Grab vs Goviet – cuộc đua “đổ máu” trong thị trường giao nhận đồ ăn

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Hoạt động tại Việt Nam chưa được bao lâu, Go-Viet tiếp tục cho ra mắt Go-Food với tham vọng đối đầu với Grab trong thị trường giao nhận đồ ăn, được dự đoán có giá trị hơn 38 triệu USD vào năm 2020. “Miếng bánh” quá hấp dẫn để có thể bỏ qua, nhưng để “sống sót” cho tới khi được nhận “trái ngọt”, trước mắt Grab và Go-Viet sẽ phải trải qua những cuộc đua nào?

Thứ nhất, cuộc đua về nhận diện thương hiệu

Trong cuộc đua nhận diện thương hiệu, cả Grab và Go-Viet đều lựa chọn chiêu thức tương tự nhau, đó là mời các nghệ sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn với giới trẻ làm đại diện thương hiệu. Cụ thể, Grab đã mời Mỹ Tâm góp mặt trong TVC mới nhất của mình với thông điệp “Gọi gì Grab nấy”, ám chỉ những tiện ích toàn diện mà Grab mang lại cho đời sống của người hiện đại. Go-Viet cũng không hề “kém cạnh” khi lựa chọn Sơn Tùng MTP trong đoạn quảng cáo Go-Food với giai điệu bắt tai của bản hit “Chạy Ngay Đi” được điều chỉnh lời cho phù hợp với nội dung mà thương hiệu muốn truyền tải. Sử dụng influencer là một chiến lược marketing không có gì mới mẻ, nhưng vẫn tỏ ra tương đối hiệu quả trong việc tạo ra cảm xúc tò mò và ấn tượng trong tâm trí đối tượng tiếp nhận. Kết quả là cả 2 video đều được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dùng.

Thứ hai, cuộc đua về khuyến mại

Liên tục tổ chức khuyến mại “khủng” như giảm giá 50% toàn bộ thức uống, miễn phí vận chuyển trong bán kính 5km hay tung khuyến mại 0 đồng cho 999 ly trà sữa, mục tiêu của cả Grab và Go-Viet không chỉ là lôi kéo người dùng mới tới ứng dụng mà còn hướng tới hình thành thói quen gọi đồ ăn trên các ứng dụng này về lâu dài. Đây là thời điểm mà cả Grab và Go-Viet đều không thể “buông tay” cho tới khi đạt được một lượng người dùng ổn định. Dĩ nhiên, để biến một người dùng mới trở thành một người dùng thường xuyên và cao hơn nữa là người dùng trung thành là một điều không hề dễ dàng, cả Grab và Go-Viet đều cần chuẩn bị kĩ càng cho một cuộc đua khuyến mại dài hơi với những “thương tích” về doanh số không thể tránh khỏi.

Thứ ba, cuộc đua với các “bậc tiền bối”

Cả Grab Food và Go-Food đều là những “tân binh” trên thị trường giao nhận đồ ăn Việt Nam, khi trước đó đã tồn tại những tên tuổi như Now, Vietnammm, Lala,… được nhiều người biết tới. Trong số này, vị trí quán quân vẫn được bảo toàn bởi Now nhờ độ nhận diện thương hiệu cao, hệ thống dày đặc các nhà hàng đối tác cùng đội xe đông đảo, đem lại lựa chọn phong phú cho người dùng. Bên cạnh đó, Now vẫn tiếp tục bảo vệ “thành trì” khách hàng của mình bằng cách tung ra các khuyến mại hàng ngày như giảm giá 20 – 50% cho đơn hàng từ 50k trở lên, freeship tối đa 20k hay freeship cho người dùng tài khoản Airpay,… Vừa chưa có được những lợi thế như Now, Grab và Go-Viet còn phải đối mặt với bài toán khó trong hệ thống hoạt động của mình do tới giờ hai nền tảng này mới chỉ dừng lại ở việc tài xế ứng tiền mua đồ ăn theo yêu cầu của khách. Kết quả là nhiều tài xế không quá mặn mà với dịch vụ này khi họ có thể phải chịu thiệt nếu khách đột ngột hủy đơn hàng hay vì một lý do nào đó mà không nhận đồ ăn đã đặt.

Điều gì sẽ quyết định chiến thắng của Grab hay Go-Viet trong 3 cuộc đua này? Trước mắt, đó là tiền: tiền để duy trì khuyến mại sâu với doanh thu ít ỏi, tiền thưởng hấp dẫn cho đội ngũ tài xế giao nhận đồ ăn, tiền chiết khấu, ưu đãi nhằm thu hút thêm các nhà hàng đối tác. Cuộc đua trong thị trường giao nhận đồ ăn đang ngày một mang dáng dấp của cuộc đua “đốt tiền” trong thị trường thương mại điện tử, khi các “tay đua” Tiki, Shopee, Lazada,… cắn răng chịu lỗ tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, sống dựa hoàn toàn vào vốn đầu tư để chờ ngày đối thủ “chết vì cạn tiền”.

Bạn có tò mò về cách thức thực hiện marketing một cách bài bản từ các thương hiệu lớn? Đừng bỏ lỡ khóa học Marketing Foundation để trang bị cho mình kiến thức và tư duy marketing nền tảng từ các tập đoàn đa quốc gia nhé.