Tomorrow Marketers – Yahoo Messenger là ứng dụng nhắn tin online gắn bó thân thiết một thời với bao thế hệ 8x, 9x nhưng sau ngày 5/8/2016, phiên bản đầu tiên của ứng dụng này đã chính thức ngừng hoạt động, để lại cho nhiều người dùng bao nỗi niềm, kỷ niệm về một tuổi thơ không thể nào quên.
Vậy đằng sau “cái chết” chậm rãi của Yahoo ẩn chứa những lý do sâu xa nào? Liệu đó là do người dùng “trở mặt” hay do chính bản thân công ty công nghệ – truyền thông này đã tự đẩy mình vào chỗ chết? Bài case study dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về sự sụp đổ của Yahoo Messenger thông qua mô hình 3C ( Consumer – Competitor – Company )
1. Consumer (Khách hàng): “Đáp ứng nhu cầu khách hàng chưa đến nơi đến chốn”
Ra đời vào những năm 90 khi thời đại Internet bắt đầu nổi dậy, Yahoo Messenger đã thành công khi nhắm vào phân khúc 8x 9x là những người trẻ có nhu cầu được trò chuyện, kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm 2009, khi mà smartphone bắt đầu bùng nổ, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thiết bị di động cầm tay bởi những trải nghiệm thuận lợi mà nó mang lại, Yahoo Messenger đã không đưa ra được một phiên bản di động cho ứng dụng chat của mình.
Điều này là một sai lầm lớn của Yahoo trong việc đáp ứng nhu cầu mang tính đa dạng của khách hàng. Mãi tới năm 2010, phiên bản di động đầu tiên mới xuất hiện, nhưng nó lại tiếp tục khiến người tiêu dùng phải than phiền bởi sự thiếu hụt nhiều tính năng chủ chốt của Yahoo như chưa có khả năng Buzz bạn bè, gửi file chạy không ổn định, nghiêm trọng hơn là tình trạng tin chat đôi khi không thể gửi đi. Nó trái ngược hoàn toàn với sự ổn định của Yahoo Messenger trên máy tính và tạo một tậm lý không thoải mái cho người dùng. Bên cạnh đó, những vấn đề bảo mật thông tin, hay những lỗi về tính năng ứng dụng đã góp phần làm cho ứng dụng này dần mất đi sự tin yêu của khách hàng.
2. Competitor (Đối thủ): “Chết vì chậm chân trước đối thủ”
Nhận thấy mạng xã hội là một thị trường đầy tiềm năng, các nhà đầu tư nhanh chóng lấn sân vào thị trường này, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thống trị của Yahoo. Cụ thể, Facebook trở thành một đối thủ đáng gờm khi tận dụng tình huống khó khăn của Yahoo để “xoa dịu” những khách hàng không mấy vui vẻ. Xây dựng cho mình một hệ sinh thái riêng, lấy nền tảng là mạng xã hội, Facebook thu hút được người dùng từ Yahoo! 360 – website blog lớn nhất của Yahoo, vốn đã bị đóng cửa trước đó. Không lâu sau, Facebook Messenger ra đời cung cấp nhiều tính năng ưu việt hơn như cải thiện tốc độ gửi tin nhắn, gọi video, chuyển giọng nói thành văn bản,… Thậm chí Facebook Messenger còn “chiều lòng” người tiêu dùng bằng cách cho ra đời biểu tượng cảm xúc giống như Yahoo Messenger từng làm. Có thể thấy, bằng việc thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Facebook đã dễ dàng đánh bại Yahoo để ngồi lên vị trí đầu của thời đại internet bùng nổ.
3. Company (Công ty): “Đối thủ không có lỗi, lỗi tại bản thân”
Lý do cuối cùng khiến Yahoo thành “kẻ bại trận” chính là ở những sai lầm trong nước đi chiến lược. Cụ thể, Yahoo từ chối mua lại Google, rồi lại thằng thừng “lắc đầu” với Microsoft khi họ ngỏ ý muốn sát nhập. Ngược lại, Facebook rất chủ động trong việc mở rộng mô hình kinh doanh hoặc mua lại các công ty kinh doanh nhỏ trước khi nó trở thành đối thủ của mình. Ứng dụng chat Beluga chính là ví dụ điển hình khi được biết đến là nền tảng của Facebook Messenger sau này. Giờ đây, sau khi bán mình cho Verizon, Yahoo Messenger khoác lên mình một diện mạo mới. Tuy nhiên, thứ gì đã mất thì không thể lấy lại được, Yahoo Messenger đã không còn như xưa, cũng như những cảm xúc mà 8x 9x dành cho “mối tình đầu” này sẽ mãi chỉ là quá khứ. Một thời oai hùng của đế chế công nghệ vào đầu giai đoạn internet bùng đã hoàn toàn sụp đổ bởi sự vận động không ngừng của vạn vật.
Hiện tại, Facebook đang là mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Thế nhưng, chẳng ai nói trước được điều gì về tương lai. Đã bao giờ bạn nghĩ, đến một ngày Facebook cũng sẽ sụp đổ, đi theo kịch bản dành cho những mạng xã hội đình đám một thời như Yahoo Messenger hay My Space?