Tomorrow Marketers – Không đơn thuần chỉ là những đoạn chat, Generative AI có năng lực khủng hơn rất nhiều, nó có thể thực hiện được các công việc cụ thể do con người giao cho. Hãy đưa Generative AI một đoạn prompt, nó sẽ làm những gì bạn muốn chỉ trong tích tắc, từ những nhiệm vụ thực thi nhỏ lẻ như tìm kiếm thông tin, viết content, cho đến công việc chiến lược hơn bao gồm phân tích dữ liệu, lập kế hoạch truyền thông,… Vậy là thay vì phải tốn hàng giờ ngụp lặn giữa hàng trăm kết quả tìm kiếm và tự mình nghĩ ý tưởng, giờ đây, bạn luôn có ‘trợ thủ đắc lực’ luôn sẵn sàng nhận việc và thực hiện cho mình, thậm chí là việc gì cũng làm.
Giống như onboarding một nhân sự mới, bạn cũng cần huấn luyện trợ thủ của mình để có kết quả công việc đúng ý bằng cách sử dụng câu lệnh prompt. Vậy xây dựng những câu lệnh đó như thế nào, nên làm gì để tận dụng tối đa những lợi thế mà Generative AI mang lại trong việc nghiên cứu thị trường Digital? Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Generative AI là gì?
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là thuật toán vi tính mô phỏng hiệu quả quá trình nhận thức của con người, bao gồm học hỏi, ra quyết định, giải quyết vấn đề và thậm chí là cả sáng tạo. Đã có không ít doanh nghiệp ứng dụng sức mạnh của AI vào bài toán vận hành, như việc Google dùng AI để chúng ta có thể tìm đúng thông tin, Amazon dùng AI để gợi ý đúng thứ chúng ta muốn mua, Netflix dùng AI để gợi ý phim phù hợp và Spotify dùng AI để đưa đúng nhạc đến đúng người hâm mộ.
Một trong số những mô hình AI đang phổ biến hiện nay là Generative AI với đại diện là những cái tên quen thuộc như Chat GPT, Google Bard hay Bing. Cũng giống như những mô hình AI hiện đại, Generative AI được ‘huấn luyện’ dựa trên dữ liệu. Chúng tìm ra quy luật và xu hướng của tập dữ liệu sẵn có, sau đó tạo ra thông tin mới. Chẳng hạn, khi bạn đưa công cụ Generative AI hình ảnh một con mèo, nó sẽ hiểu rằng con mèo có 4 chân, 2 tai và 1 cái đuôi. Sau đó, bạn có thể yêu cầu chúng nghĩ ra nhiều hình ảnh khác nhau theo ý bạn, tất cả sẽ cùng tuân theo một quy luật như trên.
Chỉ có một điểm cần phân biệt đó là sự khác nhau giữa Generative AI và Discriminative AI (hoặc có thể gọi là Predictive AI). Discriminative AI sẽ tập trung chủ yếu vào việc phân loại, tìm kiếm điểm khác nhau giữa các sự vật – chẳng hạn như phân biệt chó/ mèo. Đây là loại trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong các cỗ máy đưa gợi ý như Netflix hay Amazon. Nó phân biệt giữa những thứ bạn muốn xem và những thứ bạn không mấy quan tâm. Discriminative AI cũng được sử dụng trong ứng dụng điều hướng khi nó phân biệt các con đường khác nhau từ địa chỉ A đến địa chỉ B, và cảnh báo về con đường bạn nên tránh.
Trong khi đó, Generative AI sẽ tập trung vào việc hiểu rõ xu hướng và cấu trúc của dữ liệu để tạo ra thông tin mới tương tự với tệp dữ liệu sẵn có.
Một số ứng dụng của Generative AI có thể kể đến như:
- Tạo hình ảnh: Nhiều công cụ generative như Canva hay Stable Diffusion có thể hiểu ngôn ngữ tự nhiên của con người thông qua đoạn prompt (câu lệnh mà bạn nhập vào để AI trả kết quả phù hợp), và tạo ra hình ảnh theo mong muốn của người dùng. Chằng hạn, bạn chỉ cần nhập prompt mô tả “I want an image of a two-headed dog wearing an Elvis costume flying a spaceship into a black hole”, nó sẽ trả cho bạn hình ảnh gần nhất với câu mô tả.
- Tạo văn bản: ChatGPT, Google Bard là 2 ứng dụng phổ biến trong việc tạo văn bản. Chúng có thể giúp bạn viết mọi thứ, từ bài luận, bài báo đến thơ ca.
Cách ChatGPT tạo ra văn bản – Trích từ slide khóa học Generative AI
- Coding: ChatGPT, Microsoft’s GitHub Copilot và Amazon’s CodeWhisperer giúp cuộc sống lập trình của bạn trở nên dễ dàng hơn khi chúng có thể viết hộ bạn những đoạn mã này.
- Tạo âm thanh: Generative AI có khả năng tạo giọng nói giống như con người, cho phép máy nói chuyện như con người mà không phải là sử dụng những tệp ghi âm sẵn.
- Tạo video: Dù chưa thực sự đạt đến cảnh giới sáng tạo như việc tạo văn bản hay hình ảnh, những công cụ tạo video này đang dần được cải thiện, cho phép con người dựng clip đơn giản.
- Tạo dữ liệu: Máy tính khó khả năng tạo tệp dữ liệu mới thay vì đo lường và tổng hợp dữ liệu từ thế giới thực (synthetic data). Tệp dữ liệu này sẽ được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI khác mà không vi phạm vấn đề bảo mật dữ liệu.
- Tạo môi trường ảo: Đây là môi trường trong thế giới game hoặc các không gian ảo như metaverse.
Công việc mà các công cụ AI có thể làm tốt | Công việc mà các công cụ AI chưa làm tốt |
– Tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn trên internet – Liệt kê đơn thuần – Cung cấp thông tin cơ bản về thương hiệu (thường chỉ áp dụng với các thương hiệu lớn) – Cung cấp ví dụ | – Phân tích, rút ra nhận xét, kết luận – Cung cấp số liệu/ bằng chứng – Phân tích số liệu (tùy từng công cụ sẽ có khả năng làm được) |
Đọc thêm: 15 nguồn miễn phí giúp bạn nghiên cứu đối thủ trên Digital
Trong phạm vi bài viết, hãy cùng tìm hiểu về công cụ quen thuộc với các Marketers – Chat GPT và cùng khám phá xem Chat GPT có thể giúp bạn những phần việc nào khi nghiên cứu thị trường nhé!
Ứng dụng của Chat GPT trong Digital Research
Điểm hạn chế của Chat GPT
Đúng là Chat GPT có thể nhanh chóng đưa câu trả lời chỉ trong vài giây, nhưng bạn cũng cần ‘tỉnh táo’ chọn lọc những thông tin này, vì Chat GPT còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như:
- Thiếu kiến thức mới nhất: Chat GPT được huấn luyện trên cơ sở dữ liệu đã có thông tin đến 2021. Do đó, Chat GPT không thể cung cấp thông tin hoặc tin tức mới nhất.
- Phản ánh thiên vị: Chat GPT được huấn luyện từ những dữ liệu trên Internet, nó không tư duy hoặc logic giống con người vì vậy nó có thể tạo ra thiên vị từ dữ liệu trên Internet. Điều này có thể dẫn đến câu trả lời thiên vị, thiếu logic, hoặc không toàn diện.
- Thiếu kiểm soát ngữ nghĩa: Đôi khi Chat GPT có thể tạo ra câu trả lời không chính xác hoặc không liên quan do hạn chế trong việc hiểu ngữ cảnh hoặc nội dung cụ thể của câu hỏi. Điều này có thể gây hiểu lầm và không cung cấp thông tin đáng tin cậy.
- Tạo thông tin sai lệch: Chat GPT nhiều khi tự cung cấp thông tin không chính xác, đặc biệt khi yêu cầu thông tin của bạn vượt quá kiến thức hoặc khả năng của nó.
- Quyền sở hữu và pháp lý chưa rõ ràng: Quyền sở hữu và hệ quả pháp lý không rõ ràng, khiến người ta lo lắng về nội dung được tạo ra và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin.
Những thông tin Chat GPT có thể hỗ trợ khi làm Digital Research
Để nâng cao điểm mạnh là tổng hợp dữ liệu nhanh chóng và hạn chế những điểm yếu của Chat GPT, Digital Marketers có thể phối hợp cùng Chat GPT để nghiên cứu những thông tin sau:
Thông tin có thể tham khảo từ Chat GPT | Thông tin Digital Marketer nên tự nghiên cứu |
Phân khúc thị trường | Thị phần và các con số hiệu quả kinh doanh của đối thủ |
Liệt kê các đối thủ trên thị trường | Các kênh truyền thông, hoạt động truyền thông, thông điệp của đối thủ |
USP, ưu nhược điểm của các sản phẩm/ thương hiệu trên thị trường | |
Nhóm khách hàng mục tiêu của đối thủ | Phân khúc thị trường chuyên sâu |
Gợi ý về một số ý tưởng cạnh tranh với đối thủ trên thị trường |
Nguyên tắc đặt Prompt để Chat GPT đưa ra câu trả lời tốt nhất
Đặt nhiều câu hỏi khác nhau để đào sâu thông tin
Điều này cũng giống như khi nói chuyện với một con người. Khi bạn đang ở trong cuộc trò chuyện với ai đó, sẽ không tránh khỏi việc đối phương đi lạc mất điểm ban đầu hoặc bạn muốn tìm hiểu, làm rõ một điểm gì đó ở phương. Và theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ cần đưa đối phương quay lại chủ đề chính và hỏi thêm nhiều câu để đào sâu chủ đề đang nói.
Khi trò chuyện với máy, đây được gọi là “interactive prompting” (đặt câu lệnh qua việc tương tác qua lại). Đừng ngại đặt câu hỏi theo nhiều tầng, nhiều bước khác nhau. Bạn cứ hỏi, máy sẽ trả lời, và bạn lại dựa trên câu trả lời đó để hỏi thêm câu tiếp theo. Chắc hẳn khi gặp gỡ người quen, bạn sẽ không chỉ muốn hỏi đúng một câu rồi bỏ đi đâu đúng không? Hãy thực hiện cuộc trò chuyện tương tác như vậy với AI để đào sâu vấn đề nhé.
Yêu cầu Chat GPT đóng vai và đưa nó bối cảnh câu hỏi
Một đặc điểm khá thú vị của Chat GPT là nó có thể viết dưới quan điểm của một người hoặc một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Và nếu bạn cung cấp thêm ngữ cảnh, nó có thể hiểu và đưa ra câu trả lời sao cho hợp ý bạn. Ngữ cảnh ở đây bao gồm thông tin về việc tại sao bạn cần phải làm dự án này hoặc một vài dữ liệu thực tế, một vài số liệu quan trọng.
Dưới đây là ví dụ về một prompt sơ sài và một prompt tốt:
- Prompt sơ sài: Xây dựng chân dung khách hàng ngành mẹ và bé
- Prompt tốt: Bạn là marketing manager của một thương hiệu mẹ bé tập trung cho các sản phẩm máy hút sữa, máy hâm sữa, bình sữa, máy tiệt trùng sữa,… Hãy lập 1 bảng chân dung khách hàng bao gồm các thông tin về demographic, sở thích & mối quan tâm, website và fanpage hay theo dõi, các từ khóa hay tìm kiếm, vấn đề gặp phải.
Đưa ví dụ về câu trả lời muốn nhận được
Đưa Chat GPT ví dụ về kết quả cũng là cách giúp bạn điều hướng công cụ theo hướng mình mong muốn. Đây là một đoạn prompt mẫu: “ Hãy cho tôi một danh sách các dòng tiêu đề email cho startup công nghệ muốn tung chiến dịch tăng độ nhận biết. Văn phong sôi nổi và mang tính mời chào kiểu như sau: “Giải pháp công nghệ đột phá cho [Tên công ty startup]”.
Ví dụ về việc liên tục đưa ra gợi ý để ChatGPT trả về kết quả tốt – Trích từ slide khóa học Generative AI
Một vài tips đặt prompt khác:
- Hãy thoải mái đặt câu hỏi vì Chat GPT sẽ thường thay đổi câu trả lời với mỗi nhiệm vụ.
- Chịu khó thay đổi từng phần nhỏ trong prompt để tạo ra câu trả lời tốt hơn theo thời gian.
- Những câu trả lời vượt quá 500 từ nhiều khi sẽ không mang lại nhiều giá trị. Hãy giới hạn độ dài câu trả lời theo mong muốn của bạn.
- Chú ý thay đổi cách diễn đạt khi đặt câu hỏi nếu bạn nhận thấy Chat GPT dường như đang không hiểu ý mình.
- Nếu bạn cần dẫn nguồn, hãy hỏi Chat GPT để có thể đánh giá độ chính xác của câu trả lời.
- Bạn có thể dùng nguyên câu hỏi đã đặt cho Chat GPT để hỏi Google Bard hay Bing Chat. Chúng sẽ cho bạn phiên bản câu trả lời khác, cũng có thể là một ý kiến khác để bạn có thêm nhiều góc nhìn khác nhau.
Ví dụ về cách sử dụng Chat GPT trong Digital Research
Với thế mạnh về việc nhanh chóng tổng hợp và liệt kê những thông tin nổi bật, bạn có thể sử dụng Chat GPT làm nguồn tham khảo để tìm hiểu các xu hướng chung trên thị trường, nghiên cứu về đối thủ và khách hàng mục tiêu.
Tìm hiểu các xu hướng chung trên thị trường
Ứng dụng các nguyên tắc khi sử dụng ChatGPT như đề cập ở, bạn có thể yêu cầu công cụ này cung cấp các insight, thông tin về ngành hàng mình quan tâm với các câu lệnh như sau:
- “Đóng vai một nhà phân tích thị trường chuyên về mảng ô tô điện, cung cấp cho tôi thông tin tổng quan về các xu hướng và thách thức trong thị trường xe điện.”
- “Đóng vai một chuyên gia tư vấn chuyên về mảng du lịch – khách sạn. Cung cấp cho tôi tổng quan về tác động của COVID-19 đối với ngành hàng này, bao gồm xu hướng phục hồi và hành vi mới của người tiêu dùng?”
Một cách khác để ứng dụng ChatGPT trong nghiên cứu xu hướng thị trường một cách chính xác hơn là yêu cầu công cụ này phân tích từ các báo cáo chuyên ngành.
Đầu tiên, báo cáo nên đến từ các nguồn uy tín, có dữ liệu thống kê và phân tích của các chuyên gia liên quan. Sau đó, bạn hãy điều chỉnh định dạng của báo cáo sang PDF, hoặc gửi link (nếu báo cáo công khai, sử dụng ChatGPT Plus) để công cụ này có thể truy cập và phân tích nhé.
Bạn có thể hỏi ChatGPT về:
- Tổng quan các điểm chính trong báo cáo
- Tóm tắt các phần mục
- Các số liệu, bảng biểu hay chia sẻ từ các chuyên gia gây chú ý
- Những câu hỏi cụ thể mà bạn cần giải đáp từ báo cáo
Nghiên cứu khách hàng
Bạn có thể đào sâu phần nghiên cứu này ở 2 khía cạnh, đó là chân dung khách hàng tiềm năng (nếu bạn chưa có nhiều dữ liệu về đối tượng mục tiêu) và khách hàng hiện tại (dựa trên các dữ liệu có sẵn).
Trước tiên, về chân dung khách hàng mục tiêu, bạn có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp thông tin chung về đối tượng mục tiêu, như độ tuổi thu nhập, trình độ học vấn, giới tính và vị trí địa lý.
Ví dụ như với câu lệnh: “Hãy đóng vai như một nhà nghiên cứu thị trường và cung cấp cho tôi thông tin của những người có khả năng cao nhất đặt hàng salad tại Hà Nội—bao gồm nhóm tuổi, thu nhập, trình độ học vấn, giới tính và vị trí cụ thể” ChatGPT sẽ trả lại thông tin như sau:
Những thông tin này bước đầu cho bạn biết đâu là tập đối tượng mà mình nên tập trung. Tiếp theo, bạn có thể yêu cầu ChatGPT phát triển chân dung khách hàng chi tiết cho thương hiệu của mình. Chân dung này sẽ bao gồm các thông tin về dân số, hành vi, nhu cầu, sở thích của đối tượng.
Ví dụ với câu lệnh: “Với cùng sản phẩm là giao hàng salad trực tiếp tận nhà tại Hà Nội, hãy cung cấp cho tôi 2 chân dung chi tiết về khách hàng mục tiêu, gồm các thông tin như nhân khẩu học (giới tính, nhóm tuổi, nơi ở, thu nhập,…), đặc điểm tâm lý (quan tâm đến những chủ đề gì, hay để ý những vấn đề gì), điều họ thích, không thích, quan điểm của họ về sản phẩm salad.”
Những thông tin này có thể không hoàn hảo và cần đào sâu thêm, nhưng bước đầu ChatGPT cũng cho bạn biết phổ khách hàng mà bạn có thể đánh vào: một bên quan tâm đến chất lượng món ăn, một bên mong muốn các sản phẩm nhanh – gọn.
Tiếp theo, nếu có sẵn dữ liệu về khách hàng, bạn có thể cung cấp phản hồi/feedback của người dùng cho ChatGPT để công cụ này phân tích sâu hơn.
Ví dụ với câu lệnh “Dưới đây là một số phản hồi từ khách hàng của chúng tôi. Bạn có thể phân loại chúng thành các phản hồi tích cực, tiêu cực và trung lập không?” đính kèm file excel thống kế các feedback của khách hàng; ChatGPT sẽ trả lại như sau:
Đọc thêm: Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung đa nền tảng
Một vài câu lệnh khác bạn cũng có thể sử dụng như:
- Lập danh sách những vấn đề chính mà khách hàng cần sản phẩm giải quyết
- Xác định các ý tưởng mới về sản phẩm dựa trên phản hồi từ khách hàng
- Xác định những nội dung phản hồi được lặp lại nhiều nhất trong khảo sát
- So sánh các phản hồi của khách hàng từ [các nguồn khảo sát khác/trong các giai đoạn khác]. Sau đó, xác định các thay đổi hay cải thiện nào đã được thực thi
- Tóm tắt lại 5 điểm đáng chú ý nhất từ khảo sát khách hàng
Những thông tin từ ChatGPT cung cấp có thể giúp bạn bước đầu hiểu được đặc thù ngành hàng, khách hàng. Nhưng để từ đó lên được một chiến lược nội dung hiệu quả, bạn sẽ cần biết cách đào sâu thêm về hành trình khách hàng, gắn với USP của sản phẩm, để đưa nội dung đến “đúng người, đúng thời điểm” nhất. Nếu muốn tìm hiểu về quy trình lên Content Strategy bài bản, hãy tham khảo khóa học Content Marketing từ Tomorrow Marketers nhé.
Nghiên cứu đối thủ
Bạn còn có thể sử dụng Chat GPT để nhanh chóng tìm ra các thương hiệu nổi bật trong ngành và USP của họ.
Sau đó, bạn có thể dùng ChatGPT để truy vấn tiếp về đối thủ như:
- Khách hàng thích/không thích điều gì về các [thương hiệu]?
- So sánh các sản phẩm của các [thương hiệu], về giá cả, chất lượng, hình thức?
- Cung cấp cho tôi chiến lược giá của các công ty [cho mặt hàng nhất định]
- So sánh các chiến lược truyền thông của các [thương hiệu] trong [ngành hàng]
Đọc thêm: Checklist lập Media Plan từ A đến Z
Tạm kết
Chat GPT và các công cụ Generative AI đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp. Nếu có thể tận dụng mọi điểm mạnh của những công cụ này, bạn sẽ nắm trong tay một đội ngũ đắc lực giúp đẩy nhanh năng suất công việc và hiệu quả chiến dịch.
Hãy tham gia khóa học “Generative AI – Tự động hoá và thay đổi phương pháp làm việc mãi mãi” của Tomorrow Marketers. Qua khoá học, bạn không chỉ hiểu mà còn áp dụng thành thạo các công cụ AI cho Phân tích dữ liệu, Content Marketing và tự động hoá công việc hàng ngày!
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách sử dụng các công cụ Digital khác trong việc nghiên cứu thị trường và triển khai chiến dịch Digital Marketing tích hợp đa kênh đa điểm chạm, hãy tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers!
Nếu bạn muốn hiểu cách lên chiến lược nội dung bài bản, đi từ nghiên cứu ngành hàng, khách hàng, sản phẩm, để tạo ra các chiến lược và thông điệp truyền thông xuyên suốt, hãy tham khảo khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers nhé!