2018 đã đi tới những ngày cuối cùng, khép lại một năm chứng kiến vô số biến động đối với các thương hiệu:
➤ Vietjet – Màn PR thành công hay thất bại?
➤ Uber – Grab – Thương vụ sáp nhập lớn nhất giới công nghệ Đông Nam Á 2018
➤ Facebook – Rò rỉ thông tin 50 triệu khách hàng
➤ Shopee – Gây “ám ảnh” bằng “trường ca” Baby Shark
Và còn điều thú vị gì nữa? Hãy cùng nhìn lại các sự kiện nổi bật trong năm qua và đúc kết cho mình những bài học đáng nhớ nhé!
1. Vietjet – Màn PR thành công hay thất bại?
Sau trận chung kết lịch sử, dù không mang về chức vô địch, U23 vẫn được xem như con cưng và là niềm tự hào của cả dân tộc. Ngay lập tức, Vietjet Air nắm lấy cơ hội để trở thành hãng hàng không độc quyền đón cả đội tuyển Việt Nam về nước.
Tuy nhiên, sự việc trở thành khủng hoảng truyền thông khi VietJet biến “chuyến bay yêu nước” thành một “bikini show” không thể “xôi thịt” hơn. Nhờ đó, Vietjet nhận hàng ngàn lượt share và phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng. Độ lan tỏa của dư luận còn tăng lên gấp bội khi lời xin lỗi của Vietjet Air được cho là lấp liếm và thiếu trách nhiệm.
Dù sau khủng hoảng, báo cáo doanh thu không hề suy giảm, nhưng cảm tình của khách hàng đối với Vietjet Air bị ảnh hưởng trầm trọng. “Rẻ tiền”, “phản cảm”, “xôi thịt” là những từ khách hàng nhắc tới khi nói về hãng hàng không này. Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng thương hiệu nhất quán là “hãng hàng không giá rẻ”, liệu Vietjet coi chiến dịch này là thất bại hay thành công?
2. Spotify – Tham vọng thay đổi thói quen “nghe nhạc lậu” của người Việt
Ngày 13/3, Spotify chính thức gia nhập “đại gia đình” âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Đối đầu với cái tên lớn như Zing MP3 hay Nhaccuatui, “tân binh nước ngoài” Spotify đã làm gì để giành lấy trái tim người yêu nhạc?
- Sử dụng dữ liệu nền tảng để nâng cao trải nghiệm người dùng
Điều Spotify tự hào nhất chính là công nghệ. Bằng việc sử dụng Big Data và thuật toán AI, Spotify tiến hành phân tích và ghi nhớ dữ liệu về thói quen tiêu thụ âm nhạc trực tuyến, từ đó đề xuất các playlist phù hợp với tâm trạng người dùng. 3 tính năng nổi bật của ứng dụng này là Daily Mix (playlist tập hợp các ca khúc yêu thích được cập nhật hàng ngày), Release Radar (playlist tập hợp các bài hát của nghệ sĩ yêu thích) và Discover Weekly (playlist phát triển từ thói quen nghe nhạc của người dùng).
- Cung cấp giải pháp quảng cáo hiệu quả
Bằng việc phân tích, đề xuất chính xác giai điệu phù hợp với từng khoảnh khắc, Spotify cũng mở ra phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả cho các marketers “moment-targeting”.
- Sở hữu nền tảng stream âm nhạc lớn nhất thế giới
Spotify có trong tay hệ thống dữ liệu người dùng đáng nể. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, nơi mà người dùng chưa sẵn sàng chi trả cho các ca khúc độc quyền, Spotify sẽ cần rất nhiều thời gian và kiên nhẫn để hoàn thành sứ mệnh “phổ cập nhạc bản quyền” của mình.
3. Uber – Grab – Thương vụ sáp nhập lớn nhất giới công nghệ Đông Nam Á 2018
Ngày 26/3, Uber Technologies Inc chính thức đồng ý bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình cho Grab, kết thúc cuộc đua “đốt tiền” của hai “gã khổng lồ” công nghệ trên mảnh đất Đông Nam Á khốc liệt. Theo đó, Grab sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn UberEats. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27.5% cổ phần trong Grab và CEO của Uber – ông Dara Khosrowshahi sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Chấp nhận “bán mình” cho Grab là nước cờ đầy khôn ngoan của Uber trong việc “làm đẹp bản cáo tài chính” trước khi IPO diễn ra vào năm 2019. Bằng việc sát nhập, Uber đã công bố khoản lãi đầu tiên, 2.5 tỷ USD, trong suốt gần 9 năm hoạt động.
Bất ngờ nhất, người đứng sau màn “mua đi bán lại” đầy kịch tính này lại không phải CEO Uber mà đến từ Softbank Group (nhà đầu tư lớn nhất của Uber và tất cả các đối thủ trực tiếp của Uber như ứng dụng Didi Chuxing ở Trung Quốc, 99 ở Brazil, Ola ở Ấn Độ và thậm chí là Grab ở Đông Nam Á). Người đứng đầu Softbank, ông Masayoshi Son muốn chia lại thị trường đặt xe công nghệ: Uber nắm giữ Châu u, Grab nắm giữ Đông Nam Á, Didi Chuxing nắm giữ Trung Quốc. Động thái này được dự đoán chỉ là một trong những toan tính nhằm thống lĩnh “dàn hợp xướng” công nghệ của vị “nhạc trưởng” đầy tham vọng này.
Tại Việt Nam, sau khi Uber rút khỏi thị trường,Grab gần như độc chiếm “miếng bánh thị phần” xe ôm công nghệ bên cạnh cái tên “mới chớm” Go-Jek từ Indonesia. Vậy với cuộc sáp nhập lịch sử, liệu Grab có thể làm nên chiến tích mới vào năm 2019?
4. Facebook – Rò rỉ thông tin 50 triệu khách hàng
Tháng 3 có thể coi là “thời kỳ đen tối nhất” của Mark Zuckerberg khi Facebook bị cáo buộc để công ty đối tác Cambridge Analytica tiếp cận 50 triệu người dùng. Điều đáng nói ở đây, Cambridge Analytica chính là công ty chạy toàn bộ chiến dịch truyền thông trong suốt kỳ bầu cử, dẫn tới “chiến thắng hẹp” của tổng thống Donald Trump.
Sau sự cố đáng tiếc này, dù doanh thu quý I vẫn tăng 49%, nhưng hình ảnh của Facebook đã không còn đáng tin cậy trong mắt người dùng tại Mỹ. Trên thực tế, có tới ¼ users cho biết đã giảm tần suất sử dụng, ngưng truy cập hoặc xóa tài khoản Facebook. Hứng chịu làm sóng tẩy chay mạnh mẽ trên toàn thế giới, sai lầm của Facebook cũng chính là bài học đắt giá cho tất cả các doanh nghiệp trong việc quản lý bảo mật khách hàng.
Trước phản ứng tiêu cực và sự phát triển nhanh chóng của đối thủ, Facebook cũng đã có những động thái mới nhằm giữ chân người dùng. Mới đây, Facebook liên tiếp cho ra mắt tính năng Jobs – giúp tuyển dụng và tìm việc nhanh (cạnh tranh với LinkedIn); Lasso – tính năng sáng tạo video (cạnh tranh với Tiktok), nhằm phục vụ những nhu cầu đặc thù khác của người dùng mạng xã hội. Liệu Facebook có lấy lại tình cảm của người dùng trong thời gian tới?
5. Shopee – Gây “ám ảnh” bằng “trường ca” BabyShark
Theo iPrice Insight, năm 2018, Shopee chính thức hạ gục Lazada, Tiki để trở thành nền tảng E-commerce dẫn đầu về cả lượt truy cập website và xếp hạng ứng dụng di động. Và chiến thắng bất ngờ này nhờ một phần không nhỏ đến từ chiến dịch Baby Shark.
Vậy điều gì khiến chiến dịch Baby Shark đưa Shopee “bay cao” tại thị trường Việt Nam?
Thứ nhất, Shopee khá thông minh khi lựa chọn ca khúc Baby Shark làm giai điệu chủ đề cho chiến dịch quảng cáo. Bởi các ca khúc thiếu nhi thường ngắn gọn, bắt tai mà lại dễ học thuộc, là công thức hoàn hảo giúp hình ảnh Shopee “hằn sâu” trong tâm trí khách hàng. Tuy xuất hiện nhiều tranh cãi về nội dung và giai điệu, độ phủ sóng và thành công của Shopee là không thể chối cãi. Cuối cùng, thành công của một chiến dịch viral không thể thiếu yếu tố người nổi tiếng. Sự xuất hiện của cặp đôi Bảo Anh – Bùi Tiến Dũng giữa tin đồn tình cảm cũng đã giúp video của Shopee nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.
Có hay không những “than phiền” về giai điệu quảng cáo, chúng ta không thể phủ nhận rằng: Năm 2018, “trường ca” BabyShark đã đưa Shopee thực sự “chạm” được đến tâm trí của người dùng.
6. Go-Viet – “Cơn gió lạ” khiến thị trường xe ôm công nghệ Việt Nam “đảo chiều”
Bước vào thị trường Việt Nam chiều 25/6, Go-Viet được đánh giá là đối thủ xứng tầm của “lão làng” Grab. Tự gọi mình là “công ty Việt Nam”, được điều hành bởi đội ngũ sáng lập người Việt, Go-Viet nhấn mạnh yếu tố đất nước tại thị trường mới. Không giữ lại màu xanh lá như “người bạn” Grab, Go-Jek sẵn sàng tạo bộ nhận diện thương hiệu “sắc đỏ Việt Nam” nhằm “địa phương hóa” tối đa khi đưa Go-Viet tiến vào thị trường đầy tiềm năng này.
Bên cạnh đó, Go-Viet cũng tung ra hàng loạt các chính sách giảm giá sâu, ưu đãi khủng để thu hút người gọi xe và tài xế. Nhờ vậy, chỉ trong 3 ngày đầu ra mắt, Go-Viet ngay lập tức chiếm được 10% thị phần tại thành phố Hồ Chí Minh.
Liệu Go-Viet có thay thế được Uber, trở thành một đối thủ cạnh tranh đủ mạnh để xoá bỏ sự độc quyền ngang ngược của Grab tại Việt Nam hiện nay?
7. Durex – Điểm sáng truyền thông mùa WorldCup
Vốn được coi là thương hiệu với sản phẩm chính là bao cao su, một mặt hàng khá nhạy cảm với văn hóa Việt Nam, Durex đã khiến thiên hạ “ngả mũ” suốt kỳ World Cup bằng những nội dung truyền thông cực kỳ độc đáo và sáng tạo của mình.
Quảng cáo hay không quên nhiệm vụ, bên cạnh việc tạo nội dung thảo luận nhằm tăng lượng tương tác “organic” trên mạng xã hội, Durex vẫn dẫn link sản phẩm dưới mỗi bài post. Nhờ vậy, lượng đặt hàng cũng tăng đáng kể nhờ vào sự mến mộ của người tiêu dùng với nhãn hàng.
Không màu mè, không phức tạp, chỉ cần chút tinh tế và nhanh nhạy, Durex đã trở thành điểm sáng truyền thông giữa vô vàn nhãn hàng mùa World Cup. Vậy mới nói, sự thành công của một chiến dịch không nhất thiết đến từ ngân sách, nó đến từ chính khả năng ứng biến nhanh nhạy của Marketers.
8. Landmark 81 – Niềm tự hào mới của người Việt
Ngày 26/7/2018, sau hơn 1000 ngày thi công, dự án Landmark 81 của VinGroup hợp tác với Coteccons chính thức đưa vào hoạt động.
Tự hào là tòa nhà cao nhất Việt Nam, của người Việt và hoàn thành bởi người Việt, Landmark 81 được coi là biểu tượng tự hào mới của thế hệ trẻ nước nhà. Nhờ đó, thương hiệu của tập đoàn VinGroup – chủ sở hữu Landmark, cũng được nâng lên một tầm cao mới: “Vingroup – Nói là làm”.
Không phải là thương hiệu duy nhất hứa hẹn những triết lý lớn lao, nhưng là một thương hiệu hiếm hoi hiện thực hoá được những lời hứa của mình bằng những sản phẩm thiết thực. Tất cả những lĩnh vực mà Vingroup chạm tới đều có giá trị củng cố hình ảnh thương hiệu và xây dựng một tình yêu thương hiệu sâu sắc cho người tiêu dùng bằng con đường của lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Ở một thời kỳ mà người ta đang đặt câu hỏi, sau những chiến công hiển hách của ông cha, thế hệ chúng ta đã làm gì để viết tiếp những trang sử vàng son ấy? Những gì tập đoàn này đã và đang thực hiện chính là câu trả lời.
9. Ovaltine – Milo Đại chiến “Ai là nhà vô địch”
Sau nhiều năm mờ nhạt, cuối cùng Ovaltine đã trở lại “vang dội” nhờ việc “đứng trên vai người khổng lồ” Milo như cách mà Samsung từng “ké fame” trong mỗi lần Apple ra mắt dòng iPhone mới.
Ngay sau khi Milo ra mắt chiến dịch “Nhà vô địch” với slogan “Nhà vô địch làm từ Milo”. Ovaltine đã tung một loạt ấn phẩm “Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích” ngầm đá xoáy vào thông điệp của Milo. Không chỉ tấn công trực diện bằng biển quảng cáo giữa ngã tư Quận 3, trên các trang mạng xã hội, Ovaltine cũng tung loạt poster thể hiện quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Trong màn “đấu thông điệp” này, cả Ovaltine và Milo đều nhận được sự chú ý không nhỏ từ phía cộng đồng mạng. Tuy nhiên, từ truyền thông đến bán hàng vẫn luôn là một chặng đường dài. Bên cạnh thông điệp mới mẻ, để cạnh tranh với một thương hiệu đã có định vị “năng lượng” rõ ràng như Milo, Ovaltine vẫn cần xây dựng thêm các giá trị lý tính khác như kênh phân phối, hương vị, giá cả,…nếu thực sự muốn chiếm trọn trái tim người tiêu dùng.
Có thể nói, việc khánh thành Landmark 81 được coi là dấu mốc quan trọng trong chuỗi chiến lược phát triển của VinGroup năm 2018.
10. Vinfast – Paris Moto Show làm “nức lòng” người Việt
Đúng 15h20’ ngày 2/10, một triệu người dân Việt Nam ngồi trước màn hình cùng theo dõi buổi ra mắt 2 “siêu phẩm” của VinFast. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam sản xuất ô tô và chính thức vươn mình ra thế giới.
Không chỉ xuất hiện cực hoành tráng tại Paris Motor Show 2018, VinFast còn chơi lớn khi mời một loạt các gương mặt nổi tiếng như tân hoa hậu Tiểu Vy, siêu mẫu Hoàng Thùy, Quang Đại và đặc biệt là “siêu sao” David Beckham trong sự kiện ra mắt lần này. VinFast muốn chuyển thông điệp ngầm về nước. Sản phẩm của họ không chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế, mà còn sẵn sàng so ngang với các hãng xe lớn trên toàn thế giới. Và niềm tự hào ấy của không chỉ Vingroup mà còn là của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Chiến lược thương hiệu này được coi là bước khởi đầu của VinFast trong việc xây dựng lòng tin của người dân trước khi mở bán ô tô cũng như xe máy điện tại thị trường nội địa sau này.