Các bước chạy chiến dịch truyền thông hoàn chỉnh

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong hoạt động marketing, chạy chiến dịch truyền thông là một giai đoạn mà kĩ năng thực thi được đòi hỏi hơn bao giờ hết. Có rất nhiều đầu việc mà bạn và team cần phải đảm nhiệm, trong đó bao gồm

1. Nhận và giải brief

Brief là văn bản client gửi tới agency chứa đựng các thông tin giúp agency hiểu được yêu cầu của mình. Không phải cứ nhận brief là agency có thể ngay lập tức lên kế hoạch truyền thông. Brief cần phải trải qua một giai đoạn phân tích, thường được gọi là giải brief nhằm sắp xếp và hệ thống hóa các thông tin trước khi đưa vào kế hoạch. Giải brief giúp agency bám sát được yêu cầu của client và định hướng đúng đắn cho toàn bộ các hoạt động về sau.

2. Lên ý tưởng cho chiến dịch

Lên ý tưởng là một bước không thể thiếu và cũng là một trong những thử thách lớn nhất đối với marketers khi thực thi chiến dịch truyền thông. Không hề dễ dàng để có được một ý tưởng hay và khả thi, do đó, marketers cần thường xuyên quan sát những gì xảy ra quanh mình, nghiên cứu chúng và nhờ tới sự trợ giúp của đồng đội thông qua các buổi brainstorm. Ngay cả khi đã “chốt” được ý tưởng, marketers vẫn cần phải đào sâu và “mài giũa” giúp ý tưởng trở nên hoàn thiện hơn trước khi áp dụng cho chiến dịch của mình.

Đây là một bước không thể thiếu và cũng là một trong những thử thách lớn nhất đối với marketers khi thực thi chiến dịch truyền thông. Không hề dễ dàng để có được một ý tưởng hay và khả thi, do đó, marketers cần thường xuyên quan sát những gì xảy ra quanh mình, nghiên cứu hoạt động của đối thủ, lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, đừng quên tổ chức các buổi brainstorm để nhờ tới sự trợ giúp của đồng đội. Ngay cả khi đã “chốt” được ý tưởng, marketers vẫn cần phải đào sâu và “mài giũa” giúp ý tưởng trở nên hoàn thiện hơn trước khi áp dụng cho chiến dịch của mình.

Một số câu hỏi mà marketers có thể cân nhắc bao gồm:

  • Ý tưởng có trùng lặp với thương hiệu khác hay không?
  • Ý tưởng có phù hợp với cá tính thương hiệu?
  • Ý tưởng có quá nhạy cảm hay dễ gây tranh cãi?
  • Sẽ mất chi phí bao nhiêu để thực hiện ý tưởng? Chi phí này có đáng hay không?

3. Xây dựng nội dung

Khi mà người tiêu dùng đang ngày càng thờ ơ với khối lượng lớn quảng cáo mà họ phải tiếp xúc hằng ngày, nói tốt về bản thân là không đủ để doanh nghiệp thu hút sự chú ý về phía mình cũng như xây dựng tình yêu đối với thương hiệu. Do đó, nhiệm vụ của marketer là sáng tạo ra những nội dung bổ ích, có giá trị đối với người tiêu dùng, nhưng đồng thời cần phải đảm bảo những nội dung này đủ hấp dẫn để “mời gọi” trí tò mò của họ. Marketer cần phải trang bị cho mình hiểu biết và khả năng sử dụng thành thạo các kĩ thuật, công thức copywriting, có như vậy, content hay mới không bị bỏ qua và lãng quên.

Ngoài ra, nội dung còn cần được xây dựng phù hợp với kênh mà nó sẽ được phân phối. Chẳng hạn, số chữ trên bài đăng fanpage Facebook không nên quá nhiều, tránh để người đọc phải ấn vào “đọc thêm” và bị chuyển sang cửa sổ mới, gây phiền hà và tốn thời gian.

Đọc thêm: Phân biệt branded và unbranded content 

4. Thẩm định thiết kế

Nếu chỉ nhận định sản phẩm thiết kế dựa trên cảm nhận cá nhân về cái đẹp, marketer rất dễ rơi vào tình trạng bất đồng quan điểm với designer và có nguy cơ làm chậm tiến độ của chiến dịch. Chắc chắn rằng việc “thông tỏ” mọi “ngõ ngách” trong ngành design là không cần thiết, thế nhưng hiểu biết về những nguyên tắc thiết kế cơ bản như bố cục, màu sắc, chữ… sẽ giúp marketer đưa ra những nhận xét khách quan và có cơ sở hơn, từ đó làm việc ăn ý hơn với designer để cho ra đời những sản phẩm visual hiệu quả. Chẳng hạn, thay vì nói với designer rằng bạn cảm thấy thiết kế này “xấu” hay “không phù hợp”, hãy đưa ra những góp ý cụ thể: Màu sắc đã đúng với thương hiệu hay chưa? Khoảng trống đã đủ để người đọc không bị rối mắt? Những thông tin quan trọng nhất liệu đã đủ nổi bật?

Đọc thêm: Không Biết Design Thì Làm Việc Với Designer Thế Nào?

5. Quản lý quảng cáo

Khó có một marketer nào có thể loại bỏ Facebook ra khỏi chiến dịch truyền thông của mình khi mà đây là kênh có khả năng tiếp cận một số lượng người khổng lồ với chi phí hợp lý. Chạy quảng cáo trên Facebook không chỉ đơn thuần là sử dụng những công cụ có sẵn và áp dụng sát với lý thuyết. Một quảng cáo hiệu quả yêu cầu không chỉ nội dung hấp dẫn, hình ảnh lôi cuốn mà còn là tư duy vận hành, quản lý quảng cáo, từ việc xác định mục đích của quảng cáo (tăng lượng tương tác, tăng traffic tới website…) cho tới nhắm chọn mục tiêu (Độ tuổi, giới tính, sở thích, hành vi…), lựa chọn vị trí (News feed, cột phải hay, messenger…) và thời gian đặt quảng cáo (cả ngày hay theo những múi giờ nhất định). Tư duy quảng cáo còn ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách cho chiến dịch, khi mà marketers cần phải đưa ra quyết định ngừng quảng cáo nào, tiếp tục quảng cáo nào, tăng giảm ngân sách ra sao để quảng cáo ngày một hiệu quả.

Tạm kết

Để chạy một chiến dịch truyền thông hoàn chỉnh, marketers cần thực hiện các bước sau: Nhận và giải brief, lên ý tưởng cho chiến dịch, xây dựng nội dung, thẩm định thiết kế và quản lý quảng cáo. Từng bước trong chiến dịch đều có sự liên quan mật thiết với nhau và thành công của chiến dịch phụ thuộc vào việc từng bước có được tối đa hiệu quả hay không. Điều này yêu cầu các thành viên trong team theo dõi, trao đổi thông tin liên tục nhằm đưa ra những điều chỉnh khi cần thiết trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch.

Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!