Tổng hợp chuyển động thương hiệu 2020

marketing foundation

Tomorrow Marketers – 2020 đã đi tới những ngày cuối cùng, khép lại một năm chứng kiến vô số biến động đối với các thương hiệu, cùng điểm qua với Tomorrow Marketers nhé!

1. Vingroup “xóa sổ” Vinpearl Air từ khi chưa đi vào hoạt động

Ngày 14/01/2020, Tập đoàn Vingroup công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên.

Trước đó, ngày 24/7/2019, tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Vingroup cũng xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.

Đi theo định hướng chiến lược tập trung vào phát triển mảng công nghệ – công nghiệp, Vingroup từng bước rút lui ở các mảng bán lẻ, nông nghiệp, thương mại điện tử và tiếp tục là hàng không.

2. Acecook ra mắt sản phẩm muối chấm Hảo Hảo và nhà hàng buffet mỳ tôm giá 10.000đ

Nắm bắt được nhu cầu của số đông của người tiêu dùng, công ty Cổ phần Acecook đã không ngừng nghiên cứu, nỗ lực và cho ra đời sản phẩm Muối chấm Hảo Hảo. Đây được xem là một trong những sản phẩm thu hút sự chú ý của rất nhiều người. 

Ngoài ra, Acecook tiếp tục hớp hồn người tiêu dùng khi khai trương nhà hàng buffet mì ly với giá chỉ 10.000đ dành cho những người đam mê mì tôm sắp được khai trương tại Aeon Mall Hải Phòng vào ngày 19/12 tới đây. 

Nét độc đáo trong mô hình buffet mì ly của Acecook Việt Nam là chỉ với 10.000đ/người, khách hàng có thể tự chế một ly mì ăn liền theo sở thích của riêng mình từ mì, các loại nước soup kèm hương vị ăn cùng (tôm chua cay, lẩu thái, heo, gà, bò, bò cay) và được chọn 4 trong 11 loại topping đặc sắc. 

3. Wefit – startup tiên phong trong lĩnh vực fitness chính thức phá sản

Công ty cổ phần công nghệ Onaclover – WeWow đã gửi tới khách hàng thông báo buộc phải dừng hoạt động từ ngày 11/5 do vốn hoạt động của đã cạn kiệt hoàn toàn.

Theo Wewow: “Vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn, do đó không thể duy trì hoạt động kinh doanh và sản phẩm của mình, WeWow buộc phải dừng hoạt động tất cả các sản phẩm (WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy).”

Về các gói dịch vụ nhằm đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng đã đăng kí trước đó, phía Wewow cũng đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3 để có được một phương án giúp khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ dù cho WeWow không hoạt động. 

Sau lần gặp khó khăn đầu tiên dẫn đến quyết định đổi CEO, Wefit (Wewow) vẫn không có khởi sắc, thêm vào đó là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến startup này không thể tiếp tục trụ vững. Đây cũng là cú ngã cảnh tỉnh cho các startup khi kêu gọi vốn đầu tư nhưng không thể làm tốt câu chuyện kinh doanh của thương hiệu. 

4. Sau VNG, VNPay trở thành kỳ lân công nghệ tỉ đô thứ 2 của Việt Nam

Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA 2020, Việt Nam đã chính thức có thêm “kỳ lân” tỷ đô thứ 2 là VNPay sau VNG. 

Được biết đến với mạng lưới thanh toán bằng QR, thu hút được 15 triệu người hoạt động hàng tháng nhờ sự tiện tích cùng với sự hợp tác với hơn 20 ngân hàng, VNPay giờ đây đã được coi là ông lớn công nghệ tại Việt Nam khi sở hữu những thành tựu vang dội và đáng tự hào như khi gọi vốn thành công từ Softbank Vision Fund- quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới và quỹ đầu tư nhà nước GIC. Chính thức trở thành Startup được định giá hơn 1 tỷ USD, VNPay đã được sánh ngang với hàng ngũ của những gương mặt vàng trong “làng” Startup công nghệ như Gojek, Grab, Lazada,… tại Việt Nam.

Với xu hướng tăng nhanh của việc mua sắm, giải trí trực tuyến của người dân trong thời kỳ dịch bệnh, VNPay cũng đã không bỏ qua cơ hội phát triển mạnh mẽ để đáp ứng những nhu cầu thị trường. 

Hiện tại đang có xấp xỉ 40 nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính, trong đó có đến 34 nhà cung cấp ví điện tử đang vươn lên mạnh mẽ với tham vọng trở thành “Alipay” ở Việt Nam, đòi hỏi một sự nỗ lực vô cùng lớn để duy trì và mở rộng hệ sinh thái đủ hấp dẫn, đủ tiện dụng để thu hút người dùng.

5. L’Oreal từ giã bao bì nhựa nguyên thủy, sử dụng bao bì tái chế bảo vệ môi trường

L’oréal từ giã các tuýp sản phẩm chống nắng bao bì nhựa, thay vào đó là các tuýp bằng giấy bìa cứng tích hợp lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới cho ngành làm đẹp, sự tiên phong đầu tiên đến từ thương hiệu La Roche-Posay thuộc nhà L’oréal.

Bao bì tuýp loại mới này là sự tiến bộ vượt bậc trong ngành bao bì mỹ phẩm, có thể làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng so với bình quân các loại tuýp nhựa khác. Nó được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai dùng trong hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung. Đại diện La Roche-Posay cho biết chia sẻ công nghệ bao bì dạng tuýp chất liệu giấy tích hợp cho các thương hiệu khác và mang sản phẩm mới đến tất cả các nước trên thế giới.

Năm 2020, La Roche-Posay sẽ đạt mức sử dụng 25% nhựa tái chế, cao gấp 10 lần so với năm 2018, và tham vọng của thương hiệu xanh này là sử dụng đến 75% vật liệu nhựa tái chế cho bao bì đến năm 2025, có nghĩa là họ sẽ để dành cho trái đất 10,000 tấn nhựa nguyên thủy để bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường.

6. Thua 7-Eleven, Family Mart đánh dấu sự sụp đổ toàn cầu

Việc rút khỏi Thái Lan như một “phát súng” báo hiệu cho sự xuống dốc không phanh của FamilyMart. Cụ thể là vào tháng 5, với kết quả kinh doanh đáng thất vọng, FamilyMart đã chuyển nhượng 49% cổ phần của mình tại Thái Lan cho đối tác và tập đoàn địa phương Central Group.

Trong khi đó, theo Nikkei, 7-Eleven – đối thủ lớn nhất của FamilyMart tại quê nhà Nhật Bản, cuối cùng đã vươn lên dẫn đầu tại Thái Lan bằng cách hợp tác với Charoen Pokphand – tập đoàn hàng đầu của quốc gia này.

Đề cập đến sự “bay hơi” của FamilyMart, chắc hẳn không thể bỏ qua việc tập đoàn này đã quá xem nhẹ mối quan hệ với đối tác địa phương. Cụ thể có thể kể đến việc FamilyMart đã mở 2.800 địa điểm tại Trung Quốc sau khi thành lập cửa hàng vào năm 2004 nhưng vì xích mích với đối tác liên quan đến quan hệ liên doanh với Tập đoàn Quốc tế Ting Hsin, “cuộc chiến” đã khiến FamilyMart dừng cuộc chơi tại thị trường màu mỡ này.

Ngoài ra, tại Hàn Quốc, FamilyMart đã tạo dựng được dấu ấn lớn nhất ở nước ngoài với 8.000 địa điểm. Nhưng điều đó đã tan thành mây khói vào năm 2014 khi mối quan hệ của họ với BGF Retail rạn nứt.

7. Shopee và Lazada chính thức là cửa hàng ủy quyền của Apple tại Việt Nam

Ngày 28/10, Apple và nhà phân phối đã trao Chứng chỉ chính thức công nhận Shopee là Cửa hàng ủy quyền của Apple tại Việt Nam. Đây chính là một cột mốc quan trọng đánh dấu việc Cửa hàng Flagship của Apple chính thức có mặt trên Shopee, với ưu đãi độc quyền siêu hấp dẫn dành cho khách hàng khi mua sắm trực tuyến.

Hiện nay bạn hoàn toàn có thể lên shopee và tìm kiếm “Apple Flagship Store”, bạn sẽ thấy các sản phẩm Macbook Air, Airpods hay iPhone 11 đều đã có sẵn.

Trước đó vào năm 2018, đối thủ của Shopee – Lazada đã được Apple ủy quyền để trở thành nhà phân phối trực tuyến toàn khu vực Đông Nam Á. Theo đó, trang bán hàng trực tuyến này trực tiếp mua và phân phối từ Apple hầu hết dòng sản phẩm hiện nay như iPhone, Macbook, iPad, Apple Watch và toàn bộ dòng phụ kiện: tai nghe Beats, Apple TV, case…

Khi cùng cạnh tranh để phân phối các sản phẩm của thương hiệu “quả táo khuyết”, không biết sắp tới Shopee và Lazada có chiến dịch gì vào Tết không mọi người nhỉ?

8. Leflair – website bán hàng hiệu online đình đám đóng cửa tại Việt Nam

Leflair – trang web chuyên bán hàng hiệu tạm ngưng hoạt động tại thị trường Việt Nam do áp lực về nguồn vốn và yêu cầu cắt giảm chi phí vận hành.

Ra đời năm 2015 tại Việt Nam, Leflair gây ấn tượng mạnh mẽ khi được xây dựng theo mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho để đảm bảo quá trình kiểm tra quản lý chặt chẽ thay vì theo mô hình “chợ trực tuyến” (marketplace). Dù đã gọi vốn được tổng cộng 12 triệu USD và trang web từng thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi tháng, Leflair vẫn phải rời bỏ thị trường Việt Nam với lý do “khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn”.

Theo Leflair, việc xây dựng, mở rộng thị trường thương mại điện tử đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Trong đó, công nghệ, kho vận, nhân sự là những yếu tố cần thiết để những công ty như Leflair có thể cải tạo và thay đổi ngành bán lẻ. Do đó, áp lực về nguồn vốn đối với Leflair ngày càng lớn cùng với áp lực mục tiêu tạo lợi nhuận. Điều này cho thấy thương mại điện tử là thị trường còn nhiều tiềm ẩn rủi ro.

Leflair thông báo vẫn duy trì hoạt động hàng nhập khẩu, tập trung vào kinh doanh hàng xuất nhập khẩu. Trong thời gian đó, Leflair sẽ cải cách và tái cơ cấu vận hành để quay lại thị trường Việt Nam vào năm 2021.

9. Unilever, P&G và hơn 400 thương hiệu đồng loạt tẩy chay Facebook

Sau khi sự việc về Facebook thu lợi từ những bài đăng có chiều hướng ghét bỏ và truyền bá thông tin sai lệch của người dùng, đặc biệt là phát tán và lan truyền chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự thù địch, nhiều nhóm vận động đã kêu gọi các công ty ngừng chi tiền quảng cáo cho các nền tảng thuộc sở hữu của Facebook. 

Unilever – công ty sở hữu nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng thế giới thường có ngân sách quảng cáo tới 8 tỷ USD mỗi năm không quảng cáo trên Facebook và Twitter cũng như Instagram từ nay tới cuối năm vì họ tin tiếp tục quảng cáo trên những nền tảng này vào lúc này không tạo thêm giá trị cho mọi người và xã hội.

Để hưởng ứng thông điệp #StopHateforProfit, ngoài Unilever, danh sách các thương hiệu tẩy chay quảng cáo trên Facebook tiếp tục nối dài. Danh sách bao gồm VF Corp- tập đoàn mẹ của The North Face, thương hiệu đồ thể thao Puma, Ford, Starbucks, Coca-Cola, P&G, Công ty kem Ben & Jerry’s, chuỗi cửa hàng thời trang Eddie Bauer, công ty phát hành phim Magnolia Pictures, ứng dụng nhắn tin Viber, Honda chi nhánh Bắc Mỹ,…

Facebook, với người đứng đầu Mark Zuckerberg tuy đã lên tiếng chính thức và cam kết tiến hành sửa đổi chính sách kiểm duyệt, siết chặt và xóa bỏ ngay những bài viết có nội dung chia rẽ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay đả kích, thóa mạ cá nhân, bạo lực,… nhưng vẫn không giúp mạng xã hội phổ biến nhất thế giới tránh khỏi thiệt hại.

10. Vingroup xuất khẩu smartphone sang Mỹ và mở nhà máy tại Úc

Sau những lời khẳng định đanh thép từ Chủ tịch Vingroup – Phạm Nhật Vượng về dự định xuất khẩu xe hơi sang Mỹ, thương hiệu ô tô Vinfast đã lặng lẽ chuyển mình với một bước đệm là thâm nhập thị trường Úc.

Từ tháng 2, VinFast cũng được cho là đang thương thảo mua lại các cơ sở thiết kế và kỹ thuật của General Motors tại Úc. Đại diện VinFast cho biết họ “tất nhiên” sẽ bán xe mới tại Úc, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. VinFast chọn Úc là nơi đặt cơ sở phát triển sản phẩm, nhưng vẫn chưa chính thức công bố kế hoạch phân phối xe tại đây. Thay vào đó, hãng tập trung vào mục tiêu dẫn đầu doanh số tại quê nhà Việt Nam, và tham vọng tiến vào thị trường Mỹ năm 2021 bằng một mẫu ô tô điện đang trong quá trình phát triển. 

Không những thế, Tổng Giám đốc VinSmart cho biết lô hàng điện thoại đầu tiên công ty sản xuất cho 1 công ty Mỹ đã được xuất đi. Hiện nay, VinSmart đang hợp tác với Qualcomm (Mỹ) để nghiên cứu phát triển dòng điện thoại Vsmart Aris 5G V742. Theo chia sẻ của lãnh đạo VinSmart trước đó, Hoa Kỳ cũng là thị trường mục tiêu của công ty này trong năm 2021.

11. Vì Covid-19, các thương hiệu lớn sa thải hàng loạt nhân viên

Năm 2020 là một năm của sự “đổ bể” khi các thương hiệu lớn và “máu mặt” trong giới đều phải sa thải nhân viên để tiếp tục tồn tại, đặc biệt là ngành du lịch và hàng không.

Cụ thể hơn, Hilton – chuỗi khách sạn lớn bậc nhất thế giới tuyên bố sa thải hàng ngàn nhân viên do trải qua những khó khăn chưa từng có trong lịch sử 101 năm. Marriott cũng đã cho nghỉ một lượng nhân viên vào tháng 3. Công ty này nói rằng đại dịch “đang tàn phá và tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của Marriott hơn cả vụ khủng bố ngày 11/9 và khủng hoảng tài chính năm 2008 gộp lại”. 

Đối với ngành hàng không, khoảng 50.000 nhân viên của các hãng hàng không của Mỹ phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Ví dụ như American Airlines, một trong những hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, thông báo cắt giảm 19.000 nhân viên vào đầu tháng 10. 

Ngoài ra, một số công ty “quen mặt” như LinkedIn, mạng xã hội tuyển dụng của Microsoft thông báo cắt giảm 960 vị trí, tương đương 6% nhân sự toàn cầu, Airbnb xác nhận sa thải 1.900 nhân viên, TripAdvisor tuyên bố sa thải khoảng 25% lực lượng lao động, tương đương 600 nhân viên tại Mỹ và 300 ở các nơi khác, Disney sa thải 60.000 nhân viên,…

12. Vì Covid-19, cửa hàng của Starbucks, Rolex, Pizza Hut,… lần lượt đóng cửa xin phá sản

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, chúng ta đã chứng kiến sự “thoi thóp” của hàng trăm công ty. Không chỉ sa thải nhân viên, các thương hiệu lớn còn phải nộp đơn xin phá sản – thứ các doanh nghiệp hay gọi là “ác mộng”.

Kể đến việc đóng cửa hàng, Zara đóng 1.200 cửa hàng, La Chapelle rút bớt 4.391 tiệm, Chanel, Hermes ngừng hoạt động hay Patek Philippe và Rolex ngưng sản xuất. Chuỗi nhà hàng bít tết Maredo cũng đã đóng cửa một phần ba các chi nhánh, trong khi đó Starbuck tuyên bố vĩnh viễn khai tử 400 cửa hàng của mình.

NPC International Inc, thương hiệu nhượng quyền lớn nhất của Pizza Hut ở Hoa Kỳ, đã nộp đơn xin phá sản sau khi ngừng hoạt động do ảnh hưởng của coronavirus gây thêm áp lực cạnh tranh trong ngành nhà hàng. 

Ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng không kém, Thai Airways chính thức nộp đơn phá sản để tiến hành tái cơ cấu nợ. AirAsia Japan Co – chi nhánh của tập đoàn AirAsia tại Nhật Bản, đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Quận Tokyo District Court, hơn một tháng sau khi tuyên bố dừng hoạt động tại nước này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

14. Muji xin phá sản tại thị trường Mỹ nhưng lại mở cửa hàng tại Việt Nam

Chuỗi hàng hóa gia đình Nhật Bản Muji đã nộp đơn xin phá sản tại thị trường Mỹ, liệt tên vào danh sách hơn 110 công ty bị sụp đổ do bị ảnh hưởng xấu bởi đại dịch coronavirus tại thị trường này.

Muji đang có 556 cửa hàng bên ngoài Nhật Bản, 40% doanh thu đến từ thị trường châu Á. Ngoài ra, công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ này thông báo khai trương cửa hàng MUJI Vietnam đầu tiên vào năm 2020 tại TP HCM. MUJI vốn là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng gặp thế giới với đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, cho đến quần áo, mỹ phẩm với mức giá phải chăng. 

Mặc dù tuyên bố do ảnh hưởng của đại dịch, tuy nhiên, doanh nghiệp này đã hoạt động thua lỗ trong ba năm tài chính vừa qua tại thị trường Mỹ. Năm ngoái, nó đã lỗ khoảng 10 triệu đô la. Mặc dù phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua thông qua việc mở rộng quốc tế tập trung vào Trung Quốc, Muji đã gặp phải một số khó khăn. Sản phẩm đi theo lối tối giản và mô hình kinh doanh của thương hiệu này đã bị rất nhiều bên sao chép và hoạt động ở nhiều thị trường đã ảnh hưởng đến doanh số của nó.

15. Uniqlo chính thức đặt chân tới “miền đất hứa” Việt Nam giữa mùa Covid

Ngày 06/03 năm nay, UNIQLO Vincom Phạm Ngọc Thạch chính thức chào đón những khách hàng đầu tiên và vào ngày 15/05 cửa hàng Uniqlo thứ 3 tại Việt Nam được mở cửa tại trung tâm thương mại SC VivoCity. Cửa hàng mới là một phần trong kế hoạch phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của Uniqlo tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Uniqlo. Hiện công ty này có hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới và có kế hoạch tăng gấp 4 lần số cửa hàng ở Đông Nam Á lên 800 trong vòng 10 năm. Fast Retailing hy vọng sẽ tăng doanh số 30% mỗi năm tại Ấn Độ, Đông Nam Á và Úc. 

Ngoài việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, Fast Retailing còn coi Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn thứ hai sau Trung Quốc. Tập đoàn này hiện có 50 nhà cung cấp được tiết lộ là đang hoạt động ở Việt Nam.

16. Giằng co “chán chê” với chính phủ Mỹ, TikTok vẫn chưa bị bán cho ai

Khởi điểm chỉ là câu chuyện về một ứng dụng mạng xã hội nhưng giờ đây, TikTok dường như đã trở thành một lý do chính trong cuộc chiến giữa những “gã khổng lồ”.

Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp yêu cầu ByteDance “phải bán” TikTok tại Mỹ nếu không sẽ bị cấm tại quốc gia này, nơi ứng dụng cực kỳ phổ biến trong giới thanh thiếu niên. Trump đã nhiều lần cho “deadline” để ByteDance bán TikTok nhưng đến nay, sự việc vẫn đang bị trì hoãn vô thời hạn. 

Tất nhiên Bắc Kinh đã không thể ngồi yên trước sự “vô lý thái quá” của Mỹ. Họ cho biết sẽ “kiên quyết phản đối” các lệnh hành pháp của Trump. Hiện tại, hàng loạt công ty Mỹ đang quan tâm đến việc mua lại bộ phận TikTok. Bên cạnh người khổng lồ phần mềm Microsoft, còn có cái tên khác như liên doanh Oracle và Walmart. Trước đó, Triller, dịch vụ video ngắn của Mỹ tương tự TikTok, cho biết họ đã huy động 20 tỷ USD cho việc mua lại đối thủ tại Mỹ.

Hiện tại vẫn chưa biết cuộc chiến công nghệ dành nhau sở hữu “TikTok” sẽ đưa Mỹ và Trung Quốc đến các hành động trả đũa nào với nhau và đặc biệt cũng không ai chắc về số phận của TikTok trong tương lai.

17. Go-viet hợp nhất với Gojek rồi lại rộ tin sáp nhập với Grab?

Kể từ ngày 05/08, ứng dụng dịch vụ công nghệ GoViet bắt đầu chuyển đổi thành ứng dụng Gojek. Theo GoViet, việc hợp nhất này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược dài hạn của công ty, mở rộng nền tảng GoViet, ứng dụng mới sẽ mượt mà và nhiều tiện ích hơn.

Tuy mỗi nước có những dịch vụ riêng nhưng với ứng dụng Gojek chung này, người dùng ở Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ của Gojek ở các nước mà dịch vụ này hoạt động (hiện có Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam); và ngược lại, các du khách từ các nước đó tới Việt Nam vẫn có thể tiếp tục dùng Gojek. 

Những thông tin về thị trường công nghệ gọi xe chưa bao giờ ngừng “hot” khi cộng đồng mạng lại rộ tin Gojek và Grab đang trong quá trình đàm phán sáp nhập. Lời đồn thổi về việc sáp nhập giữa hai ông lớn đặt xe này đã xuất hiện do trang báo Bloomberg cho biết hợp đồng hợp nhất hoạt động kinh doanh giữa 2 bên đang đạt được những bước tiến quan trọng. 

Phía Grab Việt Nam từ chối bình luận về thông tin sáp nhập. Gojek cũng không có thêm động thái mới. Nguồn tin từ Dealstreetasia cũng nhấn mạnh thêm rằng, Grab vẫn chưa đồng ý với kế hoạch sáp nhập sơ bộ. Trong trường hợp giả thuyết này thành sự thật, cả thị trường công nghệ phải e ngại trước “khúc cua khét lẹt” này của Grab và Gojek – sự khởi đầu thời kỳ chiếm thế độc quyền của cặp bài trùng trong thời điểm người dùng đã dần phụ thuộc vào các hãng xe công nghệ này.

18. Sáp nhập “hụt”, Tiki và Sendo đường ai nấy đi

Những lời đồn về tiềm năng sáp nhập với Tiki đã được dấy lên trong năm nay nhưng dường như các cuộc thương thảo giữa hai bên đã thất bại. Nguyên nhân theo tìm hiểu của tờ DealstreetAsia có thể là bởi “hàng loạt cổ đông Tiki không đồng ý với những điều khoản của vụ sáp nhập vì thế thỏa thuận này hiện đang tạm thời bị ngưng vô thời hạn”. Nguyên nhân khác là do những tác động từ dịch COVID-19, khi mà tình hình kinh doanh giữa hai doanh nghiệp ngày càng khác biệt.

Tuy nhiên trước đó Tiki và Sendo đã đang ở giai đoạn tiến triển tốt để đi đến thỏa thuận. Họ thậm chí đã tiến đến thỏa thuận về đội ngũ nhân sự và hệ thống gồm cả việc sẽ chuyển nhân viên Sendo vào văn phòng của Tiki. Thậm chí theo nguồn tin trên, các nhà sáng lập của hai công ty đã rất “thích thú” trước thương vụ này.

Đáng lẽ ra tình hình thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi chúng ta có thể chứng kiến luồng gió mới này cạnh tranh với các đối thủ như Lazada và Shopee.

19. TM giới thiệu khoá Digital Foundation và Fanpage Business English

Hầu hết các doanh nghiệp ngày nay muốn tăng trưởng đều phải sử dụng Digital Marketing trong chiến lược Marketing của mình. Kiến thức về Digital trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các bạn muốn tiến xa trong ngành Marketing. Tuy nhiên, rào cản khiến các bạn trẻ “khó tiếp thu” được bộ môn này, đó là khối lượng kiến thức Digital Marketing quá rộng, và chia thành nhiều mảng khác nhau, khiến họ không biết bắt đầu từ đâu và lựa chọn mảng nào thì phù hợp với mình.

Để tiến xa trong việc học Digital, newbie cần có bước đi đầu tiên đúng đắn, và cần được định hướng bằng một hệ thống kiến thức bài bản. Khóa học Digital Foundation ra đời để giúp các bạn trẻ bớt “lạc trôi” giữa biển Digital Marketing.

Nếu bạn thực sự nghiêm túc có định hướng theo Digital Marketing, hãy tham khảo khóa học Digital Foundation nhé: https://cutt.ly/ohFzohc

Ngoài ra, với xu hướng và tầm quan trọng của Tiếng anh trong doanh, Tomorrow Marketers đã “ra mắt” fanpage Business English. Nếu bạn muốn cập nhật những từ vựng trong ngành và tiến bộ về Tiếng anh trong kinh doanh mỗi ngày, hãy theo dõi tại: https://www.facebook.com/business.english.tomorrowmarketers

20. Thương hiệu Việt Nam nổi tiếng toàn cầu vì thành tích chống Covid và tăng trưởng GDP

Năm 2020 với sự xuất hiện “không ai mong muốn” của đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều thiệt hại, chứng kiến sự sụp đổ của nhiều thương hiệu cũng như hàng ngàn mất việc. Trong sự khó khăn như vậy, Việt Nam như một điểm sáng.

Với tinh thần chống dịch đoàn kết, hành động sớm với những ca nhiễm bệnh, kịch liệt truy tìm lịch sử ca bệnh và không ngừng truyền thông tuyên truyền, Việt Nam đã được báo quốc tế đưa tin, ca ngợi về thành tích chống COVID-19. Cụ thể là tác giả Dana Kenedy có bài viết đăng tải trên báo New York Post, nhà báo tự do người Anh Georgina Quach có bài trên trang mạng OneZero hay được Bác sỹ về bệnh truyền nhiễm đề cập đến trên báo CNN.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được đưa ra vào tháng 9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020, mức cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar (2%). Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương tại châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ có tăng trưởng âm trong năm nay gồm Indonesia (-1,5%), Thái Lan (-7,1%), Philippines (-8,3%) và Singapore (-6%).

Theo New York Times, chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley – Ruchir Sharma – nhận định Việt Nam có thể trở thành “kỳ tích châu Á” tiếp theo. Bà cho rằng việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Tìm hiểu thêm về Marketing, Branding và các chuyển động của Thương hiệu trên thế giới, tham gia khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers.