Tomorrow Marketers – Sự bùng nổ trong nhu cầu làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của người dân đã biến kinh doanh Spa thành một mảnh đất màu mỡ, kéo theo sự gia tăng đáng kể các nhà đầu tư lớn nhỏ, khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Vậy làm thế nào để bạn có thể trụ vững và phát triển trong một môi trường cạnh tranh như vậy? Liệu có cơ hội nào cho những người mới, chưa có kinh nghiệm nhưng mong muốn dấn thân vào ngành Spa? Trong phần đầu tiên của series bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ cùng bạn khám phá các chiến lược hiệu quả để nắm bắt xu hướng thị trường, xác định đối tượng khách hàng tiềm năng, và lựa chọn mô hình kinh doanh tối ưu. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Series bài viết về ngành hàng Spa Làm Đẹp gồm các bài sau:
- Quy trình phân tích thị trường và lựa chọn mô hình kinh doanh ngành Spa Làm Đẹp
- Đặc thù xây dựng thương hiệu ngành Spa Làm Đẹp
I) PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG
1. Tổng quan toàn cảnh thị trường (Market Overview)
Nghiên cứu tổng quan thị trường là bước không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp startup để đánh giá quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng, độ cạnh tranh và các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng. Dưới đây là xu hướng tổng quan thị trường ngành Spa Làm Đẹp tại Việt Nam, nghiên cứu bởi Tomorrow Marketers.
Tốc độ tăng trưởng của thị trường Spa (Market Growth)
Theo báo cáo của Data Bridge Market Research, thị trường Spa toàn cầu được định giá 60,22 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 155,61 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,6%. Trong đó, các nước tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trong giai đoạn dự báo.
Song song với xu hướng tăng trưởng trên thế giới, ngành Spa tại Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi và đang chứng kiến sự phát triển “phi mã”. Theo thống kê của INC & EAS Vietnam 2023, hiện nay có hơn 7000 cơ sở kinh doanh spa đang hoạt động (Con số có thể lớn hơn vì thực trạng hiện nay có nhiều Spa kinh doanh chưa báo cáo). Trong số này, có khoảng 37 doanh nghiệp tư nhân lớn đã mở nhiều chi nhánh trải rộng khắp các tỉnh và thành phố trên toàn quốc. Doanh thu trung bình của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực Spa tại Việt Nam hiện được ước tính là khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường Spa (Market Size)
Kinh doanh spa đang là mảng tiềm năng khu nhu cầu khách hàng chứng kiến sự tăng trưởng. Theo đó, khoảng 30% dân số Việt Nam đã được hưởng sự giáo dục cải thiện hơn về lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cơ thể. Người Việt dần trở nên thoải mái hơn khi đầu tư tiền bạc vào các dịch vụ làm đẹp. Họ chịu khó tới Spa hơn để làm mới bản thân, cải thiện vóc dáng, đẩy lùi các dấu hiệu lão hóa và thư giãn tái tạo năng lượng.
Tuy nhiên, kinh doanh spa không dễ khi quá nhiều spa mọc lên, cạnh tranh khốc liệt, và cuối cùng là nhiều cơ sở phải đóng cửa. Theo nghiên cứu của EAS Việt Nam năm 2022, con số cơ sở spa phải đóng cửa này lên tới 42,4%.
Xu hướng làm đẹp của ngành Spa trong tương lai ( Market Trend)
- Ứng dụng công nghệ trong làm đẹp
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đang định hình lại ngành làm đẹp, đặc biệt là trong các dịch vụ spa, biến những liệu pháp chăm sóc trở nên đa chức năng nhưng vẫn duy trì được cảm giác nhẹ nhàng và tối giản, điều mà người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Ví dụ, công nghệ ánh sáng xung cường độ cao (IPL) đang được ứng dụng rộng rãi trong các liệu trình trẻ hóa da và triệt lông tại các spa cao cấp, mang lại hiệu quả lâu dài mà ít gây tổn thương cho da. Bên cạnh đó, công nghệ OXYJET, với khả năng đưa oxy nguyên chất vào sâu trong da, giúp cải thiện độ ẩm và độ đàn hồi, là một công nghệ khác đang thu hút sự quan tâm trong các liệu trình chăm sóc da chuyên sâu.
Không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị, việc tích hợp công nghệ còn mang đến trải nghiệm cá nhân hóa cao cấp cho khách hàng. Điều này thể hiện rõ rệt qua các ứng dụng quản lý liệu trình thông minh, chẳng hạn như phần mềm Myspa hay SalonHero, cho phép khách hàng đặt lịch hẹn trực tuyến, theo dõi và điều chỉnh liệu trình của mình dựa trên kết quả và nhu cầu cụ thể. Nhờ vào việc phân tích dữ liệu cá nhân, các giải pháp này được điều chỉnh để đáp ứng tốt nhất nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của họ.
- Chuộng các sản phẩm từ tự nhiên
Các sản phẩm tự nhiên đang trở nên phổ biến hơn trong ngành làm đẹp. Đồng thời, người tiêu dùng cũng đang chú ý đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe cùng với việc chăm sóc da và vóc dáng của họ. Do đó, nhu cầu về mỹ phẩm xanh, sạch và hữu cơ trong ngành Spa tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao.
Để đáp ứng xu hướng này, nhiều cơ sở Spa đã tích hợp nguyên liệu tự nhiên vào các dịch vụ làm đẹp của họ. Chẳng hạn, spa Anam QT ở Hà Nội sử dụng mật ong nguyên chất trong các liệu trình chăm sóc da để cung cấp độ ẩm và làm dịu làn da nhạy cảm. Tương tự, các spa như L’Apothiquaire Spa tại TP.HCM đã đưa vào sử dụng muối biển tự nhiên trong liệu trình tẩy tế bào chết, giúp da trở nên mềm mại và mịn màng hơn. Ngoài ra, các spa như Herbal Spa ở Đà Nẵng nổi tiếng với việc sử dụng các loại thảo mộc và dầu dừa trong các liệu trình massage, giúp khách hàng thư giãn và phục hồi sức khỏe tự nhiên.
- Điều trị Online
Một trong những xu hướng nổi bật trong ngành Spa vào năm 2024 là sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ điều trị trực tuyến.
Với dịch vụ này, khách hàng có thể kết nối trực tiếp với các chuyên gia, chia sẻ thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý, và quá trình chăm sóc da của họ. Các chuyên gia sẽ dựa trên thông tin này để tạo ra phác đồ điều trị, cung cấp hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ điều trị từ xa.
Sản phẩm chăm sóc da sẽ được giao đến tận nhà, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Hình thức này cũng mang lại sự thoải mái khi khách hàng không cần phải xuất hiện tại các địa điểm đông người và đảm bảo tính bảo mật của thông tin cá nhân.
- Spa Wellness
Spa Wellness đang trở thành một xu hướng đáng chú ý trên thị trường Spa tại Việt Nam, mang đến trải nghiệm đa giác quan hoàn hảo cho khách hàng, bao gồm cả 5 giác quan của con người:
- Thính giác: Khách hàng có cơ hội tận hưởng âm thanh thiên nhiên, nhạc trị liệu và nhạc thiền để giữ tinh thần luôn thoải mái và thư giãn.
- Khứu giác và Thị giác: Khách hàng được trải nghiệm mùi hương thơm ngát từ tinh dầu tự nhiên và thư giãn trong không gian nhẹ nhàng, gần gũi với ánh sáng dịu nhẹ.
- Vị giác: Cung cấp các loại trà và nước uống dinh dưỡng đặc biệt để khách hàng có thể thưởng thức và tận hưởng.
- Xúc giác: Khách hàng có cơ hội trải nghiệm các liệu trình chăm sóc da sử dụng các sản phẩm chất lượng cao có thành phần tự nhiên, giúp làn da trở nên tươi trẻ và khỏe mạnh. Đồng thời, được thư giãn và massage một cách nhẹ nhàng, mang lại cảm giác thoải mái và yên bình nhất.
Xu hướng này đáp ứng toàn diện cho nhu cầu của khách hàng trong việc cải thiện tinh thần và cơ thể thông qua sự kết hợp của các trải nghiệm giác quan khác nhau.
2. Phân khúc thị trường ngành Spa
- Phân khúc Spa theo nhu cầu khách hàng
Spa chuyên chăm sóc da mặt và cơ thể
Những Spa trong phân khúc này giúp khách hàng cải thiện tình trạng da mặt và cơ thể, ngăn ngừa lão hóa, mang lại làn da mịn màng, sáng khỏe. Loại hình dịch vụ bao gồm trị mụn, trị nám, tàn nhang, làm trắng, triệt lông và trẻ hóa da. Tùy thuộc vào loại hình dịch vụ và mức độ chuyên môn của spa mà giá có thể dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cho một lần sử dụng.
Spa chuyên Massage thư giãn và trị liệu
Ngành spa có hai loại hình massage là massage thư giãn và massage trị liệu. Massage thư giãn là tập trung vào việc mang lại cảm giác thoải mái cho cơ thể và tinh thần. Massage trị liệu có mục đích điều trị các vấn đề về sức khỏe như đau nhức cơ bắp, thoái hóa cột sống, chấn thương thể thao,…
Spa chăm sóc sức khỏe tổng thể
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tổng thể là một phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm cải thiện và duy trì sức khỏe của một người trên mọi khía cạnh: thể chất, tinh thần và cảm xúc. Thay vì chỉ tập trung vào điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe tổng thể nhấn mạnh việc phòng ngừa, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
- Phân khúc Spa theo giá
Phân khúc Spa giá phổ thông
Đây chính là những cơ sở Spa tự phát tại chính địa phương xung quanh chúng ta. Các Spa trong phân khúc này thường nhắm đến đối tượng có thu nhập thấp hoặc trung bình, thường là học sinh, sinh viên, người lao động phổ thông. Các dịch vụ sẽ có mức giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng cho một liệu trình cơ bản. Sản phẩm và công nghệ dùng để điều trị cho khách hàng thường ở mức trung bình. Ví dụ, liệu trình trị mụn sẽ gồm các bước cơ bản như làm sạch, xông mặt, lấy nhân mụn bằng cây nặn mụn và đắp mặt nạ giấy thông thường.
Phân khúc Spa giá tầm trung
Người có thu nhập trung bình khá và dân văn phòng thường là đối tượng khách hàng của những Spa này. Với tầm giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cho một liệu trình, các dịch vụ có sự chuyên sâu hơn, dùng nhiều kỹ thuật hơn bằng những sản phẩm và công nghệ hiện đại. Ví dụ, ngoài những bước cơ bản để trị mụn, Spa tầm trung còn có các bước như điện di, sử dụng đèn LED kháng khuẩn, bôi tế bào gốc,… Một số thương hiệu trong phân khúc này như Cent’ Beauty, Spa H&T,…
Phân khúc Spa cao cấp
Với tầm giá từ vài triệu đến hàng chục triệu một liệu trình, khách hàng có thu nhập cao, người nổi tiếng hay khách du lịch nước ngoài sẽ được trải nghiệm dịch vụ với sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất và thường được các bác sĩ hoặc chuyên gia làm đẹp quốc tế trực tiếp điều trị. Danh mục dịch vụ cũng thường đa dạng từ làm đẹp, massage đến chăm sóc sức khỏe tổng thể,…đem lại trải nghiệm hoàn hảo nhất cho khách hàng. Ngoài ra, chăm sóc dịch vụ tại phân khúc này cũng rất tốt khi cá nhân hóa tới từng khách hàng. Một số thương hiệu nổi bật trong phân khúc này như Luxury Spa-Lavender By Chang, Saigon Smile Spa, Thu Cúc Clinic Spa,…
3. Target Consumer
Sau khi phân khúc thị trường, chủ Spa sử dụng mô hình 3C để tìm ra được nhóm khách hàng tốt nhất và điểm lợi thế cạnh tranh (competitive advantage) của doanh nghiệp.
Xác định Root Strength của công ty (Company)
Để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, điều đầu tiên cần làm là xác định sức mạnh cốt lõi của spa. Đây chính là yếu tố độc đáo, khác biệt mà spa của bạn sở hữu, khiến khách hàng lựa chọn và quay trở lại, giúp phân biệt cơ sở của bạn mà những đối thủ cạnh tranh khác. Sức mạnh cốt lõi có thể là:
- Tay nghề chuyên môn cao: Đội ngũ kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, tay nghề điêu luyện.
- Liệu trình độc quyền: Các phương pháp điều trị và chăm sóc da độc đáo, chỉ có tại spa của bạn.
- Công nghệ hiện đại: Hệ thống máy móc, thiết bị tiên tiến, mang đến hiệu quả điều trị tối ưu.
- Không gian và trải nghiệm: Thiết kế spa độc đáo, dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, tạo nên trải nghiệm thư giãn tuyệt vời.
- Sản phẩm độc quyền: Các dòng sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm được sản xuất riêng hoặc phân phối độc quyền.
Phân tích đối thủ cạnh tranh (Competitor)
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Theo dõi những cơ sở Spa khác trong cùng khu vực cũng như thu thập thông tin để lường trước về đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về tổng quan thị trường và đưa ra chiến lược chiếm lĩnh thị phần hiệu quả.
Bạn có thể tìm hiểu một số thông tin sau từ đối thủ:
- Số lượng đối thủ trực tiếp cùng khu vực
- Concept, loại sản phẩm – dịch vụ, đối tượng khách hàng và mức giá
- Doanh thu của đối thủ (Nếu có thể)
- Số lượng nhân viên
- Sức chứa/sức phục vụ của cửa hàng
- Đối thủ có sở hữu danh tiếng tốt không? Nếu có, vì sao họ thành công như vậy? Nếu không, họ gặp vấn đề ở đâu (Do hiệu quả sản phẩm, do dịch vụ chăm sóc,…?
- Kênh và các hoạt động marketing
Xác định tệp khách hàng mục tiêu (Consumer)
Sau khi hiểu rõ điểm mạnh và đối thủ cạnh tranh, bước tiếp theo là xác định tệp khách hàng mục tiêu. Bạn cần tìm ra nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả cho dịch vụ của mình, và hơn hết, nhóm này phải mang lại lợi nhuận ổn định và có tiềm năng phát triển lâu dài. Chẳng hạn, nếu spa của bạn nổi bật với dịch vụ chăm sóc da cao cấp, hãy nhắm đến những khách hàng có thu nhập cao, sẵn sàng đầu tư vào nhan sắc. Ngược lại, nếu bạn tập trung vào dịch vụ trị mụn cho tuổi teen, hãy chọn khu vực gần các trường học hoặc nơi có nhiều bạn trẻ sinh sống.
Sau khi phân tích 3C, doanh nghiệp sẽ phải xác định được điểm thắng, losing zone, và điểm rủi ro. Để tồn tại, thương hiệu phải làm một trong hai điều sau:
- Định vị dựa trên điểm thắng với một thế mạnh khó bị sao chép (thường chỉ có các công ty có product team mạnh – sở hữu độc quyền tri thức/công nghệ mới làm được điều này).
- Định vị ở điểm rủi ro nhưng phải làm tốt hơn đối thủ (tốt hơn, rẻ hơn, an toàn hơn, hiện đại hơn,…)
Đọc thêm: Định vị thương hiệu (Brand Positioning) là gì? Làm sao để tìm ra định vị thương hiệu đủ tốt?
VÍ DỤ CHIẾN LƯỢC ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU CỦA COCONUT SPA
Coconut Spa là một thương hiệu Spa tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc da và thư giãn cơ thể với liệu trình sử dụng nguyên liệu thiên nhiên.
Mô hình 3C:
Sức mạnh cốt lõi của doanh nghiệp
Coconut Spa có thế mạnh về liệu trình chăm sóc da hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên như dầu dừa, tinh chất trái cây và thảo mộc Việt Nam. Những liệu trình này không chỉ an toàn mà còn mang lại hiệu quả dưỡng da tự nhiên, thu hút những khách hàng yêu thích sản phẩm thiên nhiên và quan tâm đến sức khỏe.
Điểm mạnh của đối thủ cạnh tranh
Các spa lớn và hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh như Saigon Smile Spa thường tập trung vào cung cấp các dịch vụ làm đẹp công nghệ cao như laser, HIFU,… Những dịch vụ này đáp ứng nhu cầu của một phân khúc khách hàng tìm kiếm kết quả nhanh chóng và rõ rệt từ các công nghệ tiên tiến.
Trong khi đó, một số spa khác tập trung vào trải nghiệm thư giãn của khách hàng như Anam QT Spa mang màu sắc Á Đông và đem đến cho khách hàng cảm giác bình yên giữa lòng phố thị Sài thành.
Tuy nhiên, những Spa này đều có mức giá dịch vụ khá cao. Còn những Spa địa phương tự phát với mức giá bình dân thì mới chỉ đáp ứng nhu cầu làm đẹp cơ bản và chưa có sự khác biệt về thương hiệu.
Xác định tệp khách hàng mục tiêu
– Nhóm khách hàng yêu thích sản phẩm thiên nhiên: Họ quan tâm đến sức khỏe và vẻ đẹp tự nhiên, sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ từ thiên nhiên, và thường tránh xa các liệu trình có chứa hóa chất.
– Khách du lịch: Với vị trí thuận lợi tại TP. Hồ Chí Minh, Coconut Spa cũng muốn đánh vào tệp khách du lịch, đặc biệt là những du khách muốn trải nghiệm văn hóa và liệu pháp làm đẹp từ thiên nhiên của Việt Nam.
Từ phân tích mô hình 3C, Coconut Spa định vị thương hiệu là điểm đến thư giãn và làm đẹp từ thiên nhiên với mức giá phải chăng, nơi tìm thấy sự an yên và chăm sóc làn da một cách tự nhiên nhất.
Định vị này được Coconut Spa thể hiện qua các yếu tố:
– Sản phẩm và dịch vụ: Các liệu trình chăm sóc sắc đẹp, massage được sử dụng nguyên liệu 100% hữu cơ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với nguyên liệu chính là dừa và các nguyên liệu khác như tinh dầu sả chanh, gừng, hạt olive, hoa oải hương và đá nóng.
– Không gian xanh: Mọi ngóc ngách tại Coconut Spa được phủ màu trắng và xanh lá cây, từ nội thất trang trí cho đến nguyên liệu “xanh” như xà phòng hữu cơ, tinh dầu dừa, cùng hương thơm sả chanh tiết khiết,…Không gian khiến khách hàng có cảm giác “mát mắt”, cùng mùi hương thơm nhè nhẹ kích thích trạng thái thả lỏng và giải tỏa căng thẳng cho khách hàng.
– Truyền thông giá trị thiên nhiên: Coconut Spa đẩy mạnh truyền thông về nguồn gốc của nguyên liệu làm đẹp và cung cấp lợi ích về sự an toàn, hiệu quả bền vững mà chúng mang lại.
II) LỰA CHỌN MÔ HÌNH KINH DOANH
Khi được hỏi hiện nay có bao nhiêu mô hình spa, nhiều người Việt Nam liệt kê ra các loại mô hình spa như spa, spa kiểu Nhật, spa cổ điển. Nhưng ít người biết rằng đó chỉ là các phong cách kiến trúc cho Spa.
Thực tế, Spa có 4 loại chính: Day Spa, Clinic Spa, Beauty Spa và Home Spa. Mỗi loại được định hình với phong cách riêng, có đặc trưng riêng và mang một “linh hồn riêng” không lẫn với bất kỳ loại nào khác.
1. Day Spa (Spa truyền thống)
Nếu bạn mới bắt đầu kinh doanh spa thì mô hình Day Spa là ý tưởng kinh doanh rất thích hợp cho những mới khởi nghiệp. Khách hàng có thể đến Day Spa để trải nghiệm trong khoảng thời gian ngắn từ 1- 2 tiếng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Loại hình này chuyên về các dịch vụ nghỉ ngơi, thư giãn và chăm sóc cơ thể mà không cần những gói chăm sóc sức khỏe hay sắc đẹp chuyên sâu tốn nhiều thời gian và chi phí. Các dịch vụ điển hình của loại spa này bao gồm massage thư giãn, xông hơi giải độc, chăm sóc cơ thể…
Đây là mô hình kinh doanh tiềm năng, thu hút nhiều đối tượng khách hàng, mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều người ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe cá nhân và gia đình.
Những đặc điểm nổi bật của mô hình kinh doanh Day Spa:
- Cung cấp nhiều dịch vụ, phù hợp với nhu cầu nhiều người
- Đối tượng khách hàng đa dạng, bao gồm cả nam và nữ, kể cả những người có thu nhập trung bình vẫn có thể sử dụng dịch vụ chăm sóc này
- Mức giá dịch vụ của mô hình này khá rẻ so với các loại hình khác
- Chi phí đầu tư không quá nhiều, chủ yếu dựa trên tay nghề của nhân viên
Để mở một Day Spa, bạn cần lưu ý các yếu tố:
- Không gian phải là sự tổng hòa của màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi hương, vệ sinh để mang đến sự yên tĩnh nhẹ nhàng, ấm cúng cho khách hàng.
- Đảm bảo sự riêng tư với rèm hoặc tường mỏng ngăn cách giữa các giường điều trị
- Trang bị đầy đủ nội thất, máy móc cơ bản như: giường spa, ghế massage, bồn tắm gỗ, chậu ngâm chân, các loại đá nóng/lạnh massage, tinh dầu,…
- Mỹ phẩm xuất xứ rõ ràng, an toàn để giúp nâng cao hiệu quả của các dịch vụ và uy tín của spa.
- Đội ngũ kỹ thuật viên massage và chuyên viên chăm sóc phải là những người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản để chăm sóc tốt nhất, mang lại sự thư giãn tối đa cho khách hàng.
2. Beauty Spa
Beauty Spa là mô hình spa thịnh hành nhất hiện nay ở nước ta. Beauty Spa cung cấp chủ yếu các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hay vóc dáng cho khách hàng như: trị mụn, trị nám, tàn nhang, tắm trắng, triệt lông, trẻ hoá da, giảm cân, cải thiện vóc dáng,…
Ngoài cung cấp những liệu pháp chăm sóc sắc đẹp, Beauty Spa còn mang đến cho khách hàng những giờ phút nghỉ ngơi thoải mái nhất bằng sự kết hợp tinh tế cùng các yếu tố như hương thơm từ tinh dầu tự nhiên; âm thanh du dương của nhạc điệu, tiếng chim, tiếng suối chảy; không gian thanh lịch, ấm cúng; sự phục vụ tận tình của nhân viên…
Những đặc điểm nổi bật của mô hình kinh doanh Beauty Spa:
- Thị trường rộng mở khi mà nhu cầu làm đẹp, thực hiện các dịch vụ điều trị về da hay giảm béo của khách hàng, nhất là phái đẹp tại Việt Nam là vô cùng lớn.
- Giá dịch vụ vừa phải phù hợp với thu nhập của đa số người Việt. Đây là lợi thế cạnh tranh cực lớn của Beauty Spa so với mô hình Clinic Spa.
- Có sự hỗ trợ của các công nghệ điều trị hiện đại như máy triệt lông, máy trị mụn, máy giảm béo… Bởi vậy các dịch vụ làm đẹp tại Beauty Spa sẽ hiệu quả và chất lượng hơn so với Day Spa.
- Không gian thư giãn nhẹ nhàng là một điểm cộng nữa giúp mô hình này thu hút và giữ chân khách hàng.
Để mở một Beauty Spa, bạn cần lưu ý các yếu tố:
Vẫn là các yếu tố về không gian, trang bị, con người… nhưng ở Beauty Spa có những lưu ý riêng khi xây dựng, vận hành so với Day Spa.
- Về không gian thì Beauty Spa cũng là sự tổng hòa của 5 yếu tố chuẩn quốc tế của một Spa. Nhưng bên cạnh đó việc bố trí phải rất khoa học, hợp lý khi có sự tham gia của các thiết bị máy móc trong các liệu trình.
- Trang thiết bị ngoài giường điều trị, cần đến các máy móc điều trị, chăm sóc chuyên sâu như máy trị mụn, máy giảm béo, máy laser…
- Đối với mỹ phẩm cần có các sản phẩm đặc trị cho các vấn đề về da như mụn, nám – tàn nhang, lão hóa…
- Beauty Spa phải có các kỹ thuật viên, chuyên viên am hiểu về các phương pháp làm đẹp, chăm sóc da, trình độ tay nghề, khả năng sử dụng các công nghệ làm đẹp hiện đại.
3. Clinic Spa
Nếu Day Spa với mức giá phải chăng, Beauty Spa thuộc dòng Spa dành cho người có thu nhập trung bình và khá, thì Clinic Spa có danh hiệu “nữ hoàng của các mô hình spa”. Clinic Spa là mô hình spa cao cấp, chuyên cung cấp mọi loại dịch vụ thẩm mỹ chuyên sâu. Sử dụng công nghệ hiện đại để khắc phục những khuyết điểm về ngoại hình của khách hàng với nhiều dịch vụ như nâng mũi, nâng cằm, hút mỡ.
Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, tất cả các liệu trình tại Clinic Spa đều phải được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ y khoa có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm và lâu năm. Khác với nhiều mô hình spa khác, loại hình này yêu cầu phải có phòng khám, phòng phẫu thuật, phòng hậu phẫu với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo yếu tố vô trùng được Bộ Y tế phê duyệt.
Một số dịch vụ Clinic Spa cung cấp bao gồm:
– Dịch vụ thẩm mỹ công nghệ cao như: nâng ngực, sửa mũi, hút mỡ, thẩm mỹ khuôn mặt,..
– Liệu trình chuyên sâu như: trị nám, nâng cơ, laser sẹo, tiêm filler, botox, peel da hóa học,..
– Dịch vụ giảm cân, tái tạo cơ thể bằng sóng siêu âm hay các công nghệ cao
Những đặc điểm nổi bật của mô hình kinh doanh Clinic Spa:
Mặc dù cần vốn đầu tư lớn, và các tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Y tế nhưng Clinic Spa có những lợi thế cạnh tranh rất lớn giúp bạn tăng doanh thu nhanh chóng:
- Là nơi cung cấp và thực hiện những dịch vụ thẩm mỹ kỹ thuật cao, áp dụng công nghệ hiện đại khắc phục những khuyết điểm cả về làn da, vóc dáng và ngoại hình mà không một mô hình spa nào khác có thể thực hiện.
- Nhu cầu làm đẹp, thay đổi hình thức bên ngoài của khách hàng ngày càng lớn. Không chỉ đơn thuần là cải thiện làn da, giảm cân mà còn nâng mũi, độn cằm, điều trị nếp nhăn… tạo nên một thị trường rộng mở cho các Clinic Spa khai thác.
- Số lượng Clinic Spa chuẩn tại Việt Nam còn hạn chế, đa số là các mô hình kết hợp giữa các dịch vụ vừa chăm sóc, vừa điều trị ở nhiều cấp độ khác nhau.
Để mở một Clinic Spa, bạn cần lưu ý các yếu tố:
Một Clinic Spa không chỉ phải mang đến sự thỏa mãn cho khách hàng mà phải đáp ứng các tiêu chí an toàn chuẩn Y khoa.
- Phải có đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ công nghệ cao. Máy móc phải đảm bảo chất lượng, yếu tố kỹ thuật, được chứng nhận an toàn bởi các tổ chức uy tín trên thế giới và chứng nhận lưu hành của bộ y tế Việt Nam.
- Không gian Clinic Spa phải có các khu vực chức năng như phòng khám, phòng mổ, phòng phục hồi đảm bảo yếu tố vô trùng theo quy định của bộ Y tế. Cùng với đó là các phòng chức năng riêng biệt để thực hiện các dịch vụ chăm sóc, điều trị da chuyên sâu bằng công nghệ cao.
- Đội ngũ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, y tá, điều dưỡng được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm và được Bộ Y tế cấp phép hành nghề chính thức.
- Về mỹ phẩm thì loại mỹ phẩm, thuốc điều trị sử dụng tại Clinic Spa phải có giấy chứng nhận, giấy phép lưu hành của Bộ y tế cũng như các cơ quan liên quan. Đồng thời phải đảm bảo yếu tố an toàn, không gây ra những tác dụng phụ đối với người sử dụng.
4. Home Spa
Nếu bạn không có đủ tài chính để mở mặt bằng kinh doanh, Home Spa là lựa chọn phù hợp giúp bạn vẫn có thể hành nghề. Home spa là mô hình dịch vụ chăm sóc sắc đẹp di động trực tiếp tại nhà của khách hàng và vẫn còn khá xa lạ, mơ hồ với nhiều người. Loại hình này phù hợp với những khách hàng là người bận rộn, không có thời gian đến cơ sở Spa. Chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, khách hàng sẽ được nhân viên spa từ các cơ sở cung cấp dịch vụ đến tận địa chỉ yêu cầu để thực hiện các dịch vụ cơ bản như massage thư giãn, chăm sóc da, body, trị liệu da, trị mụn, triệt lông, làm nail, nối- uốn mi…
Những đặc điểm nổi bật của mô hình kinh doanh Home Spa:
- Chi phí đầu tư không quá nhiều
- Tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển nên thu hút nhiều khách hàng trong khu vực
- Không yêu cầu chứng chỉ chuyên môn sâu nên ai cũng có thể tham gia mô hình này
Để mở một Home Spa, bạn cần lưu ý các yếu tố:
- Chuẩn bị một số dụng cụ, sản phẩm cần thiết cho dịch vụ khách hàng yêu cầu cũng như phương tiện di chuyển đến địa điểm của khách hàng.
- Dù không yêu cầu bằng cấp chuyên môn, bạn vẫn cần có kiến thức cơ bản về các dịch vụ spa cung cấp
- Vì không có mặt bằng, nên bạn cần chủ động tìm kiếm nguồn khách hàng và truyền thông mạnh mẽ đến người tiêu dùng để họ nhận biết về dịch vụ của bạn.
TẠM KẾT
Phân tích thị trường và lựa chọn mô hình kinh doanh là những bước nền tảng, yêu cầu sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể của việc xây dựng thương hiệu Spa Làm Đẹp. Để thực sự nổi bật và phát triển bền vững, bạn cần phải lên concept cửa hàng ấn tượng, xác định rõ sản phẩm cốt lõi, và truyền tải thông điệp thương hiệu một cách nhất quán đến khách hàng. Nếu thiếu sự chuẩn bị, rủi ro thất bại sẽ luôn rình rập. Đừng bỏ lỡ phần tiếp theo trong chuỗi bài viết này để nắm bắt toàn bộ bí quyết giúp bạn thành công trong ngành Spa Làm Đẹp!
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cách nghiên cứu thị trường cũng như xây dựng và truyền tải định vị thương hiệu cho Spa của bạn, hãy tham khảo ngay khóa học Brand Development của Tomorrow Marketers! Khóa học được đúc kết kinh nghiệm từ chính việc xây dựng thương hiệu từ con số 0, kết hợp với kinh nghiệm xây dựng thương hiệu tại các tập đoàn đa quốc gia sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức thực tế và hữu ích nhất trong hành trình xây dựng thương hiệu.