Tomorrow Marketers – Để lên ý tưởng cho chiến dịch, chắc chắn bạn cần tới hơn “một cái đầu”. Brainstorm vẫn là phương pháp thu thập ý tưởng phổ biến nhất hiện nay. Thế nhưng liệu brainstorm có đơn giản là tạo ra một không gian thoải mái nơi các thành viên có thể tự do bày tỏ ý kiến?
1. Một số nguyên tắc để brainstorm hiệu quả
1.1. Không thành kiến
Để đảm bảo mọi thành viên được phát triển tối đa sức sáng tạo của mình, không một ý tưởng nào xứng đáng bị gọi bằng những tính từ đầy thành kiến như “điên rồ”, “viển vông”, “ngốc”,… Ngoài ra, các thành viên còn cần tránh ngôn ngữ cơ thể tiêu cực có thể gây tổn thương cho người khác như cười chế nhạo, đảo mắt, thở dài chán chường…
1.2. Không sa đà vào thực thi
Một ý tưởng hay có thể khiến các thành viên say mê bàn luận về cách thức thực hiện chúng mà quên đi mục đích ban đầu của buổi brainstorm, đó là thu thập số lượng ý tưởng lớn nhất có thể. Trách nhiệm của người điều phối đó là đưa các ý tưởng tiềm năng nhất vào một danh sách cân nhắc sau và khuyến khích mọi người tiếp tục nghĩ thêm các ý tưởng khác. Cách thức này giúp cho những ý tưởng hay không bị bỏ quên, và thời gian để cân nhắc chúng sau đó cũng trở nên chất lượng hơn.
1.3. Không sợ hãi
Nỗi lo đưa ra “đáp án sai” không phải của riêng ai, khi mà hầu hết chúng ta đều trải qua giai đoạn cắp sách đến trường, nơi mà phần lớn thời gian chỉ một đáp án đúng được chấp nhận. Tâm lý này có thể cản trở sự sáng tạo rất cần cho một chiến dịch thành công. Cách tốt nhất là người điều phối/ leader làm gương cho toàn bộ team, bằng cách đưa ra những ý tưởng “có vẻ điên rồ” một cách thoải mái và cởi mở.
1.4. Không nhìn về quá khứ
Chỉ vì một ý tưởng không khả thi trong quá khứ không có nghĩa đó là một ý tưởng vô dụng. Sự thay đổi của hoàn cảnh, điều kiện công nghệ, tình hình của thị trường,… có thể khiến một ý tưởng “viển vông” trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Ngoài ra, ngay cả những ý tưởng không sử dụng được cũng có thể trở thành nền tảng giúp bạn khai mở suy nghĩ của một theo một chiều hướng mới lạ.
1.5. Không “bỏ sót” một ai
Tổ chức team ngồi theo vòng tròn và dành lượt cho mỗi người trình bày ý tưởng của mình cách để khuyến khích tất cả các thành viên đóng góp cho buổi brainstorm, bao gồm những thành viên có tính cách hướng nội hay những thành viên mới gia nhập. Tuy nhiên, cách thức này có thể gây giảm sút tinh thần cho những thành viên năng nổ hơn, do đó bạn có thể chia buổi brainstorm thành hai phần: phần trình bày theo lượt và trình bày tự do. Ngoài ra, với những thành viên trầm tính và dè dặt tại nơi đông người, hãy thông báo trước cho họ về buổi brainstorm và khuyến khích họ nghĩ chuẩn bị trước ý tưởng của mình.
1.6. Không lạc đề
Một ý tưởng được đưa ra có thể khiến ai đó trong team nghĩ tới một câu chuyện và bắt đầu “buôn dưa lê” về nó, hay khiến cho toàn bộ team chuyển sang một chủ đề hoàn toàn không liên quan. Những thay đổi này có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực cho không khí của buổi brainstorm, thế nhưng hãy cẩn thận khi tình trạng này kéo dài bởi nó có thể khiến cho những ý tưởng được đưa ra về sau không còn phục vụ cho vấn đề ban đầu nữa.
1.7. Có giới hạn cụ thể
Sự cởi mở và thoải mái đóng vai trò quan trọng cho thành công của buổi brainstorm, tuy nhiên, sẽ rất mông lung cho các thành viên nếu họ không được giao một “đề bài” cụ thể. Trách nhiệm của leader/ người điều phối là đưa ra giới hạn về những vấn đề cần giải quyết và nhắc nhở các thành viên về giới hạn này trong quá trình brainstorm diễn ra.
Brainstorm sẽ không dừng lại cho tới khi những ý tưởng tiềm năng nhất được chọn ra. Tới lượt mình, các ý tưởng này sẽ tiếp tục trải qua quá trình hoàn thiện trước khi được sử dụng cho chiến dịch. Trong giai đoạn này, các thành viên trong team cần cân nhắc một số yếu tố như khả năng thực thi ý tưởng trong nguồn lực hiện có, đặc điểm của thương hiệu, so sánh với đối thủ cạnh tranh vv…
Đọc thêm: 7 Cách Lên Ý Tưởng Cho Chiến Dịch Truyền Thông
2. Có những kỹ thuật nào để brainstorm?
2.1. Storyboarding
Storyboard rất có ích trong việc phát triển câu chuyện hoặc quy trình công việc một cách trực quan và xuyên suốt. Nhờ vậy, bạn sẽ có thêm mối liên kết mới để tạo thành một giải pháp.
Sau khi đã có nhóm các thông tin về vấn đề, các rào cản,… bạn có thể thử sắp xếp chúng trên bảng theo một quy trình giống như một câu chuyện theo các mối quan hệ nhân – quả và tuần tự theo trình tự thời gian.
2.2. Mind Mapping
Đây là một cách tuyệt vời để sắp xếp và tổ chức các ý tưởng một cách hệ thống.
Ví dụ: nếu vấn đề của bạn là traffic website thấp, một số vấn đề bạn sẽ cần quan tâm để tìm ra vấn đề và next step để giải quyết như: organic traffic, paid traffic,…. Khi bản đồ tư duy của bạn có các nhánh lớn đầu tiên này, hãy bổ nhỏ và thêm các nhánh bên dưới: ví dụ đối với “organic traffic”, bạn sẽ cần quan tâm “chất lượng nội dung”, “SEO keyword”,… trong khi với “paid traffic”, bạn sẽ cần quan tâm “backlink”, “link building”, “SEM”,…
2.3. Group Sketching
Tư duy bằng hình ảnh có thể giúp kích hoạt và phát triển các ý tưởng xoay quanh một khái niệm hoặc chủ đề mà bạn muốn khám phá thêm. Lần lượt mỗi thành viên sẽ phác thảo một ý tưởng trên cùng một mảnh giấy.
Những hình ảnh cuối cùng sau đó được thảo luận với mục đích khám phá các ý tưởng mà các cá nhân không tự phát hiện ra.
2.4. Questioning Assumptions
Kỹ thuật này buộc bạn phải đặt ra các giả định về vấn đề cần thảo luận, từ đó chất vấn và phản biện từng giả định.
2.5. Wishing
Trò chơi này khuyến khích người tham gia đặt ra những mơ ước và giải pháp phi thực tế nhất có liên quan tới chủ đề. Sau đó tập hợp, thảo luận và đưa ra các ý tưởng thực tế hơn dựa trên những ý tưởng phi thực tế đó.
Tạm kết
Dù được tổ chức theo phương thức nào, mục đích cuối cùng của buổi brainstorm là thu thập được thật nhiều ý tưởng cho một vấn đề nào đó. Do đó, duy trì không khí cởi mở, không thành kiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự đóng góp của mọi thành viên là một yêu cầu không thể bỏ qua.
Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.