Tomorrow Marketers – Thu hút hàng triệu lượt xem, luôn trở thành đề tài bàn luận mỗi khi có tập mới, Shark Tank nổi lên như một hiện tượng lạ giữa vô vàn các chương trình truyền hình. Lạ ở chỗ, Shark Tank không hề có sự góp mặt của một nghệ sĩ nổi tiếng nào, chủ đề đem ra bàn luận lại là chuyện kinh doanh, chứ không phải những tiết mục giải trí, ấy thế mà vẫn “hot”, vẫn “viral”. Sức hút của Shark Tank đến từ đâu? Ở góc độ truyền thông, chúng ta có thể học hỏi gì từ show thực tế này?
1. Thấu hiểu tâm lí khán giả
Kinh doanh, khởi nghiệp đối với phần lớn khán giả vẫn là một vấn đề vĩ mô, khô khan. Nếu chỉ tập trung vào tính chuyên môn, học thuật, Shark Tank có lẽ đã giống như nhiều chương trình truyền hình về kinh doanh khác của Việt Nam- không thể thu hút đối tượng khán giả trẻ. Thay vào đó, Shark Tank nói về tiền, về chuyện làm giàu, về giấc mơ đổi đời- vẫn là chủ đề kinh doanh thôi nhưng chẳng phải nghe hấp dẫn hơn rất nhiều sao?
Những màn gọi vốn bạc tỷ vốn xa vời nay trở thành một game show, phơi bày trước mắt tất cả mọi người. Sau 10 phút trình bày và phản biện căng thẳng, người chơi “bỏ túi” cả tỉ đồng. Khán giả chỉ xem thôi cũng cảm thấy chính mình đang ở trong trò chơi tiền bạc ấy, tham gia vào mọi diễn biến cuộc gọi vốn. Ai lại không thích sự kịch tính như vậy chứ? Nhất là đối với người Việt vốn “máu làm giàu” và thích đổi đời.
2. Kích thích tranh luận từ khán giả
Mỗi tập Shark Tank lên sóng, lại có rất nhiều câu chuyện để bàn tán. Chuyện về 2 cậu sinh viên “bỏ túi’ 3 tỉ đồng chỉ sau 5 phút, chuyện về một start-up “không có gì nổi bật” nhưng lại gọi vốn thành công ngoài mong đợi. Mỗi cuộc thương lượng trên thực tế dài hơn nhiều so với mười mấy phút trên truyền hình, khán giả không thấy được bức tranh toàn thể nên xuất hiện tranh luận trái chiều cũng là điều dễ hiểu.
Về phía mình, Shark Tank cũng rất chủ động kích thích khán giả chia sẻ quan điểm. Bằng việc đăng ảnh start-up dự thi, những trích đoạn video kèm những câu hỏi gợi mở, Shark Tank đã mở ra không gian để mọi người tự do tranh luận, thể hiện tư duy kinh doanh của mình. Càng nhiều tranh luận, cái tên Shark Tank càng được nhắc tới nhiều, lượt views càng tăng.
3. Tối đa hóa tầm ảnh hưởng của các Sharks
Shark Tank không có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như The Face, The Voice,… Các Sharks, tuy là những doanh nhân thành công, nhưng lại chỉ được biết đến bởi một bộ phận khán giả nhất định. Vậy làm thế nào để lan tỏa tầm ảnh hưởng của “dàn cá mập”? Câu trả lời chính là khiến họ nổi tiếng. Bằng cách khai thác các thành tích đáng nể, những câu chuyện vươn lên từ thất bại của các Sharks, Shark Tank đã giúp hình ảnh của họ gần gũi hơn với khán giả đại chúng (mass audience).
Điển hình chính là câu chuyện về “soái cơ khởi nghiệp” Lê Đăng Khoa (Shark Khoa) hay những phát ngôn về khởi nghiệp của Shark Nguyễn Xuân Phú. Khi mà giới trẻ ngày càng hứng thú và đam mê khởi nghiệp, các Sharks chính là những thần tượng để họ học hỏi. Và tầm ảnh hưởng của những “thần tượng” này cũng không hề kém những nghệ sĩ giải trí đâu nhé ^^
4. Sử dụng linh hoạt các kênh truyền thông
Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, ngày càng ít dành thời thời gian để xem TV. Giờ phát sóng của Shark Tank lại rơi vào 11h trưa, chứ không phải khung giờ vàng buổi tối. Để khắc phục khó khăn này, Shark Tank đã mở rộng thêm các media channel như Facebook, Youtube,… Bên cạnh các kênh tự sở hữu (owned media), Shark Tank còn xuất hiện trên nhiều kênh earned media khác.
Ngoài việc tiếp cận tới nhiều khán giả hơn, sự đa dạng media channel cũng giúp Shark Tank gợi nhắc và ở một tỉ lệ nhất định, “lôi kéo” khán giả về VTV 3- kênh phát sóng chính thức của chương trình. Bởi suy cho cùng, lợi nhuận từ quảng cáo truyền hình mới là đích đến cuối cùng của mọi show thực tế.
Đối với một show truyền hình thực tế, truyền thông là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công. Hi vọng các Marketers trẻ đã có thêm những bài học bổ ích qua bài viết của TM ^^