Có gì đằng sau TVC khó hiểu của Aba?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – “Hàng đi giao không bán” hay “Chưa mở hàng mà làm đổ chậu cá” là một trong những TVC gây tranh cãi nhất của Aba vì độ “nhảm”. Khái quát hơn, hầu như tất cả TVC được Aba tung ra đều được người xem gói gọn trong ba chữ: Nhảm, xàm và nhạt. Nhưng càng nhận được những phản ứng tiêu cực, tần suất được nhắc đến trên các diễn đàn xã hội của loạt quảng cáo này càng cao. Phải chăng đằng sau những đoạn TVC “xàm xí” đó là những tính toán mang tính chiến thuật của Aba? 

1. Thu hút dư luận bằng nội dung gây tranh cãi

Những đoạn quảng cáo trên TV với nội dung có phần “vô duyên” và “không liên quan lắm” đến sản phẩm” của bột giặt Aba đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ người xem. “TVC xàm nhất Vịnh Bắc Bộ” hay “Xem quảng cáo chỉ muốn chuyển kênh” là một trong số những phản ứng tiêu cực mà TVC của Aba gặp phải khi lên sóng. Nhưng không thể phủ nhận rằng, mọi người càng chỉ trích độ “nhạt” của những TVC này, thì lượt truy cập của nó trên Youtube ngày càng tăng. Và mỗi khi Aba tung ra một TVC mới, mọi người lại “háo hức” tìm xem để “bớt lông tìm vết” liệu TVC lần này “nhảm” đến mức nào. Điều này khá dễ hiểu khi nhìn vào tâm lý chung của con người: Tò mò với những thứ lạ và đang gây bàn luận.

Như vậy, Aba đã thành công trong việc tăng mức độ nhận biết thương hiệu bằng cách sử dụng “hiệu ứng đám đông” để tạo nên các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Liệu cách thức thu hút dư luận này của Aba có tương đồng với cơn sốt quảng cáo “Điện máy xanh” năm ngoái, khi chuỗi điện máy này sử dụng những đoạn TVC lạ và ám ảnh để đưa tên thương hiệu vào tâm trí khách hàng?

2. TVC khá “quê” nhưng thân thuộc với khách hàng mục tiêu

Không lựa chọn bối cảnh gia đình trẻ với cuộc sống hiện đại như nhiều nhãn hàng bột giặt khác, TVC của Aba lại khai thác những tình huống bình dị và gắn liền với cuộc sống đời thường người dân vùng nông thôn: Đám cưới sông nước miền tây, chợ cá,…..Vì vậy, dù nội dung khá sơ sài và không có thông điệp ý nghĩa nào nhưng TVC vẫn thu hút sự chú ý của người dân địa phương do tính giải trí cao và đem đến cho họ một cảm giác thân quen khi xem. Điều này cũng phần nào lý giải nguyên nhân Aba “ thắng thế” tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long khi chiếm tới gần 18% thị phần, chỉ sau nhãn hàng Omo của Unilever.

3. Thông điệp thiếu tính “nghệ thuật” nhưng rõ ràng


Nếu như Omo hay Tide thường “gián tiếp” lồng ghép hình ảnh thương hiệu qua những thông điệp mang tính giáo dục thì Aba lại “lộ liễu” đưa ra những “tuyên ngôn” đầy tự tin về sản phẩm như: “Aba đúng hiệu đang sài” hay “Aba mọi người biết nhiều rồi” qua lời thoại trực tiếp của nhân vật. Qua đó, Aba muốn khẳng định một thông điệp: Aba luôn là lựa chọn hàng đầu của người dân vùng nông thôn. Dù không được đánh giá cao về tính nghệ thuật, song những câu thoại rất “đời” như vậy đã khiến thương hiệu bột giặt này “đi sâu” vào tâm trí người sử dụng một cách nhẹ nhàng và tự nhiên nhất.

Phải chăng người xem đang bị thu hút bởi những TVC “độc, lạ, nhảm” hơn là những TVC mang tính giáo dục thông thường? Và trong tương lai, những TVC với yếu tố “xàm” như của Aba hay Điện máy xanh sẽ “lên ngôi” và chiếm lĩnh thị trường quảng cáo?

(Nguồn ảnh: botgiataba.com)

 

 

Tagged: