E-commerce bùng nổ, lối đi nào cho các shop thời trang truyền thống (physical store)? – Case study thương hiệu thời trang Coolmate

marketing foundation

Tomorrow Marketers –  Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng mua sắm online của người tiêu dùng đã tăng trưởng vượt bậc. Theo Statista, vào năm 2022, doanh số bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu ước tính vượt đến hơn 5,7 nghìn tỷ USD. Còn riêng tại thị trường Việt Nam, theo VECOM, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu người, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Sự phát triển này dấy lên nhiều nhận định cho rằng khi thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đến một ngưỡng nào đó sẽ “khai tử” mô hình cửa hàng truyền thống.          

Liệu có lối đi nào dành cho các shop thời trang truyền thống? Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua bài viết sau nhé.  

Sự phát triển của TMĐT “chắp cánh” cho những thương hiệu thời trang vừa và nhỏ 

Theo Statista, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành thương mại điện tử thời trang dự kiến tăng 14,2% từ năm 2017 đến năm 2025. CAGR dự kiến sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2025. Riêng tại thị trường Việt Nam, lĩnh vực thời trang đang là trụ cột chính của ngành TMĐT.   

Những loại hình hàng hóa được mua phổ biến trên sàn thương mại điện tử (Nguồn: Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022)

Điều gì đã khiến TMĐT trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp thời trang vừa và nhỏ đến vậy?

  • Để chen chân vào thị trường truyền thống với các đơn vị lớn hiện tại là không dễ dàng: Một thương hiệu nếu muốn mở cửa hàng truyền thống sẽ cần khoản đầu tư lớn cho chi phí mặt bằng, trang trí cửa hàng, quản trị nhân viên, xây dựng thương hiệu để thu hút khách hàng,… trong khi hình thức phân phối qua các kênh TMĐT tối ưu hơn, cắt giảm được nhiều khâu trung gian.   
  • Không giới hạn không gian trưng bày: Trong cửa hàng truyền thống, việc trưng bày sản phẩm thường bị giới hạn bởi không gian. Thương hiệu chỉ có thể chọn số lượng sản phẩm nhất định, và phải là những sản phẩm quan trọng nhất. Tuy nhiên, với shop online, họ có thể bật hiển thị tất cả sản phẩm lên trang web nếu còn hàng tồn trong kho, và phân loại hàng hóa theo danh mục: Sản phẩm mới, sản phẩm bán chạy,… Việc hiển thị tất cả sản phẩm kèm những pop-up ưu đãi hấp dẫn sẽ giúp tăng giá trị đơn hàng trong một lần mua.  
  • Mở rộng phạm vi kinh doanh, dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn: Nhờ vào các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada,… Các doanh nghiệp có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian như mô hình kinh doanh truyền thống. 

Sự bùng nổ của TMĐT liệu có đặt dấu chấm hết cho các cửa hàng thời trang truyền thống? 

Sự phát triển của TMĐT cùng với mô hình kinh doanh online kéo theo hệ lụy các cửa hàng truyền thống bị đóng cửa hàng loạt trên diện rộng. Nhiều chuyên gia bán lẻ dự đoán sự trỗi dậy này sẽ đặt dấu chấm hết cho các cửa hàng truyền thống khi khoảng 50.000 (5,7%) cửa hàng ở Hoa Kỳ được dự báo sẽ đóng cửa vào năm 2026, trong khi doanh số bán hàng trực tuyến dự kiến sẽ tăng 50%. 

Điều này khiến các thương hiệu trên toàn thế giới khẩn trương chuyển hướng nỗ lực đưa cửa hàng của mình lên sàn TMĐT khi họ đặt câu hỏi về giá trị mà hệ thống bán lẻ truyền thống có được trong một thế giới hậu đại dịch.   

Trên thực tế, giữa hai mô hình kinh doanh này, mỗi mô hình đều sẽ có ưu nhược điểm riêng. Tuỳ theo ngành hàng, tính chất doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình lối kinh doanh phù hợp nhất.   

Vậy những phân khúc nào nên tiếp tục đi theo mô hình kinh doanh truyền thống? 

Mặc dù E-commerce phát triển rất mạnh kể từ sau đại dịch nhưng nó vẫn không thể đánh bại giá trị của các cửa hàng truyền thống, đặc biệt đối với thị trường thời trang xa xỉ. Bởi thương mại điện tử đã tước đi khía cạnh quan trọng nhất – đó là sự trải nghiệm về mặt cảm xúc – điều chỉ có thể tìm thấy tại những flagship/concept store của hãng.  

Trong cuốn “The Luxury Strategy”, tác giả JN Kapferer và V.Bastien đã chỉ ra rằng việc kinh doanh trên sàn TMĐT đi kèm với các yếu tố như: tính tức thời, chương trình giảm giá, tự động hóa dịch vụ, khả năng tiếp cận. Những yếu tố này trái ngược hẳn so với ba đặc trưng của ngành thời trang xa xỉ: Độ nhận biết (Awareness), Tính sở hữu (Ownership), và Sự khao khát (Desirability). Họ luôn muốn khách hàng phải nỗ lực để có thể sở hữu món đồ yêu thích. Trong khi các nhà bán lẻ muốn bán được thật nhiều hàng, thương hiệu xa xỉ lại cho rằng bán quá nhiều đồng nghĩa món đồ càng ít tính độc quyền.

Đó là một phần lý do các thương hiệu xa xỉ không thực sự đẩy mạnh mảng bán hàng online. Họ không cho rằng kênh thương mại điện tử có thể thay thế được cửa hàng truyền thống. 

Giá trị thương hiệu và mô hình tăng trưởng thương hiệu là những nội dung được hướng dẫn chi tiết trong khóa học Brand Development của Tomorrow Marketers. Tham gia khóa học để được tiếp cận bài bản những kiến thức về thương hiệu.  

Cách các thương hiệu thời trang xa xỉ duy trì cửa hàng thời trang truyền thống 

Đối với phân khúc thị trường thời trang cao cấp duy trì các cửa hàng thời trang truyền thống cần lưu ý những yếu tố sau: 

Giá trị trải nghiệm qua những “cuộc phiêu lưu” tại cửa hàng

Để khách hàng cảm nhận được độ sang trọng và xa hoa, các thương hiệu cao cấp luôn đầu tư vào những cửa hàng flagship/concept store với trải nghiệm vượt bậc. 

Từ thiết kế mang tính nghệ thuật cao, có dấu ấn riêng, trải nghiệm không gian khác lạ cho đến dịch vụ đẳng cấp đều được các hãng rót vốn đầu tư. Đây chính là nơi các thương hiệu trình diễn sự xa xỉ, và kết nối khách hàng với những giá trị cao cấp vô hình của mình. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm, mà còn mua trải nghiệm.  

Chẳng hạn, cửa hàng flagship 30 Montaigne ở Paris của Dior đã thiết kế riêng cho không gian gần 10.000 m2 của mình cả một bảo tàng tranh, không gian nội thất, quán cafe để khách hàng đắm mình trong thương hiệu và có trải nghiệm thư giãn tốt nhất. Dior cũng rất chịu khó đầu tư vào trải nghiệm ‘xa xỉ’ khi khách hàng VIP luôn được chào đón bằng rượu vang hoặc champagne sang trọng với những bộ quần áo được chuẩn bị sẵn theo kích cỡ tại không gian salon khép kín. Còn Chanel thì tiếp tục nâng tầm trải nghiệm mua sắm của khách hàng VIP lên một tầm cao mới khi mở cửa hàng riêng để phục vụ những khách hàng thân thiết.

Chính những đặc trưng quan trọng này mà các thương hiệu cao cấp tạo dựng được giá trị xa hoa và sự thèm khát trong mắt khách hàng, để từ đó hợp lý hóa tính xa xỉ của mình.  

Địa điểm là một yếu tố quyết định

Đối với thị trường thời trang xa xỉ, địa điểm là yếu tố tạo dựng hình ảnh về sự sang trọng và đẳng cấp, phân biệt giữa hàng thời trang cao cấp và những hãng thời trang giá rẻ bình dân. Ví dụ bạn sẽ không thể tìm thấy bất kỳ cửa hàng cao cấp như Louis Vuitton hay Chanel tại phố Chùa Bộc hay Phạm Ngọc Thạch. 

Thông thường, các flagship store đều được đặt ở các thủ đô hoặc thành phố giao thương chủ chốt của một nước. Trong khi Ralph Lauren mua lại tòa nhà Rhinelander hoa lệ của giới quý tộc để đặt cửa hàng flagship thì Prada đầu tư xây dựng hẳn một khối kiến trúc hình học hiện đại ngay giữa lòng Tokyo. Những khu mua sắm lừng danh này làm tăng thêm cảm giác độc quyền cho những nhãn hiệu thời trang cao cấp tọa lạc tại đó.       

Mặc dù các thương hiệu xa xỉ nên hiện diện ở những vị trí đắc địa để phản ánh vị thế của họ, nhưng cũng cần chú ý đến việc mở rộng cửa hàng một cách vội vàng tại cùng một địa điểm để tránh việc thương hiệu “bão hòa” quá mức. Ví dụ, thương hiệu Coach mở đến hơn 100 cửa hàng tại Nhật Bản. Chiến lược này đảm bảo mang lại doanh thu bán hàng cao, nhưng nó sẽ làm giảm đi giá trị khan hiếm của sản phẩm.    

Đọc thêm: Xây dựng thương hiệu ngành hàng thời trang – Case study Zara định vị “xa xỉ” xứng tầm Channel và Louis Vuitton

Còn những thương hiệu thời trang vừa và nhỏ làm thế nào để duy trì nhận diện trên e-commerce? 

Trong bối cảnh ngày càng nhiều hãng thời trang local mở shop trên các sàn TMĐT thì làm thế nào để thương hiệu của mình có thể nổi bật hơn giữa hàng ngàn đối thủ khác?      

Chọn tập khách hàng tốt nhất và xây dựng cho mình định vị rõ ràng

Thị trường nội địa giờ đây có sự cạnh tranh gay gắt hơn cả khi ngày càng có nhiều thương hiệu được thiết lập, với chiến lược tiếp thị giống nhau, và đối tượng khách hàng cũng không có sự khác biệt quá lớn. Còn chưa kể các thương hiệu quốc tế đang gia nhập thị trường ngày càng tăng với số vốn đầu tư khổng lồ. Vì vậy việc chọn cho mình một thị trường ngách và xây dựng cho mình định vị rõ ràng sẽ khiến thương hiệu nổi bật hơn so với các đối thủ trên thị trường. 

Kiến tạo trải nghiệm khách hàng chu đáo

Một trong những hạn chế lớn nhất của kinh doanh online so với mô hình truyền thống đó là khách hàng không thể tận mắt thấy, thử nghiệm sản phẩm trước khi quyết định mua. Do đó việc tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất trên website cực kỳ quan trọng thông qua các yếu tố sau:

  • Tốc độ tải trang: Theo Google, khi trang web tải chậm hơn một giây so với thời gian tải trung bình, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng có thể giảm đến 20%. Vì người dùng luôn muốn tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng. Nếu trang web tải chậm, họ có thể chuyển sang các trang web khác có sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự với tốc độ tải nhanh hơn.
  • Chính sách đổi trả hàng: Theo UPS, 66% khách hàng trực tuyến sẽ xem chính sách đổi trả hàng trước khi quyết định mua hàng từ một doanh nghiệp. Nếu chính sách đổi trả hàng rõ ràng và công bằng, khách hàng sẽ yên tâm hơn khi mua hàng trực tuyến, từ đó tăng khả năng chuyển đổi từ lượt truy cập thành đơn hàng thành công.

Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Giữa một thị trường đầy cạnh tranh trên sàn TMĐT, người tiêu dùng có trong tay hàng tá lựa chọn thì thương hiệu chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua hàng. 

Những người không có nhiều hiểu biết về ngành hàng họ sẽ chỉ nhớ vài cái tên khi phát sinh nhu cầu. Chẳng hạn, nam giới thường không đi mua đồ quá thường xuyên, khi có nhu cầu mua chiếc áo basic có thể sử dụng trong nhiều dịp đi làm, đi chơi thì bạn đó sẽ nhớ tới một số thương hiệu như Coolmate, Uniqlo,…  Nếu không xây dựng thương hiệu, khách hàng sẽ không nhớ tới doanh nghiệp là ai, chỉ nhớ đúng cái tên Shopee/ Lazada. 

Bên cạnh đó, nếu không có thương hiệu sẽ không có tích lũy. Bạn sẽ phải liên tục giảm giá mạnh trên sàn để không bị mất khách vào tay đối thủ.  

Xây dựng thương hiệu trong giai đoạn đầu không cần quá cầu kỳ mà chỉ cần chọn ra những đặc tính thương hiệu quan trọng nhất và giúp khách hàng nhớ tới các thuộc tính này thông qua hệ thống kênh truyền thông và nội dung. 

Đọc thêm: Tại sao doanh nghiệp khó tăng trưởng nếu không có thương hiệu? 

Như vậy, dù không thể ‘đấu’ với các thương hiệu lớn về chi phí mở cửa hàng, các doanh nghiệp SMEs và Start-up vẫn có thể tìm cho mình đường sống bằng cách đầu tư vào shop online với trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Ngoài ra để nhãn hàng nổi bật hơn hàng ngàn shop khác trên sàn, thay vì bán tràn lan, thương hiệu nên chọn cho mình một tệp khách hàng cụ thể, từ đó trung thành với một định hướng sản phẩm và thương hiệu nhất định. 

Case study: Cách Coolmate tận dụng  “người khổng lồ” thương mại điện tử (TMĐT) để giảm thiểu chi phí, từ một start-up thành một doanh nghiệp trị giá 500 tỷ đồng    

Bối cảnh thị trường

Theo báo cáo của Euromonitor, ý thức về ngoại hình của người tiêu dùng nam ngày càng cao, thúc đẩy hứng thú của họ đến các hãng quần áo nam. Nhận thức được nhu cầu này, rất nhiều thương hiệu lớn như Zara, Leivs’s, An Phuoc Garment, Viettien,… vào thời điểm Coolmate ra mắt năm 2019. 

Báo cáo thị trường ngành thời trang năm 2019 của Euromonitor, tổng hợp bởi Tomorrow Marketer 

Đặc điểm chung của các hãng thời trang nam có thương hiệu mạnh lúc bấy giờ thường hướng đến phong cách lịch lãm, quý phái và hướng tới tập khách hàng có thu nhập tầm trung trở lên.

Ví dụ: Thương hiệu Viettien là sự chuẩn mực của thời trang công sở nam với sơ mi, quần âu. Thương hiệu An Phước thì nổi tiếng với dòng sản phẩm đồ vest, cà vạt,… với kiểu dáng thanh lịch, tinh tế. Còn những thương hiệu như Zara, H&M hướng hẳn đến tập khách hàng cận cao cấp trở lên, sẵn sàng chi tiền như một cách để thể hiện địa vị của mình. 

Lựa chọn thị trường ngách để tấn công

Khai thác phân khúc giá rẻ

Có thể thấy, thị trường thời trang nam năm 2019 đang chứng kiến sự bùng nổ trong cung và cầu. Tuy nhiên, mặc cho sự đa dạng của các thương hiệu trong và ngoài nước, nhu cầu mua những sản phẩm basic với mức giá thấp tầm 200K đổ xuống vẫn rất cao – điều rất khó tìm ở những thương hiệu thời trang nam thời bấy giờ. Đó là lý do các sản phẩm không có nhãn mác, hàng giả hàng nhái vẫn tràn lan tại thị trường Việt Nam (từ chợ truyền thống, bán hàng rong cho đến shop nhỏ trên sàn TMĐT) với giá cả rẻ hơn. 

Từ đây, Coolmate đã nhận thấy cơ hội tiềm năng, nếu có nhãn hàng giá rẻ nào có sản phẩm chất lượng và xây dựng được thương hiệu tốt sẽ có thể khai phá phân khúc đang nhiễu loạn và không có người dẫn dắt này.      

Lựa chọn mô hình kinh doanh D2C

Vào thời điểm 2019, các hãng thời trang nam dù đã dịch chuyển dần sang kênh online nhưng họ vẫn coi việc phát triển mô hình kinh doanh truyền thống là chiến lược kinh doanh chính. Như Viettien đã phủ sóng hơn 300 cửa hàng tại các tỉnh thành trên cả nước, còn theo báo cáo của Owen, vào năm 2019, họ đã có hơn 200 cửa hàng tại Việt Nam. Vì vậy việc chen chân vào thị trường truyền thống với các đơn vị lớn hiện tại là không dễ dàng đối với các công ty vừa và nhỏ. Thay vào đó, nếu Coolmate đi theo mô hình kinh doanh D2C sẽ an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều.              

Với mô hình này, Coolmate sẽ làm chủ chuỗi cung ứng sản phẩm: sản xuất, vận hành và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Coolmate sẽ tối ưu được quảng cáo để dành phần đầu tư cho nguyên liệu và khâu sản xuất, không phải liên tục cắt giảm giá vốn để bù chi phí cứng như mô hình truyền thống.

Coolmate cũng nghiên cứu rất kỹ thị trường và phát hiện ra nếu đi theo mô hình bán hàng online, thời trang nữ sẽ không hiệu quả vì phụ nữ cần đến cửa hàng để ngắm, thử đồ. Trong khi đó nam giới lại rất ngại việc đi từ cửa hàng này sang cửa hàng sang để thử đồ. Họ sẽ rất hài lòng nếu món đồ mua online đảm bảo về chất lượng, kích thước, nếu không vừa có thể đổi, trả thoải mái.  

Vì vậy Coolmate đã hướng đến việc xây dựng thương hiệu thời trang online dành riêng cho nam giới độ tuổi 18-34, với những món đồ được thiết kế cơ bản, chủ yếu tập trung vào công nghệ sản xuất, mang lại sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng. 

Mô hình kinh doanh khác biệt biến Coolmate từ một nhà kho 20m2 đến công ty định giá 5 triệu đô

Mô hình D2C đã tạo ra “một cuộc chơi mới” về gia tăng trải nghiệm đồng nhất đến khách hàng cũng như tăng khả năng cạnh tranh giữa các đối thủ trên thị trường. Ở đó, doanh nghiệp nào có sản phẩm, dịch vụ tốt, kiểm soát hoạt động kinh doanh hiệu quả và đặc biệt là mang đến trải nghiệm tiêu dùng hoàn hảo cho khách hàng, doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế nhất định và phát triển lâu dài. Và Coolmate đã thắng đậm cuộc chơi này với ba yếu tố: 

Sản phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng

Các sản phẩm của Coolmate từ khâu dệt vải, nhuộm vải, cắt may, hoàn thiện đều được thực hiện trong những nhà máy sản xuất địa phương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bởi những bàn tay khéo léo với cái tâm mang đến những sản phẩm được gắn nhãn “Tự hào sản xuất tại Việt Nam”.

Coolmate lựa chọn chất liệu 100% cotton cho hầu hết sản phẩm của mình, bởi sự ưa thích chất vải này của người tiêu dùng, cũng như phù hợp với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam. Với sự lựa chọn này, sản phẩm tại Coolmate luôn mang đến sự thoải mái và thông thoáng trong mọi hoạt động của cánh mày râu.

Và với lợi thế của mô hình D2C là phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng mà không phải thông phải thông qua bất kỳ bên thứ ba nào, Coolmate có thể cung cấp sản phẩm với giá thành cực kỳ phải chăng mà vẫn đảm bảo chất lượng. 

Dịch vụ chăm sóc khách hàng vượt trội

Với giá trị cốt lõi “tất cả là vì khách hàng”, Coolmate luôn cố gắng mang đến chính sách cam kết tối ưu nhất: 

  • Trong 60 ngày kể từ ngày mua hàng, khách hàng có thể đổi trả mọi sản phẩm dù bất cứ lý do gì. Khi đổi hàng sẽ có người đến tận nơi để lấy hàng và đổi tại nhà. Thậm chí Coolmate còn thường xuyên gửi sản phẩm mới cho khách hàng trước khi thu hồi sản phẩm cũ về. 
  • Cam kết hài lòng khách hàng 100% được cụ thể hóa bằng 11 cam kết trên website.

Theo CEO Coolmate, một chính sách đủ mạnh mẽ như vậy mới có thể giải quyết tâm lý ngại mua hàng online của người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực thời trang nam.

Ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành D2C

Nhận thức được tầm quan trọng của website, ngay từ những ngày đầu Coolmate đã tập trung chi phí cho đội ngũ lập trình viên riêng để vận hành hệ thống doanh nghiệp. Điều này cho phép thiết lập các tính năng mà chỉ Coolmate mới có như chọn size thông minh. Để giúp khách hàng mua online chọn size chuẩn xác hơn, Coolmate đồng bộ hoá bảng size của mình. Nếu khách hàng đã mua một sản phẩm của Coolmate, các sản phẩm gợi ý khác cũng sẽ cùng size với món đồ trước đó. Khách hàng chỉ cần lấy số đo của một món đồ cơ bản tương tự có sẵn trong tủ đồ để đối chiếu với bảng size của Coolmate.

Trong quá trình đặt hàng trên website, dù không đăng nhập nhưng thông tin của khách hàng sẽ được lưu lại và tự động điền cho lần mua sau. Đồng thời, các thao tác thanh toán cũng mượt mà hơn. Còn với những thương hiệu khác, dù khách hàng đã từng mua online nhưng website không lưu thông tin, khiến họ phải điền lại mỗi lần mua. Cuối cùng, khi đã hoàn tất việc mua hàng, quy trình thanh toán chậm, hay những lỗi như e-mail xác nhận rơi vào mục spam cũng tạo ra những trải nghiệm không tốt đối với khách hàng.

Đặc biệt, so với nhiều trang mua sắm khác Coolmate cũng nổi trội hơn khi sử dụng điện thoại di động, cửa sổ chat của Coolmate nằm ngay trong website, trong khi việc giao tiếp của khách hàng của nhiều trang bán hàng khác lại phải thông qua Messenger, nằm ngoài website.

Mô hình tốt là không đủ, hãy truyền thông cho cả thế giới biết 

Coolmate đi theo chiến lược truyền thông 100% online, bao gồm: Performance Ads, Social Media Engagement, Inbound Marketing, và Influencer Marketing. Là start-up nên thương hiệu chưa có nhiều chi phí marketing, nên thay vì đánh dàn trải các kênh Coolmate đã chọn KOLs làm kênh chính để thực thi đủ chuyên sâu và chất lượng. Bởi theo như nghiên cứu từ Hofstede Insights cho thấy Việt Nam vẫn nặng về văn hóa cộng đồng, do đó KOLs đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. 

Coolmate đã có bước đi khôn ngoan là ngay từ khi ra mắt đã tập trung làm truyền thông thương hiệu bằng hình thức video YouTube mở hộp, đánh giá sản phẩm, bởi vì: 

  • Theo số liệu từ công ty dữ liệu OpenSlate, nam giới chiếm quá bán thời lượng theo dõi video trên Youtube. 
  • Năm 2019, trên Youtube nổi lên xu hướng làm video unbox và đánh giá đồ công nghệ. Không bỏ lỡ cơ hội, đội ngũ Coolmate đã nghĩ ra kiểu bao bì hộp giấy kín phủ nhựa với thiết kế nắp gài trông như hộp đồ công nghệ, sau đó đem gửi các YouTuber làm video mở hộp và đánh giá sản phẩm bên trong. Vì thế mà những video đầu tiên unbox đồ may mặc trên mạng xã hội đều là của Coolmate. 
  • Vào thời điểm Coolmate ra mắt, chi phí thuê KOL quảng cáo trên YouTube còn khá thấp, dao động vài triệu đồng, thậm chí có thể đổi bằng sản phẩm. Coolmate chạy chương trình ba năm qua có hơn 200 video với chỉ khoảng 500 triệu đồng, trung bình 2,5 triệu/video. Chiến lược tiếp thị khôn ngoan đã giúp Coolmate xuất hiện trên kênh của hàng trăm YouTuber, chủ yếu thuộc chủ đề công nghệ và phong cách sống. Trong số đó có những cái tên với hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt theo dõi, như Lạ Sneaker, Dương Dê, Tân Một Cú, Schannel…
  • Đặc biệt, năm 2020 Coolmate hợp tác với JVevermind – “ngôi sao” thuộc thế hệ YouTuber đầu tiên tại Việt Nam. Video đánh giá sản phẩm Coolmate cũng là video quảng cáo đầu tiên KOLs thực hiện trên kênh của mình khi trở lại vai trò một YouTuber sau nhiều năm tạm vắng bóng. Ngay khi video được đăng tải, website của Coolmate đã sập vì quá tải đơn hàng. 

Chiến lược sử dụng YouTuber KOL thành công cũng giúp thương hiệu Coolmate được lan toả rộng rãi. 

Chiến lược sử dụng Youtuber KOLs của Coolmate là dựa trên hiệu ứng tâm lý Social Proof (bằng chứng xã hội). Social Proof là hiện tượng tâm lý mà con người có xu hướng dựa vào hành động và phản ứng của người khác để xác định hành vi của chính mình, đặc biệt trong những tình huống không chắc chắn hoặc khi họ không có đủ thông tin. Khi mọi người thấy người khác, đặc biệt là những người có uy tín và ảnh hưởng (KOLs), sử dụng và ủng hộ một sản phẩm, họ có xu hướng tin rằng sản phẩm đó đáng tin cậy và có giá trị.

Khóa học Consumer Psychology for Brand Strategy trang bị kiến thức chuyên sâu về tâm lý học hành vi để làm mới chiến lược thương hiệu, chinh phục tâm trí và điều hướng hành vi người tiêu dùng. Phát triển thương hiệu vốn là một quá trình không hề dễ dàng, bắt đầu từ ngay hôm nay với khóa học Consumer Psychology For Brand Strategy

Kết quả

Chiến lược kinh doanh khôn ngoan cùng với việc gia nhập thị trường đúng thời điểm nóng của thương mại điện tử Việt Nam khi các doanh nghiệp dẫn đầu đang dồn sức quảng bá và thu hút khách hàng mua sắm trực tuyến, Coolmate đã và đang từng bước khẳng định hướng đi mà mình chọn là đúng đắn: Tốc độ tăng trưởng hàng tháng luôn ổn định ở mức 20-30% kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19; xây dựng thành công 2 trung tâm vận hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có thể hoàn thành đơn hàng nội thành trong vòng 24 tiếng; và sau 4 năm hoạt động, năm 2022, startup này đã đạt doanh thu gần 290 tỷ đồng với 530.000 khách hàng và hơn 1 triệu đơn hàng được giao thành công. Riêng website đạt mức 1,5 triệu lượt truy cập một tháng. 

Tạm kết 

Giữa hai mô hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và mở cửa hàng truyền thống, mỗi mô hình đều sẽ có ưu nhược điểm riêng. Tuỳ theo ngành hàng, tính chất doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình lối kinh doanh phù hợp nhất. Nhưng dù lựa chọn mô hình kinh doanh nào thì thương hiệu vẫn là điều quan trọng để doanh nghiệp có thể tăng trưởng bền vững. Có thương hiệu mạnh thì doanh nghiệp mới không bị phụ thuộc vào việc chạy quảng cáo cũng như các chương trình giảm giá thời vụ để thu hút khách hàng. 

Nếu bạn đang tìm kiếm kế hoạch xây dựng thương hiệu phù hợp và hiệu quả cao cho doanh nghiệp mình, tham khảo khóa học Brand Development tại Tomorrow Marketers. Nội dung khóa học được xây dựng theo nhu cầu làm branding ở mỗi giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp, nên dù ở công ty nhỏ hay công ty lớn đều có thể áp dụng, tránh tình trạng áp dụng mô hình của brand lớn nhưng sai cách. 

khóa học xây dựng thương hiệu
Tagged: