Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung đa nền tảng

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Sự xuất hiện của các công cụ AI đã hoàn toàn thay đổi cách sáng tạo nội dung trên nền tảng số, từ việc nghiên cứu khách hàng, lên ý tưởng về chủ đề/từ khóa phù hợp, đến sản xuất những content tùy chỉnh cho từng tập đối tượng,… Content creator nên tận dụng xu thế này như thế nào để tăng hiệu quả công việc của mình?

Trong bài viết này, cùng TM tìm hiểu về cách tối ưu các công cụ AI, với đại diện là ChatGPT, Midjourney, DALL E, để hỗ trợ sáng tạo cho cả phần “chữ và hình” nhé. 

Hiểu đúng nguyên tắc đặt Prompt để lên ý tưởng & sản xuất nội dung phù hợp

Bản chất của ChatGPT là tổng hợp thông tin từ Internet, để đáp ứng các câu lệnh (prompt) do người dùng đưa ra. Vì vậy, để nhận được kết quả tốt nhất – các ý tưởng và nội dung sát với mong muốn nhất – thì bạn cần hiểu các nguyên tắc để tạo prompt hiệu quả. Dưới đây là những tips mà TM gợi ý cho bạn nhé:  

1. Đưa ra yêu cầu cụ thể 

Thay vì đặt câu lệnh chung chung là tạo ra các ý tưởng về chủ đề nào đấy, bạn có thể tham khảo mẫu lệnh như sau: Với vai trò là [chuyên gia về/vị trí công việc], hãy lên ý tưởng cho [loại hình nội dung] về [chủ đề] cho [đối tượng hướng đến]. 

Ví dụ thay vì đặt lệnh là: Cho tôi 5 ý tưởng bài đăng trên Facebook về chủ đề work-life balance

Bạn hãy đặt lệnh cụ thể hơn như sau: Là một chuyên gia marketing, hãy lên ít nhất 5 ý tưởng cho các bài đăng trên Facebook về chủ đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các ý tưởng này cần hướng đến phụ nữ và nam giới trung niên từ 28-35 tuổi, đã có gia đình và mức thu nhập ổn định. 

Bên cạnh đó, bạn có thể tùy chỉnh các câu lệnh sau để tạo nội dung có văn phong, giọng điệu phù hợp với thương hiệu/đối tượng hướng đến: 

  • Viết ở cấp độ [tiểu học/trung học/đại học]
  • Bắt chước phong cách viết của [tên tác giả]
  • Viết bằng phong cách [thân mật/gần gũi/nghiêm túc]
  • Sử dụng [câu hỏi tu từ, storytelling, phép ẩn dụ, so sánh,…]

Ví dụ về việc liên tục đưa ra yêu cầu cụ thể để ChatGPT trả về kết quả tốt – Trích từ slide khóa học Generative AI & Content Marketing

2. Cung cấp đầy đủ các thông tin đầu vào

Trong trường hợp bạn đã có các ý tưởng, thông tin tham khảo từ trước, bạn có thể cung cấp các thông tin đầu vào này cho ChatGPT để định hướng các nội dung phù hợp hơn. Ví dụ như: 

(1)  Dựa vào thông tin của tác giả A dưới đây, hãy viết một bài giới thiệu với văn phong trẻ trung, hiện đại về A cho talkshow về chủ đề tài chính cá nhân.

###

[Profile diễn giả A]  

(2) Tóm tắt bài báo dưới đây thành 5 điểm quan trọng nhất cần ghi nhớ/Dựa trên nội dung bài blog dưới đây, hãy viết 1 bài tương tự về…. 

###

[Nội dung bài báo/blog liên quan]

Hoặc bạn có thể đưa ra các ví dụ về nội dung hay ý tưởng nên/không nên sản xuất để ChatGPT tham khảo: 

(1) Dựa trên danh sách các ý tưởng dưới đây về chủ đề làm đẹp cho phụ nữ trung niên, hãy tạo ra các ý tưởng tương tự.

###

[Danh sách các ý tưởng từ doanh nghiệp của bạn/doanh nghiệp đối thủ]

(2) Viết một email cho khách hàng thông thường, không có chuyên môn về công nghệ về cách sử dụng giao diện của Base. Email không nên quá nghiêm túc và cứng nhắc. Dưới đây là ví dụ về nội dung email mà bạn nên tránh làm theo: 

###

[Mẫu email có nội dung quá cứng nhắc]

Lưu ý, với các mẫu prompt có cung cấp thông tin từ bên ngoài này, bạn có thể sử dụng ### để phân tách các phần, giúp ChatGPT hiểu rõ câu lệnh hơn. 

Tổng kết lại, bạn sẽ cần đưa ra ngữ cảnh, output mong muốn, làm rõ yêu cầu, để ChatGPT đưa ra câu trả lời phù hợp. 

Ngoài ra, có một vài lưu ý khác khi đặt prompt như sau: 

Một số lưu ý khi viết prompt – Trích từ slide khóa học Generative AI & Content Marketing

  • Sử dụng tiếng Anh để nhận kết quả chất lượng nhất: Bạn có thể tạo prompt bằng tiếng Anh, sau đó thêm ràng buộc ngôn ngữ đầu ra bằng câu “write it in vietnamese for vietnam’s audience”. Hoặc, bạn có thể tạo content bằng tiếng Anh rồi yêu cầu dịch lại sau. Trong trường hợp sử dụng prompt tiếng Anh, bạn có thể tham khảo trang web này để tối ưu câu lệnh cho mình nhé: https://promptperfect.jina.ai/
  • Format trước câu trả lời: Bạn nên làm rõ độ dài, định dạng (đoạn văn, bài blog), số lượng (5 idea),… của câu trả lời mà ChatGPT cần đưa ra.
  • Viết prompt có cấu trúc: Nên có ngắt nghỉ, phân đoạn, gạch đầu dòng các ý để AI dễ hiểu hơn. 
  • Mô tả các bước mà AI nên làm: Ví dụ bạn đưa cho AI một đoạn văn bản, và list ra các bước thực hiện như 1) Tóm tắt lại nội dung văn bản; 2) Dịch phần tóm tắt ấy sang tiếng Anh, 3) Liệt kê các tên người được nhắc đến trong văn bản. Bạn cũng lưu ý là với các nội dung có dung lượng lớn, bạn có thể tách từng bước yêu cầu trên thành từng câu lệnh riêng, đồng thời tích hợp với thông tin từ các câu trả lời nhận được, nhằm đảm bảo cho ra kết quả chính xác nhất.
  • Yêu cầu AI xác nhận lại yêu cầu: Với những câu lệnh dài, bạn có thể yêu cầu ChatGPT xác nhận lại đã hiểu thông tin với những câu lệnh như “Trước khi thực hiện yêu cầu trên, hãy tóm tắt lại yêu cầu của tôi, để đảm bảo bạn hiểu những việc cần làm”; hay “Hãy xác nhận là bạn đã hiểu yêu cầu của tôi”.
  • Thử nghiệm lại câu lệnh nhiều lần dựa trên câu trả lời của ChatGPT: Ví dụ câu lệnh đầu tiên của bạn có thể là “chỉnh sửa lỗi ngữ pháp và chính tả trong đoạn văn này”. Nhưng sau đó, bạn thấy nội dung ChatGPT đưa ra vẫn chưa đúng mong muốn, thì bạn có thể bổ sung câu lệnh thành “chỉnh sửa lỗi ngữ pháp và chính tả trong đoạn văn này, sau đó viết lại theo văn phong trang trọng”.

Với các dạng bài đăng trên mạng xã hội, email,.. vốn thường có nội dung ngắn và mang tính chất “mì ăn liền”, việc lên ý tưởng và sản xuất content có thể được hỗ trợ nhanh chóng với những công thức câu lệnh kể trên. Nhưng với những nội dung long-form như blog, bạn sẽ cần nghiên cứu kỹ càng hơn, tinh chỉnh nội dung cẩn thận hơn. Cụ thể thế nào, tìm hiểu trong phần sau nhé. 

Đọc thêm: Generative AI là gì? Làm sao để ứng dụng Chat GPT hiệu quả trong Digital Research?

Ứng dụng ChatGPT trong sản xuất nội dung blog 

1. Hiểu search intent của khách hàng

Để có được danh sách từ khóa phù hợp, bạn cần trước tiên hiểu được search intent của khách hàng khi tìm kiếm chủ đề mục tiêu của bạn là gì. Điều này bao gồm việc xác định ai là người tìm kiếm chủ đề đấy, thông tin mà họ muốn biết, và tại sao họ muốn tìm kiếm về chủ đề này. 

Đọc thêm: Search Intent: Ý định tìm kiếm trong SEO là gì?

Ví dụ với chủ đề là “tăng hiệu suất làm việc”, bạn có thể đặt câu lệnh theo cấu trúc như sau: 

Hãy cho tôi biết search intent của những người tìm kiếm về chủ đề “tăng hiệu suất làm việc”:

  • Ai là người tìm kiếm [chủ đề]?
  • Họ muốn biết thông tin gì?
  • Vì sao họ muốn tìm [chủ đề] đó? 

2. Tìm hiểu & Lựa chọn các từ khóa chuẩn SEO

Với chủ đề chính như trên, bạn có thể đặt lệnh cho ChatGPT tìm kiếm các từ khóa liên quan với cấu trúc như sau: Tôi muốn viết blog về [chủ đề], hãy tìm cho tôi những từ khóa tương tự về chủ đề này. 

Để tăng độ chính xác, bạn có thể cập nhật cho ChatGPT các thông tin về search intent của khách hàng ở phía trên.

Sau khi đã có danh sách từ khóa, hãy sử dụng các công cụ như ahrefs, Semrush để đánh giá tiềm năng về traffic, độ khó của từ khóa. Từ đó, bạn hãy lựa chọn từ khóa có triển vọng nhất cho bài blog của mình.

Đọc thêm: Làm thế nào để lựa chọn từ khóa chuẩn SEO? 

3. Nghiên cứu các bài viết của đối thủ

Sau khi xác định được đâu là từ khóa chính của bài viết, hãy tìm kiếm trên Google với từ khóa ấy, để xem đâu là những bài viết đang được xếp hạng cao nhất. Tiếp đến, hãy sử dụng ChatGPT để đánh giá các bài blog đối thủ này, rút ra những điểm có thể học hỏi/làm ưu việt hơn họ. 

Tham khảo câu lệnh sau để nghiên cứu bài viết của đối thủ nhé: 

Dưới đây là top 5 bài viết trên google search cho [từ khóa được chọn]. Phân tích cho tôi: 

[link 5 bài viết]

  • Nội dung bài viết đã đáp ứng đúng search intent của người dùng khi tìm kiếm từ [từ khóa] chưa? Nếu có thì như thế nào?  
  • Cách sắp xếp nội dung heading đã phù hợp chưa? Có chuẩn SEO không? Hãy liệt kê các heading. 
  • Cách triển khai nội dung bài viết có ưu, nhược điểm gì?
  • Cách trình bày có dễ đọc và chuẩn SEO không? (trình bày chi tiết, không trả lời tốt/không tốt)

Bạn lưu ý là để ChatGPT có thể truy cập vào đường link internet, bạn cần sử dụng phiên bản ChatGPT plus. Còn các phiên bản khác chỉ có thể truy cập thông tin từ năm 2021 trở lại thôi nhé. 

4. Lên outline blog 

Bạn có thể sử dụng câu lệnh sau để lên outline sơ bộ cho blog, trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí về search intent và chuẩn SEO (như đã tổng hợp từ phần trên), như sau: 

Đóng vai [Marketer chuyên nghiệp/chuyên gia về…], hãy lên cho tôi 1 blog outline chi tiết đảm bảo các yêu cầu sau: 

  • Đáp ứng được những search intent đề cập ở trên: [tóm gọn các nội dung về search intent của khách hàng]
  • Đáp ứng các yêu cầu chuẩn SEO (bạn có thể thêm các ví dụ về chuẩn SEO để ChatGPT hình dung, như giới hạn số từ, từ khóa phải có trong heading..) 
  • Yêu cầu về nội dung: Văn phong, giọng điệu [chuyên nghiệp/trang trọng], theo phong cách của [tác giả/nhà văn]

Với câu lệnh như vậy, ChatGPT sẽ trả lại một outline sơ bộ tương đối hoàn chỉnh. Nhưng thông thường, outline ban đầu này sẽ khá chung chung, tương đồng với những nội dung khác đã có sẵn trên mạng. Bạn có thể regenerate câu trả lời, hoặc hỏi sâu vào từng mục trong outline để yêu cầu ChatGPT phân tích sâu hơn. 

5. Viết bài blog hoàn chỉnh

Sau khi có outline, bạn không nên lệnh cho ChatGPT viết luôn toàn bộ bài blog, vì công cụ này bị giới hạn về số từ nên content sản xuất ra có thể không đủ độ dài và chuyên sâu. 

Thay vào đó, bạn nên yêu cầu ChatGPT viết từng mục trong bài, sau đó đưa ra các đề xuất, cải tiến thêm (như về cách dùng từ, giọng điệu, nội dung cần khai thác, giới hạn số từ, chèn thêm từ khóa nào). Tiếp đó, hãy làm tương tự với các phần mục khác trong blog. 

Bạn lưu ý là trong quá trình viết bài như trên, vì bộ nhớ của AI bị giới hạn, nên với mỗi câu lệnh, hãy đảm bảo lặp lại các yêu cầu về bối cảnh, cách trình bày, văn phong… để ChatGPT nhớ được context và đưa ra các output cụ thể như mong muốn nhé. 

Lưu ý về cách Google đánh giá nội dung do AI sản xuất 

Google đã tuyên bố rằng mình sẽ ưu tiên các nội dung có chất lượng cao, bất kể cách thức tạo ra. Điều này có nghĩa là các bài viết được AI sản xuất vẫn có thể xếp hạng cao nếu thỏa các tiêu chí về: 

(1) Nguyên tắc E-E-A-T (Chuyên môn, Trải nghiệm, Tính xác đáng và Độ tin cậy – Expertise, Experience, Authoritativeness và Trustworthiness)

Trước đây, Google chỉ dùng nguyên tắc E-A-T: Expertise – Authoritativeness – Trustworthiness. Bạn có thể tìm hiểu cách đánh giá các tiêu chí trên tại bài viết này nhé: Lý giải E-A-T: nguyên tắc đánh giá chất lượng website của Google

Nhưng đến năm 2022, Google đã cập nhật nguyên tắc E-A-T để thêm 1 chữ E nữa là Experience. Để đạt được tiêu chí này, người viết phải cho thấy kinh nghiệm thực tế trong bài viết (như đã sử dụng sản phẩm, ghé thăm địa điểm, hay trao đổi với các chuyên gia liên quan). 

(2) Được biên tập bởi con người

Như có đề cập ở trên, nội dung do AI sản xuất được trích xuất & tổng hợp từ các thông tin có sẵn trên internet nên sẽ cần kiểm tra lại về độ chính xác và tính trung lập. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguyên tắc E-E-A-T như trên, đồng thời cho thấy được phong cách, sự độc đáo của thương hiệu, bài viết chắc chắn sẽ cần được biên tập lại bởi con người. 

(3) Không cố thao túng kết quả tìm kiếm

Điều này bao hàm những hành động như: Tạo tiêu đề clickbait, tạo nội dung hàng loạt, chung chung bởi AI, sao chép/tóm tắt lại những nội dung từ các nguồn khác, cố gắng viết đủ số từ/lồng ghép từ khóa để đảm bảo chuẩn SEO,… mà không đem lại giá trị cho người đọc. 

Như vậy, cần hiểu rằng AI chỉ là công cụ để bạn tổng hợp, nghiên cứu và lên nội dung cơ bản, còn khâu sau cùng là biên tập và trau chuốt bài viết vẫn là việc của con người, nhằm đảm bảo tạo ra những nội dung thật sự chất lượng và khác biệt. 

Ứng dụng AI trong sản xuất hình ảnh 

Hiện tại, DALL·E và Mid Journey là hai công cụ tạo hình ảnh phổ biến và chất lượng nhất. Dưới đây là ví dụ về hình ảnh được tạo ra bởi DALL·E và Midjourney cho cùng một câu lệnh: 

Hình ảnh được tạo bởi DALL·E và Midjourney. Nguồn ảnh: Zapier

Vậy nên lựa chọn DALL·E hay Midjourney cho việc sáng tạo nội dung? Cùng TM tham khảo bảng so sánh giữa hai công cụ này nhé!

Có thể thấy, mỗi nền tảng đều có những ưu điểm riêng. Bạn có thể tham khảo thêm các hình ảnh mà hai công cụ này tạo ra, với những prompt cụ thể ra sao, để hiểu rõ hơn công cụ nào sẽ phù hợp với nhu cầu của mình hơn nhé. 

Tạm kết 

Việc ứng dụng AI đem lại cơ hội để các nhà sáng tạo nội dung có thể tối ưu quy trình làm việc và tạo được các sản phẩm chất lượng hơn.

Hãy tham gia khóa học “Generative AI – Tự động hoá và thay đổi phương pháp làm việc mãi mãi” của Tomorrow Marketers. Qua khoá học, bạn không chỉ hiểu mà còn áp dụng thành thạo các công cụ AI cho Content Marketing, Phân tích dữ liệu và tự động hoá công việc hàng ngày!

Dù vậy, AI chỉ là công cụ chứ không thể thay thế hoàn toàn con người. AI không thể hiểu được các “insight ngầm” của người dùng, sáng tạo các nội dung độc đáo, chuyên sâu hay tạo ra những content plan dài hạn cho thương hiệu. Đây cũng là những kỹ năng, kiến thức mà content writer, content creator cần trang bị để làm chủ sự nghiệp của mình, không bị “đào thải” bởi AI. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo khóa học Content Marketing từ Tomorrow Marketers nhé.