa mới khai trương, “phủ sóng” instagram bằng những bức hình chụp ảnh đồ ăn cực “nghệ”, food blogger từ một thú vui trở thành một nghề mới… đây chỉ là một số dấu hiệu nổi bật cho sự “thống trị” của một nhóm đối tượng khách hàng mới trong ngành F&B mà marketers không thể bỏ qua: Generation Z, thường được gọi là Gen Z.

Gen Z bao gồm những ai?

Gen Z là những người được sinh ra trong giai đoạn 1994-2000, sau Gen Y (1981 – 1993) và Gen X (trước 1981).

Khác biệt cơ bản nhất giữa Gen Z và các thế hệ trước đó nằm ở ranh giới mờ nhạt giữa thế giới thực và thế giới digital. Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ “vũ bão”, do đó, gen Z sớm được tiếp cận với lượng thông tin “khổng lồ” mà chưa một thế hệ nào từng trải qua.

Hiện ở độ tuổi 24 trở xuống, tới năm 2020, theo ước tính, Gen Z sẽ chiếm 40% số lượng người tiêu dùng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 14.4 triệu người thuộc thế hệ Gen Z, với mức chi tiêu cho đồ ăn và thức uống khá cao, trung bình 892,443 VNĐ/tháng (theo số liệu từ Decision Lab). Hiểu được tâm lý, hành vi của nhóm đối tượng này sẽ trở thành chìa khóa thành công cho các marketers trong tương lai, đặc biệt là các marketers làm việc cho lĩnh vực F&B.

Gen Z – ăn ngoài là “lẽ sống”

Không chỉ ăn ngoài vào những dịp đặc biệt, ghé thăm các địa điểm ăn uống đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của Gen Z. Theo báo cáo từ Decision Lab, trung bình số lượt ghé thăm các địa điểm ăn uống của gen Z tại Việt Nam vào giai đoạn cuối năm 2016 là 90 triệu và tiếp tục tăng lên 133 triệu một năm sau đó. Có thể thấy, gen Z đang ngày càng đóng góp một phần lớn vào sự phát triển của thị trường F&B.

Với địa vị “thống trị” ngành F&B đang ngày một được củng cố vững chắc, lựa chọn địa điểm ăn uống của Gen Z chính là yếu tố quyết định “kẻ thắng”, “người thua” trong thị trường vốn dĩ đã đầy tính cạnh tranh này. Các nhà hàng bình dân (Fast Casual) từng được “sủng ái” bởi thế hệ trước đang dần lùi bước trước canteen và nhà hàng đồ ăn nhanh (Quick Service Restaurant). So với đồ ăn đường phố hay đồ ăn tại các cửa hàng tiện lợi, các nhà hàng cao cấp, bar, club hay khách sạn luôn nằm trong nhóm những lựa chọn cuối cùng mà Gen Z “ngó ngàng” tới.

Nguồn: Decision Lab, Gen Z in the out-of-home market in Vietnam

Nhanh chóng trong việc khám phá và làm quen với những món ăn mới, thế nhưng Gen Z lại tỏ ra khá trung thành với đồ ăn Việt Nam và đặc biệt yêu thích các tiệm bánh. Sự thâm nhập của nền ẩm thực từ Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…chỉ giúp đồ ăn của các quốc gia này chiếm một phần khiêm tốn trong lựa chọn của Gen Z.

Về thức uống, không thể phủ nhận sự “lên ngôi” của trà sữa trong thói quen tiêu dùng của Gen Z. Trên thực tế, chính Gen Z là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của loại đồ uống này, với sự xuất hiện của các thương hiệu trà sữa lớn nhỏ khắp mọi cung đường, hy vọng giành được một chỗ đứng trong thị trường “béo bở” nhưng cũng không kém phần khốc liệt này.

Hiện nay, tỉ lệ tiêu thụ trà sữa của Gen Z cao gấp 6 lần các thế hệ khác. Điều này đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cafe và đồ uống có cồn từng rất phổ biến trong quá khứ. Tính tới quý 2 năm 2016, số lượt ghé thăm các tiệm cafe giảm 6%, trong khi con số này đối với các tiệm trà sữa lại tăng vọt 117%

Tiếp cận Gen Z ra sao?

Để tiếp cận gen Z, hay bất kì nhóm khách hàng nào, marketer đầu cần xuất phát từ sự thật ngầm hiểu (insight) trong tâm lý của họ, kết hợp với việc trau dồi và phân tích những thông tin về hành vi, thói quen của người tiêu dùng thông qua các báo cáo thị trường. 

Có thể thấy, nếu như đi ăn ngoài là “lẽ sống” thứ nhất của Gen Z thì “lẽ sống” thứ hai chính là thiết bị di động. Khi có nhu cầu tìm hiểu về thương hiệu, thiết bị di động là lựa chọn đầu tiên của Gen Z, do đó, trong nhiều trường hợp đây cũng chính là điểm chạm đầu tiên của họ với thương hiệu. Thu hút sự chú ý của Gen Z trên các nền tảng chạy trên thiết bị di động và mang lại cho họ những trải nghiệm tốt nhất trên các nền tảng này là yêu cầu không thể thiếu với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B. Hình ảnh không gian quán đẹp mắt, món ăn ngon, dịch vụ order, ship hàng tiện lợi chỉ bằng một vài thao tác trên màn hình điện thoại chắc chắn sẽ giúp thương hiệu “ăn điểm” trong mắt Gen Z.

Mặc dù “dành cả thanh xuân” cho Internet, Gen Z lại có xu hướng đa nghi hơn các thế hệ khác trước thông tin mà họ tiếp nhận hàng ngày. Phần lớn trả lời rằng họ tin tưởng ý kiến của người thân và các chuyên gia hơn là online feedback hay review từ người nổi tiếng. Tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin mang lại cho Gen Z cơ sở vững chắc hơn trong việc so sánh các địa điểm ăn uống khác nhau, tiêu chuẩn và kỳ vọng của họ đối với các địa điểm này cũng vì thế mà cao hơn so với các thế hệ khác. Đa nghi, hiểu biết và kỹ tính, Gen Z sẽ khó mà “tha thứ” cho những chiêu trò marketing thiếu đi sự chân thành. Nếu không muốn bị Gen Z “quay lưng”, marketers cần đảm bảo luôn làm tròn lời hứa của mình, từ chất lượng đồ ăn, thức uống cho tới dịch vụ, giá cả, thay vì chỉ chăm chăm tạo nên một hình ảnh “lung linh”, “không tì vết” trên mạng xã hội.

Cùng với thói quen sử dụng thiết bị di động, chia sẻ trên mạng xã hội là cách thức Gen Z kết nối và duy trì các mối quan hệ cá nhân. 60% trả lời rằng các mối quan hệ của họ trở nên tốt đẹp hơn khi kết nối online và 55% sử dụng mạng xã hội để mở rộng các mối quan hệ của mình. Nhu cầu chia sẻ và kết nối online đồng nghĩa với việc Gen Z luôn muốn biết bạn bè, người thân của mình ăn gì, làm gì, ở đâu…

Áp dụng ra sao cho marketers ngành F&B? Hãy tạo ra những không gian được thiết kế đẹp mắt, thoải mái, phù hợp cho việc tụ tập bạn bè, check-in “sống ảo” cũng như những món ăn được bài trí “ngon cả con mắt”, khiến Gen Z không thể “làm ngơ” mà buộc phải rút điện thoại ra và chia sẻ những khoảnh khắc này với bạn bè và người thân của mình.

Tạm kết

Đã và đang bước vào độ tuổi lao động với thu nhập độc lập, cùng thói quen ăn ngoài, sử dụng thiết bị di động và nhu cầu chia sẻ cao hơn các thế hệ khác, Gen Z hứa hẹn mang lại những cơ hội và định hướng mới mẻ cho marketing nói chung và trong ngành F&B nói riêng. Có thể thấy, dù trong bất cứ ngành hàng nào, tinh thần luôn hướng về khách hàng, nắm rõ thói quen, sở thích, hành vi, sự thật ngầm hiểu của họ sẽ luôn là nguyên tắc hàng đầu cho những hoạt động marketing hiệu quả về sau. Đừng bỏ lỡ khóa học Marketing Foundation để nắm vững những kiến thức và kĩ năng cơ bản trong việc tìm kiếm insight khách hàng, đọc và phân tích báo cáo thị trường – yêu cầu không thể thiếu đối với một marketers hiện đại.