Tomorrow Marketers – Mục đích kinh doanh của doanh nghiệp chính là hướng tới tối đa hóa lợi nhuận (profit). Tuy nhiên, các chỉ số đo lường mang tính tuyệt đối – như tổng doanh thu, chi phí kinh doanh hoặc thu nhập – đôi khi sẽ không cung cấp bức tranh rõ ràng và thực tế về khả năng sinh lời và hiệu suất của một doanh nghiệp.
Một số thước đo định lượng khác nhau được sử dụng để tính toán lãi (hoặc lỗ) mà một doanh nghiệp tạo ra, giúp dễ dàng đánh giá hoạt động của doanh nghiệp trong các khoảng thời gian khác nhau hoặc so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Các chỉ số này được gọi là tỷ suất lợi nhuận (profit margin).
1. Profit Margin là gì?
Tỷ suất lợi nhuận (profit margin) là một trong những tỷ suất sinh lời thường được sử dụng để đánh giá mức độ mà một doanh nghiệp đang kiếm tiền, tiết lộ xu hướng tăng trưởng và xác định các chi phí không cần thiết. Nó thể hiện phần trăm doanh thu thuần đã chuyển thành lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí hàng bán, chi phí quản lý, khấu hao, lãi vay, và thuế.
Ví dụ: nếu một doanh nghiệp báo cáo rằng họ đã đạt được tỷ suất lợi nhuận 35% trong quý trước, có nghĩa là doanh nghiệp đó có thu nhập ròng là 0,35 đô la cho mỗi đô la doanh thu được tạo ra.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp thường sẽ có Profit Margin âm trong giai đoạn đầu mới hoạt động, sau đó, khi việc kinh doanh dần có kết quả cải thiện và đạt đến điểm hòa vốn, Profit Margin bắt đầu dương.
Công thức cụ thể của profit margin là:
Tỷ suất lợi nhuận (Profit Margin) = (Tổng doanh thu thuần — Tổng chi phí) / Tổng doanh thu thuần.
Đọc thêm: Revenue (Doanh thu) là gì?
2. Tỷ suất lợi nhuận như nào thì được gọi là “tốt”?
Tỷ suất lợi nhuận có sự khác nhau giữa các ngành hàng và các doanh nghiệp bởi sự khác biệt trong yếu tố kinh tế, đặc thù và môi trường ngành.
Tỷ suất lợi nhuận có sự khác biệt giữa các ngành hàng
Ví dụ: một cửa hàng bánh ngọt có thể có tỷ suất lợi nhuận đạt 21%, trong khi một công ty IT chuyên lắp đặt các mạng máy tính phức tạp cho doanh nghiệp thì có tỷ suất lợi nhuận ròng là 16%. Tuy nhiên điều này không chứng minh rằng cửa hàng bánh ngọt đang làm tốt hơn công ty IT bởi chỉ số này không đo lường số tiền bạn sẽ hoặc có thể kiếm được, mà chỉ là số tiền thực sự kiếm được trên mỗi đô la doanh thu.
Các chuỗi bán lẻ lớn có thể hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do khối lượng bán hàng lớn. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ, độc lập cần tỷ suất lợi nhuận cao hơn để trang trải chi phí và vẫn tạo ra lợi nhuận.
Trong các ngành dịch vụ và sản xuất, tỷ suất lợi nhuận giảm khi doanh số bán hàng tăng lên. Lý do cho điều đó rất đơn giản: Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này có thể đạt tỷ suất lợi nhuận 40% cho đến khi họ đạt doanh thu hàng năm khoảng 300.000$. Đó là khoảng thời gian mà doanh nghiệp phải bắt đầu thuê thêm người. Mỗi nhân viên trong một doanh nghiệp nhỏ sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận.
Dữ liệu của NYU cho thấy có một số ngành công nghiệp hoàn toàn không mang lại lợi nhuận. Ví dụ, một công ty phần mềm dựa trên internet trung bình có tỷ suất lợi nhuận là -5,6%. Khi công việc kinh doanh được thúc đẩy bởi vốn đầu tư mạo hiểm và cổ phiếu, công việc kinh doanh của bạn có thể vẫn tốt đẹp mặc dù thua lỗ trong nhiều năm. Amazon, hiện có giá trị hơn 1,5 nghìn tỷ đô la, từ lúc bắt đầu đã không thu được lợi nhuận đáng kể cho đến năm 2017.
Còn đối với những ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vẫn đang kiếm tiền? Một số ví dụ những ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp bao gồm nhà hàng (5,69%), đồ nội thất gia đình (4,63%), giao thông vận tải (3,88%), nông nghiệp (3,81%) và bán lẻ nói chung (2,79%).
Tỷ suất lợi nhuận cũng có sự khác biệt giữa quy mô và giai đoạn tăng trưởng của một doanh nghiệp
Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận cũng có sự khác biệt giữa quy mô và giai đoạn tăng trưởng của một doanh nghiệp. Ban đầu, khi một công ty nhỏ và đơn giản, tỷ suất lợi nhuận thường đạt ở mức khá ấn tượng. Doanh nghiệp không phải chi trả cho một lực lượng lao động lớn và các chi phí chung đáng kể khác. Nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể sẽ giảm khi mở rộng quy mô và cần phải thuê nhiều người hơn, đầu tư vào cơ sở vật chất lớn hơn và mở rộng danh mục sản phẩm.
Bạn có thể tìm thấy thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tỷ suất lợi nhuận đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh phân theo loại hình doanh nghiệp tại đây.
Bạn cũng có thể tìm thấy thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam về tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh phân theo ngành kinh tế tại đây.
3. Làm thế nào để tăng tỷ suất lợi nhuận
Tìm ra các hoạt động không cần thiết để cắt giảm chi phí
Doanh nghiệp có thể tìm ra những hoạt động có thể cắt giảm chi phí bằng cách luôn phân tích và trả lời các câu hỏi: Liệu doanh nghiệp có đang nhận được ưu đãi tốt nhất về các dịch vụ như Internet, tiền điện,… không? Doanh nghiệp có đang phải trả quá nhiều cho những nguồn cung cấp cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh không? Liệu việc chuyển sang các nhà cung cấp khác có thể đáp ứng nhu cầu của bạn với mức giá thấp hơn không? Doanh nghiệp cũng có thể xem xét việc mở một hạn mức tín dụng linh hoạt để khai thác khi cần thiết nhờ có sẵn tiền mặt dự trữ.
Suy nghĩ về giá bán của bạn
Chi phí tăng dần theo thời gian. Và nền kinh tế thì luôn cần có sự lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù vậy, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn do dự khi tăng giá bởi sợ rằng làm như vậy sẽ khiến khách hàng xa lánh và thậm chí có thể dẫn tới thua lỗ.
Tuy nhiên, một cách dễ dàng để tăng tỷ suất lợi nhuận là tăng giá bán. Nếu nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ không ngừng tăng lên, chi phí kinh doanh tiếp tục tăng theo quy mô, có thể đã đến lúc bạn phải tăng giá.
Loại bỏ các dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận thấp
Một cách khác để cải thiện tỷ suất lợi nhuận của bạn là tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao và ngừng cung cấp những sản phẩm và dịch vụ không mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, đừng vội vàng loại bỏ các sản phẩm/dịch vụ này nếu chưa phân tích kỹ: đó có thể là sản phẩm với vai trò cạnh tranh hoặc bảo vệ thị phần trong xây dựng thương hiệu,…
Thực hiện các chương trình khách hàng thân thiết
Mặc dù khách hàng trung thành có thể chỉ chiếm 15% cơ sở khách hàng, nhưng họ lại có thể mang tới 70% doanh thu của doanh nghiệp. Để đạt được điều này, doanh nghiệp nên thực hiện các chương trình khách hàng thân thiết nhằm tăng doanh thu và thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Đọc thêm: Cách đo lường và tăng giá trị vòng đời khách hàng (Customer Lifetime Value)
Tạm kết
Nói tóm lại, Profit Margin là chỉ số mà các doanh nghiệp mới cần đặc biệt cần chú ý nhằm đánh giá khả năng sinh lời của các hoạt động trong doanh nghiệp. Hãy tham gia khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị những kiến thức kinh doanh và Marketing bài bản giúp tận dụng các thế mạnh triệt để của doanh nghiệp và đề xuất những chiến lược marketing phù hợp nhé!

Nếu bạn mong muốn trau dồi thêm về kỹ năng đọc số, phân tích đánh giá báo cáo nhằm đưa ra quyết định chiến lược, tham gia ngay khóa học Data Analysis của Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết bởi Investopedia và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.