Tomorrow Marketers – Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lan rộng trên phạm vi toàn cầu với diễn biến khó lường. Tính đến sáng ngày 11/3/2020, đã có hơn 100.000 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh tại gần 100 quốc gia trên thế giới, với khoảng 4.000 ca tử vong – 80% trong số đó là các ca ở Trung Quốc đại lục.
Mặc dù các biện pháp phòng ngừa dịch đang được các nước ráo riết thực hiện, điển hình là việc chính phủ Ý phong tỏa toàn đất nước và Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp tại các bang trung tâm như California, New York trong những ngày vừa qua, song tình hình kinh tế toàn cầu vẫn chưa hề có tín hiệu khả quan hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty lớn như Apple và Nvidia bị sụt giảm thu nhập nghiêm trọng trong những quý gần đây và đã tiến hành cắt giảm mức thu nhập kỳ vọng của họ trong tương lai gần. Tương tự, hoạt động kinh doanh của các startups cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến các startups ra sao?
Do nhu cầu hàng hóa bị gián đoạn bởi các khâu kiểm dịch, cùng với đó là các vấn đề của phía nhà cung ứng như: năng suất lao động giảm, chuỗi cung ứng rối loạn và các nhà máy bị đóng cửa, các doanh nghiệp nói chung và các startups nói riêng sẽ hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng.
Thiếu nhân lực, năng suất lao động suy giảm
Thông thường, các startups hoạt động với cơ cấu tổ chức tinh gọn nên một nhân viên có thể đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể khiến năng suất lao động suy giảm do mỗi người phải bận tâm đến các vấn đề cá nhân khác ngoài công việc như chăm sóc sức khỏe cho bản thân, mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình, chăm sóc trẻ em trong lúc trường học đóng cửa, v.v… Thậm chí, theo một khảo sát do kênh truyền hình CNBC thực hiện vào hai tuần trước, khoảng 40% các công ty có nhân viên gặp trở ngại trong việc đến cơ quan làm việc. Tần suất vắng mặt của nhân viên dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng, và các startups có thể không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ phép liên tục của nhiều nhân viên hoặc đối mặt với tình trạng hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Số lượng, chất lượng sản phẩm không đảm bảo
Kể từ tháng 1/2020, số lượng lô hàng rời khỏi Trung Quốc đã giảm hơn 70%, và khoảng 40% công suất xe tải của Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại. Như vậy, các chuỗi cung ứng chỉ hợp tác với một số các nhà cung cấp nhất định (đặc biệt là Trung Quốc) sẽ bị gián đoạn, tắc nghẽn dẫn đến việc thiếu hụt hoặc giảm chất lượng sản phẩm. Tiếp đến, chuỗi cung ứng “mềm” giữa các startups mảng dịch vụ và các đối tác về pháp lý, giao vận bị gián đoạn có thể dẫn đến việc trì hoãn xác thực đơn hàng, ký kết hợp đồng hoặc thu thập dữ liệu khách hàng, tạo ra những lỗ hổng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ngoài ra, do dòng doanh thu của các startups thường chỉ đến từ một hoặc một số hợp đồng nhỏ nên khi chuỗi cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ bị tắc nghẽn, hoạt động kinh doanh có thể bị tê liệt trong thời gian ngắn và ảnh hưởng đến quy mô, danh tiếng của công ty về lâu dài.
Tạm dừng hoạt động hoặc tìm các giải pháp thay thế
Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên và tìm cách ứng phó với những biến động của chuỗi cung ứng, các startups có thể phải cân nhắc việc hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian. Tại Mỹ, các doanh nghiệp còn sử dụng một số biện pháp thay thế khác như chuyển đổi nguồn lực lao động thể chất (công nhân) sang nguồn lực lao động máy móc vào ban đêm.
Các startups cần làm gì để duy trì hoạt động kinh doanh trước ảnh hưởng của COVID-19?
Trước ảnh hưởng của COVID-19, những yếu tố thuộc về chuỗi cung ứng sẽ rất khó thay đổi và ổn định trở lại. Tuy nhiên, dưới đây là một số gợi ý mà các chủ startups, nhà đầu tư, đối tác và khách hàng (clients) có thể thực hiện để chống lại mối đe dọa do dịch bệnh gây ra.
Về hoạt động, cơ cấu tổ chức và tài chính
- Xây dựng nền tảng: Các startups thường chỉ tập trung vào khâu bán hàng, làm marketing mà bỏ qua những vấn đề cốt lõi khác như kế toán, quản trị tài chính, huấn luyện nhân viên, xây dựng và tối ưu hoá các công cụ tự động hoá, v.v… Do vậy, đây là thời điểm các startups nên tận dụng để hoàn thiện những việc này.
- Làm quen với làm việc từ xa (teleworking): Các startups có thể từng bước thực hiện việc chuyển đổi cách thức làm việc offline sang online bằng cách thiết lập một hệ thống giao tiếp kỹ thuật số (digital communication) ổn định để đảm bảo năng suất làm việc. Một số công cụ hữu hiệu có thể kể đến như Zoom, Skype, Hangout (họp online); Asana, Trello, Slack (công cụ làm việc và quản trị dự án); Viber, Telegram, Zalo, Mesenger (công cụ chat). Nhiều doanh nghiệp vẫn quen thuộc với cách làm việc truyền thống, đây là cơ hội để làm quen với cách làm việc từ xa – xu thế của tương lai. Lưu ý, do quy trình làm việc online có thể bị gián đoạn, mọi người có thể cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc nên các startups cần đặt ra ưu tiên rõ ràng cho từng việc và tạo sự linh hoạt về giờ giấc làm việc, thời hạn xử lý công việc, …
- Chuyển đổi kênh bán hàng từ offline sang online: Do lo ngại dịch bệnh lây lan, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm online và chọn những sản phẩm tiện lợi, có thể giao hàng tận nhà. Để đảm bảo doanh thu, các startups cần đưa ra những phương án phù hợp để đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên các kênh online, đồng thời chuyển đổi các sản phẩm sử dụng tại chỗ (on-premise) sang những sản phẩm có thể mang về nhà (in-home).
- Cắt giảm chi phí, tăng nguồn vốn dự phòng: Các chi phí không cần thiết có thể cắt giảm, ví dụ như chi phí thuê văn phòng (nếu làm việc online), chi phí marketing (chuyển chi phí xây dựng thương hiệu sang xây dựng kênh bán hàng online), chi phí nhân viên (chỉ giữ lại những nhân sự cần thiết và có khả năng thích ứng với những thay đổi hiện tại), ưu tiên các chi phí có thể tạo ra doanh thu, tạm gác lại các chi phí đầu tư cho tài sản vô hình…
- Ưu tiên doanh thu ngắn hạn hơn tăng trưởng dài hạn: về mặt tài chính, trong phạm vi có thể, các CEO có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh của họ để đưa mục tiêu đạt doanh thu lên cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng công ty trong ngắn hạn, đảm bảo thanh khoản trước biến động của nguồn cung ứng hoặc nhu cầu tiêu dùng. Điều này có thể đạt được thông qua việc ký kết những hợp đồng quy mô nhỏ (thay vì mạo hiểm ôm lấy những hợp đồng lớn).
- Tăng cường Cross-functional collaboration – Cộng tác liên chức năng: Sự phân chia ranh giới chuyên môn một cách cứng nhắc trở thành rào cản hạn chế sự phát triển của tổ chức. Trong bối cảnh thời đại số đầy biến động, thị trường thay đổi chóng mặt, linh hoạt để thích nghi, tốc độ để bắt nhịp và cải tiến chính là chìa khoá giúp doanh nghiệp sống sót và cạnh tranh mạnh mẽ. Trong thời điểm này, việc xây dựng cơ cấu tổ chức theo mô hình cross-function là vô cùng phù hợp. Các công ty có thể đào tạo chéo (cross-train) nhân viên và đưa ra một quy trình làm việc rõ ràng để đề phòng rủi ro thiếu hụt nhân sự.
- Nâng cao kỹ năng quản trị bản thân của nhân viên: Một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi làm việc online đó là quản trị bản thân, do đó mỗi nhân viên cần phải biến mình thành một chuyên viên – không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải biết quản lý công việc, hoàn thành KPI theo đúng deadline.
Về việc dự đoán, đề phòng rủi ro và định hướng hoạt động
Các nhà đầu tư cũng chính là những người có khả năng cứu vớt tình hình khó khăn của các startups. Ngoài việc bổ sung thêm nguồn vốn dự phòng, dựa vào chuyên môn và mối quan hệ của các nhà đầu tư, những tư vấn kịp thời về kỹ năng lãnh đạo sẽ giúp các startups nâng cao khả năng ứng phó với những ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19, đồng thời thúc đẩy khả năng thích nghi của các startups trước những tình huống bất trắc về sau.
Cuối cùng, đối tác và khách hàng của các startups cũng có vai trò hỗ trợ quan trọng. Do mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, việc đảm bảo hoạt động cho các startups cũng chính là đảm bảo sự sinh tồn cho bản thân họ. Vì vậy, các công ty đối tác và khách hàng cần đàm phán lại các điều khoản hợp đồng, từ đó tạo điều kiện cho việc hoạt động linh hoạt giữa hai bên trong ngắn hạn mà vẫn đảm bảo hiệu suất về dài hạn. Ngoài ra, việc điều chỉnh lại các ưu đãi, các cột mốc quan trọng trong hoạt động của các đối tác và khách hàng nhằm đảm bảo tính bảo mật trong hoạt động và tài chính cho các startups cũng là điều nên làm ở thời điểm hiện tại (nếu không ảnh hưởng đến những kỳ vọng của các đối tác và khách hàng trong tương lai).
Tạm kết
Như vậy, dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nền kinh tế nói chung và sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các startups nói riêng. Các startups cần lên kế hoạch dự phòng toàn diện, nhanh chóng thích nghi với những tình huống bất trắc để nâng cao “sức đề kháng”, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và tránh rơi vào những khủng hoảng nghiêm trọng.
Source: Bài viết được tổng hợp từ TechCrunch và ý kiến của chuyên gia tại Việt Nam.
Khóa học Marketing Foundation trang bị tư duy Marketing bài bản cho người mới bắt đầu.