Microsoft – Từ gã khổng lồ lạc hậu đến người dẫn đường vào tương lai

marketing foundation

Tomorrow Marketers Vào một ngày cuối cùng của tháng 11, sau cả thập kỷ bị mang danh là “đống phần cứng” trì trệ, cuối cùng Microsoft cũng ngạo nghễ qua mặt Apple, vươn mình trở thành công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Có lẽ trong tiềm thức của những tín đồ hi-tech đời đầu, hiếm có cái tên nào ấn tượng hơn Microsoft. Với con người thời ấy, máy tính là cả thế giới kỳ diệu còn Bill Gates thì như một người hùng. Ngày 24/8/1995, nước Mỹ từng có một đêm không ngủ khi Bill Gates chính thức ra mắt hệ điều hành windows 95, đánh dấu bước nhảy vọt của tập đoàn lừng danh này. Báo chí ghi nhận cảnh hàng ngàn người dân Mỹ xếp hàng từ lúc nửa đêm chỉ để trở thành người đầu tiên cầm trong tay hệ điều hành mới nhất của Microsoft – điều mà mãi sau này iPhone của Apple mới làm được.

Gã khổng lồ ngã quỵ trên đỉnh vinh quang

Nhưng rồi cũng chính trên đỉnh cao danh vọng ấy, Microsoft đã có những bước trượt dài. Dưới thời của vị CEO thứ 2 – Steve Ballmer, thương hiệu từng một thời khiến triệu con tim yêu công nghệ thổn thức, nay chỉ còn là “đống phần cứng” chậm chạp, cố níu giữ ánh hào quang của quá khứ mà bỏ lỡ hàng loạt cuộc cách mạng quan trọng nhất thế giới. Để rồi khi Apple – cái tên từng được Bill Gates cứu giúp khi xưa, bất ngờ hồi sinh mạnh mẽ trở thành cái tên mới đại diện cho sân chơi công nghệ, người ta mới đau xót nhận ra “Microsoft hết thời thật rồi!”.

Năm 2010, Microsoft lần đầu tiên bị Apple cho “hít khói” bằng chính ý tưởng “tablet” của mình từ gần 1 thập kỷ trước đó. Kể từ đó đến nay, trong khi Apple vẫn không ngừng đổi mới sáng tạo với 3 cuộc cách mạng phần cứng liên tiếp iPod, iPhone, iPad thì Microsoft vẫn đắm chìm trong mớ hỗn độn cồng kềnh mang tên windows. Bên cạnh đó, việc ra đời của hàng loạt “tay chơi mới” trong lĩnh vực Internet như Google, Chrome hay những “thế giới số” thu nhỏ trên Amazon, Facebook tình cờ biến Microsoft chỉ còn là “kẻ khổng lồ” cục mịch lẽo đẽo theo sau.

  • 2006: ra mắt máy nghe nhạc Zune, cạnh tranh với iPod của Apple
  • 2009: ra mắt công cụ tìm kiếm Bing, cạnh tranh với Google
  • 2010: ra mắt window phone, cạnh tranh với iPhone
  • 2012: ra mắt Surface tablet, cạnh tranh với iPad

Cuộc cải tổ lịch sử mang tên “Satya Nadella”

Nếu được hỏi “có ai đó đủ năng lực để giải quyết những nước cờ sai lầm trị giá hàng tỷ đô của vị CEO Steve Ballmer” thì câu trả lời chỉ có thể là Satya Nadella – vị CEO thứ 3 của Microsoft.

Khác với lối suy nghĩ tiếp tục khai thác thị trường phát triển cho hệ điều hành windows vốn đã lạc hậu từ lâu, Nadella đưa Microsoft vươn lên với một bài toán kinh doanh mới: đám mây và doanh nghiệp.

1. Rút khỏi đường đua smartphone vốn đã thất bại từ khi bắt đầu

2013, cả thế giới vẫn còn nhớ khoảnh khắc “gã khổng lồ” Nokia ngã xuống, nằm gọn trong tay Microsoft. Lúc đó, Ballmer đã hùng hồn tuyên bố, Microsoft sẽ nhấn chìm thị trường smartphone của Apple. Nhưng chưa đầy 2 năm sau đó, Nadella đành thay mặt vị CEO tiền nhiệm từ bỏ tương lai ấy ảm đạm ấy, đồng thời sa thải 7.800 nhân công, tái thiết lập lại bộ máy và quy chế vận hành của Microsoft.

Không còn “bán sống” cạnh tranh cùng kẻ dẫn đầu điện thoại thông minh như Apple, Samsung hay Google. Thay vào đó, Microsoft tập trung vào phát triển app và các phần mềm cho khách hàng doanh nghiệp, nổi bật là ứng dụng “điện toán đám mây”. Trong quá trình ấy, Microsoft tiến hành mua lại LinkedIn (2016), mạng xã hội dành cho doanh nghiệp với giá 26.2 tỷ đô, đồng thời xây dựng hệ sinh thái Microsoft 365, mở đường cho thời kỳ kết chuyển mạng lưới internet với đám mây lưu trữ khổng lồ.

2. Hồi sinh trên chính nền tảng của đối thủ

Để giải thích cho sự tăng trưởng đầy ngoạn mục của Microsoft, ta sẽ xét về tầm nhìn chiến lược ngắn hạn và dài hạn của Nadella. Khi mới lên nắm vị trí CEO (2014), Nadella đã đi nước cờ chiến lược hơn các đối thủ khác khi giảm bớt thị phần trong giới công nghệ, tạo các khoảng trống giúp Microsoft phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Có lẽ trong ngắn hạn, Apple đã làm rất tốt khi ra mắt liên tiếp những mẫu iPhone mới thu hút hàng tỷ fan hâm mộ. Nhưng trong tương lai, liệu người ta có còn hứng thú dùng iPhone nữa không vẫn còn là một dấu hỏi chấm. Trên thực tế, lượng iPhone bán ra đang có xu hướng giảm. Tương tự, Facebook và Google cũng đang bị các nhà đầu tư và người dùng cáo buộc lơ là bảo mật và chỉ biết “tấn công” họ bằng những quảng cáo ngu ngốc mỗi ngày.

Thật may là Nadella đã nhìn ra điều đó, Microsft quyết định rút khỏi đường đua smartphone đã bão hòa để quay trở về sứ mệnh gốc rễ của mình “nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp”. Và kể từ đó, điện toán đám mây ra đời, đưa Microsoft tăng trưởng một chiều ngoạn mục trên chính nền tảng của đối thủ.

Cùng nhìn lại cuộc đua gay gắt giữa Microsoft và Apple trong suốt 23 năm qua:

3. Cuộc đặt cược vào đám mây để hái trái ngọt nơi thiên đường

Ngày nay, người ta dùng smartphone mà chẳng cần windows, mà windows cũng chẳng còn là hệ điều hành số 1 thế giới (Android đã lên ngôi vương lâu lắm rồi). Vậy làm thế nào để Microsoft chen chân vào xã hội công nghệ nhộn nhịp mà mình đã bỏ lỡ gần thập kỷ qua? Bài toán đặt ra là Microsoft cần phát triển một công nghệ hoạt động tốt trên bất kỳ hệ điều hành nào, dù là của Microsoft hay của chính đối thủ.

Điện toán đám mây – cloud computing ra đời cho phép các tài nguyên có thể mở rộng thông qua các mô hình khác nhau. Điều này có nghĩa bạn sẽ chỉ phải chi trả tiền cho các tài nguyên máy tính mà bạn sử dụng thôi, tức là “dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu”. Điều này cực kỳ tiết kiệm ngân sách cho việc ứng phó các nhu cầu đột biến mà không cần đầu tư vĩnh viễn vào phần cứng của máy tính.

Nghe có vẻ hơi xa xôi nhưng thực tế chúng ta lại đang ngày đêm sử dụng “đám mây” mà không hề hay biết. Một ví dụ gần gũi cho ứng dụng “đám mây” chính là công cụ văn phòng Google Drive của Google. Với nền tảng này, tất cả các dữ liệu thông tin được tạo ra sẽ được chuyển về lưu trữ tại “đám mây lớn” mà không cần sao chép trên bất kỳ ổ đĩa hay tệp nội bộ nào. Chỉ cần bạn có một tài khoản, “điện toán đám mây” cho phép bạn làm việc trên các tài liệu, bài thuyết trình hay bảng tính excel ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mà không phải lo lắng nguy cơ đánh mất dữ liệu trong trường hợp máy tính bị đánh cắp, mất hoặc bị hỏng. Bên cạnh đó, công nghệ “đám mây” cũng cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu và cho phép các cá nhân khác làm việc trên cùng một tài liệu tại cùng một thời điểm, gia tăng hiệu suất lao động.

Kẻ cầm chìa khóa mở ra hệ sinh thái tỷ đô

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nổ ra với sự bùng lên mạnh mẽ của những ý tưởng “vô thực” như AI, VR, Big Data khiến các doanh nghiệp nhanh chóng chọn cho mình những hệ sinh thái công nghệ mới. Và chìa khóa quan trọng nhất giúp họ tiến vào con đường ấy lại chính là “điện toán đám mây”. Có ai ngờ được sau từng ấy năm không thèm ngoái nhìn Microsoft, giờ đây Apple lại phải “bám víu” vào “đám mây” thần kỳ để tồn tại mỗi ngày. Chẳng cần bỏ cả núi tiền đầu tư việc phát triển cơ sở hạ tầng để lưu trữ thông tin, không còn cảnh cả trăm ngàn nhân công ngày đêm cập nhật và phân tích dữ liệu. Tất cả nhiệm vụ trên được gói gọn trong “đám mây Microsoft”. Từ thời iPhone 4, dịch vụ “iCloud” của Apple cũng bắt đầu áp dụng cloud-computing cho phép tồn trữ đến 5GB nội dung không tính phí, gia tăng trải nghiệm cho người dùng. Trong quá khứ, Google cũng đã mua Motorola Mobility (công ty chuyên sản xuất máy tính bảng, smartphone và các công cụ khác) với giá 12.5 tỷ USD với mục tiêu cho ra đời hệ sinh thái các công cụ di động mới tốt nhất sử dụng các dịch vụ đám mây. Hay đối thủ sát sao của Microsoft trong lĩnh vực này – Amazon cũng đã xây dựng “hệ sinh thái dựa vào đám mây” (cloud-based ecosystem) để làm cho các nội dung như sách điện tử có sẵn với mọi người trước đó.

Đọc thêm: Tiktok – 3 điều làm nên ứng dụng giải trí hot nhất 2018

Tạm kết

Với “đám mây” thần kỳ mang tên Microsoft”, các doanh nghiệp chỉ cần tập trung phát triển ngành kinh doanh chính của mình. Công ty nông nghiệp chỉ cần nghiên cứu làm thế nào để tăng năng suất cây trồng, ứng dụng xã hội như Uber cũng chỉ cần cố gắng tìm kiếm lái xe mới. Mọi vấn đề về lưu trữ dữ liệu, kết nối, đề xuất cải cách công nghệ cứ để Microsoft lo.

và cứ như thế, một lần nữa, Microsoft lại bước lên đỉnh cao với một hệ điều hành tuy “vô hình” nhưng không hề “vô nghĩa”. Trong thế kỷ 21, “điện toán đám mây” được đánh giá là biểu tượng sáng tạo, là nút reset cho đế chế công nghệ thời kỳ mới. Có thể người ta không còn thấy Microsoft là kẻ dẫn đầu trong cuộc đua “hot hi-tech” nhưng đằng sau mỗi ánh hào quang của Apple, Google, Samsung đều là dấu chân của “gã khổng lồ” xứ Redmond.